Ưu tiên phục hồi các yếu tố gốc của cụm di tích Thái Miếu
Ngày đăng: 17/05/2021
Ảnh: sggp.org.vn
Ngày 15/5, HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế khóa VII tổ chức kỳ họp chuyên đề lần thứ 16 thông qua 10 nghị quyết quan trọng.

Trong đó, HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án, công trình: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên - Huế; nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 15; tu bổ, phục hồi các lăng mộ và tôn tạo hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan thuộc quần thể di tích lăng vua Gia Long; bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo tổng thể di tích Thái Miếu giai đoạn 1; điều chỉnh chủ trương đầu tư công trình tuyến đường dọc bờ sông Hương (phía Nam) đoạn từ cầu Dã Viên đến đường Huyền Trân Công Chúa, TP Huế.

Cùng ngày, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, dự án tu bổ, phục hồi Thái Miếu thực hiện 4 trong năm với tổng kinh phí 265 tỷ đồng.

Thái Miếu là một trong 5 miếu thờ quan trọng của triều Nguyễn được xây dựng sớm nhất trong Hoàng thành Huế, thờ các vị tổ tiên của nhà vua, tức các đời chúa Nguyễn.

Di tích này còn là nơi bảo lưu các nghi lễ thờ tự của cả cụm di tích Thái Miếu – Triệu Miếu, có giá trị trong việc nghiên cứu, tìm hiểu về việc thờ tự nói chung của các triều đại trước đó ở Việt Nam.

Tổng thể di tích Thái Miếu là một tổ hợp kiến trúc khá lớn với trên 10 hạng mục công trình, được bố trí đúng theo nguyên tắc chung của kiến trúc triều Nguyễn.

Vào năm 1947, Thái Miếu cùng với các miếu khác đã bị phá hủy do chiến tranh. Công trình này được phục dựng lại năm 1972 để phục vụ nhu cầu thờ cúng tổ tiên của Nguyễn Phước tộc, nhưng cũng thu hẹp về quy mô, hiện cũng xuống cấp và sụp đổ một phần.

Đến nay, khu vực Thái Miếu hiện chỉ còn ba công trình chính: Thái Miếu (gần như đổ nát), điện Long Đức (được trùng tu) và điện Chiêu Kính (mới được phục dựng).

 

Do chiến tranh tàn phá, một phần Thái Miếu đã trở thành “bình địa”. Trong ảnh, các nhà khoa học đánh giá tình trạng xuống cấp của Thái Miếu. Ảnh: tienphong.vn

https://baothuathienhue.vn/image/fckeditor/upload/2021/20210514/images/trung%20tu.jpg

Ảnh: baothuathienhue.vn

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Thái Miếu sẽ được tu bổ, phục hồi dựa trên quan điểm giữ gìn nguyên vẹn các thành phần của di tích được coi là nguyên gốc. Trong đó, trọng tâm là bảo tồn dấu tích kiến trúc, cảnh quan của thời vua Gia Long và những bổ sung, thay đổi về mặt trang trí, màu sắc, vật liệu dưới thời các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Thành Thái…; loại bỏ các thành phần sai lệch trong các lần sửa chữa, cơi nới trước đó; ưu tiên sử dụng vật liệu và quy trình kỹ thuật truyền thống./.

 

Thúy Hằng tổng hợp