MENU
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU
LHQ thông qua nghị quyết lên án tấn công vào các địa điểm tôn giáo
Ngày đăng: 27/01/2021Ngày 21/1 theo giờ Mỹ, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết lên án việc phá hoại các địa điểm tôn giáo, đồng thời đề nghị Tổng thư ký Antonio Guterres triệu tập một hội nghị toàn cầu.
Ngày 21/1 theo giờ Mỹ, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết lên án việc phá hoại các địa điểm tôn giáo, đồng thời đề nghị Tổng thư ký Antonio Guterres triệu tập một hội nghị toàn cầu nhằm kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng đối với việc bảo vệ các di sản tôn giáo.
Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc kịch liệt lên án sự gia tăng các cuộc tấn công nhằm vào các địa điểm văn hóa, bao gồm các cơ sở tôn giáo và các đồ vật nghi lễ, vốn vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời lên án mọi hành động nhằm cưỡng ép cải đạo đối với bất kỳ cơ sở tôn giáo nào.
Nghị quyết do Saudi Arabia đề xuất cùng với sự bảo trợ của các nước Arab như Ai Cập, Iraq, Jordan, Kuwait, Yemen, Bahrain, Sudan, Oman, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Palestine - với tư cách là nhà nước quan sát viên.
Ngoài ra, các nước Bangladesh, Cộng hòa Trung Phi, Guinea Xích đạo, Mauritania, Maroc, Nigeria, Pakistan, Philippines và Venezuela cũng đứng tên đề xuất. Nghị quyết đã nhận được sự ủng hộ của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) và đã được thông qua với đồng thuận tuyệt đối.
Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng đề nghị Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres triệu tập một hội nghị bao gồm các cơ quan Liên hợp quốc, 193 quốc gia thành viên, các nhân vật chính trị, các lãnh đạo tôn giáo, các tổ chức tín ngưỡng, truyền thông, các tổ chức xã hội dân sự nhằm thúc đẩy việc thực hiện Kế hoạch hành động của Liên hợp quốc về bảo vệ các địa điểm tôn giáo.
Kế hoạch trên bao gồm nhiều biện pháp để phòng tránh, chuẩn bị sẵn sàng, và ứng phó với các vụ tấn công.
Kế hoạch này cũng kêu gọi các chính phủ đảm bảo rằng các địa điểm tôn giáo được coi là mục tiêu dễ bị tổn thương và tiến hành các biện pháp nhằm bảo vệ các địa điểm này, đồng thời kêu gọi các nước xác định các mục tiêu "mềm" và các địa điểm dễ bị tổn thương và tiến hành đánh giá nguy cơ cũng như đảm bảo các biện pháp toàn diện được thực thi để ứng phó kịp thời khi xảy ra tấn công./.
https://www.vietnamplus.vn/Vũ Thị Bích Liên