Lễ hội truyền thống: Đừng để càng phục dựng càng mất mát
Ngày đăng: 21/03/2018
Dịp ấy lên Mộc Châu (Sơn La) vào giữa tháng 2 Âm lịch, nghe nói có lễ hội truyền thống Hết Chá của dân tộc Thái, chúng tôi rất hào hứng.

Theo đồng bào địa phương, đây là một lễ hội tâm linh, có tính chất tạ ơn hoặc cầu nước, là lễ hội linh thiêng và mang đậm bản sắc của cư dân bản địa. Háo hức đến dự, nhưng rồi chúng tôi thất vọng ngay, vì nó nhom nhem, chẳng phải truyền thống mà cũng chẳng ra hiện đại…

Đêm khai mạc lễ hội là những bài hát mới, ca ngợi quê hương, đất nước mà người ta có thể hát bất cứ ở đâu, kết hợp với một vài tiết mục hát múa dân tộc đã được cải biên, “nâng cao”. Cũng có một đôi nam thanh nữ tú dẫn chương trình, màn giới thiệu quan khách từ tỉnh đến huyện, thị trấn, xã…

Rồi vị lãnh đạo địa phương đọc diễn văn khai mạc, lãnh đạo trao cờ và tặng phẩm lưu niệm cho 12 đội văn nghệ của các bản và tiểu khu tham gia biểu diễn như cung cách của một hội diễn. Người ta thường nói “bình cũ rượu mới”, nhưng với những gì được chứng kiến ở đêm khai mạc lễ hội Hết Chá (Mộc Châu) thì bình đã mới và rượu cũng mới.

Đối với các lễ hội truyền thống, đêm khai hội thường diễn ra rất thiêng liêng, trọng đại – đó chính là “phần lễ” với những nghi lễ có tính chất bắt buộc, những diễn xướng tín ngưỡng, tạ ơn thần linh, cầu mong một cuộc sống no đủ, làm ăn thuận lợi, thành công.

Sau phần lễ là “phần hội”, với các chương trình biểu diễn văn nghệ gồm những tiết mục hát múa, diễn xướng dân gian truyền thống đặc sắc của cư dân bản địa. Đối chiếu với những tiêu chí thông thường của một lễ hội truyền thống, thì lễ hội Hết Chá mà chúng tôi được chứng kiến chỉ còn mỗi cái tên.

Ngoài ra là một vài trò chơi dân gian được diễn ra vào ngày hôm sau như: kéo co, đẩy gậy… Vì vậy lễ hội không hấp dẫn, thu hút được công chúng. Hầu như không có những người dân trung niên và cao niên của địa phương đến dự. Các du khách cũng bỏ ra về, vì để xem/nghe hát mới thì họ chả cần lặn lội lên đây. Du khách trẻ thì lại càng ngán ngẩm. Tôi đã thấy một tốp bạn trẻ đốt lửa trại và hát hò chỉ cách nơi diễn ra lễ hội khoảng vài ba trăm mét.

Người dân địa phương và du khách không quan tâm đến hội Hết Chá được phục dựng, vì nó không phải là lễ hội mà họ yêu mến, sáng tạo và lưu giữ từ bao đời nay. Đối tượng được tôn vinh là các thày mo, thày cúng không còn hiện diện trong lễ hội, các nghệ nhân dân gian, chủ thể của lễ hội cũng bị lãng quên. Có thể nói, không gian thiêng và chủ thể của lễ hội đã không còn.

Công bằng mà nói, không chỉ có lễ hội Hết Chá ở Mộc Châu (Sơn La) bị biến tướng, mà hầu hết các lễ hội truyền thống ở nhiều địa phương khi phục dựng đều diễn ra tình trạng đáng buồn này. Nguyên nhân thì có nhiều, một phần vì những người có trách nhiệm phục dựng không hiểu hết ý nghĩa, bản sắc của lễ hội truyền thống, nhưng chủ yếu là do mục đích phục dựng đã khác - quá khác với mục đích nguyên thủy của lễ hội truyền thống. Vì vậy mà họ đã Nhà nước hóa, hiện đại hóa và đặc biệt là thương mại hóa các lễ hội truyền thống. Ở đâu cũng do cơ quan nhà nước đứng ra tổ chức, lồng vào những mong muốn, những ý đồ đôi khi phi văn hóa của địa phương.

Mục đích quảng bá du lịch, thu lợi nhuận gần như trở thành mục đích chính của cơ quan đứng ra tổ chức lễ hội. Vì vậy mới xảy ra những chuyện cười ra nước mắt như lễ hội khai ấn đền Trần, đầu năm ở Nam Định… Một triều đại hiển hách 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông đã bị chìm lấp trong lễ hội tưởng niệm triều đại ấy; người đi dự hội chỉ còn tâm niệm mong được thăng quan tiến chức.

Và để đạt mục đích, để bắt mắt thiên hạ, người ta sẵn sàng thuê các nghệ sĩ chuyên nghiệp về biểu diễn. Chủ thể lễ hội trở thành khán giả bất đắc dĩ. Ở lễ hội Hết Chá, nhiều người nói với tôi không ít diễn viên là người của Trung tâm văn hóa huyện Mộc Châu. Buồn cười nhất là cô giáo dẫn chương trình mặc áo dân tộc Mông lại cao đến hơm 1m70, thừa tiêu chuẩn của một người mẫu, trong khi do đặc điểm sinh hoạt và cư trú, phụ nữ Mông thường rất thấp.

Do vậy muốn giữ gìn được các lễ hội truyền thống, điều cốt tử nhất là phải trả lại lễ hội cho nhân dân – những chủ thể đích thực của các lễ hội này. Phải tôn trọng không gian thiêng và những diễn xướng văn hóa tâm linh. Nhà nước chỉ đóng vai trò quản lý và uốn nắn nếu nội dung lễ hội có yếu tố mê tín dị đoan không phù hợp với xã hội hiện nay.

Nếu làm được như vậy thì lễ hội truyền thống sẽ có sức hấp dẫn với nhân dân địa phương và du khách gần xa. Và như vậy mục tiêu bảo tồn văn hóa và thu ngân sách đều được bảo đảm. Đừng phục dựng lễ hội truyền thống một cách thiếu hiểu biết và thực dụng, khiến cho càng phục dựng các lễ hội truyền thống càng biến dạng, thậm chí biến mất. 

Nguồn daidoanket.vn