Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với Chỉ thị 05-CT/TW về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Ngày đăng: 10/08/2018
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã quán triệt: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt để phát triển đất nước. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII)nêu rõ mục tiêu phải nhận thức sâu sắc về nguy cơ, nhận diện đúng những biểu hiện và đề ra các giải pháp phù hợp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ… Để đạt được mục tiêu đó, cần kết hợp có hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) với việc triển khai Chỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn hệ thống chính trị.

Ngày 30/10/2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ” (Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII). Nghị quyếtđã cụ thể hóa nhiệm vụ thứ nhất trong số 6 nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đề ra. Đồng thời,khẳng định quyết tâm chính trị cao và mạnh mẽ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng;nhằm mục tiêu sớm đưa Đảng thật sự vững vàng về chính trị và tư tưởng, thống nhất cao về ý chí và hành động, trong sạch về đạo đức và lối sống, chặt chẽ về tổ chức, đủ sức lãnh đạo đất nước hội nhập và phát triển.

1- Những vấn đề đặt ra sau gần 2 năm triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII)

Phát huy tinh thần dân chủ, thẳng thắn, nhìn thẳng vào sự thật và kiên quyết khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại trong Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; và đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trên các lĩnh vực: chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; cơ chế, chính sách; kiểm tra giám sát, kỷ luật Đảng; phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội.

Sau gần 2 năm quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết, nhận thức của đại đa số cán bộ, đảng viên về vai trò, trách nhiệm của cá nhân trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” trong nội bộ đã được tăng cường. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng được quan tâm thường xuyên; việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã đi vào nề nếp trong sinh hoạt của nhiều tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị. Việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình, đánh giá chất lượng tổ chức đảng, đảng viên gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị 05-CT/TW được thực hiện rộng rãi. Những tổ chức đảng, đảng viên vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước, đã bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc. Thực hiện bước đầu có hiệu quả việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức viên chức. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, cũng như của nhân dân, các cơ quan báo chí trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên đã được phát huy. Công tác kiểm tra, kỷ luật đảng; hiệu lực, hiệu quả cơ quan quản lý nhà nước được nâng lên. Việc thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã tạo nền tảng thuận lợi để Đảng lãnh đạo thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; góp phần giải quyết nhiều vụ, việc nổi cộm, phức tạp ở nhiều địa phương, đơn vị trong cả nước.

Bên cạnh mặt tích cực nêu trên, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) còn tồn tại không ít hạn chế. Các kết quả đạt được còn chưa toàn diện, sâu sắc và chưa đồng bộ giữa các địa phương, giữa các ngành. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ; tình trạng cán bộ, đảng viên suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống vẫn còn diễn ra dẫn tới phải xử lý kỷ luật.Việc nắm bắt tư tưởng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ở một số nơi chưa kịp thời làm chậm trễ quá trình giải quyết những vấn đề bức xúc trong nhân dân; làm nảy sinh tình trạng đơn thư, khiếu kiện vượt cấp, kéo dài. Thực hiện tự phê bình và phê bình ở một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên tiến hành chưa nghiêm.Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu ở một số địa phương, đơn vị kết quả chưa đủ rõ.Việc đưa nội dung học tập Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị vào sinh hoạt chi bộ hàng tháng có nơi còn mang tính hình thức. Việc nhận diện những biểu hiện suy thoái trong cán bộ, đảng viên còn qua loa, không cụ thể.Sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế còn chậm, hiệu quả thấp, tổ chức bộ máy còn cồng kềnh gây lãng phí nguồn lực; công tác cải cách hành chính chưa toàn diện và mạnh mẽ. Việc giám sát quyền lực, phát huy vai trò giám sát của Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội còn hạn chế.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế nêu là do nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên, nhất là ở cơ sở về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ chưa đầy đủ­.Vì thế, hiệu quả trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; công tác cán bộ; công tác kiểm tra giám sát còn hạn chế. Trong khi tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị hiện vẫn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức còn chồng chéo... gây cản trở lớn trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị đề ra.

