Phòng Tôn giáo, Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình hình thành và phát triển
Ngày đăng: 19/07/2017
Hòa Bình là tỉnh miền núi, nằm ở cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội, tiếp giáp với các tỉnh đồng bằng và trung du, Bắc bộ; có đường giao thông vận tải thủy bộ tương đối thuận lợi để giao lưu hàng hóa trong và ngoài tỉnh. Hoà Bình có diện tích tự nhiên 4.595,2km2; dân số hơn 80 vạn người, có 11 huyện, thành phố; 210 xã, phường, thị trấn; Có 7 dân tộc,( trong đó dân tộc Mường trên 63,9% dân số toàn tỉnh, dân tộc Kinh chiếm 26,4% còn lại là các dân tộc khác chiếm 9,7%): Tỉnh Hòa Bình có 03 tôn giáo đó là; Công giáo, Phật giáo, Tin Lành tổng số có trên 48.000 tín đồ ( chiếm 5,9% dân số toàn tỉnh hầu hết tín đồ là đồng bào dân tộc Mường và dân tộc Kinh),

     Ngay sau khi có Sắc lệnh số 234/SL ngày 14/6/1955 của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa về vấn đề tôn giáo, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã điều động một số cán bộ tham gia làm công tác tôn giáo, cử một số cán bộ xuống các xã có đông đồng bào các tôn giáo, vận động chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo thực hiện tốt chính sách tôn giáo của Đảng, nhà nước nêu cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc góp phần vào việc diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động, sinh hoạt đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, khơi dậy trong đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo lòng tự hào, tự tôn dân tộc, hăng hái tham gia cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

     Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, công tác tôn giáo được tập trung tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chăm lo phát triển kinh tế, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được đảm bảo. Trong thời kỳ này hàng nghìn thanh niên là tín đồ các tôn giáo hăng hái tình nguyện lên đương đánh Mỹ.

      Đất nước thống nhất, căn cứ tình hình và nhu cầu thực tế ở địa phương ngày 01/6/1992 Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã thành lập Ban Tôn giáo tỉnh trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh làm nhiệm vụ quản lý, hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước của các tổ chức cá nhân tôn giáo, nghiên cứu, đề xuất công tác quản lý nhà nước về tôn giáo.

     Trước yêu cầu, nhiệm vụ công tác dân tộc trong thời kỳ mới, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã trình và được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 164/3003/QĐ-TTg ngày 08/8/2003 về việc thành lập Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Hòa Bình. Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Hòa Bình được thành lập trên cơ sở kiện toàn, tổ chức lại Ban Tôn giáo, đồng thời chuyển giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác dân tộc, miền núi do Sở NN&PTNT đảm nhiệm ( bao gồm Chi cục Định canh định cư và vùng kinh tế mới) về Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh. Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh đã kiện toàn, Sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan cấp tỉnh và cấp huyện phù hợp với từng giai đoạn cụ thể. Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh có 04 phòng chuyên môn, phòng Hành chính tổng hợp; phòng Công tác tôn giáo; phòng Chính sách dân tộc; Thanh tra và 01 đơn vị trực thuộc là Chi cục Định canh, định cư.

      Thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngày 17/11/2008, UBND tỉnh Hòa Bình kiện toàn, sắp xếp, tổ chức lại Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh, theo đó chuyển giao chức năng quản lý nhà nước về công tác Tôn giáo vào Sở Nội vụ quản lý. Đến nay phòng Tôn giáo có 04 biên chế, 01 Trưởng phòng, 02 Phó trưởng phòng và 01 chuyên viên. Cấp huyện có 01 Phó trưởng phòng Nội vụ và 01 chuyên viên kiêm nhiệm công tác tôn giáo. Cấp xã có Phó Chủ tịch UBND và một công chức Văn phòng kiêm nhiệm.       

      - Những năm qua phòng Tôn giáo, Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo chính quyền các cấp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động của các tổ chức, cá nhân các tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương. Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia có hiệu quả các phong trào thi đua, các hoạt động nhân đạo, từ thiện ở địa phương.

      - Phối hợp với các cơ quan chức năng từ tỉnh đến cơ sở tăng cường phối hợp nắm tình hình nhân dân, tình hình tôn giáo; Cử cán bộ xuống cơ sở, bám địa bàn, thường xuyên phối hợp thực hiện các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng tôn giáo làm mất an ninh trật tự tại địa phương. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp xem xét xử lý nghiêm, đúng pháp luật những đối tượng có hành vi lợi dụng tôn giáo, truyền đạo trái pháp luật;

         - Việc giải quyết nhà đất liên quan đến tôn giáo, tập trung giải quyết đúng trình tự, thủ tục pháp luật các nhu cầu chính đáng về nhà, đất cho các tổ chức tôn giáo, không để xẩy ra lấn chiếm, chuyển nhượng, hiến tặng nhà, đất trái pháp luật và các điểm nóng liên quan đến đất đai tôn giáo, từng bước đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của đồng bào có tôn giáo ở địa phương.

       - Công tác đối ngoại tôn giáo, chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm và chỉ đạo điều hành, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài, là trách nhiệm của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị. Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị nhằm đảm bảo hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về thông tin đối ngoại.

        - Tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước, giúp cho chức sắc, tín đồ các tôn giáo hiểu rõ tình hình trong nước, thế giới và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm, tinh hoa văn hóa nhân loại. Hướng dẫn các tôn giáo thực hiện quan hệ đối ngoại phù hợp với đường lối, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

        - Công tác đấu tranh chống lợi dụng tôn giáo, xử lý các vi phạm pháp luật trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo luôn tiến hành đồng thời với công tác bảo vệ và đấu tranh chống diễn biến hòa bình, do đó chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc; các tổ chức chính trị- xã hội làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục quần chúng tín đồ tôn giáo về lòng tự tôn dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nhằm nâng cao nhân thức cho chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo về quyền, nghĩa vụ công dân, trách nhiệm với Tổ quốc, dân tộc.

       Chức sắc, tín đồ các tôn giáo luôn có ý thức chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sống “tốt đời, đẹp đạo” kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng tín đồ cũng như những hành vi sai trái liên quan đến tôn giáo tới các cấp chính quyền, phối hợp với lực lượng chức năng tích cực tham gia đấu tranh tố giác tội phạm ngay tại cơ sở, tự giác tham gia đóng góp công sức vào việc bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, góp phần tích cực làm cho tình hình tôn giáo ngày càng ổn định, hoạt động đúng pháp luật, kịp thời đấu tranh ngăn chặn những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề tôn giáo chống phá Đảng và Nhà nước, không để xảy ra điểm nóng về tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

    Ghi nhận những đóng góp của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức nhiều tập thể, cá nhân được Chính phủ; Ban Tôn giáo Chính phủ; UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen, giấy khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác./.

  

 Nguyễn Trường Sơn