Giải Nobel Hòa bình năm 2018
Ngày đăng: 08/10/2018
Theo Vatican News và baoconggiao.net ngày 7/10, Uỷ ban Giải Nobel của Na Uy đã thông báo Giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2018 được trao cho bác sĩ Denis Mukwege (63 tuổi) và cô Nadia Murad (25 tuổi) “vì những nỗ lực nhằm chấm dứt việc sử dụng bạo lực tình dục làm vũ khí chiến tranh”.

Theo bà Berit Reiss-Andersen, Chủ tịch Uỷ ban Giải Nobel,  Denis Mukwege, bác sĩ phụ khoa người Congo và cô Nadia Murad, người Irak sắc tộc Yazidi, đều đã trải qua những nỗi kinh hoàng của chiến tranh “Denis Mukwege là người đã cống hiến đời mình để bảo vệ các nạn nhân của bạo lực tình dục trong thời chiến. Nadia Murad là nhân chứng thuật lại những hành vi ngược đãi đối với cô và nhiều người khác”.

Nadia Murad bị nhóm thánh chiến tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS) bắt làm nô lệ tình dục vào năm 2014, sáu người anh em và mẹ của cô bị IS giết chết. Từ khi trốn thoát, Nadia Murad đã dũng cảm lên án những hành động tàn bạo đối với phụ nữ. Năm 2016, cô trở thành đại sứ của Liên Hiệp Quốc vì nhân phẩm của các nạn nhân của nạn buôn người, vận động để các cuộc đàn áp chống người Yazidi phải coi là tội diệt chủng.

Tháng 5/2017 cô gặp Giáo hoàng Francis, trong một buổi tiếp kiến chung, cô viết lại “Tôi may mắn được đến một trong những nơi yên bình nhất là Toà thánh; ở đây tôi gặp Giáo hoàng Francis vào buổi tiếp kiến chung thứ Tư hằng tuần, ngày 3 tháng Năm 2017. Tôi cảm nhận sự bình an, hy vọng, lòng khoan dung và thương xót của Giáo hoàng khi được ngài tiếp đón thịnh tình. Điều làm tôi ngạc nhiên là Đức Giáo hoàng biết tôi và việc tôi làm! Điều đó khiến tôi tin rằng ngài đã chúc lành cho sứ mạng của tôi. Tôi cũng đã gặp Tổng Giám mục Gallagher - Bộ trưởng Ngoại giao Toà thánh và Bà Sally Axworthy - Đại sứ Anh tại Tòa thánh. Trong các cuộc gặp gỡ này, tôi xin họ giúp đỡ người Yazidi - vẫn còn bị quân IS vây hãm. Tôi nhìn nhận Vatican luôn trợ giúp người thiểu số, và đã bàn về một khu tự trị cho các dân tộc thiểu số ở Irak, nhấn mạnh tình hình hiện nay và những thách đố đối với các dân tộc thiểu số ở Irak và Syria, nhất là các nạn nhân và những người tản cư ở trong nước cũng như người di dân. Tôi cũng đã nói về chiến dịch quốc tế của mình nhằm đưa nhóm IS ra trước công lý cũng như về tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các dân tộc thiểu số và về tương lai của họ”.
Trong cuốn tự truyện “Tôi sẽ là người cuối cùng”, Nadia Murad viết “Bạn chẳng bao giờ quen được với việc kể lại câu chuyện của mình. Mỗi lần kể là bạn sống lại điều ấy”, nhưng “câu chuyện của tôi, được kể lại cách trung thực và giản dị, là vũ khí hiệu quả nhất mà tôi dùng để chiến đấu chống khủng bố, và tôi có ý định sử dụng vũ khí ấy cho đến khi những tội ác này được đưa ra công lý”, cô quả quyết.

Denis Mukwege, người dấn thân vì hòa bình ở Cộng hòa Dân chủ Congo
Bác sĩ Denis Mukwege, mệnh danh là “người chữa bệnh cho các phụ nữ”. Ông đã thành lập Bệnh viện Panzi để giúp các phụ nữ được hưởng điều kiện tốt nhất khi sinh con, đất nước ngập chìm trong chiến tranh và bệnh viện nhanh chóng trở thành nơi đón nhận hàng ngàn phụ nữ là nạn nhân của các vụ hãm hiếp. Ông kêu gọi các nhà chức trách của đất nước ông và các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới can thiệp đừng để thân xác của phụ nữ trở thành chiến trường. Vừa thương cảm về những hậu quả bi thảm của những vụ hãm hiếp ở trong nước – tàn phá gia đình, xã hội – ông vừa lao vào công việc chữa lành cho các phụ nữ./.

Clth