Trưng bày gần 400 cổ vật gắn với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử
Ngày đăng: 02/02/2023
Ngày 01/2, tỉnh Bắc Giang khai mạc chuyên đề "Dấu thiêng Phật giáo vùng Tây Yên Tử - Di vật ngàn năm từ lòng đất", qua đó giới thiệu gần 400 hiện vật và 60 hình ảnh khảo cổ tại các điểm di tích tôn giáo cổ gắn với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Vào thời Trần có nhiều di tích liên quan chặt chẽ đến quá trình hình thành và hưng thịnh của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được chính các vị Tổ sư của Thiền phái Trúc Lâm cho xây dựng, tu tạo, mở mang để trở thành các chốn tùng lâm.

Đây là những danh lam cổ tự mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa và có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, trải qua thời gian cùng sự tàn phá của chiến tranh, một số ngôi chùa cổ bị hư hỏng nay chỉ còn là phế tích.

Trao đổi với phóng viên, bà Phùng Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang cho biết, không gian trưng bày, giới thiệu gần 400 hiện vật và 60 hình ảnh lựa chọn từ 8 điểm khai quật khảo cổ có liên quan đến các dấu tích chùa, tháp, di tích và hình ảnh về quá trình khai quật khảo cổ tại các điểm di tích, dấu tích các công trình tín ngưỡng, tôn giáo cổ gắn với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

“Nhóm hiện vật là vật liệu xây dựng - trang trí kiến trúc; Nhóm hiện vật là đồ dùng, vật dụng bằng chất liệu sảnh, gốm-sứ... có liên quan đến các dấu tích chùa - tháp tử thời Lý Trần -Thế kỷ 13-14 và thời Lê, Nguyễn Thế kỷ XVII-XIX trên địa bàn 5 huyện: Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, Việt Yên, Yên Thế…” - bà Anh nói.

Tại khu trưng bày chuyên đề "Dấu thiêng Phật giáo vùng Tây Yên Tử - Di vật ngàn năm từ lòng đất” thu hút đông đảo học sinh, sinh viên và du khách đến tham quan.

Du khách được tham quan, trải nghiệm in bằng mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm.

Ngoài không gian trưng bày hiện vật khai quật khảo cổ, tại cuộc trưng bày này chúng tôi còn giới thiệu chi tiết những điểm chùa, di tích và hình ảnh về quá trình khai quật khảo cổ tại các điểm di tích, dấu tích các công trình tín ngưỡng, tôn giáo cố gắn với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, chứng minh quy mô, sự hưng thịnh của Phật giáo từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV tại vùng Tây Yên Tử.

Qua đó góp phần tuyên truyền, giới thiệu về giá trị các di sản văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của tỉnh, giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc; nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn, phát huy truyền thống lịch sử văn hóa.

Đồng thời quảng bá tiềm năng về du lịch, tiếp tục xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch "Về miền đất thiêng Tây Yên Tử"; từng bước thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh, đóng góp vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển kinh tế, khẳng định du lịch Bắc Giang là điểm đến an toàn, hấp dẫn, văn minh, thân thiện và mến khách.

Theo kế hoạch, chuyên đề "Dấu thiêng Phật giáo vùng Tây Yên Tử - Di vật ngàn năm từ lòng đất" được trưng bày từ ngày 1 đến 6/2, tại Lễ khai hội xuân Tây Yên Tử và khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Bắc Giang 2023./.

 

Nguồn: vov.vn