Về ảnh hưởng của Islam giáo ở Hoa Kỳ những năm vừa qua
Ngày đăng: 15/05/2018
Ảnh hưởng của Islam giáo đang ngày một gia tăng trong đời sống thường ngày ở Hoa Kỳ, mặc dù mức độ ảnh hưởng này không giống như ở Châu Âu mà chúng tôi đã trình bày trong bài “Islam giáo ở Châu Âu những năm gần đây qua những con số”. Số liệu mà Trung tâm nghiên cứu Pew (Pew Research Center – PRC) đưa ra cho thấy, vào thời điểm năm 2016 ở Mỹ có khoảng 3,45 triệu tín đồ Islam giáo đang sinh sống, chiếm 1,1% dân số của nước này. Tín đồ Islam giáo Mỹ chủ yếu là người nhập cư. Có tới 60% tín đồ Islam giáo Mỹ được sinh ra ở ngoài biên giới nước Mỹ và 18% trong số họ có bố hoặc mẹ là người nhập cư.

Cần phải nói thêm rằng, trong các cuộc điều tra dân số ở Mỹ người ta không đặt vấn đề về thành phần tôn giáo. Do vậy, ngay cả các chuyên gia nghiên cứu về Islam giáo ở Mỹ cũng khó có được con số chính xác về tín đồ cũng như tốc độ phát triển của Islam giáo ở nước này. Những con số liên quan đến Islam giáo mà các cơ quan liên bang của Mỹ cũng như các phương tiện truyền thông đưa ra đều dựa vào những tư liệu gián tiếp hoặc dựa vào sự đánh giá của các chuyên gia. Con số mà Văn phòng Điều tra dân số Mỹ đưa ra khác xa so với số liệu của PRC. Theo số liệu của Văn phòng này, ở Mỹ có tới từ 6 đến 7 triệu người Islam giáo, chiếm khoảng 2% dân số, chủ yếu thuộc dòng Sunni.

Theo kết quả nghiên cứu của dự án “Tín đồ Islam giáo trong xã hội” do các chuyên gia của Đại học Georgetown tiến hành, có ba nhân tố quyết định sự gia tăng của cộng đồng Islam giáo ở Mỹ. Một là, sự gia tăng số lượng người nhập cư từ các nước Islam giáo, theo đó, vào những năm 90 thế kỷ XX, mỗi năm có khoảng 100 nghìn người Islam giáo nhập cư vào Mỹ. Hai là, các gia đình Islam giáo thường đông con hơn các gia đình thuộc các tôn giáo khác. Ba là, số người mới gia nhập Islam giáo khá lớn, khoảng 100 nghìn người mỗi năm. Theo số liệu thống kê của Bộ Ngoại giao Mỹ, trong khoảng 10 năm đầu thế kỷ XXI, số thánh đường Islam giáo ở nước này tăng gần 4 lần với khoảng 2 triệu tín đồ thường xuyên đi lễ, trong số đó có tới 1/3 tín đồ mới gia nhập đạo, chủ yếu là người Mỹ gốc Phi, phụ nữ và những người nhập cư tới từ Mỹ Latinh. Thống kê của Liên minh Islam giáo Mỹ  cũng cho thấy, số tín đồ nam giới gấp hai lần số tín đồ nữ giới.

Tín đồ Islam giáo Mỹ cư trú rải rác trên khắp nước Mỹ, nhưng tập trung chủ yếu ở 4 vùng: Vùng duyên hải miền đông (từ New York đến Washington); Bang California (chủ yếu ở Los Angeles và San Francisco); vùng “tam giác” Chicago - Cleveland - Detroit ở miền bắc; Bang Texas ở miền nam. Phần lớn người Islam giáo đến từ Iran sinh sống ở bang California. Những người Islam giáo đến từ Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh chủ yếu sinh sống tại bang Texas. Những người Islam giáo đến từ các nước Châu Âu như Albania, Bosnia, Thổ Nhĩ Kỳ tập trung ở Chicago. Còn những người Islam giáo đến từ các nước Arập lại chọn Detroit làm nơi định cư.

