Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tỉnh An Giang học tập và làm theo gương Bác
Ngày đăng: 06/05/2021Những năm qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã phát triển sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, đi sâu vào cuộc sống và tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh An Giang, trong đó có tín đồ Phật giáo Hòa Hảo (PGHH).
Chí thú làm ăn
Trải qua 5 nhiệm kỳ đại hội, Giáo hội PGHH đang nỗ lực xây dựng hệ thống giáo hội đoàn kết, hoạt động theo hiến chương và pháp luật nhà nước; giữ gìn sự trong sáng vốn có của nền đạo. Đây là nhiệm vụ hàng đầu nhằm phát triển nền đạo “vị nhân sinh”.
Từ năm 2007 đến nay, khi Đảng và Nhà nước tổ chức và đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, tín đồ PGHH trong tỉnh không ngừng học tập và làm theo Bác, từ đó góp phần cùng với Trung ương Giáo hội PGHH hoàn thành tốt đẹp các chương trình đạo sự mà giáo hội đề ra. Hàng năm, tùy theo chủ đề được đưa ra, tín đồ PGHH trong tỉnh cùng nhau học tập, không ngừng động viên nhau làm theo Bác.
“Ở Ban Trị sự PGHH xã Vĩnh Xương, mỗi khi có dịp, Ban Trị sự xã mời các báo cáo viên cấp thị xã dành thời gian đến địa phương để nói chuyện với tín đồ về các chuyên đề học tập và làm theo Bác, đồng thời phổ biến, cập nhật thông tin việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Với cách làm này, hàng năm chúng tôi đều tổ chức sơ kết, biểu dương các gia đình ở địa phương nỗ lực học tập và làm theo Bác để vươn lên trong cuộc sống.
Nhiều gia đình tín đồ học Bác cần, kiệm, liêm chính, từ đó đã suy nghĩ, nỗ lực làm ăn và thoát nghèo, trong đó nhiều gia đình trở nên giàu có thông qua các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như gia đình ông Đặng Văn Tỷ (xã Tân An), hàng năm thu nhập hàng tỷ đồng, trở thành nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh” - Trưởng ban Trị sự PGHH xã Vĩnh Xương (TX. Tân Châu) Đoàn Văn Hổ chia sẻ.
Chia sẻ với cộng đồng
Chí thú làm ăn, vươn lên làm giàu chính đáng trở thành nét đặc trưng trong tín đồ PGHH của tỉnh. Ngày nay, không chỉ có ông Tỷ (TX. Tân Châu), ông Huỳnh (huyện Châu Phú) hay ông Tam (huyện Chợ Mới), ông Lý (huyện Phú Tân) mà còn có nhiều người hàng ngày chí thú làm ăn, tu tâm, dưỡng tánh; giáo dục gia đình, con cháu sống và tuân thủ theo pháp luật.
Nhiều gia đình tín đồ PGHH trong tỉnh có con cháu trong dòng tộc rất lễ phép, biết kính trên, nhường dưới, tham gia hoạt động từ thiện - xã hội, như: xây dựng cầu nông thôn, cất nhà Đại đoàn kết, thực hiện chương trình “Nắm gạo tình thương” để chia sẻ với cộng đồng. Nhiều gia đình học tập tấm gương thực hành tiết kiệm của Bác Hồ, tích lũy tiền giúp đỡ người khác có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Qua việc học tập và làm theo Bác, hầu hết tín đồ đều thực hành tiết kiệm trong việc cưới hỏi, ma chay cũng như trong cuộc sống.
“Gia đình tôi học tập Bác về lòng nhân ái, biết yêu thương con người, từ đó vợ chồng tôi vận động các con, cháu của mình đẩy mạnh làm công tác xã hội - từ thiện nhiều hơn. Tôi đã dạy con và cháu tôi trong cuộc sống phải biết chia sẻ với người khác. Tranh thủ thời gian lúc rảnh, tôi thường kể cho con, cháu nghe những mẫu chuyện về Bác Hồ để giáo dục chúng về tình thương yêu con người, từ đó chúng trở nên ngoan, hiền. Vợ chồng tôi mừng lắm” - bà Trần Thị Liễu (xã Vĩnh Xương, TX. Tân Châu) chia sẻ.
Trong 4 chương trình đạo sự được Trung ương Giáo hội PGHH đề ra để tín đồ thực hiện thì chương trình đạo sự xã hội - từ thiện là một trong những chương trình quan trọng của giáo hội (kể từ khi thành lập đến nay). Chương trình đạo sự này được thực hiện lồng ghép với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Chính từ cách làm sáng tạo này mà hàng năm, tín đồ PGHH tỉnh An Giang đã có nhiều đóng góp quan trọng cùng chính quyền địa phương các cấp hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật để phát triển kinh tế tỉnh nhà, hàng trăm cây cầu nông thôn được xây dựng, góp phần giúp việc vận chuyển nông sản được thuận lợi, dễ dàng; hàng ngàn căn nhà Đại đoàn kết, nhà Tình nghĩa được xây dựng để hỗ trợ các gia đình khó khăn có chỗ "trú mưa, trú nắng". Chương trình “Nắm gạo tình thương” đã giúp hàng ngàn hộ gia đình có cuộc sống ổn định...
Nguồn: mattran.org.vn