Khi nhà báo không tự coi trọng nghề vinh quang
Ngày đăng: 18/06/2019
Phải khẳng định rằng, báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu với đội ngũ đông đảo nhà báo và những người cầm bút không chuyên nghiệp dày dạn kinh nghiệm góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển báo chí cách mạng nước ta.

Tuy nhiên, rất tiếc một bộ phận nhỏ cầm bút nhưng tâm chưa định nên có một rất ít người đã trở thành tội đồ, không phù hợp với chức trách của nhà báo khi đưa tin sai sự thật làm hại sản xuất, kinh doanh và có trường hợp làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người khác; trong khi đó một số trang mạng liên tục tung ra nhiều thông tin xuyên tạc, bịa đặt tình hình ở Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như: Nhân quyền, tự do báo chí, tôn giáo,… hoặc vấn đề sức khỏe của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước làm hoang mang dư luận. Rất tiếc có những người lợi dụng ngòi bút như “công cụ” kiếm ăn để nhận hối lộ, tống tiền,… đã bị cơ quan chức năng bắt giữ, xử lý. Gần đây, Cục Báo chí Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Báo điện tử Người tiêu dùng do báo này đã thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng trong bài viết “Nhiều cấp dưới bị bắt giam và bị kỷ luật nặng, bao giờ ông Lê Thanh Hải và Lê Hoàng Quân “vào lò”?

Trước tình hình đó, rất mừng Tạp chí Công tác Tôn giáo và Trang Thông tin điện tử của Ban Tôn giáo Chính phủ từ khi thành lập đến nay chưa để xảy ra sự việc đáng tiếc nào, nhất là tín ngưỡng, tôn giáo lại là một lĩnh vực rất nhạy cảm, tế nhị, phức tạp. Điều đáng mừng là lãnh đạo, phóng viên, cộng tác viên đều là những người rất tâm huyết, trách nhiệm, am hiểu lĩnh vực này. Do đó, tin bài được phản ảnh nhanh, kịp thời và khá phong phú. Hy vọng Tạp chí Công tác Tôn giáo và Trang Thông tin điện tử tiếp tục phát triển bền vững, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của đông đảo bạn đọc.

Trở lại vấn đề đạo đức người cầm bút, thực sự dư luận tiếp tục quan tâm đặc biệt đến đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm của nhà báo, việc người cầm bút sử dụng “công cụ” vì sự ảnh hưởng rất lớn tới xã hội. Ai cũng biết rằng, trong sự phát triển và hội nhập của đất nước, báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội. Sứ mệnh cao cả của người làm báo chính là thông tin chính xác, kịp thời đến người dân về tình hình đất nước và thế giới; tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội,... Đồng thời, một nhiệm vụ rất quan trọng của báo chí là nhiệm vụ phản ánh, định hướng dư luận xã hội, là diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, nhất là trong “cơn bão” thông tin của thời đại số kỹ thuật số.

Chúng ta đều biết và mong rằng, báo chí cách mạng phải thực sự trở thành nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, nhưng dù trong trường hợp nào đạo đức báo chí vẫn là vấn đề cơ bản, quan trọng nhất. Người làm báo phải luôn đề cao tính trung thực, dù ở đâu vẫn phải có trách nhiệm quan trọng góp phần vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của con người và sự phát triển của đất nước. Quy định đạo đức người làm báo hiện hành sau hơn 10 năm thực hiện cho thấy, những chuẩn mực đạo đức báo chí vẫn còn nguyên giá trị. Tuy nhiên, trước sự phát triển kinh tế - xã hội, một bộ phận nhỏ những người làm báo đã vi phạm những chuẩn mực quy định đạo đức ở những mức độ khác nhau gây ra những hệ quả đáng tiếc, làm ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh của những người làm báo chân chính và cũng phải nói thẳng, nói thật ra là làm cho người dân phần nào mất niềm tin vào báo chí nói chung và nhà báo nói riêng. Khi những ngòi bút bị uốn lượn bẻ cong, thông tin sai sự thật thì không thể có lời giải thích nào trước dư luận, nhất là một số rất ít nhà báo tâm không sáng, vì lợi ích cá nhân thường tìm cách “đánh đấm” để có thể kiếm lợi và đó chính là những hạt sạn lớn gây mất niềm tin của dư luận vào báo chí.

Trong bối cảnh thông tin trên mạng xã hội đang diễn ra rất mạnh mẽ, tình trạng thông tin “thật, giả lẫn lộn”, lan truyền nhanh gây ảnh hưởng xấu đến xã hội và không thể không nói đến những thế lực thù địch ở nước ngoài câu kết với những phần tử xấu ở trong nước tìm cách vu cáo, bịa đặt sai sự thật. Trong những trường hợp đó rất cần sự tham gia tích cực của những người làm báo chân chính đưa ra những thông tin chính xác, khách quan để bác bỏ những dư luận không đúng và như trên đã nói rất cần sự định hướng thông tin nhằm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội vì lợi ích của người dân, của đất nước và dân tộc.

Để xây dựng nền tảng đạo đức cho nền báo chí Cách mạng Việt Nam, rất nhiều thế hệ nhà báo với những cây “đại thụ” đã dùng ngòi bút với tài năng và phẩm giá cao đẹp, xung kích trên mặt trận thông tin, góp phần thắng lợi trong cuộc đấu tranh với cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, phản động; mang tính giáo dục cao, thể hiện truyền thống anh hùng, văn hóa, văn minh và đạo lý dân tộc. Có được nền tảng đạo đức báo chí là nhờ có các thế hệ nhà báo đã hiên ngang bước qua những cám dỗ đời thường, luôn trau dồi nghề nghiệp để ngọn bút ngày càng sắc bén, tấm lòng luôn sáng trong, trọn tâm đức, tài năng, thậm chí hy sinh cả tính mạng của mình cho sự nghiệp báo chí Cách mạng nước ta suốt hơn 80 năm qua. Sứ mệnh của người cầm bút hiện nay và tương lai vô cùng quan trọng, ngoài việc rèn luyện nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, đối với nghề báo cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề lương tâm, đạo đức nghề nghiệp. Vì thế, mỗi nhà báo cần phải tự nâng cao đạo đức nghề nghiệp góp phần tạo ra nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại và thực sự là những nhà báo chân chính mà không tiền nào có thể mua được.

Đặng Tài Tính