Lan tỏa không gian văn hóa Hồ Chí Minh
Ngày đăng: 03/10/2022
Đại biểu, tăng, ni, Phật tử tham quan không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại chùa Long Hoa (quận 7, TP HCM)
Không chỉ ở các cơ quan, đơn vị, trường học..., việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh còn lan tỏa đến nhiều cơ sở tôn giáo trên địa bàn TP HCM.

Hằng ngày, mỗi khi làm lễ xong, ông Sa Liêm (ngụ phường 17, quận Phú Nhuận, TP HCM) lại dừng chân tại không gian văn hóa Hồ Chí Minh của Tiểu thánh đường Nourl-Ehsan để tìm đọc tài liệu, sách báo về cuộc đời và sự nghiệp của Bác.

Nâng cao đời sống tinh thần

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Tiểu thánh đường Nourl-Ehsan được đặt trong căn phòng dùng làm lớp dạy học cho trẻ em là người dân tộc Chăm của địa phương.

Trong căn phòng nhỏ, 2 chiếc bàn trưng bày rất nhiều sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên tường, một bảng thông tin lớn thể hiện tiểu sử của Bác. Tất cả được trình bày ngắn gọn, dễ hiểu, kèm theo nhiều hình ảnh minh họa sinh động. Bảng thông tin này còn trích đăng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc.

Chỉ tay về phía bảng thông tin, ông Sa Liêm đọc chậm rãi và giải thích: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công. Nghĩa là Bác Hồ dạy người dân Việt Nam phải đoàn kết, yêu thương nhau. Có như vậy thì làm việc gì cũng thành công".

Ông Sa Liêm cho biết bản thân cũng như nhiều tín đồ Hồi giáo khác rất vui mừng khi không gian văn hóa Hồ Chí Minh được triển khai tại Tiểu thánh đường Nourl-Ehsan. "Nhiều người Chăm trước giờ chỉ biết đến Bác Hồ mà chưa hiểu rõ Bác là người như thế nào, dựng xây đất nước ra sao. Nhờ không gian này, chúng tôi có điều kiện để tìm hiểu về Người. Qua đó, giúp đời sống tinh thần và thông tin của người Chăm được nâng lên. Những điều hay, điều tốt mà Bác Hồ dạy thì mình làm theo để đất nước phồn vinh hơn" - ông Sa Liêm bộc bạch.

Thánh thất Bình Hòa (phường 12, quận Bình Thạnh, TP HCM) đã triển khai không gian văn hóa Hồ Chí Minh hơn 3 tháng nay. Với tình cảm thiêng liêng đối với Bác, thánh thất này dành một căn phòng 13 m2 để thực hiện không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Bức tượng Bác Hồ được đặt trang trọng tại vị trí trung tâm của phòng. Hơn 50 đầu sách, hình ảnh liên quan Chủ tịch Hồ Chí Minh được trưng bày tại đây. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đặt gần khu chánh điện để các đạo hữu, chức sắc, chức việc thuận tiện ghé vào đọc sách, tìm hiểu thông tin sau khi làm lễ.

Lễ sanh Thượng Sơn Thanh, Hội trưởng Thánh thất Bình Hòa, cho biết: "Có những thông tin về Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng tôi chỉ nghe nói thôi. Do đó, không gian văn hóa Hồ Chí Minh giúp chúng tôi tìm hiểu sâu hơn về Người. Vì vậy, đông đảo đạo hữu, chức sắc, chức việc hưởng ứng nhiệt tình không gian này. Nhiều người còn mang đến tặng những cuốn sách hay".

Lan tỏa sâu rộng

Chùa Long Hoa (quận 7, TP HCM) cũng vừa triển khai không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Trong căn phòng hội trường khang trang, sạch đẹp, không gian văn hóa Hồ Chí Minh có hơn 100 hình ảnh và gần 100 đầu sách, đều là tư liệu về Bác.

Chùa Long Hoa cũng là trụ sở của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận 7. Hằng ngày, rất đông tăng, ni, Phật tử đến đây lễ Phật và thực hiện nhiều Phật sự. Chính vì vậy, sức lan tỏa của không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại đây được nhân lên gấp nhiều lần.

Theo Thượng tọa Thích Hoàng Ninh - Ủy viên Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP HCM, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận 7 - việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại chùa Long Hoa là hoạt động nhằm hưởng ứng phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của tăng ni, Phật tử địa phương.

Thượng tọa Thích Hoàng Ninh cho rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều tư tưởng phát triển và tương đồng với những ý nghĩa chung của Phật giáo - vì lợi ích của số đông. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hy sinh cả cuộc đời mình cho đất nước, dân tộc, đây là tấm gương để mọi người học tập, noi theo.

"Là một tu sĩ, ngoài việc học tập, giữ gìn giới luật của nhà Phật, tôi còn là một công dân. Cho nên, với tư tưởng tốt đẹp của những lãnh đạo đất nước, tôi đều phải học hỏi" - Thượng tọa Thích Hoàng Ninh bày tỏ.

Theo bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, thời gian qua, hệ thống MTTQ các cấp ở thành phố đã triển khai đến các tổ chức tôn giáo trên địa bàn về việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

"Tất cả tôn giáo đều mong muốn hướng đến điều thiện. Đó là sự từ bi, bác ái được vận hành trong cuộc sống. Từ không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các cơ sở tôn giáo, thông qua những lời giảng, các vị chức sắc, chức việc sẽ định hướng thêm cho tín đồ. Qua đó, giúp họ hiểu hơn về những tư tưởng, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thấy được việc học Bác không phải là những gì xa lạ mà nằm ở hành động hằng ngày" - bà Phan Kiều Thanh Hương nhấn mạnh.

"Theo bà Phan Kiều Thanh Hương, để hỗ trợ các cơ sở tôn giáo trong việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, thời gian qua, hệ thống MTTQ đã định hướng về nội dung, tư liệu, hình ảnh, cách bố trí với mục tiêu chung là vừa bảo đảm tính trang nghiêm vừa dễ hiểu và dễ tiếp cận.

Theo nld.com.vn