Quá trình hình thành, phát triển hội đoàn Công giáo ở Việt Nam
Ngày đăng: 17/08/2018
Hội đoàn Công giáo là một hình thức tổ chức của giáo dân đã xuất hiện từ rất sớm trong quá trình truyền giáo và phát triển Công giáo ở Việt Nam. Ban đầu những tổ chức này lập ra nhằm cổ vũ một nền đạo đức bình dân của Công giáo, chưa hướng tới chức năng tông đồ (truyền giáo) bởi vai trò của người giáo dân khi đó chưa được đề cao. Bài viết dưới đây giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển của hội đoàn Công giáo ở Việt Nam.

Trong đời sống tôn giáo, người giáo dân có hai bổn phận, tham dự các nghi lễ thờ phượng và tham gia vào công việc truyền giáo theo cá nhân hay tập thể để củng cố niềm tin và mở rộng ảnh hưởng của Công giáo. Chính việc tham dự các nghi lễ mang tính tập thể đó đã xuất hiện nhu cầu cần có sự liên kết thành những nhóm, những hội mang tính quần chúng trong cách thức thờ phượng cũng như trong hoạt động truyền giáo. Do đó, việc hình thành các hội, các nhóm là điều tất yếu nảy sinh trong sinh hoạt tôn giáo của người giáo dân. Điều đó lại được Giáo hội khuyến khích, thúc đẩy nhằm phục vụ cho những nhu cầu tồn giáo và nhu cầu sống đạo của Công giáo. Đó chính là cơ sở và là điều kiện cho hội đoàn Công giáo ra đời và phát triển.

Vào thời Trung cổ, trong lòng Giáo hội Công giáo ở Châu Âu đã xuất hiện các loại hội đoàn, đó là các hội cầu nguyện và các hội Dòng Ba (gồm những người sống giữa thế gian, tuân giữ kỉ luật dòng ba, sống biệt lập hoặc sát nhập vào một đoàn thể gọi là huynh đệ đoàn dòng), như hội Dòng Ba Phan Sinh, Dòng Ba Đa Minh, Dòng Ba Cát Minh. Các hội đoàn có tính chất truyền giáo và tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội chỉ mới xuất hiện vào thời cận hiện đại.

Xét về mặt tông đồ giáo dân, sử liệu đã ghi nhận rằng không ít người giáo dân Việt Nam đã tích cực tham gia vào công cuộc truyền giáo ngay từ khi đạo Công giáo thâm nhập vào Việt Nam từ thế kỷ 17, 18.  Thời điểm này, khi các giáo sĩ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đến truyền đạo tại Việt Nam, do không am hiểu phong tục, tập quán, ngôn ngữ Việt Nam, họ đã được những giáo dân mới nhập đạo giúp đỡ. Cũng trong bối cảnh đó, một số giáo sĩ đã nghiên cứu và thiết kế ra các mô hình riêng đề truyền giáo hoặc hỗ trợ truyền giáo, hình thức ban đầu được gọi là Hội.

Hội của người giáo dân Việt Nam đã được sử dụng ngay từ thời Alexandre de Rhodes, khi vị thừa sai này lập ra là “Hội thầy giảng”, trong sử liệu của mình, ông viết: Chúng tôi chọn ngày lễ đấng tổ phụ Inhauxu để cử hành nghi lễ, cả 10 đầy tớ Chúa công khai đến nhà thờ, có mặt toàn thể giáo dân. Họ cầm nến trắng trong tay phục trước bàn thờ rồi thề sẽ phục sự Giáo hội, không lập gia đình và vâng  lời các cha dòng đến giảng ở đất nước này hoặc các vị thay thế các ngài”; để tập hợp những người bản xứ, giúp các giáo sĩ phương Tây trong việc truyền giáo, và làm những việc thay cho các vị thừa sai trong những “hoàn cảnh đặc biệt”.