Đối với nước Mỹ, chỉ sau cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 làm gần 3 nghìn người thiệt mạng người Mỹ mới sực tỉnh ra rằng, vấn đề Islam giáo đang tồn tại khá nghiêm trọng ngay trong lòng nước này. Mỗi đời tổng thống Mỹ trong những nhiệm kỳ gần đây có một chính sách riêng đối với thế giới Islam giáo nói chung và cộng đồng Islam giáo ở Mỹ nói riêng.

Dưới thời Tổng thống George W. Bush, người của đảng Cộng hòa, quan hệ với thế giới Islam giáo diễn ra không mấy tốt đẹp. Sang thời Tổng thống Barack Obama, người của đảng Dân chủ, quan hệ với thế giới Islam giáo đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực. Chính sách đối với thế giới Islam giáo của Mỹ được thể hiện rõ nét nhất qua bài phát biểu của Tổng thống Barack Obama tại Đại học Cairo, Ai Cập ngày 4 tháng 6 năm 2009. Mục đích của bài phát biểu này là: Mỹ muốn gửi tới thế giới Islam giáo một thông điệp rằng nước Mỹ không phải là kẻ thù của Islam giáo; nước Mỹ không chiến đấu chống Islam giáo; cần phân biệt rõ ranh giới giữa Islam giáo với tư cách là một tôn giáo và chủ nghĩa cực đoan Islam giáo. Ông khẳng định rằng, “Islam giáo đã luôn luôn là một phần trong lịch sử nước Mỹ” và hãy đừng nghi ngờ gì về điều này. “ Qua suốt lịch sử, Islam giáo đã biểu hiện khả năng khoan dung về tôn giáo và bình đẳng về chủng tộc qua ngôn từ và hành động”. Chính sách đối với thế giới Islam giáo của chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama được người Islam giáo đón nhận và hy vọng vào một sự đổi mới trong thực tiễn.

Sang thời Tổng thống Donald Trump, người thuộc đảng Cộng hòa, với sắc lệnh nhập cư gây tranh cãi đã đảo ngược chính sách đối với thế giới Islam giáo của người tiền nhiệm. Theo sắc lệnh này, lúc đầu là công dân 7 nước (Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen), sau đó rút lại còn 6 nước (trừ Iraq) bị cấm nhập cảnh vào Mỹ trong 90 ngày, đình chỉ chương trình nhận người tị nạn trong 4 tháng và cấm nhập cảnh vô thời hạn vào Mỹ đối với người Syria. Sắc lệnh nhập cư của Tổng thống Donald Trump bị giới tư pháp Mỹ cho là vi hiến, đi ngược lại với giá trị Mỹ, kỳ thị Islam giáo. Trong khi đó Tổng thống Donald Trump lại coi đây là một trong những biện pháp nhằm bảo vệ nước Mỹ, ngăn chặn những kẻ khủng bố Islam giáo cực đoan vào Mỹ, hạn chế nguy cơ các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ.

Trong khi đó các nhà xã hội học Mỹ lại hạ thấp nguy cơ của chủ nghĩa Islam giáo cực đoan. Mới đây, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã công bố Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ. Trong tài liệu này xác định mối đe dọa xuyên quốc gia chủ yếu đối với người Mỹ chính là những kẻ khủng bố - thánh chiến Islam giáo (Jihadi). Vào tháng 1 năm 2017 chính quyền Mỹ đã công bố một báo cáo, trong đó đưa ra những số liệu thống kê cho thấy phần lớn những kẻ bị kết án tù ở Mỹ vì tội khủng bố đều sinh ra ở ngoài biên giới nước Mỹ. Theo tờ New York Times, những người đại diện của đảng Dân chủ và các nhóm tự do nhân quyền, trong đó có Hội đồng về các quan hệ Mỹ - Islam giáo cho rằng, báo cáo nói trên là một sai lầm và mang động cơ chính trị.

Tiếp sau báo cáo của chính quyền Donald Trump đã xuất hiện hai nghiên cứu độc lập mới nhằm đánh giá mức độ tham gia của các nhóm tội phạm khác nhau vào những vụ giết người hàng loạt diễn ra tại Mỹ.

