Phụ nữ dân tộc Khmer làm theo gương Bác
Ngày đăng: 11/06/2019
Cầu Ngang (tỉnh Trà Vinh) là huyện ven biển có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống (chiếm trên 35% dân số). Sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ, các cấp Hội Phụ nữ huyện Cầu Ngang đã có nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo, từ đó xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo gương Bác, xây dựng quê hương giàu đẹp.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Diễm, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Cầu Ngang cho biết: Để việc học tập và làm theo gương Bác thật sự đi vào chiều sâu, trở thành nếp nghĩ, cách làm thường xuyên của mỗi cá nhân, các cấp Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, hội viên, phụ nữ. Hội LHPN huyện chỉ đạo 100% các cấp hội tổ chức quán triệt Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Đồng thời, xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai tới toàn thể cán bộ, hội viên phụ nữ phù hợp với điều kiện, nhiệm vụ công tác hội và coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động của các cấp hội.

“Để việc học tập và làm theo Bác đi vào chiều sâu, biến thành hành động cụ thể, các cấp Hội Phụ nữ đã đăng ký xây dựng nhiều mô hình làm theo gương Bác rất thiết thực, có hiệu quả. Hiện nay, các cấp Hội Phụ nữ Cầu Ngang có 17 mô hình phụ nữ học tập và làm theo Bác của 247 tổ, với 4.115 thành viên tham gia. Trong đó có 5 mô hình được các cấp hội thực hiện đạt hiệu quả và tiếp tục nhân rộng. Tiêu biểu nhất là mô hình Tổ phụ nữ từ thiện giúp hội viên phụ nữ nghèo già yếu neo đơn, không nơi nương tựa (có 24 tổ với 219 thành viên tham gia). Đến nay, Hội đã vận động hội viên khá, giàu với số tiền trên 300 triệu đồng, giúp 189 phụ nữ nghèo, già yếu, neo đơn, gặp nhiều khó khăn, cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo” – Chị Diễm nói.

Thạnh Hòa Sơn (huyện Cầu Ngang) là xã nghèo đặc biệt khó khăn có hơn 70% đồng bào Khmer, thông qua sự vận động của Hội Phụ nữ xã, mô hình “Liên kết địa chỉ nhân đạo, hỗ trợ phụ nữ nghèo, người già neo đơn” đã tạo nên sức lan tỏa sâu rộng. Chị Nguyễn Thị Ngọc Duyên, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thạnh Hòa Sơn chia sẻ: Hội đã liên kết với nhiều địa chỉ nhân đạo để hỗ trợ những hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là người già neo đơn, giúp họ vươn lên, ổn định cuộc sống và góp phần cùng với địa phương hoàn thành tốt mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Đó cũng là cách mà bản thân tôi và Hội đang làm để học tập theo tấm gương của Bác.

Từ đầu năm 2018 đến nay, Hội Phụ nữ xã giúp đỡ hơn 200 phụ nữ nghèo, neo đơn và tàn tật. Hàng tháng, các tổ phụ nữ từ thiện vận động các mạnh thường quân đến, thăm tặng quà cho phụ nữ nghèo. “Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động học tập và làm theo đức tính tiết kiệm, tinh thần tương thân, tương ái của Bác, nên nhận thức cũng như hành động của hội viên phụ nữ, chị em trong xã đã có những chuyển biến tích cực. Từ đó, mọi người sống yêu thương, quan tâm và trách nhiệm với nhau hơn” – Chị Duyên nói.

Bà Thạch Thị Thương, ở ấp Lạc Hòa, xã Thạnh Hòa Sơn là hộ nghèo của xã. Trước giải phóng, bà Thương đi lao động ngoài đồng không may đạp nhầm trái lựu đạn sót lại trong chiến tranh. May mắn thoát chết, nhưng bà bị tàn phế một chân. Nay, bà Thương đã 72 tuổi, không con cháu, sống cùng người chị 74 tuổi già yếu, trong ngôi nhà tình thương do Nhà nước hỗ trợ. Hàng ngày, chị em bà cắt cỏ, mót phân bò bán sống qua ngày. Cách đây hơn 5 năm, bà được Nhà nước hỗ trợ  1 con bò để nuôi, nhưng do tuổi cao, sức yếu nên hiệu quả chăn nuôi thấp.

Thấy gia cảnh bà nghèo, lại tật nguyền, Hội Phụ nữ xã đã quyên góp tiền, vận động hội viên hàng tháng hỗ trợ 20kg gạo, đường, sữa, thực phẩm giúp bà ổn định cuộc sống hằng ngày. Bà Thạch Thị Thương xúc động kể: “Gia đình dì nghèo, dì lại tật nguyền không làm gì được, cuộc sống khó khăn lắm. May mắn có chị em Hội Phụ nữ xã hỗ trợ sữa, gạo hàng tháng, nên cuộc sống của dì không còn thiếu trước, hụt sau”.

Qua thực tế 3 năm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các phong trào thi đua của Hội, tuy quy mô và cách làm khác nhau, nhưng đều mang lại những hiệu quả thiết thực. Chị Trần Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Cầu Ngang thông tin thêm: “Ngoài ra, Hội LHPN huyện còn triển khai nhiều mô hình như: “Nuôi heo đất tiết kiệm”, có 41 tổ, với 781 thành viên; “Đan lát”, có 3 tổ, với 35 thành viên; Câu lạc bộ (CLB) phụ nữ biến rác thải thành tiền, có 24 tổ, với 338 thành viên; CLB phụ nữ với pháp luật có 2 tổ, với 45 thành viên; CLB phụ nữ đảm đang, có 11 tổ, với 135 thành viên; CLB gia đình hạnh phúc, có 29 tổ, với 602 thành viên...”.

Theo bienphong.com.vn