Theo nghiên cứu của PGS Nguyễn Hồng Dương: Trong các thế  kỉ đầu, hội đoàn thường được hình thành một cách tự phát do giáo dân lập ra ở các xứ, họ đạo, sau đó được các thừa sai giúp đỡ, cổ vũ và đứng ra thành lập. Hội đoàn đầu tiên xuất hiện ở nước ta dưới tên gọi “họ”  là họ Rôsariô  theo Thư chung của Giám mục Giáo phận Đông Đàng Ngoài (Hải Phòng) Feliciano Alonso Phê vào năm 1798. Từ giữa thế kỉ XIX, nhất là vào đầu thế kỉ XX, một số Giám mục giáo phận đã có thư chung vể việc lập hội đoàn. Trong một thư chung đề ngày 07/02/1848 gửi giáo phận, Giám mục Liêu cho biết tính đến thời điểm này, giáo phận đã lập được một số họ (hội đoàn) như sau: Hội Santi, Kính Danh, Rôsa. Cũng theo tác giả, các thừa sai thuộc dòng Đa Minh là những người đi đầu trong việc lập họ (hội đoàn) Công giáo.

Theo linh mục Đỗ Quang Chính thì: Muốn cho bổn đạo sốt sắng hơn, có sinh hoạt tôn giáo sâu xa, các thừa sai lập ra nhiều thứ Họ, tức là các đoàn thể có tính cách tôn giáo, phồn thịnh ngay từ đầu thế kỷ 18. Tại vùng truyền giáo do các linh mục Dòng Tên phụ trách ở Đàng Trong, mọc lên nhiều thứ Họ (ý tác giả muốn nói tới các hội đoàn Công giáo): Với nam giới, có Họ Chúa Ba Ngôi; với nữ giới, có Họ Chết Lành, Họ Đức Bà. Họ Các Linh Hồn Luyện Tội được nhiều người gia nhập nhất, vì rất hợp với tâm tình người Việt đối với tổ tiên; bổn đạo vào Họ này, để cầu nguyện cho linh hồn cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Ngoài ra, linh mục Dòng Tên Lopes, năm 1740 lập Họ Thánh Binh Nhi Đồng. Mục đích của tổ chức này là tập hợp mọi trẻ em trong từng Họ Nhà Thờ (xứ đạo) vào sinh hoạt theo đoàn thể. Cách tổ chức của Thánh Binh, giống như quân đội: Có Cai Đội (Đại tá), Cai Cơ (Thiếu tá), quân binh do các em đảm nhận.

Giai đoạn nhà Nguyễn thời kỳ những năm 1802-1884 một số hội đoàn được thành lập đi, thành lập lại vì bị đứt đoạn do chính sách cấm đạo của nhà nước phong kiến. Hội đoàn lập ra ở thời kì này chủ yếu theo đường hướng sống đạo, giữ vững đời sống tôn giáo. Cho đến thời kỳ này hội đoàn thường gọi là “họ” chứ không phải “hội”. Khái niệm “hội” được dùng phổ biến vào đầu thế kỷ 20 trở đi.

Đến đầu thế kỷ 20 xuất hiện thêm một số hội đoàn như: “Nghĩa Binh thánh thể” năm 1915, “Hướng đạo Công giáo” năm 1916, “Hội Bác ái Vinh sơn Phaolô” năm 1933. Riêng ở giáo phận Bùi Chu vào năm 1923 đã xuất hiện các hội đoàn Công giáo thuộc phong trào Công giáo tiến hành.

Giai đoạn 1945 xuất hiện các hội đoàn mà nhiều hội trong số đó vẫn duy trì và phát triển cho đến ngày nay là: Hội Bà Thánh Anna, hội Bà Thánh Têrêsa, hội Ông Thánh Giuse. Từ năm 1935 một hình thức tập hợp thanh niên là giáo dân Công giáo có tên là Đoàn thanh niên Công giáo được thành lập. Hệ thống tổ chức có 3 cấp: Liên đoàn (toàn quốc), địa phận và đoàn xứ, họ đạo. Năm 1938 xuất hiện các đoàn Nghĩa Binh ở các giáo phận Hà Nội, Bùi Chu, Vinh.

Ở Nam Bộ, giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu 20 có một số hội đoàn sau: Hội con Đức Mẹ: Mục đích giáo dục và thánh hoá các thiếu nữ. Hội Thánh Thất: giúp các gia đình sống lành mạnh, thánh thiện. Hội Thánh Thể Gia tăng lòng tôn sùng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể. Hội Các Đấng: Cầu nguyện cho người qua đời. Hội Mai Khôi: Lập ngày 29 - 01 - 1905 tại xứ Tân Định, cổ vũ lần chuỗi trong gia đình. Hội Thiên Thần hộ thủ: Tập hợp các em trai trong ca đoàn và các em giúp lễ.

