Campuchia: Nhà chùa và người dân chung tay bảo vệ rừng
Ngày đăng: 23/08/2019
Kể từ năm 2002, các nhà sư chùa Samorang ở Campuchia đã bảo vệ được gần 184 cây số vuông rừng khỏi việc săn bắt và chặt cây rừng lấy gỗ bất hợp pháp tại quốc gia này. Các nhà sư đang tìm kiếm sự hỗ trợ để có thể bảo vệ thêm diện tích rừng ở Campuchia, theo Quỹ Thompson Reuters.

Thông tin tờ Lion’s Roar vừa đăng tải cho hay, diện tích rừng mà tổ chức Cộng đồng Nhà sư Bảo vệ rừng (The Monks Community Forest - MCF) giữ khỏi sự xâm hại là gần 184 km2 ở vùng đông bắc Campuchia. 4 ngôi làng với khoảng 4.000 người sử dụng tài nguyên rừng, nơi đây trở thành địa điểm bảo tồn được cộng đồng quản lý lớn nhất ở Campuchia.

Mục đích chính của tổ chức này là để bảo vệ rừng khỏi bị tàn phá và bảo tồn đa dạng sinh học trong khu vực. Chư Tăng chùa Samorang và dân làng tình nguyện bảo vệ các khu vực không được nhà nước trang bị quân sự để ngăn chặn tình trạng săn bắt và đốn rừng bất hợp pháp.

Chư Tăng quấn quanh thân cây già nhất và to nhất bằng các dải y màu vàng nghệ trong nghi thức quy y cho cây. Theo báo cáo của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc, “đốn hạ cây hay săn bắt chim thú trong khu rừng được quy y được xem là nghiêm trọng như việc làm phương hại đến một vị Tăng”.

Khu rừng là nhà của nhiều loài đang bị đe dọa tuyệt chủng như gấu chó, vượn, báo hoa mai và tê tê vì sự tồn tại và phát triển của các loài này phụ thuộc vào mật độ phủ xanh của rừng nên cần được bảo vệ.

Từ những năm 2000, ngành công nghiệp và đầu tư nước ngoài của Campuchia đã dẫn đến nạn phá rừng nhanh chóng. Dù một số khu rừng được nhà nước bảo vệ, nạn săn bắt và đốn rừng phi pháp vẫn đang tiếp tục hủy hoại các khu rừng nhạy cảm.

Các nhà sư đã phối hợp với người dân địa phương từ năm 2002 để tăng cường quản lý đất cũng như khuyến khích dân làng sử dụng các hình thức đánh bắt cá và thu gom truyền thống để tạo sự ổn định cho môi trường. Dân làng có thể bán bất cứ tài nguyên nào họ thu gom được ở các chợ làng, là cách giúp họ có thêm thu nhập.

Dự án này đã được trao Giải thưởng Equator vào năm 2012 vì đã khuyến khích sự tham gia của người dân trong việc làm giảm đói nghèo và sử dụng đa dạng sinh học một cách bền vững.

Chantal Elkin, chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận Liên minh Các tôn giáo và Bảo tồn cho biết, bằng cách sử dụng “quyền tôn giáo”, các nhà sư đã tạo ra tác động bảo tồn bền vững.

“Hiện giờ, các nhà sư làm công việc này nhưng không có nhiều sự hỗ trợ nhân lực và tài chính từ nhà nước nhưng công việc vẫn hiệu quả vì các nhà sư nói về hệ thống giá trị (đạo đức) của con người, điều này gắn chặt với niềm tin tôn giáo của người dân và làm thay đổi hành vi của họ” - chia sẻ của cô với Quỹ Thompson Reuters.

Theo thống kê, có khoảng 95% dân số Campuchia theo Phật giáo Nguyên thủy. Các nhà sư Campuchia luôn dấn thân vào các hoạt động xã hội, giáo dục và lãnh đạo. 

Nguồn: giacngo.vn