Giới thiệu vài nét về Ban Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Ngày đăng: 20/07/2017

I.                  Quá trình hình thành và phát triển

Ngày 14/12/1991, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành quyết định số 179/QĐ-UBND thành lập Ban Tôn giáo chính quyền tỉnh là cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh với chức năng, nhiệm vụ tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện QLNN về các hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Ngày 18/6/2001, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 5034/QĐ-UBND chuyển chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ Văn phòng HĐND và UBND tỉnh sang Ban Tôn giáo chính quyền quản lý, đổi tên Ban Tôn giáo Chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thành Ban Tôn giáo và Dân tộc tỉnh là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trực tiếp tham mưu, giúp UBND tỉnh QLNN về công tác tôn giáo và công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh. Ở cấp huyện, thành lập Phòng Tôn giáo và Dân tộc trực thuộc UBND cấp huyện với biên chế từ 2 đến 3 công chức trực tiếp tham mưu cho UBND cấp huyện thực hiện chức năng QLNN về công tác tôn giáo, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc. Ở cấp xã, công tác tôn giáo và dân tộc được giáo cho Phó Chủ tịch UBND cấp xã (phụ trách Văn xã) trực tiếp quản lý.

Năm 2008, thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP và Nghị định số 14/2008/NĐ-CP ngày 4/2/2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huện, quận, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh, chức năng QLNN về tôn giáo của Ban Tôn giáo và Dân tộc chuyển về Ban Tôn giáo tỉnh trực thuộc Sở Nội vụ trực tiếp thực hiện quản lý nhà nước. Ở cấp huyện, giải thể Phòng Tôn giáo và Dân tộc, công tác tôn giáo chuyển về Phòng Nội vụ cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Ở cấp xã, công tác tôn giáo được giao cho Phó Chủ tịch UBND (phụ trách Văn xã) trực tiếp phụ trách và quản lý.

Hiện nay, toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 28 công chức đang trực tiếp làm công tác QLNN về hoạt động tôn giáo ở cấp tỉnh và huyện (Ban Tôn giáo tỉnh – 12 công chức; 08 Phòng Nội vụ/8 huyện, TP – 16 công chức), trong đó: 2/28 người có trình độ Thạc sỹ, 25/28 người có trình độ Đại học, 1/28 người có trình độ Trung cấp; 06/28 người có trình độ Cao cấp lý luận chính trị, 22/28 là trung cấp và sơ cấp chính trị; 10/28 người đã qua Bồi dưỡng QLNN ngạch chuyên viên chính, 2/28 người đã qua lớp bồi dưỡng QLNN ngạch chuyên viên cao cấp; 28/28 người có trình độ A tin học và A ngoại ngữ trở lên. Ở cấp xã: ngoài công chức Văn phòng – Thống kê được phân công nhiệm vụ QLNN về hoạt động tôn giáo có phân công them nhân sự không chuyên trách làm công tác tôn giáo.

II.               Cơ cấu tổ chức bộ máy

·        Ở cấp tỉnh: Ban Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có:

-         Lãnh đạo Ban: (gồm Trưởng ban và 02 Phó Trưởng ban)

-         Phòng Hành chính – Tổng hợp

-         Phòng Phật giáo, Cao đài và Các tôn giáo khác

-         Phòng Công giáo, Tin Lành

Biên chế Ban Tôn giáo được UBND tỉnh giáo theo quy định

Chức năng, nhiệm vụ của Ban Tôn giáo

Căn cứ Quyết định số 2316/QĐ-UBND ngày 29/9/2015 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Ban Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

- Giúp Giám đốc Sở Nội vụ tham mưu trình UBND tỉnh ban hành cấc văn bản quy phạm pháp luật; quy hoạch, kế hoạch dài hạn, 05 năm, hàng năm; các đề án, dự án, chương trình, biện pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính thuộc lĩnh vực tôn giáo. Tham mưu giúp Giám đốc Sở Nội vụ tổ chức thực hiện các văn bản trên sau khi được phê duyệt

- Chịu trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo đối với cán bộ, công chức, viên chức và tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, nhân sỹ các tôn giáo trong phạm vi quản lý của mình.

- Chịu trách nhiệm giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền giải quyết những vấn đề cụ thể về tôn giáo theo quy định của pháp luật. Giúp Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành trong việc tham mưu, trình UBND tỉnh giải quyết những vấn đề phát sinh trong tôn giáo theo quy định; là đầu mối liên hệ giữa chính quyền địa phương với các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

- Chịu trách nhiệm thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực tôn giáo theo quy định của Pháp luật.

