Chuyến thăm của đoàn phóng viên nước ngoài tìm hiểu về đời sống tôn giáo của các cộng đồng dân tộc ở tỉnh Đắk Lắk
Ngày đăng: 04/10/2022
Từ ngày 16-18/9, đại diện một số hãng thông tấn, báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam đã có chuyến đi thực tế tại tỉnh Đắk Lắk đã chứng kiến những thành quả tự do tín ngưỡng trong đời sống tôn giáo của người dân nơi đây.

Theo baoquocte.vn, chương trình chuyến thăm, do Bộ Ngoại giao phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức, đã thu hút sự quan tâm, tham gia của các phóng viên, trợ lý báo chí từ các hãng thông tấn, báo chí Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản đang thường trú tại Hà Nội.

Từ đầu năm 2022 đến nay, đây là chuyến thăm và làm việc thứ 8 của các cơ quan báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam đến các tỉnh, thành phố với sự tham gia tổ chức của Bộ Ngoại giao.

Đây cũng là một trong những hoạt động nhằm góp phần đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh, đất nước, con người, tình hình phát triển kinh tế-xã hội cũng như bản sắc văn hóa ở khắp các vùng miền của Việt Nam, giúp bè bạn quốc tế có cái nhìn khách quan, sinh động về thực tiễn tại nước ta, trong đó có tình hình bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, thực thi chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Chương trình của đoàn dày đặc các hoạt động thực tế, bao gồm các chuyến thăm và gặp gỡ một số mục sư và giáo dân tại các nhà thờ, điểm sinh hoạt tôn giáo ở quy mô khác nhau của các hội, nhóm Công giáo, Tin lành thuộc các buôn làng trên địa bàn hai xã Ea Hiu, Ea Phê thuộc huyện Krông Pắc, xã và thị trấn Ea Kar thuộc huyện Ea Kar và phường Ea Tam thuộc thành phố Buôn Ma Thuột.

Đoàn cũng đã đến thăm giáo dân là điển hình phát triển kinh tế, sở hữu hàng ngàn hecta vườn cây sầu riêng, cà phê, hồ tiêu.

Đoàn phóng viên tìm hiểu về cây cà phê tại vườn của một tín hữu Chi hội Tin lành Ea Hiu làm kinh tế giỏi. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Thuộc địa bàn rất đa dạng về văn hoá dân tộc ở Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk có tới 49 trên tổng số 54 dân tộc thiểu số ở Việt Nam cùng sinh sống, người dân tộc thiểu số chiếm 35,7% dân số.

Về tôn giáo Tỉnh Đăk Lăk hiện có hơn 615 nghìn tín đồ, chiếm hơn 30% dân số, trong đó chủ yếu là 04 tôn giáo lớn: Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao đài; có 356 cơ sở và điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo chính thức và gần 1.400 chức sắc, tu sĩ đang sinh hoạt tại các cơ sở tôn giáo.

Trong chuyến thăm thực tế, đoàn phóng viên báo chí nước ngoài đã được chính quyền địa phương thông tin cập nhật về đời sống tôn giáo của các cộng đồng dân tộc ở Đắk Lắk. Từ đầu năm 2021 đến tháng 6/2022, tỉnh đã cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho 13 điểm nhóm Tin lành đủ điều kiện, nâng tổng số điểm nhóm Tin lành được cấp đăng ký sinh hoạt tập trung là 220 điểm.

Các hệ phái tôn giáo trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển về số lượng tín đồ; nhiều cơ sở thờ tự tôn giáo được xây mới hoặc nâng cấp ngày càng khang trang. Đồng bào các tôn giáo tích cực hoạt động xã hội, thiết thực góp phần cứu đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững.

Trao đổi và làm việc với đoàn, đại diện chính quyền địa phương cho biết các cấp chính quyền địa phương tỉnh Đắk Lắk luôn quan tâm thực hiện các mặt công tác đảm bảo quyền con người; tổ chức nhiều chương trình, hoạt động thúc đẩy việc đảm bảo và phát huy quyền con người trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Những năm gần đây, tỉnh tập trung đẩy mạnh thực hiện các chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách đảm bảo quyền của nhóm các đối tượng dễ bị tổn thương, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là các chính sách về phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ khắc phục hậu quả sau đại dịch, và đạt được nhiều thành tựu.

Riêng tại huyện Ea Kar, ở phía Đông của tỉnh Đăk Lăk, có gần 23 nghìn tín đồ tôn giáo, chiếm 15,55% dân số. Trên toàn huyện có 11 tổ chức cơ sở tôn giáo, 24 chức sắc và 122 chức việc đang sinh hoạt trong các cơ sở, điểm nhóm tôn giáo.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Kar Nguyễn Minh Truyền cho biết: "Chính quyền địa phương rất quan tâm đến công tác tôn giáo, tạo mọi điều kiện cho các cơ sở tôn giáo hoạt động, hướng dẫn các thủ tục về đất đai để cấp phép xây dựng cho các cơ sở thờ tự. Hàng năm, trong các dịp lễ trọng, chính quyền đều tổ chức các đoàn đến chúc mừng các chức sắc, chức việc, để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tín đồ, đồng thời củng cố mối quan hệ hài hòa giữa chính quyền địa phương và các tôn giáo".