Về khách quan, các thế lực thù địch, phản động không ngừng tìm cách chống phá Đảng, Nhà nước, phá vỡ mối liên hệ gắn bó giữa Đảng và Nhân dân, gây chia rẽ nội bộ, tập trung xuyên tạc, kích động đối với vấn đề về dân tộc, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, tự do báo chí, tự do ngôn luận,biên giới, hải đảo...

2- Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là yêu cầu tất yếu để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII)

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đề ra yêu cầu: “Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị”, “Xây dựng và thực hiện có hiệu quả nội dungxây dựng Đảng về đạo đức, trong đó chú trọng xây dựng hệ thống chuẩn mực các mối quan hệ của cán bộ, đảng viên với tổ chức đảng và với nhân dân...”[1]. Như vậy, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) không thể tách rời việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời,cần phải phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đây được coi là điểm mới quan trọng về nhận thức và tư duy lãnh đạo của Đảng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác xây dựng Đảng về đạo đức. Người nêu ba nguyên tắc cơ bản trong xây dựng nền đạo đức mới trong xã hội là: nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức; xây đi đôi với chống; phải tu dưỡng đạo đức suốt đời.

Quá trình Đảng vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng Đảng về đạo đức diễn ra trong nhiều thập kỷ. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III năm 1960 nhận định: “Muốn tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, chúng ta phải chăm lo củng cố và tăng cường sự nhất trí về tư tưởng và sự thống nhất về tổ chức của Đảng”[2]. Giai đoạn này, công tác xây dựng Đảng bao gồm hai mặt: tư tưởng và tổ chức.

Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng năm 1976, Đảng đã tổng kết: “phải từng bước phát triển, hoàn chỉnh, cụ thể hoá và vận dụng tốt hơn các phương châm xây dựng Đảng, làm cho công tác xây dựng Đảng có chất lượng cao và đạt hiệu quả lớn”, “phải xây dựng Đảng vững mạnh về cả ba mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Ba mặt ấy gắn liền với nhau, quyết định lẫn nhau. Xây dựng Đảng về tư tưởng và về tổ chức phải kết hợp chặt chẽ với nhau, phải xuất phát từ đường lối và nhiệm vụ chính trị, đồng thời bảo đảm cho đường lối và nhiệm vụ chính trị được xác định đúng, được thấu suốt và thực hiện đầy đủ”[3].

Bước vào thời kỳ đổi mới, dưới sự tác động của nền kinh tế thị trường và nhiều yếu tố chủ quan khác đã dẫn tới tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Đại hội Đảng lần thứ XI,Trung ương nhận định: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”[4]. Song vẫn đề ra nhiệm vụ phát triển kinh tế  - xã hội 5 năm 2011-2015 là: “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức”[5]. Đại hội XII của Đảng nhận định: “Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, một số việc chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra”. “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”[6]. “Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”[7].

Vì vậy, Đảng đã nhận thức và đặt vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức thành một trong bốn trụ cột: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”[8]. Trong đó, xây dựng Đảng về đạo đức là cơ sở đảm bảo để xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức.Xây dựng Đảng về đạo đức là động lực tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đây cũng chính là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị, gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên cần nhận thức rõ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05-CT/TW nhằm xây dựng Đảng về đạo đức là yêu cầu tất yếu để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).

3- Một số giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với Chỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Để triển khai hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII)gắn với Chỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cấp ủy và tổ chức Đảng và đảng viên cần thực hiện tốt những nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là, tăng cường bồi dưỡng, nâng cao nhận thức và quyết tâm chính trị của cấp ủy các cấp về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; coi việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một biện pháp cấp bách, trước mắt, vừa cơ bản, vừa lâu dài.

Tiếp tục quán triệt sâu sắc những nội dung cơ bản, cốt lõi của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị trong các cấp ủy, tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên. Đưa việc tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên, nhân dân về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nhận diện, đấu tranh khắc phục những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vào các hội nghị sinh hoạt chi bộ và sinh hoạt chuyên đề, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và thống nhất về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và tổ chức.