- Chịu trách nhiệm thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng về công tác tôn giáo đối với đội ngũ công chức làm công tác tôn giáo thuộc phạm vi quản lý của Sở Nội vụ.

- Giúp Giám đốc Sở Nội vụ tham mưu trình UBND tỉnh thực hiện việc áp dụng chính sách đối với những tổ chức tôn giáo và cá nhân có hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật.

- Nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực tôn giáo, tổng kết thực tiễn, cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đối với tôn giáo.

- Hướng dẫn phòng Nội vụ thuộc UBND cấp huyện giải quyết những vấn đề cụ thể về tôn giáo theo quy định của pháp luật.

- Tổng hợp, báo cáo định kỳ về công tác tôn giáo theo quy định của pháp luật.

- Quản lý tổ chức, bộ máy, biên chế, tài chính, tài sản được giao; thực hiện chế độ, chính sách đối với công chức và người lao động thuộc thẩm quyền quản lý theo phân cấp của Giám đốc Sở Nội vụ và theo quy định của pháp luật.

- Chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Giám đốc Sở Nội vụ giao và theo quy định của pháp luật.

·        Ở cấp huyện:

Công tác QLNN về hoạt động tôn giáo do phòng Nội vụ thực hiện với 2 biên chế làm công tác tôn giáo, trong đó có 01 công chức là Phó Trưởng phòng Nội vụ trực tiếp phụ trách chuyên về tôn giáo để tham mưu và giúp UBND huyện, thành phố thực hiện QLNN đối với hoạt động tôn giáo trên địa bàn. Riêng đối với huyện Côn Đảo: công tác QLNN đối với hoạt động tôn giáo được phân công cho 01 chuyên vien thuộc Phòng Nội vụ huyện phụ trách.

·        Ở cấp xã:

Toàn tỉnh có 77/82 UNBD xã, phường, thị trấn đã bố trí 01 công chức Văn phòng – Thống kê làm công tác QLNN đối với hoạt động tôn giáo theo quy định tại Điều 5, Thông tư số 06/2012/TT-BNV ngày 30/12/2012 của Bộ Nội vụ.

III.           Công tác QLNN về tôn giáo

Căn cứ Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo ngày 18/6/2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XI); Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 8/11/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo; Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg ngày 4/2/2005 của Thủ tướng Chính phủ về một số công tác đối với đạo Tin Lành và các văn bản khác liên quan đến tôn giáo, trong những năm qua, công tác QLNN đối với các hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có những chuyển biến tích cực, các hoạt động tôn giáo trên địa bản tỉnh từng bước đi vào nề nếp, cơ bản tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Công tác QLNN về tôn giáo được chính quyền các cấp tăng cường, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý. Tuyệt đại đa số các tổ chức, chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo trên địa bàn tỉnh chấp hành và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong hoạt động tôn giáo; tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội, thực hiện sống “ tốt đời, đẹp đạo”, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định và giữ vững quốc phòng – an ninh của địa phương. Mối quan hệ giữa Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể với các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo ngày càng cởi mở, gần gũi. Công tác tôn giáo đã động viên đồng bào các tôn giáo, các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo trên địa bàn tỉnh hưởng ứng và tích tực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đạt được những kết quả trên là do Đảng bộ, chính quyền và Đoàn thể các cấp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã quán triệt và thực hiện tốt đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo; sớm đưa ra những chủ trương, chính sách tôn giáo theo tinh thần đổi mới đúng đắn, kịp thời, phù hợp với thực tế tình hình tôn giáo tại địa phương, chủ động, sáng tạo trong quá trình lãnh đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác tôn giáo.