Theo vovworld.vn, tại các cuộc tiếp xúc trao đổi với các phóng viên nước ngoài, các chức sắc, chức việc cũng như tín đồ tôn giáo đều ghi nhận những nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc tạo điều kiện cho các tôn giáo sinh hoạt tự do tín ngưỡng. Mục sư Ai Krol, thuộc Chi hội Ea Hiu của Hội thánh Tin lành, bày tỏ: "Trong sinh hoạt của Hội Thánh, các cấp chính quyền đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Chi hội. Mọi thứ tốt đẹp, không có gì trở ngại. Những năm trước , chúng tôi chỉ sinh hoạt trong nhà thờ tạm thôi. Còn bây giờ, các cấp chính quyền tạo mọi điều kiện cho chúng tôi được xây dựng một nhà thờ khang trang đẹp đẽ. Từ khi chúng tôi có nhà thờ như thế này thì ai nấy đều phấn khởi".

Mục sư Ai Krol, thuộc Chi hội Ea Hiu của Hội thánh Tin lành trả lời phỏng vấn của các cơ quan báo chí. Ảnh: baodaklak.vn

 Những trường hợp tín đồ tôn giáo có hoàn cảnh khó khăn được chính quyền hỗ trợ nhà ở, cấp vốn, cấp bò để duy trì sinh kế. Ông Ai Kiên, quản nhiệm Hội thánh Buôn Giáp thuộc Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam, chia sẻ: "Tôi thấy chính quyền địa phương ở đây cũng tốt vì họ hỗ trợ nhiều cho bà con giống như chương trình nhà ở 134, chương trình 176. Đối với các hộ nghèo thì hỗ trợ nuôi dê, bò".

Chị Đinh Thị Bình, dân tộc Tày, ở buôn M’Ó, cho biết: "Chính quyền rất quan tâm đời sống của tín đồ. Ví dụ như tạo điều kiện cho tín đồ có công ăn việc làm, xây dựng nhà cửa. Tuy địa điểm sinh hoạt của mình chưa được cấp phép chính thức nhưng chính quyền địa phương cũng rất tạo điều kiện để cho bà con sinh hoạt nên bà con rất vui, biết ơn sự quan tâm này".

Được tận mắt chứng kiến và hiểu thêm về các chủ trương, chính sách, sự quan tâm của chính quyền địa phương nói riêng, của Đảng và Nhà nước Việt Nam nói chung đối với việc đảm bảo và phát huy quyền con người, ông Kitanawa Katz, phóng viên hãng thông tấn JiJi Press (Nhật Bản), bày tỏ: "Đến các giáo đường và nhà thờ, tôi thấy có nhiều phụ nữ, trẻ em hát thánh ca, rất là vui. Ở Nhật Bản tôi ít đi nhà thờ nhưng khi đến đây tôi thấy không khí ở nhà thờ Việt Nam rất vui, không gian sáng sủa. Tôi thấy cuộc sống tôn giáo của người dân không có một áp lực nào cả".

Nữ phóng viên Hàn Quốc Jung Rina chia sẻ: "Việt Nam là một quốc gia có nhiều dân tộc, văn hóa đa dạng. Khi tới Tây Nguyên, tôi được thấy cuộc sống sinh hoạt thực tế của dân tộc thiểu số, trao đổi với người dân và lãnh đạo địa phương, tôi có thêm kiến thức, kinh nghiệm và vốn hiểu biết về vùng Tây Nguyên. Chuyến đi thực tế đã giúp tôi và nhiều phóng viên nước ngoài khác có cái nhìn chân thực về tự do sinh hoạt tín ngưỡng của người dân Tây Nguyên nói riêng và của người dân Việt Nam nói chung. Tôi rất ấn tượng về điều đó".

Bà Jung Rina, phóng viên Hàn Quốc tác nghiệp trong chuyến đi. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Sau chuyến đi, bà Jung Rina, phóng viên Hàn Quốc chia sẻ về lần đầu tiên được đến với Buôn Ma Thuột và cũng là lần đầu tiên đến một vùng đất thuộc khu vực Tây Nguyên: “Trước khi đến đây, tôi biết Việt Nam là một quốc gia có các dân tộc, văn hóa đa dạng. Nhưng đặt chân đến Tây Nguyên, thấy cuộc sống sinh hoạt thực tế của dân tộc thiểu số, trao đổi với người dân và lãnh đạo địa phương, tôi mới có được nhiều hơn kiến thức và trải nghiệm thực tế. Chuyến đi này cũng mang đến sự quan tâm tới miền Tây Nguyên, cách tiếp cận mới và thực tế cho tôi và các phóng viên nước ngoài khác”.

Trong chuyến đi thực tế, các phóng viên nước ngoài được tận mắt chứng kiến và hiểu thêm về các chủ trương, chính sách, sự quan tâm của chính quyền địa phương nói riêng, của Đảng và Nhà nước Việt Nam nói chung đối với việc đảm bảo và phát huy quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc ở Đắk Lắk, song song với việc nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa và bảo bảo đảm an ninh - trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua tại địa phương./.

Đoàn phóng viên nước ngoài chụp ảnh lưu niệm với các giáo dân tại điểm nhóm sinh hoạt thuộc Hội thánh Truyền giáo Cơ đốc ở nhà ông Ai Kiên tại buôn Mò Ó, xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

 

Quang Nam