Dấu ấn một nhiệm kỳ
Ngày đăng: 02/01/2018
Vậy là nhiệm kỳ VI (2012-2017) của Ủy ban Đoàn kết Công giáo (UBĐKCG) Thành phố Hà Nội sắp kết thúc vào đầu tháng 12-2017. Nhìn lại nhiệm kỳ vừa qua, dễ dàng nhận ra Ủy ban đã để lại nhiều dấu ấn cho người dân Thủ đô.

 

. Hài hòa đạo và đời

Không dám nhận mình có vai trò cầu nối đạo- đời nhưng UBĐKCG Thành phố Hà Nội cố gắng hài hòa quan hệ đó. Nếu các ngày lễ kỷ niệm của đất nước, của Thủ đô, Ủy ban đều có mặt tham gia chung với đoàn của Thành phố như 60 năm ngày giải phóng Thủ đô (1954-2014), 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ (1947-2017), 100 năm Cách mạng tháng 10 Nga (1917-2017), 85 năm ngày thành lập Đảng (1930-2015)…thì Ủy ban cũng luôn có mặt để chia vui với bà con giáo xứ có một ngôi nhà thờ mới khánh thành, dự lễ quan thày của một giáo họ hoặc chúc tuổi các Giám mục, linh mục dịp Giáng sinh hay buổi đầu Xuân. Ủy ban quyên góp để ủng hộ các chương trình giúp đỡ nạn nhân bão lụt miền Trung thì cũng quyên góp đi ủng hộ các bệnh nhân phong Công giáo ở trại phong Xuân Mai, cô nhi viện Thánh An (Bùi Chu) hay gói cả ngàn chiếc bánh chưng gửi tặng các vùng khó khăn có hương vị Tết.  Năm nay, được MTTQVN Thành phố Hà Nội chia sẻ quỹ vì người nghèo của Hà Nội nên Ủy ban đã có thể tìm kiếm đối tượng là các gia đình Công giáo nghèo khó khăn về chỗ ở và hỗ trợ được 15 nhà xây mới, 1 nhà sửa chữa với số tiền là 620 triệu đồng. Quỹ hỗ trợ chỉ là cú “hích” để gia đình, dòng họ, các tổ chức vào cuộc. Vì vậy nhiều gia đình đã xây được nhà kiên cố với kinh phí vài, ba trăm triệu như nhà ông Nguyễn Hữu Quyết ở Cao Dương, Thanh Oai, hội Caritas giáo xứ đã hỗ trợ 5 tấn xi măng, 30 triệu đồng. Linh mục Antôn M. Dương Phú Oanh, Chủ tịch Ủy ban, dù đã nghỉ hưu nhưng linh mục không bỏ một buổi sinh hoạt tĩnh tâm nào của giáo hạt, của giáo phận dù có bệnh tật, phải ăn kiêng rất khó khăn khi sinh hoạt tập thể. Những bệnh nhân hấp hối ở bệnh viện hay tư gia muốn nhận Bí tích Xức dầu nhưng khó liên hệ với linh mục, nghe tin linh mục đều đến ngay. Ông Nguyễn Văn Kết, Phó Chủ tịch UBĐKCG Thành phố, là ông cố vì có hai con gái là nữ tu mới khấn trọn vài năm nay, tham gia hội Kính Lòng Thương xót, hội dòng ba Đa Minh nhưng cũng là người rất năng nổ trong phong trào thi đua yêu nước của người Công giáo Sóc Sơn. Ông Nguyễn Văn Liệu, Ủy viên Ban Thường trực UBĐKCG Thành phố và là Trưởng ban ĐKCG quận Bắc Từ Liêm. Ông được linh mục xứ Cổ Nhuế ủy quyền cho việc quan hệ với xã hội của giáo xứ. Ông cũng là người chủ động đi lập hồ sơ xin làm sổ đỏ và giấy phép xây dựng nhà thờ. Cho nên khi được giới thiệu tham gia HĐND quận, ông được bà con Công giáo bỏ phiếu ủng hộ với tỷ lệ cao. Ông Nguyễn Khắc Lộc vừa tham gia Ban hành giáo xứ Tình Lam nhưng cũng là Ủy viên Thường trực Ủy ban ĐKCG Thành phố. Ông phụ trách ban Bác ái của Ủy ban nhưng cũng thường chủ động quyên góp đi ủng hộ bà con Công giáo miền núi phía Bắc hay tỉnh Hòa Bình…Một số vị trong Ban Thường trực Ủy ban cũng tham gia trao đổi trực tiếp với cơ quan chức năng để làm giảm nhiệt các điểm nóng trên địa bàn Thành phố và được lắng nghe. Nhưng buổi đóng góp ý kiến vào việc sửa đổi Hiến pháp 1992, xây dựng Luật tín ngưỡng, tôn giáo hay các nghị định hướng dẫn thi hành luật này được một số nhà khoa học, chức sắc trong Ủy ban đóng góp rất nhiệt tình vừa để xây dựng pháp luật nhưng cũng là bảo vệ quyền tự do sinh hoạt tôn giáo. Thật là hài hòa quan hệ đạo- đời.

Phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người Công giáo

Nhiệm vụ chính của Ủy ban là tổ chức tập hợp, hướng dẫn phong trào thi đua yêu nước của người Công giáo Thủ đô vì vậy các phong trào thi đua “Mỗi người Công giáo Thủ đô là một công dân tốt” triển khai theo huấn từ của Giáo hoàng Bênêdictô XVI, phong trào “Xây dựng xứ, họ đạo tiên tiến”  được làm bài bản hàng năm thì một nhiệm vụ của Ủy ban được ghi trong Điều lệ là“phản ánh tâm tư nguyện vọng của người Công giáo” lên các cơ quan có thẩm quyền cũng được chú ý trong nhiệm kỳ này. Các nguyện vọng về xin cấp đất đai cho cơ sở thờ tự, xây, sửa nhà thờ, xây nhà giáo lý, làm tượng đài… do bà con giáo dân các địa phương gửi lên qua Ủy ban ĐKCG thành phố, Ủy ban đều phối hợp với giáo xứ, cho người đi thẩm tra thực tế và nếu đúng là nguyện vọng chính đáng thì Ủy ban cùng cũng có công văn gửi các cơ quan chức năng của thành phố xem xét. Nhiều kiến nghị của giáo dân đã được giải quyết như việc cấp hàng ngàn m2 đất cho nhà thờ Tình Lam, hơn 300m2 đất cho giáo họ Hoàng Xá…Hiện cũng còn một số vụ UBĐKCG nêu ra chưa giải quyết được nhưng phía chính quyền đã quan tâm tìm hướng xử lý.

Vừa qua, trên địa bàn Hà Nội, nhà hàng Fame Club có cho biểu diễn thời trang. Các diễn viên ăn mặc hở hang đeo Thánh giá, tràng hạt, khăn lúp nhảy múa khiến dư luận Công giáo rất bức xúc cho rằng chính quyền cấp phép biểu diễn tức là tán thành những xúc phạm Công giáo như vậy. UBĐKCG Thành phố đã có công văn số 131 ngày 18-10-2017 gửi Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội yêu cầu kiểm tra, xử lý vụ việc. Cũng có ý kiến cho rằng, Thánh giá đâu phải độc quyền của Công giáo mà là dụng cụ tử hình tội phạm có từ thời cổ đại. Chúng tôi đã phản biện lại rằng, đúng là thập tự là dụng cụ xử tội phạm từ xa xưa nhưng Thánh giá chỉ có từ sau Chúa Giêsu chịu nạn  và đạo Công giáo coi đó là biểu tượng thánh thiêng thì không được nhạo báng. Thánh giá trên bia mộ của người Công giáo để ghi dấu rằng, người nằm dưới mộ là người Công giáo nhưng trên nền tảng đức tin thì đó là niềm hy vọng vào sự sống lại trường sinh chứ không phải là dấu hiệu của sự chết, của căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Quyển sách nào cũng có ghi chữ. Nhưng chữ trong cuốn Kinh Coran của người Hồi giáo thì thánh thiêng. Không ai được có hành vi xúc phạm, coi thường. Nếu xúc phạm thì lập tức bạo lực xảy ra. Ít ngày sau, ngày 23-10-2017, Giám đốc Sở Văn hóa thể thao Hà Nội Tô Văn Động đã có công văn trả lời Ủy ban. Sở khẳng định không cấp phép biểu diễn cho Fame Club nên đã ra quyết định xử phạt hành chính chủ nhà hàng 66 triệu đồng, cấm biểu diễn 6 tháng với các diễn viên tham gia; tịch thu và tiêu hủy các trang phục biểu diễn và bắt xóa các hình ảnh buổi biểu diễn trên trang website của nhà hàng. Điều đó, chứng tỏ ý kiến của Ủy ban đã được lắng nghe.