IV.           Công tác phối hợp giữa các ngành:

Để triển khai thực hiện tốt Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo và Nghị định số 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 2/5/2013, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành Quyết định số 20/2013/QĐ-UBND ban hành quy định cụ thể thời hạn phối hợp xem xét, thẩm định, tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết hồ sơ hành chính thuộc lĩnh vực tôn giáo theo Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 8/11/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo, trong đó, UBND tỉnh quy định cụ thể về thời gian xem xét, thẩm định hồ sơ hành chính liên quan đến tôn giáo đối với các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và UBND tỉnh. Do vậy, nhiều hồ sơ hành chính liên quan đến tôn giáo đã được chính quyền các cấp giải quyết đúng thời hạn theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, đối với các vụ việc liên quan đến tôn giáo, các cấp, các ngành đã và đang có sự phối hợp tương đối thống nhất, nhịp nhàng, đồng bộ, do vậy từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả QLNN trong công tác tôn giáo. Ngoài ra, Ban Tôn giáo xây dựng Quy chế phối hợp giải quyết công việc giữa các ngành làm cơ sở giải quyết công việc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

V.               Công tác đối ngoại tôn giáo

Trong những năm qua, chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hướng dẫn các tôn giáo thực hiện việc quan hệ đối ngoại phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước đến cán bộ, công chức và chức sắc, chức việc các tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

Từ năm 2003 đến 2015, chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu không có hoạt động đón tiếp khách nước ngoài nào đến tìm hiểu tình hình tôn giáo và chính sách tôn giáo tại địa phương. Năm 2016, UBND tỉnh tiếp Bộ trưởng Bộ Lễ nghi và Tôn giáo Vương quốc Campuchia cùng đoàn đến thăm tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Do tiến trình hội nhập, giao lưu và mở rộng quan hệ quốc tế ngày càng sâu rộng của Đảng và Nhà nước ta trong đó có lĩnh vực tôn giáo nên được sự cho phép của Chính phủ Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ và UBND tỉnh, thời gian qua có một số đoàn tôn giáo các nước có đến thăm, dự lễ với một số tổ chức tôn giáo tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu như: Năm 2007, Thiền sư Thích Nhất Hạnh và đoàn tăng thân Làng Mai đến thăm và tổ chức pháp thoại và tham dự lễ trai đàn cầu siêu do Ban Trị sự Phật giáo tỉnh tổ chức. Nam 2008, phái đoàn Phật giáo Ấn Độ đến thăm chùa Đại Tòng Lâm, huyện Tân Thành. Tháng 12/2009, phái đoàn Hoàng gia Thái Lan đến cúng dường pháp y tại chùa Hộ Pháp, thành phố Vũng Tàu. Phái đoàn Bộ Tôn giáo Myanmar đến thăm Ban Trị sự Phật giáo tỉnh tại chùa Từ Quang, thành phố Vũng Tàu. Đoàn Phật giáo Tây Tạng- Ấn Độ đến thăm và thuyết giảng phật pháp tại chùa Đại Tòng Lâm, huyện Tân Thành. Năm 2010, đoàn Phật giáo Ấn độ do ngài Jin Pwa làm trưởng đoàn đến thăm thuyết giảng tại chùa Đại Tòng Lâm, huyện Tân Thành. Đoàn chư tăng Truyền thừa dòng Kim cang thừa của Phật giáo Tây Tạng, Ấn Độ do Ngài Pha Kpa Tniku Riroche làm trưởng đoàn đến thăm và thuyết giảng tại chùa Đại Tòng Lâm, huyện Tân Thành. Tháng 10/2014, Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, Đặc phái viên không thường trú của Tòa thánh Vatican tại Việt Nam đến thăm viếng mục vụ tại giáo xứ Chu Hải, xã Xuân Sơn, Tân Thành…. Nhìn chung, hoạt động của các đoàn tôn giáo đến Bà Rịa – Vũng Tàu đều đảm bảo thực hiện đúng theo chương trình, kế hoạch được Ban Tôn giáo Chính phủ cho phép.

VI.           Công tác nghiên cứu khoa học ở địa phương

 Năm 2003 và 2004, ông Lê Minh Hòa, Nguyên Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo và Dân tộc tỉnh có nghiên cứu đề tài về Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam và Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xưa và nay, thực trạng và những đề xuất, kiến nghị gửi Ban Tôn giáo Chính phủ xem xét công nhận tư cách pháp nhân cho 02 tổ chức tôn giáo này.

VII.         Thành tích đạt được

Năm 1998-2000: Bằng khen của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Năm 2001 đến năm 2007: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, Cờ Thi đua của Ủy ban Dân tộc.

Bằng khen của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Bằng khen của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu năm 1886-2000

Năm 2008-2009: Bằng khen của Ban Tôn giáo Chính phủ.

Năm 2010: Bằng khen của Bộ Nội vụ.

Năm 2012-2016: Giấy khen của Ban Tôn giáo Chính phủ, Bằng khen của UBND tỉnh.