Đón tết Nowruz với người dân Iran
Ngày đăng: 23/02/2019Nowruz - là một trong những lễ đón năm mới, đánh dấu ngày đầu tiên của mùa xuân và bắt đầu năm mới của người dân Iran gợi nhớ lại thời kỳ xa xưa của xứ sở thần thoại này.
Nghi lễ độc đáo
Từ Nowruz là một từ ghép trong tiếng Ba Tư bao gồm hai từ, “now” có nghĩa là “tươi mới”, còn “ruz” có nghĩa là “ngày” hay “thời gian”. Kết hợp lại, Nowruz có nghĩa đen là “ngày mới”. Lễ Nowruz chính thức bắt đầu vào ngày đầu tiên của mùa xuân, thường là ngày 21/3 và kéo dài đến 13 ngày.
Nowruz cũng là ngày lễ Hỏa giáo và có ý nghĩa quan trọng trong nguồn gốc Hỏa giáo của người Iran hiện nay, nó cũng được tổ chức ở nhiều phần khác tại Trung Á như người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, Afghanistan, Lebanon, Kyrgyzstan…, với ý nghĩa là năm mới. Thời điểm mặt trời đi qua xích đạo địa cầu và cân bằng ngày đêm được tính chính xác hàng năm và các gia đình người Iran khi đó quây quần bên nhau để cử hành các nghi lễ.
Ngày Nowruz rơi vào ngày nào trong tháng sẽ được thông báo bằng một bài hát bởi một ca sĩ đường phố (Hajji Firuz), đó là một người đàn ông trong bộ trang phục đỏ và khuôn mặt bôi màu đen với chiếc trống to đeo trước bụng.
Mỗi gia đình đều trang hoàng một bàn lễ Haft Sin gồm bảy chữ S.
Việc chuẩn bị cho lễ Nowruz bắt đầu vào đầu tháng 3 với lễ gieo hạt giống các loại đậu, lúa mì và lúa mạch, những lương thực chủ đạo ở vùng Trung Đông, để cầu cho một vụ mùa tốt tươi vào thời điểm chuyển giao năm mới, cũng như lễ quét dọn nhà cửa, rửa thảm, sơn lại nhà, quét sân trước và các đồ lễ, bắt nguồn từ quan điểm của Bái Hỏa giáo rằng sự sạch sẽ sẽ giúp đuổi tà ma khỏi nhà.
Sau lễ gieo hạt giống và quét dọn nhà cửa, là lễ mua sắm cho năm mới. Mọi thành viên trong một gia đình Iran sẽ cùng nhau đến hiệu may, đo và cắt những bộ quần áo mới, giày, mũ cũng phải là đồ mới. Thức ăn, các vật trang trí ngày tết, nến và hoa quả cũng sẽ được mua trong thời gian này. Các bà nội trợ Iran khéo léo cũng sẽ làm nhiều loại bánh mì, bánh ngọt, may những bộ quần áo đặc biệt cho con nhỏ chuẩn bị cho ngày lễ lớn. Kết thúc cuộc mua sắm đầu năm, các gia đình sẽ tạt qua ngân hàng để rút một số tiền mang tính tượng trưng gồm những đồng xu hoặc đồng bạc giấy mới tinh, cầu tài cầu lộc.
Các nghi lễ Nowruz chính thức bắt đầu vào buổi tối thứ Tư cuối cùng của năm cũ. Vào đầu giờ tối, pháo hoa sẽ được chuẩn bị và một buổi tiệc đặc biệt: lễ nhảy qua lửa sẽ được cử hành. Những gia đình lớn ngồi quây quần quanh một đống lửa được đốt lên và các thanh niên can đảm nhất nhảy qua đống lửa đó, thay cho một lời chúc phúc toàn thể thành viên trong gia đình. Họ cùng nhau chia sẻ trái cây, các loại đậu và những câu chuyện kể cho đến tận đêm khuya mà sau này các em nhỏ sẽ còn nhớ mãi trong đời mình. Sau khi tàn tiệc, lửa tắt, đống tro sẽ được gom lại và giống như một dấu hiệu của mùa đông lạnh lẽo cùng những điều xui rủi, bị mang ra khỏi nhà và chôn sâu dưới cánh đồng. Người được giao trọng trách làm việc đó trở về nhà sau khi hoàn tất công việc được giao, gõ cửa, và đoạn đối thoại sau sẽ được lặp đi lặp lại ở mọi gia đình: Sau đó cửa mới được mở và người báo tin được phép vào nhà.
Lễ Nowruz chính thức bắt đầu vào ngày đầu tiên của mùa xuân.
Lễ vật linh thiêng
Trong những ngày diễn ra lễ chính thức, mỗi gia đình đều trang hoàng một bàn lễ Haft Sin gồm bảy chữ S, một truyền thống lâu đời và không thể thiếu. Haft Sin thực chất là bảy thứ có chữ viết đầu bằng chữ “sin” trong bảng chữ cái của người Iran “haft” có nghĩa là bảy. Số bảy được coi là con số thiêng liêng trong văn hóa Iran từ những ngày xa xưa. Haft Sin chính là đại diện của bảy vị thần: tái sinh, sức khỏe, hạnh phúc, thịnh vượng, niềm vui, sự kiên nhẫn và vẻ đẹp. Những vật phẩm trên bàn tượng trưng cho bảy sáng tạo của thượng đế và những vị thần bất tử bảo vệ chúng. Haft Sin thay đổi cùng với thời gian, nhưng giữ nguyên ý nghĩa tượng trưng của mình. Mọi gia đình đều cố gắng bày biện một bàn Haft Sin đẹp nhất bởi nó không chỉ có ý nghĩa tinh thần và truyền thống, nó còn là nơi để khách đến nhà chiêm ngưỡng vào ngày lễ. Bảy chữ S của bàn Haft Sin bao gồm:
- Sabzeh, các hạt lúa mì, lúa mạch hay đậu được trồng trong một cái đĩa, tượng trưng cho sự tái sinh.
- Samanu, một chiếc bánh ngọt làm từ lúa mì non, tượng trưng cho sự sung túc.
- Senjed, quả nhót đắng khô, tượng trưng cho tình yêu.
- Sir, tỏi, tượng trưng cho thuốc.
- Sib, táo, tượng trưng cho sức khỏe và sắc đẹp.
- Somaq, quả sumac, tượng trưng cho mặt trời mọc.
- Và serkeh, giấm, tượng trưng cho tuổi tác và sự kiên nhẫn.
Ngoài những thứ kể trên, để gửi gắm hy vọng và mong muốn của mình, người Iran còn bày thêm một số thứ khác như: đồng xu, những quả trứng màu, nước hoa hồng, gương, nến, tập thơ của Hafiz hoặc Ferdowsi.
Người dân cùng nhau ra đường để đón chào năm mới.
Haft Sin đặc trưng và quan trọng với người Iran đến nỗi mà trên các khu phố, quảng trường, các tòa nhà, người ta đều bày biện và trang trí nó thật đẹp.
Vào thời điểm giao thừa, tất cả các thành viên gia đình tụ tập xung quanh bàn Haft Sin, mặc quần áo mới và nắm trong tay những đồng xu sáng bóng để cầu may, cùng nhau chứng kiến một cái trứng xoay trên tấm gương để trên bàn, reo vui, hôn nhau, trao đổi những lời chúc mừng lễ Nowruz, rồi sau đó bắt đầu đi thăm họ hàng, người thân.
Nếu đến Iran vào dịp tết Nowruz du khách sẽ có những trải nghiệm khó phai ở vùng đất thần thoại này.
Theo vanhien.vn