Câu 48: Sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc cần có văn bản gì?
Ngày đăng: 17/10/2018
Theo quy định tại khoản 4 Điều 29 của Luật tín ngưỡng, tôn giáo, sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có văn bản thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc. Hết thời hạn 01 năm kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, nếu tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc không thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc thì văn bản chấp thuận hết hiệu lực. Câu 49: Tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được Luật tín ngưỡng, tôn giáo quy định như thế nào? Về tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo: + Điều 30 của Luật tín ngưỡng, tôn giáo quy định, đối với tổ chức được công nhận là tổ chức tôn giáo theo quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo là pháp nhân phi thương mại kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận. + Khoản 4 Điều 67 của Luật tín ngưỡng, tôn giáo quy định, đối với tổ chức tôn giáo đã được công nhận trước ngày Luật tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực là pháp nhân phi thương mại kể từ ngày Luật tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực. Các tổ chức tôn giáo này có trách nhiệm điều chỉnh hiến chương tại đại hội gần nhất theo quy định tại Điều 23 và đăng ký hiến chương sửa đổi theo quy định tại Điều 24 của Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Về tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo trực thuộc: Tổ chức tôn giáo đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với tổ chức tôn giáo trực thuộc có địa bàn hoạt động ở một tỉnh, cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương đối với tổ chức tôn giáo trực thuộc có địa bàn hoạt động ở nhiều tỉnh cấp đăng ký pháp nhân phi thương mại cho tổ chức tôn giáo trực thuộc khi đáp ứng các điều kiện: + Có cơ cấu tổ chức theo hiến chương; + Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; + Nhân danh tổ chức tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập. Trình tư, thủ tục cấp đăng ký pháp nhân đối với tổ chức tôn giáo trực thuộc sẽ do Chính phủ quy định. Câu 50: Việc giải thể tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được Luật tín ngưỡng, tôn giáo quy định như thế nào? -Theo quy định tại Điều 31 của Luật tín ngưỡng, tôn giáo, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc giải thể trong trường hợp sau đây: + Theo quy định của hiến chương; + Không hoạt động tôn giáo trong thời gian 01 năm kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận hoặc chấp thuận việc thành lập, chia tách, sáp nhập, hợp nhất; ngừng hoạt động tôn giáo trong thời gian 01 năm liên tục; + Hết thời hạn bị đình chỉ toàn bộ hoạt động tôn giáo mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ. -Cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận tổ chức tôn giáo có quyền giải thể tổ chức tôn giáo. -Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có quyền giải thải thể tổ chức tôn giáo trực thuộc. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận thành lập, chia tách, sáp nhập, hợp nhất đối với tổ chức tôn giáo trực thuộc có địa bàn hoạt động ở một tỉnh, cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương chấp thuận thành lập, chia tách, sáp nhập, hợp nhất đối với tổ chức tôn giáo trực thuộc có địa bàn hoạt động ở nhiều tỉnh có quyền giải thể hoặc yêu cầu tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc giải thể tổ chức tôn giáo trực thuộc trong các trường hợp không hoạt động tôn giáo trong thời gian 01 năm kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận hoặc chấp thuận việc thành lập, chia tách, sáp nhập, hợp nhất; ngừng hoạt động tôn giáo trong thời gian 01 năm liên tục hoặc hết thời hạn bị đình chỉ toàn bộ hoạt động tôn giáo mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ. - Trước khi giải thể, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về tài sản. Tài sản của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc bị giải thể được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự. Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có trách nhiệm thông báo về việc giải thể tổ chức tôn giáo trực thuộc đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với tổ chức tôn giáo trực thuộc có địa bàn hoạt động ở một tỉnh hoặc cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương đối với tổ chức tôn giáo trực thuộc có địa bàn hoạt động ở nhiều tỉnh chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày tổ chức tôn giáo trực thuộc bị giải thể. -Về trình tự, thủ tục giải thể tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc do Chính phủ quy định. Câu 51: Điều kiện phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức sắc, chức việc được Luật tín ngưỡng, tôn giáo quy định như thế nào? Điều 32 của Luật tín ngưỡng, tôn giáo quy định, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc thực hiện phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử theo hiến chương của tổ chức tôn giáo. Người được phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức sắc, chức việc phải đáp ứng các điều kiện sau đây: + Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; + Không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; + Không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự. + Theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật tín ngưỡng, tôn giáo, đối với người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được đề nghị phong phẩm hoặc suy cử phẩm vị còn phải đáp ứng các điều kiện sau đây: + Được đào tạo tôn giáo tại cơ sở đào tạo tôn giáo ở Việt Nam; + Tuân thủ pháp luật Việt Nam. Câu 52: Việc phong phẩm hoặc suy cử làm chức sắc trong tổ chức tôn giáo được Luật tín ngưỡng, tôn giáo quy định như thế nào? -Theo quy định tại Điều 33 của Luật tín ngưỡng, tôn giáo, việc phong phẩm hoặc suy cử làm chức sắc trong tổ chức tôn giáo được quy định như sau: - Tổ chức tôn giáo có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương về người được phong phẩm hoặc suy cử làm hòa thượng, thượng tọa, ni trưởng, ni sư của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; mục sư của các tổ chức Tin lành; phối sư trở lên của các Hội thánh Cao đài; giảng sư trở lên của Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam và các phẩm vị tương đương của tổ chức tôn giáo khác chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày phong phẩm hoặc suy cử. - Đối với các trường hợp phong phẩm hoặc suy cử chức sắc không thuộc quy định nêu trên, tổ chức tôn giáo có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh nơi chức sắc cư trú và hoạt động tôn giáo chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày phong phẩm hoặc suy cử. - Văn bản thông báo nêu rõ tên tổ chức tôn giáo, họ và tên, phẩm vị, địa bàn hoạt động, tóm tắt quá trình hoạt động tôn giáo kèm theo sơ yếu lý lịch, phiếu lý lịch tư pháp của chức sắc. - Trường hợp người được phong phẩm hoặc suy cử làm chức sắc không đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 32 của Luật, tùy từng trường hợp cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương hoặc cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh có văn bản yêu cầu tổ chức tôn giáo hủy kết quả phong phẩm hoặc suy cử chức sắc. - Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu, tổ chức tôn giáo có trách nhiệm hủy kết quả phong phẩm hoặc suy cử chức sắc và có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc hủy kết quả phong phẩm hoặc suy cử đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền nêu trên. NN