Hỏi đáp pháp luật
Ngày đăng: 20/11/2020

Câu 1: Việc tổ chức đại hội của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức tôn giáo được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo được Luật tín ngưỡng, tôn giáo quy định như thế nào?

          Theo quy định tại Điều 45 của Luật tín ngưỡng tôn giáo, đại hội của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo được quy định như sau:

- Trước khi tổ chức đại hội, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo có trách nhiệm gửi hồ sơ đề nghị đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

  • Hồ sơ đề nghị gồm:

+ Văn bản đề nghị nêu rõ tên tổ chức; lý do tổ chức; dự kiến thành phần, số lượng người tham dự; nội dung, chương trình, thời gian, địa điểm tổ chức đại hội;

+ Báo cáo tổng kết hoạt động của tổ chức;

+ Dự thảo hiến chương hoặc hiến chương sửa đổi (nếu có).

- Về thẩm quyền chấp thuận tổ chức đại hội:

+ Trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm trả lời bằng văn bản đối với việc tổ chức đại hội của tổ chức tôn giáo trực thuộc có địa bàn hoạt động ở một huyện; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do;

+ Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản đối với việc tổ chức đại hội của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo có địa bàn hoạt động ở nhiều huyện thuộc một tỉnh; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do;

+ Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản đối với việc tổ chức đại hội không thuộc các trường hợp nêu trên; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

Câu 2: Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo có được tổ chức các cuộc lễ ngoài cơ sở tôn giáo, địa điểm hợp pháp đã đăng ký không? Việc tổ chức cuộc lễ được Luật quy định như thế nào?

          Cuộc lễ diễn ra ngoài cơ sở tôn giáo được hiểu là những cuộc lễ diễn ra ngoài phạm vi nơi thờ tự, tu hành, nơi đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và những cơ sở khác của tổ chức tôn giáo được nhà nước công nhận.

- Theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật tín ngưỡng, tôn giáo, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo được tổ chức các cuộc lễ ngoài cơ sở tôn giáo, địa điểm hợp pháp đã đăng ký.

- Việc tổ chức cuộc lễ được quy định như sau:

+ Trước khi tổ chức, tổ chức tôn giáo , tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị đến cơ quan nhà nươc có thẩm quyền.

+ Văn bản đề nghị nêu rõ tên tổ chức đề nghị, tên cuộc lễ, người chủ trì, nội dung, chương trình, thời gian, địa điểm thực hiện, quy mô, thành phần tham dự cuộc lễ.

+ Về thẩm quyền chấp thuận: Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về việc tổ chức cuộc lễ có quy mô tổ chức ở một huyện trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị hợp lệ; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do; cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh nơi dự kiến tổ chức cuộc lễ có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về việc tổ chức cuộc lễ, giảng đạo có quy mô tổ chức ở nhiều huyện thuộc một tỉnh hoặc ở nhiều tỉnh trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị hợp lệ; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

+ Cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi tổ chức cuộc lễ có trách nhiệm hỗ trợ bảo đảm an ninh, trật tự cho cuộc lễ.

Câu 3: Việc giảng đạo ngoài địa bàn phụ trách, cơ sở tôn giáo, địa điểm hợp pháp đã đăng ký của chức sắc, chức việc, nhà tu hành được Luật tín ngưỡng, tôn giáo quy định như thế nào?

          Theo quy định tại khoản 2 Điều 46 của Luật tín ngưỡng, tôn giáo, trước khi giảng đạo ngoài địa bàn phụ trách, cơ sở tôn giáo, địa điểm hợp pháp đã đăng ký, chức sắc, chức việc, nhà tu hành có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Văn bản đề nghị nêu rõ họ và tên người đề nghị, nội dung, lý do, chương trình, thời gian, địa điểm thực hiện, thành phần tham dự.

- Về  thẩm quyền chấp thuận: Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về việc giảng đạo có quy mô tổ chức ở một huyện trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị hợp lệ; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do; cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh nơi dự kiến giảng đạo có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về việc giảng đạo có quy mô tổ chức ở nhiều huyện thuộc một tỉnh hoặc ở nhiều tỉnh trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị hợp lệ; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi tổ chức giảng đạo có trách nhiệm hỗ trợ bảo đảm an ninh, trật tự cho việc giảng đạo.

Câu 4: Người nước ngoài cư trú hợp pháp ở Việt Nam có được sinh hoạt tôn giáo tập trung tại cơ sở tôn giáo hoặc tại địa điểm hợp pháp không? Nếu được thì thực hiện như thế nào?

- Theo quy định tại Điều 47 của Luật tín ngưỡng, tôn giáo, người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được sinh hoạt tôn giáo tập trung tại cơ sở tôn giáo hoặc tại địa điểm hợp pháp khác.

- Việc sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được thực hiện như sau:

+  Người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam có nhu cầu sinh hoạt tôn giáo tập trung tại cơ sở tôn giáo hoặc tại địa điểm hợp pháp khác gửi hồ sơ đề nghị đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm dự kiến sinh hoạt tôn giáo tập trung.

+ Hồ sơ đề nghị gồm: Văn bản đề nghị nêu rõ họ và tên, quốc tịch, tôn giáo của người đại diện; lý do,  thời gian, nội dung sinh hoạt, số lượng người tham gia, cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm dự kiến sinh hoạt; Bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh việc cư trú hợp pháp tại Việt Nam của người đại diện; Văn bản đồng ý của người đại diện cơ sở tôn giáo hoặc giấy tờ chứng minh có địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo tập trung.

+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

Câu 5: Hoạt động tôn giáo, hoạt động quan hệ quốc tế về tôn giáo của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam được Luật tín ngưỡng, tôn giáo quy định như thế nào?

          Theo quy định tại Điều 48 của Luật tín ngưỡng, tôn giáo, hoạt động tôn giáo, hoạt động quan hệ quốc tế về tôn giáo của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam được quy định như sau:

- Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc trước khi mời tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện các hoạt động tôn giáo, hoạt động quan hệ quốc tề về tôn giáo có trách nhiệm gửi hồ sơ đề nghị đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Hồ sơ đề nghị gồm:

+ Văn bản đề nghị nêu rõ tên tổ chức mời; tên tổ chức, cá nhân được mời; dự kiến chương trình, thời gian và địa điểm tổ chức;

+ Bản giới thiệu tóm tăt các hoạt động chủ yếu của tổ chức, cá nhân nước ngoài;

+ Văn bản chứng minh chức danh hoạt động tôn giáo của người được mời.

- Về thẩm quyền chấp thuận hoạt động tôn giáo, hoạt động quan hệ quốc tế về tôn giáo của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam:

+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về việc mời tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện các hoạt động tôn giáo ở một tỉnh trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do;

+ Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về việc mời tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện hoạt động tôn giáo ở nhiều tỉnh hoặc hoạt động quan hệ quốc tế về tôn giáo trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

 

NN