Giai đoạn 1924 - 1939 thời kỳ đương nhiệm của Giáo hoàng Piô XI, một phong trào mới được tổ chức chặt chẽ với tên gọi Công giáo tiến hành. Phong trào này được phát động với quy mô toàn cầu và ở Việt Nam. Đầu thế kỷ XX Công giáo tiến hành  phát triển khá mạnh được Giáo hội Công giáo Việt Nam rất quan tâm. Ngoài những đặc điểm của hội đoàn Công giáo nói chung thì Công giáo tiến hành còn một số điều kiện đáng chú ý. Công giáo Tiến hành, theo Giáo hoàng Piô XI (1922-1939), đó là “việc tham dự của giáo dân vào việc tông đồ của hàng giáo phẩm.”. Giáo hoàng Piô XII (1939-1958) cho rằng: “Tất cả các giáo hữu đã chịu phép rửa tội phải làm tông đồ, còn các chiến sĩ Công giáo Tiến hành lại là những tông đồ đặc biệt vì họ cộng tác chặt chẽ với Đức Giám mục và Linh mục trong việc tông đồ”.

Dưới thời Giáo hoàng Piô XI (1914 - 1939) và Piô XII (1939 - 1958), các hội đoàn Công giáo ở Việt Nam đã phát triển tăng nhanh về số lượng. Ở Việt Nam các hội đoàn giai đoạn này thuộc phong trào Công giáo tiến hành phải kể đến: Thanh Lao Công, Thanh Sinh Công đã tồn tại ở miền Bắc trước 1945. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp cũng xuất hiện nhiều hội đoàn Công giáo với tên không gọi là “hội” có thể dùng tên “đoàn” hoặc “đạo” chẳng hạn Liên đoàn Công giáo Việt Nam, Đoàn Công giáo cứu quốc, Đạo binh Đức Mẹ, Hội Công giáo kháng chiến Nam Bộ vv... Điểm đáng lưu ý là một số hội đoàn Công giáo trong thời kỳ này đã tham gia vào các hoạt động chính trị liên quan đến kháng chiến. Đây cũng là lý do mà một số hội đoàn Công giáo này không còn hoạt động ở miền Bắc sau khi đất chia nước chia cắt hai miền Nam Bắc.

Năm 1954, Hiệp định Gienève được ký kết, sau cuộc di cư ồ ạt của giáo sĩ và giáo dân miền Bắc vào Nam, thì ở miền Bắc, các hội đoàn gắn với chính trị giải thể. Các hội đoàn khác phục vụ lễ nghi trong nhà thờ và thực hành cầu nguyện. Ở miền Nam, các hội đoàn Công giáo phát triển manh do phong trào Công giáo tiến hành chính thức được thành lập vào năm 1957, cuốn hút rất nhiều các hội đoàn Công giáo hoạt động và đặc biệt dưới thời kỳ Đệ nhất cộng hòa.

Từ sau Công đồng Vatican II, với việc đề cao vai trò tông đồ của giáo dân, Giáo hội càng quan tâm phát triển hội đoàn. Trong đó, Giáo hội đặc biệt chú ý tới hình thức hoạt động tông đồ tập thể của giáo dân bằng cách khuyến cáo họ tham gia các hội đoàn.. Việc Giáo hội Công giáo đề cao vai trò tông đồ của giáo dân trong thế giới hiện đại đã thúc đẩy sự ra đời và phát triển của các hội đoàn Công giáo.

Giai đoạn từ 1975, ở miền Nam thời gian đầu sau giải phóng, phần lớn các tổ chức hội đoàn thuộc Công giáo tiến hành ngừng hoạt động như: Công chức Công giáo, Quân nhân Công giáo, Hùng tâm dũng chí, Thanh niên giáo xứ, Thanh nữ giáo xứ... Một số hội đoàn như Đạo binh Đức Mẹ (Legio Maria), Bác ái Vinh Sơn dần dần hoạt động trở lại ở các giáo phận Huế, Xuân Lộc (Đồng Nai). Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh có những hội đoàn hoạt động: Hội Các bà mẹ Công giáo; Hội Con Đức Mẹ (dành cho thanh nữ), Hội Nghĩa bình Thánh Thể, Hiệp hội Thánh Mẫu, Liên minh Thánh Tâm, các dòng ba: Đa Minh, Phanxicô.