Đẩy mạnh tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Chỉ thị số 05-CT/TW, gắn với việc kiểm điểm đánh giá chất lượng và xếp loại tổ chức Đảng, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức hàng năm trên tinh thần dân chủ, nghiêm túc, thẳng thắn và xây dựng; kiên quyết xử lý kỷ luật những tổ chức Đảng và cá nhân không tự giác trong kiểm điểm tự phê bình và phê bình, không tự nhận sai lầm, khuyết điểm, bảo thủ và không khắc phục những hạn chế, khuyết điểm.

Hai là, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng của đảng viêngóp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên đối với Đảng. Quan tâm đầu tư giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW.

Các tổ chức đảng, đảng viên phát huy sự sáng tạo và đề ra sáng kiến, các cách làm hay để học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối thoại, phát huy dân chủ trong sinh hoạt đảng; tăng cường kỷ cương, kỷ luật phát ngôn; đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng để việc học tập chỉ thị, nghị quyết trở thành nhu cầu và trách nhiệm của từng cấp ủy đảng và mỗi cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh hoạt động nêu gương của bí thư cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị về đạo đức, lối sống, tác phong công tác; xác định thẩm quyền, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa cấp ủy với lãnh đạo cơ quan, đơn vị ở cơ sở. Làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ gắn với việc quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên.

Ba là, tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn đầu mối tổ chức, bộ máy trong hệ thống chính trị, đảm bảo yêu cầu tinh gọn, hiệu quả theo đúng tinh thần Nghị quyết hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII). Rà soát, bổ sung, cụ thể hóa và thực hiện những chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên phù hợp với đặc điểm của từng ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Kiểm tra, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm trong thực thi quyền lực và nhiệm vụ, gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Phát hiện và ngăn chặn kịp thời những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả khâu đột phá về Nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, địa phương, đơn vị. Thực hiện tốt đạo đức công vụ; xây dựng hình ảnh người cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tận tụy, liêm khiết, gần dân, trọng dân, hết lòng phục vụ nhân dân.

Bốn là, các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về công tác xây dựng Đảng, gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng năm với các nội dung có trọng tâm, trọng điểm để phát hiện và xử lý kịp thời những đảng viên vi phạm tư cách, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những phần tử cơ hội, bất mãn, gây mất đoàn kết nội bộ trong Đảng.Các cấp ủy, tổ chức Đảng lựa chọn được những vấn đề đột phá, những vấn đề khó, bức xúc của địa phương, cơ quan, đơn vị để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân và kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Năm là, mỗi cán bộ, đảng viên trên cơ sở nhận thức đầy đủ và sâu sắc 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để tự soi, tự sửa, hoàn thiện tư cách đạo đức, phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của bản thân nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Cần kiên trì, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, coi đó là nhu cầu tự hoàn thiện, nhu cầu tự làm trong sạch nhân cách của mỗi cán bộ, đảng viên.Xây dựng Đảng về đạo đức là xây dựng và thực hiện những chuẩn mực giá trị đạo đức cách mạng của đội ngũ đảng viên, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Sáu là, xây dựng cơ chế hợp lý để bảo vệ và khuyến khích phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị 05-CT/TW nhằm đánh giá kịp thời những ưu điểm, hạn chế trong thực tiễn tại các địa phương, đơn vị. Qua đó, cấp ủy, tổ chức Đảng phát hiện, nêu gương nhữngtập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng và nhân rộng làm điển hình, tạo động lực tu dưỡng, rèn luyện trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước hội nhập và phát triển.

PGS.TS Nguyễn Xuân Trung, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Ths Trần Thị Thanh Giang, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên

 


[1]Văn kiện Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, VPTW Đảng, HN, 2016, tr. 37.

[2]Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2002, tập 21, tr. 640.

[3]Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2002, tập 37, tr.732.

[4]Văn kiện Hội nghị lần thứ tư, BCHTW khóa XI, Nxb CTQG, HN, 2012, tr.22.

[5]Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, HN, 2011, tr. 322.

[6]Văn kiện Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, VPTW Đảng, HN, 2016, tr. 22.

[7]Văn kiện Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, VPTW Đảng, HN, 2016, tr. 22.

[8]Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, HN, 2016, tr.202.