Nghiên cứu thứ nhất do các cộng tác viên của khoa xã hội học thuộc trường Đại học North Carolina tiến hành. Theo số liệu của nghiên cứu này, năm 2017 ở Mỹ có 33 người Mỹ Islam giáo bị buộc tội tham gia các hoạt động cực đoan, giảm 25% so với năm 2016. Số người Mỹ Islam giáo bị buộc tội tham gia các hoạt động bạo lực mang tính cực đoan đạt đỉnh điểm vào nửa đầu năm 2015 cùng với việc gia tăng các hoạt động của Nhà nước Islam giáo tự xưng (IS) và từ thời điểm đó trở về sau các hoạt động bạo lực mang tính cực đoan đang giảm dần. Các nhà nghiên cứu này cho biết, từ sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 đến năm 2017, cả nước Mỹ có 140 người bị chết do bàn tay của các phần tử Islam giáo cực đoan. Tuy nhiên, theo ý kiến các nhà nghiên cứu, con số này ít hơn nhiều so với các vụ giết người hàng loạt do những kẻ không phải là tín đồ Islam giáo tiến hành. Chỉ riêng trong năm 2017 đã có 267 người Mỹ bị giết do các vụ xả súng hàng loạt, cao gần gấp hai lần so với số người bị các phần tử Islam giáo cực đoan giết trong vòng 16 năm (2001 - 2017).

Từ đó các nhà nghiên cứu nói trên đưa ra nhận định rằng, người nhập cư từ các nước Islam giáo và người tị nạn không phải là mối đe dọa toàn cầu đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Theo số liệu của các nhà nghiên cứu, trong số những người đến từ các nước Islam giáo bị sắc lệnh nhập cư của Tổng thống Donald Trump cấm nhập cảnh vào Mỹ, chỉ có gần 0,02% tham gia vào các hoạt động bạo lực cực đoan. Trong tổng số người Islam giáo bị nghi ngờ tham gia chủ nghĩa cực đoan và các tổ chức tội phạm có ¼ được sinh ra tại Mỹ, còn ½ đã đến Mỹ từ khi còn nhỏ. Số người Islam giáo trưởng thành đã nhập cư vào Mỹ tham gia các tổ chức cực đoan từ sau năm 2001 chỉ vào khoảng 25 người hoặc ít hơn. Số người này đã được giám sát chặt chẽ.

Một nghiên cứu tương tự khác do những người của Liên đoàn chống phỉ báng, một tổ chức nhân quyền phi chính phủ của người Do Thái tiến hành. Sau khi phân tích các số liệu về những vụ giết người hàng loạt tại Mỹ trong thập kỷ vừa qua, các nhà nghiên cứu đưa ra nhận xét: 71% số người bị giết do bàn tay của các phần tử cực hữu không phải là tín đồ Islam giáo, trong khi đó chỉ có 26% các vụ giết người hàng loạt do các phần tử Islam giáo cực đoan thực hiện. Theo các nhà nghiên cứu, trong năm 2017, so với năm trước đó, số lượng những kẻ cực hữu da trắng tăng lên, còn số lượng các phần tử Islam giáo cực đoan lại giảm xuống. Trong năm 2017, có 59% các vụ phạm tội liên quan đến tư tưởng cực đoan do các phần tử cực hữu thực hiện, trong khi đó chỉ có 26% các vụ phạm tội tương tự do các phần tử Islam giáo cực đoan thực hiện. Trong số 34 vụ án được ghi nhận có tới 18 vụ án do những kẻ cực hữu da trắng gây ra, còn những kẻ Islam giáo cực đoan chỉ gây ra một vụ làm 8 người chết, đó là vụ tấn công bằng xe máy tại New York ngày 31 tháng 10 năm 2017. Ở giai đoạn trước đó, các vụ do những kẻ Islam giáo cực đoan gây ra chiếm 69%, còn các vụ do những kẻ cực hữu gây ra chiếm khoảng 20%.

Một số nhà nghiên cứu khác không đồng tình với nhận định của các nghiên cứu nói trên và cho rằng, Islam giáo cực đoan vẫn là mối đe dọa chính đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Một trong số đó là David Schanzer, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về chủ nghĩa khủng bố và an ninh nội địa thuộc Đại học Duke. Ông cho rằng, sau thất bại của IS tại Syria và Iraq, nguy cơ chủ nghĩa cực đoan Islam giáo ở các nước Phương Tây sẽ gia tăng do các chiến binh thánh chiến nước ngoài trở về từ khu vực chiến sự và gây ra bất ổn cho các nước này.