Từ sau năm 1990, với chính sách đổi mới, trong đó có đổi mới trong nhận thức và chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam, các quy định trong chính sách pháp luật đã tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động tôn giáo nói chung, Công giáo nói riêng, nhiều hội đoàn Công giáo được khôi phục hoạt động ở các giáo xứ, giáo họ. Các hội đoàn này thời gian đầu chủ yếu là các hội đạo đức, phục vụ thánh lễ, múa hát... Chẳng hạn Ở Hà Nội, năm 1991 tại xứ đạo Hàm Long tái lập hội Bà Thánh Anna. Hội có điều lệ, do linh mục chính xứ kí. Tiếp theo là hội Các bà mẹ Công giáo và các hội đoàn khác. Hội Bà thánh Anna sau được nhân rộng ra các xứ Đồng Trì, Thượng Thụy, Cổ Nhuế, Kẻ Sét... Các xứ, họ đạo trên địa bàn Hà Nội thời gian này còn thấy xuất hiện hội Cầu nguyện, hội Têrêsa, hội Nghĩa binh, hội Ông Thánh Giuse...

Năm 1995, Viện Nghiên cứu Tôn giáo khảo sát ở tỉnh Hà Nam Ninh (lúc đó chưa tách tỉnh) cho biết: trên địa bàn tỉnh có 17 loại hội đoàn với 3800 hội gổm 65000 hội viên/ 475086 giáo dân. Riêng huyện Xuân Thuỷ có 700 hội đoàn thu hút 20000 người tham gia. Năm 2005, Ban Tôn giáo Chính phủ đã có một cuộc khảo sát về các hội đoàn Công giáo ở 25 tình thành. Kết quả khảo sát này cho biết có 144 tên gọi hội đoàn Công giáo khác nhau, tổng số người tham gia các hội là 453.000 người.

Về phân loại hội đoàn, có thể phân làm 2 loại hội đoàn như sau:

- Hội đoàn chuyên biệt: Tập hợp hội viên theo một khoảng lứa tuổi, nghề nghiệp nhất định. Đó là các tổ chức với tên gọi: Nghĩa Binh Thánh Thể; Hùng tâm dũng chí; Phong trào Thanh lao công; Học sinh Công giáo; Sinh viên Công giáo; Hội Bác sĩ Công giáo; Hội Con Đức Mẹ; Hội Các Bà mẹ Công giáo.

- Hội đoàn không chuyên biệt: Tập hợp hội viên đa dạng về lứa tuổi và nghề nghiệp, bao gồm: Hiệp hội Thánh Mẫu, Liên minh Thánh Tâm, Đạo binh Đức Mẹ (Legio Maria), Gia đình Phạt Tạ…

Sau khi Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành năm 2004, một số hội đoàn Công giáo đã triển khai đăng ký hoạt động với Ban Tôn giáo Chính phủ và Ban Tôn giáo ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hiện nay, theo quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo thì hội đoàn được hiểu là tổ chức trực thuộc của Giáo hội Công giáo.

Hội đoàn Công giáo không trực thuộc hành chính cơ sở trong tổ chức của Giáo hội hội Công giáo. Tuy nhiên xuất phát từ vai trò của hội đoàn mà Giáo hội Công giáo Việt Nam đã rất chú trọng đến loại hình tổ chức này để truyền giáo và làm chứng cho Tin Mừng của Chúa Kitô. Đến nay hội đoàn Công giáo phát triển ở hầu hết trong các giáo phận và hầu như giáo xứ, giáo họ nào cũng có các hội đoàn Công giáo. Điều này cho thấy tính chất đa dạng về tổ chức, tên gọi và chức năng của hội đoàn. Điều đó cũng cho thấy chính sách cởi mở, tôn trọng tự do tôn giáo của Chính phủ Việt Nam đối với các hoạt động của Giáo hội Công giáo./.

Đào Thị Đượm