Công bố Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III
Ngày đăng: 01/04/2022
Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt phát biểu trực tuyến
Chiều 31/3, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức công bố Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) chu kỳ III và thông tin việc Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Sự kiện có sự tham dự của trên 70 đại biểu là trưởng đại diện, đại diện nhiều tổ chức quốc tế, cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam; cùng đại diện các bộ, ngành Việt Nam được giao nhiệm vụ trực tiếp triển khai các khuyến nghị, các tổ chức phi chính phủ và giới nghiên cứu về quyền con người tại Việt Nam.

Ông Đỗ Hùng Việt, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao phát biểu khai mạc, cho biết ngày 22/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) chu kỳ III và bản báo cáo này sẽ được đệ trình lên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Mặc dù đại dịch COVID-19 đã tác động sâu sắc đến việc thực hiện các khuyến nghị UPR, trong đó có công tác thu thập dữ liệu, nhưng các bộ, ngành và các bên liên quan đã hợp tác chặt chẽ để triển khai các khuyến nghị cũng như xây dựng báo cáo. Công tác này cũng nhận được sự hỗ trợ, tham gia hiệu quả của các đối tác phát triển, đặc biệt là các cơ quan Liên hợp quốc ở Việt Nam, với vai trò đầu mối của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP). Báo cáo đã thể hiện trách nhiệm quốc gia thành viên, sự minh bạch và nghiêm túc của Việt Nam đối với cơ chế UPR nói riêng và trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về bảo đảm quyền con người nói chung, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực vận động ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.

Theo ông Đỗ Hùng Việt, bản báo cáo đã tái khẳng định cam kết và ủng hộ của Việt Nam đối với cơ chế UPR của Hội đồng Nhân quyền. Việt Nam nhận thấy đây là cơ chế phù hợp, hiệu quả nhất để tất cả các quốc gia có những nỗ lực về nhân quyền được các nước khác xem xét trên cơ sở bình đẳng.

Ông Đỗ Hùng Việt cho biết thêm, Việt Nam đã tích cực tham gia vào cơ chế UPR thông qua ba chu kỳ. Trong ba chu kỳ này, những nỗ lực và thành tựu nhân quyền của Việt Nam đã được công nhận, cũng như xác định những tồn tại và thách thức. Các khuyến nghị mà Việt Nam đã nhận được và chấp nhận đã đóng vai trò là dữ liệu đầu vào và trở thành động lực quan trọng cho những nỗ lực không ngừng nhằm cải thiện hơn nữa việc thụ hưởng tất cả các quyền con người ở Việt Nam. Đây cũng là minh chứng cho những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với Hội đồng Nhân quyền, rộng hơn là chủ nghĩa đa phương và Liên hợp quốc.

Bản báo cáo đã cung cấp một bức tranh tích cực về việc Chính phủ Việt Nam thực hiện nghiêm túc các cam kết trong quy trình UPR và các khuyến nghị mà Chính phủ Việt Nam đã chấp nhận. Bản báo cáo cũng mang đến một bức tranh đầy đủ về nhân quyền ở Việt Nam đã được cải thiện như thế nào cũng như chỉ ra những thách thức vẫn còn nằm ở đâu. Đây sẽ là nền tảng để Việt Nam chuẩn bị cho chu kỳ thứ tư của quy trình UPR trong thời gian hai năm.

Việc xây dựng báo cáo này cũng nhận được sự đóng góp tích cực của các bên liên quan, bao gồm các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ Việt Nam và quốc tế, các cơ quan đại diện ngoại giao, các cơ quan của Liên hợp quốc và nhiều cá nhân.

Tại buổi công bố, các đại biểu đã được nghe ông Nguyễn Hải Lưu, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao) giới thiệu tóm tắt Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III của Việt Nam.

Quyền Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Rana Flowers phát biểu

Bà Rana Flowers, Quyền Điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam thay mặt các đối tác quốc tế chúc mừng và đánh giá cao cam kết và nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người, trong đó có việc thực hiện các khuyến nghị theo Cơ chế UPR chu kỳ III và xây dựng báo cáo giữa kỳ tự nguyện, cùng các cam kết ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.

Bà Flowers cho rằng, trên thế giới hiện nay còn rất nhiều thách thức trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người; ở Việt Nam cũng còn nhiều khó khăn, trong đó có những vấn đề đã được báo cáo giữa kỳ tự nguyện chỉ ra; đồng thời khẳng định cam kết của hệ thống các cơ quan Liên hợp quốc sát cánh cùng Việt Nam thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, thúc đẩy các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, không bỏ ai lại phía sau.

Các đại biểu cũng nghe ông Đỗ Hùng Việt thông tin về việc Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Ứng cử của Việt Nam đã được tuyên bố lần đầu tiên vào năm 2021 tại Phiên họp cấp cao trong Khóa 46 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Việt Nam cũng đã được ASEAN ủng hộ là ứng cử viên của Hiệp hội vào Hội đồng Nhân quyền cho nhiệm kỳ này. Gần đây nhất, tại Phiên họp cấp cao trong Khóa họp thường kỳ lần thứ 49 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Trưởng đoàn Việt Nam đã khẳng định thông điệp của Việt Nam khi ứng cử: “Tôn trọng lẫn nhau. Đối thoại và hợp tác. Đảm bảo mọi quyền con người, cho tất cả mọi người”; đồng thời làm rõ các ưu tiên của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Nhân quyền.

Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các quốc gia thành viên và các bên liên quan để duy trì các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, củng cố hiệu lực và hiệu quả của Hội đồng Nhân quyền thông qua đối thoại, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau. Việt Nam sẽ thúc đẩy bình đẳng giới, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em gái trong thời đại chuyển đổi kỹ thuật số; tiếp tục đề xuất Nghị quyết về quyền con người và biến đổi khí hậu cùng với các thành viên khác của các nhóm nòng cốt; đóng góp cho nỗ lực của Hội đồng Nhân quyền trong lĩnh vực quyền được chăm sóc sức khỏe, đặc biệt trong bối cảnh thế giới phục hồi sau đại dịch COVID-19; thúc đẩy quyền được làm việc tử tế để đạt được Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững; thúc đẩy đào tạo, giáo dục về quyền con người cũng là một vị trí ưu tiên của Việt Nam khi tham gia và hợp tác với các nước tại Hội đồng Nhân quyền./.

 

Theo TTXVN