Tăng cường phổ biến chính sách pháp luật cho đồng bào Công giáo

Nhiệm kỳ VI, nhờ được sự hỗ trợ kinh phí cho Ủy ban cũng như các Ban ĐKCG mà ở đâu cũng tích cực mở những buổi tuyên truyền về chính sách pháp luật cho đồng bào Công giáo trên địa bàn. Ủy ban mời các chuyên gia, các nhà khoa học có chuyên môn cao ở Trung ương về nói chuyện nên nội dung thường hấp dẫn và lôi cuốn nhiều người nghe. Có Ban ĐKCG như Tây Hồ, Nam Từ Liêm, một năm tổ chức tới 6 buổi tuyên truyền về Luật đất đai, Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; Tình hình biển đảo; Phòng cháy chữa cháy; Phóng chống ma túy… Nếu thấy ở đâu có vấn đề được đông bà con Công giáo quan tâm thì Ủy ban phối hợp cùng Ban Tôn giáo thành phố tổ chức tập huấn như vấn đề làm sổ đỏ cho các cơ sở thờ tự ở Sơn Tây hay vấn đề sinh hoạt tôn giáo thường xuyên ở Mỹ Đức, Phúc Thọ. Có nơi vốn có tiếng là khó tổ chức như Nam Từ Liêm nhưng khi vấn đề hấp dẫn thì số người dự đến gấp đôi số dự kiến ban đầu.

Cũng nhờ được sự hỗ trợ kinh phí nên những năm qua, không chỉ UBĐKCG thành phố tổ chức được các chuyến đi giao lưu trao đổi kinh nghiệm với các tỉnh, thành xa như Lâm Đồng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh mà các Ban ĐKCG cũng tổ chức được các chuyến đi giao lưu như thế. Việc làm này vừa tăng thêm kinh nghiệm công tác vận động giáo dân vừa góp phần động viên các vị tham gia tổ chức của Ủy ban.

Thành phố Hà Nội có lẽ là địa phương quan tâm sâu sát nhất đến tổ chức và phong trào thi đua yêu nước của người Công giáo từ kinh phí hoạt động hàng năm đến cơ sở vật chất cho văn phòng.

Thời gian qua, với thành tích của mình, tổ chức và phong trào thi đua yêu nước Thủ đô đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý trong đó có Huân chương lao động hạng nhất cho đồng bào Công giáo Thủ đô và Huân chương Lao động hạng ba cho UBĐKCG thành phố. Với sự quan tâm của thành phố và các quận, huyện, thị như vậy trong nhiệm kỳ qua và với những bài học được rút ra từ nhiệm kỳ VI, tin rằng nhiệm kỳ VII của UBĐKCG thành phố Hà Nội sẽ khởi sắc hơn, thành công hơn xứng đáng là lá cờ dầu của phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo Việt Nam.

TS. Phạm Huy Thông