Lễ hội Chùa Hương, Yên Tử... sẽ thế nào khi dịch COVID-19 bất ngờ bùng phát?
Ngày đăng: 29/01/2021Dịch bệnh bùng phát bất ngờ khiến nhiều địa phương phải thay đổi kế hoạch tổ chức lễ hội xuân 2021. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, Bộ hướng dẫn các địa phương triển khai biện pháp an toàn phòng, chống dịch, kể cả dừng tổ chức lễ hội nếu cần.
Nơi dừng, nơi nghe ngóng
Dịch bệnh bùng phát bất ngờ khiến nhiều địa phương phải thay đổi kế hoạch tổ chức lễ hội xuân 2021. Trước khi các ca bệnh COVID-19 bùng phát ở Hải Dương và Quảng Ninh, UBND tỉnh Nam Định chủ động ban hành công văn số 37 ngày 26/1 về việc dừng tổ chức Lễ hội Khai ấn đền Trần, phường Lộc Vượng, TP Nam Định. Trước đó, BQL Khu Di tích lịch sử văn hóa Đền Trần, Chùa Tháp lên các kịch bản khác nhau, kể cả trường hợp không lây lan dịch trong cộng đồng, lễ hội khai ấn đền Trần cũng hạn chế tối đa người tham gia. Sở VHTT&DL tỉnh Nam Định cũng dừng tổ chức lễ hội chợ Viềng (huyện Nam Trực) để phòng, chống COVID-19.
Lễ khai hội xuân Yên Tử dự kiến tổ chức 21/2 (tức Mùng 10 tháng Giêng). Tới thời điểm này, một thành viên của Ban Tổ chức cho biết chưa có văn bản cụ thể về dừng lễ hội Yên Tử 2021. Chỉ thị 05 ngày 28/1 của Thủ tướng về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, đối với tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng nêu: “Căn cứ theo mức độ nguy cơ với từng khu vực trên địa bàn, quyết định áp dụng các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 và số 16 năm 2020”. Trước dịch bệnh diễn biến phức tạp, dù lễ hội Yên Tử không bị dừng nhưng sẽ thu hẹp quy mô, không tổ chức phần hội tập trung đông người.
Lễ hội chùa Hương thu hút đông đảo người dân Thủ đô và du khách. Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng Ban Quản lý Khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết vẫn lên đầy đủ phương án chuẩn bị cho lễ hội chùa Hương 2021 nhưng cả Ban Tổ chức lẫn người dân Mỹ Đức đều mang tâm trạng vừa chuẩn bị vừa nghe ngóng. Mọi năm chùa Hương thời điểm này bắt đầu rục rịch đón khách, nay thì thuyền bè, hàng quán vẫn im ắng chờ đợi chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP Hà Nội.
“Việc chủ động chuẩn bị phương án lễ hội là trách nhiệm của Ban Tổ chức, trong trường hợp dịch bệnh bùng phát chính quyền địa phương có chỉ đạo dừng theo quy định”, ông Hiển nói. Ngày 28/1, Ban Tổ chức tiếp tục làm việc với lực lượng y tế để tăng cường biện pháp phòng chống dịch. Dịch bệnh khiến lượng khách về chùa Hương giảm từ hơn 1,5 triệu xuống còn 39 vạn lượt người trong năm 2020. “Tôi nghĩ tâm lý e ngại của người dân mất vài năm nữa mới trở lại bình thường”, ông Nguyễn Bá Hiển nói.
Dừng lễ hội nếu cần
Bên cạnh lễ hội truyền thống, nhiều lễ hội Phật giáo quy mô luôn thu hút đông đảo người dân. Chiều 28/1, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch-Tổng thư ký Hội đồng Trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký công văn thực hiện các biện pháp tăng cường phòng chống COVID-19. Trong đó, Giáo hội yêu cầu mọi người dân khi đến chùa phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn. Tùy theo diễn biến dịch bệnh, theo chỉ đạo của Chính phủ, của UBND các tỉnh trong việc thực hiện hoạt động Phật sự tại chùa, cơ sở tự viện tại các địa phương.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy cho biết, ngày 31/12/2020 Bộ ban hành Công văn số 5050 hướng dẫn triển khai các biện pháp an toàn phòng, chống COVID-19 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Bộ hướng dẫn các địa phương thực hiện một loạt biện pháp phòng, chống COVID-19 trong mùa lễ hội 2021.
Loạt giải pháp phòng, chống dịch bệnh gồm: đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn phòng chống dịch bệnh trên pa nô, bản hướng dẫn, tờ rơi, loa phát thanh ở các điểm du lịch, văn hóa, điểm tổ chức lễ hội. Bắt buộc đeo khẩu trang khi tham gia lễ hội. Tăng cường thanh kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng chống COVID-19, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước tại các địa phương.
“Trong trường hợp dịch bệnh bùng phát, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, việc tạm ngưng tổ chức lễ hội sẽ thực hiện theo quy định tại Nghị định số 110 về quản lý và tổ chức lễ hội”, Thứ trưởng Thủy trả lời Tiền Phong. Lãnh đạo Bộ cũng giao Cục Văn hóa Cơ sở theo dõi diễn biến dịch bệnh để kịp thời tham mưu. Bộ cũng đề nghị các địa phương chủ động giảm quy mô, điều chỉnh hình thức, thời gian tổ chức lễ hội để đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh.
Có thể tạm dừng lễ hội trong trường hợp dịch bệnh bùng phát
Ði hội văn minh mùa dịch
TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia nói, việc người dân đi lễ đông người vừa qua cho thấy nhu cầu thực của người dân đối với các hoạt động tâm linh. “Trong bối cảnh khó khăn, nhiều người có tâm lý lo lắng, thì việc đến với các cơ sở tín ngưỡng, tâm linh là một hình thức giúp cho người dân giảm bớt những căng thẳng, lo âu trong cuộc sống. Tuy nhiên, đất nước đang trong cuộc chiến chống dịch bệnh, vì thế việc đi lễ đông người là một hành động không được khuyến khích”, TS Bùi Hoài Sơn nói.
Việc tập trung đông người ở di tích, cơ sở tín ngưỡng theo phân tích của TS Bùi Hoài Sơn ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực dập tắt dịch bệnh. “Nghĩ đến an toàn sức khỏe của người khác cũng là một việc thiện lành, tâm linh chúng ta nên làm mà không nhất thiết phải đi lễ đông người ở các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo”, TS Bùi Hoài Sơn nói.
Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia cho rằng, việc cầu an, cầu tài, cầu lộc của mỗi cá nhân luôn phải được đặt cho phù hợp trong bối cảnh chung của cả xã hội. Khi sự an lành đến với mọi người, đến với cả nước cũng có nghĩa là sự an lành sẽ đến với mỗi cá nhân cụ thể. “Cổ nhân có câu Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách có nghĩa là nước nhà hưng thịnh hay suy vong, người thường trong xã hội cũng phải chịu trách nhiệm. Như vậy, hành động có ý nghĩa cho quốc thái dân an hiện nay là tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt - bệnh dịch COVID-19. Thay bằng việc đi lễ, chú ý đến những nhu cầu cá nhân, mỗi người cần hướng đến những giá trị chung của dân tộc như một cách thể hiện trách nhiệm đạo đức đối với quê hương, đất nước”, TS Sơn nêu.
Theo tienphong.vn