Theo các tài liệu hiện có, chùa Thuần Hậu được xây dựng từ đầu thời Lê, đến đời Vua Tự Đức chùa được trùng tu, tôn tạo với quy mô lớn. Trong kháng chiến, chùa từng là nơi đặt trụ sở của chính quyền, là nơi cất giữ vũ khí, làm kho lương thực, điểm trú quân, trạm cứu thương, nơi dạy học... Trải qua bao biến cố thăng trầm, nay chùa đã được người dân địa phượng tôn tạo, trở thành nơi sinh hoạt, tu tập của bà con phật tử trong vùng. Ảnh: Huy Thư
Tại chùa Thuần Hậu còn lưu giữ được hệ thống tượng cổ đặc sắc bài trí thờ phụng ở cả 3 gian trong chính điện. Trong ảnh: gian thờ bên phải chính điện (từ trong nhìn ra) phía sau là tượng Phổ Hiền Bồ tát, phía trước là tượng cổ. Ảnh: Huy Thư
Độc đáo nhất trong số tượng cổ này là pho tượng Phật đản sinh cao khoảng 1 m, còn nguyên 4 bộ phận chính là bệ tượng, cổ bồng, thân tượng đức Phật và vòng cửu long. Tượng mang vẻ đẹp cổ kính, nhuốm màu thời gian. Ảnh: Huy Thư
Mỗi bộ phận của tượng có thể tháo lắp tách rời nhau rất thuận tiện trong việc lau chùi và cất giữ. Trong ảnh: Một phật tử chùa Thuần Hậu đang lau chùi tượng Phật đản sinh. Ảnh: Huy Thư
Trong quan niệm của Phật giáo, khi đức Phật ra đời có 9 con rồng phun nước thơm để tắm, nên hình ảnh Phật đản thường gắn liền với vòng cửu long bao quanh mang nhiều ý nghĩa. Vòng cửu long tượng Phật đản sinh chùa Thuần Hậu được chạm trổ khá công phu với nhiều hình rồng kết nối với nhau, trong đó có 1 đầu rồng nhô hẳn ra phía trước. Tượng đức Phật đản sinh đứng trên tòa sen, 1 tay chỉ lên trời 1 tay chỉ xuống đất, bên ngoài đã bong tróc thếp vàng, lộ màu đen lấp lánh. Ảnh: Huy Thư
Phần bệ tượng hình vuông, 4 mặt được chế tác cầu kỳ với nhiều hình rồng và hoa văn truyền thống, được sơn son thếp vàng. Thường ngày, trên bàn thờ ở chính điện, tượng Phật đản sinh không gắn với bệ tượng và vòng cửu long. Ảnh: Huy Thư
Ông Nguyễn Xuân Hồng - Trưởng ban hộ tự chùa Thuần Hậu cho biết: Những năm chùa bị tháo dỡ, hư hỏng, số tượng cổ chùa Thuần Hậu được người dân địa phương rước về gửi, thờ tại đình Hậu phía trước chùa. Thời gian qua, khi chùa được tôn tạo lại, bà con mới rước tượng cổ về chùa. Do đó, một số tượng cổ đã bị mất mát, hư hỏng. Rất may tượng Phật đản sinh vẫn còn nguyên vẹn. Ảnh: Huy Thư
Ngoài tượng Phật đản, trong chùa Thuần Hậu còn thờ nhiều pho tượng cổ khác, như tượng Phật, Bồ tát, đại thí chủ... Tượng Phật tọa thiền trên tòa sen ở chùa Thuần Hậu có kích thước tương đối lớn với đặc điểm tòa sen khá đồ sộ và được sơn 3 màu chủ đạo: đỏ, vàng, đen. Ảnh: Huy Thư
Tại chùa Thuần Hậu còn lưu giữ 1 pho tượng cổ được cho là tượng bà Visakha - một nữ đại thí chủ trong thời đức Phật còn tại thế. Chính bà là người từng hết lòng hỗ trợ đức Phật trong quá trình hành đạo. Tương truyền bà sống được 120 tuổi. Đây là pho tượng hiếm có ở Nghệ An. Ảnh: Huy Thư
Tất cả các pho tượng cổ ở chùa Thuần Hậu đều được chế tác bằng gỗ, sơn son thếp vàng. Sau hàng trăm năm vẫn giữ nguyên màu sơn cũ. Một số pho tượng đã bị rạn, nứt, bong tróc nước sơn. Trong ảnh: Tượng phật tử, tượng người tu hành được tạc theo kiểu ngồi thiền với phong thái tĩnh tại, tả thực. Ảnh: Huy Thư
Ngoài ra, tại chùa còn thờ một số giá gương, phù điêu chạm nổi về đức Phật, trong đó tiêu biểu nhất là phù điêu Phật đản sanh đứng trên tòa sen với vòng cửu long cách điệu... Trong quá trình khôi phục, tôn tạo lại chùa Thuần Hậu, bà con phật tử ở đây luôn có ý thức gìn giữ, bảo vệ, xem các pho tượng cổ là những hiện vật quý giá của chùa. Ảnh: Huy Thư