Albert  Ford, thành viên của tổ chức “New America”, một trong số các trung tâm phân tích của Mỹ nghiên cứu trong lĩnh vực an ninh quốc gia cũng không tán đồng với nhận định về sự xuất hiện chủ nghĩa cực đoan Islam giáo của Liên đoàn chống phỉ báng. Theo ông, chủ nghĩa cực đoan Islam giáo vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với nước Mỹ.

Về thái độ của người Mỹ Islam giáo đối với chủ nghĩa cực đoan Islam giáo đã được Trung tâm nghiên cứu Pew công bố trong một báo cáo mới đây của tổ chức này. Đây là kết quả của một cuộc khảo sát toàn diện về người Islam giáo ở Mỹ. Theo báo cáo này, khoảng 66% tín đồ Islam giáo và một bộ phận tương tự người Mỹ thuộc các tôn giáo khác lo ngại về chủ nghĩa cực đoan dưới danh nghĩa Islam giáo trên toàn thế giới. Trong số đó, 49% người Islam giáo ở Mỹ nói rằng, họ rất lo ngại về chủ nghĩa cực đoan Islam giáo ở Mỹ. Khoảng 73% tín đồ Islam giáo tuyên bố rằng, họ ít hoặc hoàn toàn không ủng hộ chủ nghĩa cực đoan. Chỉ có 11% tín đồ Islam giáo tuyên bố ủng hộ ở mức độ vừa phải và 6% tuyên bố ủng hộ nhiều cho chủ nghĩa cực đoan. Khi được hỏi liệu việc giết người có thể biện minh vì mục đich tôn giáo hay vì những mục đích tư tưởng hệ nào khác, 76% người Islam giáo Mỹ trả lời rằng không bao giờ có thể biện minh được, 8% trả lời rằng rất ít khi có thể biện minh, 7% trả lời rằng đôi khi có thể biện minh và 5% trả lời rằng có thể biện minh thường xuyên.

Cũng cần lưu ý rằng, giữa các nhà nghiên cứu Mỹ trong lĩnh vực an ninh quốc gia cũng không có sự thống nhất quan điểm về vấn đề thống kê tội phạm liên quan đến chủ nghĩa cực đoan Islam giáo ở Mỹ. Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy số tội phạm năm 2017 ở Mỹ thấp hơn so với số tội phạm năm 2016. Theo số liệu của tổ chức “New America”, con số phần tử cực đoan Islam giáo phạm tội ít hơn so với con số phần tử cực đoan không phải là tín đồ Islam giáo phạm tội. Cũng theo lập luận của tổ chức này, vì các vụ phạm tội của các phần tử cực đoan Islam giáo thường xuyên được phản ánh trên các phương tiện truyền thông, vì thế cho nên nhiều công dân Mỹ, trong đó có cả những người Islam giáo thường tỏ ra lo lắng về chủ nghĩa cực đoan Islam giáo.

Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, sự gia tăng tín đồ Islam giáo ở các nước Phương Tây hiện nay ngoài lý do gia tăng dân số tự nhiên và gia tăng dòng người nhập cư từ các nước Islam giáo, còn có việc tôn giáo này rất chú trọng việc phát triển tín đồ mới. Để làm được việc này cần huy động tài chính từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có sự đóng góp của tín đồ. Vào đầu tháng 12 năm 2017, tổ chức LendEDU, một tổ chức quản lý thị trường trực tuyến chuyên cung cấp các khoản tín dụng cho sinh viên, đã công bố kết quả nghiên cứu “Tài chính và Tôn giáo”. Theo kết quả nghiên cứu, trung bình hằng năm mỗi Kitô hữu đóng góp cho tổ chức tôn giáo của mình khoảng 817 USD. Trong khi đó, người Do Thái giáo đóng góp 1,4 nghìn USD và người Islam giáo đóng góp 1,3 nghìn USD cho các tổ chức tôn giáo của mình.

Từ những điều được trình bày ở trên cho thấy, so với các nước trong Liên minh Châu Âu mà chúng tôi đã có dịp đề cập tới, mức độ gia tăng tín đồ Islam giáo ở Mỹ trong những năm gần đây thấp hơn. Tuy nhiên, với sự đóng góp tài chính của các tổ chức Islam giáo đang tạo cơ hội tốt cho việc phát triển tín đồ tại nước này.

TS. Nguyễn Văn Dũng