Khái quát về Phật giáo ở Liên bang Nga
Ngày đăng: 24/01/2019
TS. Nguyễn Văn Dũng Có nhiều số liệu thống kê khác nhau về tín đồ Phật giáo ở Liên bang Nga. Chẳng hạn, thống kê của một trang mạng về tôn giáo cho thấy, trong tổng dân số 142.960.000 người ở nước Nga, chỉ có 142.960 người theo Phật giáo, chiếm tỷ lệ 0,1% dân số nước này. Trong khi đó, người theo Kitô giáo chiếm tới 73,3%; người theo Islam giáo chiếm 10%; người theo Do Thái giáo chiếm 0,2% [1], v.v.. [1] Xem: http://religion-facts.com.vi/141

 

Theo một thống kê khác của tạp chí “Ogonek”, tính đến năm 2012, tín đồ Phật giáo chiếm 0,5% dân số nước Nga. Trong khi đó, tín đồ Chính Thống giáo Nga chiếm 41,1%. Tín đồ Islam giáo chiếm 6,6%, tín đồ các tôn giáo khác chiếm 6,1% và người vô thần chiếm 13% [2].

Cuộc khảo sát xã hội học của “Trung tâm Nghiên cứu ý kiến công chúng Nga” lại đưa ra một con số khác. Trong số những người tham gia phỏng vấn chỉ có 1% nhận mình là tín đồ Phật giáo. Trong khi đó, có tới 63% số người được hỏi nhận mình là tín đồ Chính Thống giáo; 6% là tín đồ Islam giáo; 1% là tín đồ Công giáo, 1% là tín đồ Tin Lành giáo, 1% là tín đồ Do Thái giáo; 12% tin vào Chúa Trời, nhưng không thuộc bất kỳ tôn giáo nào và 16% là người vô thần [3].

Dẫn ra các số liệu khác nhau về tín đồ Phật giáo trong tương quan với số lượng tín đồ các tôn giáo khác cho thấy, Phật giáo là một trong những tôn giáo có số lượng tín đồ rất ít ở Liên bang Nga. Tuy nhiên, tôn giáo này lại được những người lãnh đạo cao nhất của nước Nga thời “hậu Xô Viết” gọi là “tôn giáo truyền thống”. Cho đến nay ở nước Nga chỉ có 4 tôn giáo được gọi là các “tôn giáo truyền thống”, đó là: Chính Thống giáo, Islam giáo, Do Thái giáo và Phật giáo.

Tuy không đưa ra những tiêu chí cụ thể làm cơ sở để xác định thế nào là “tôn giáo truyền thống”, nhưng qua việc lựa chọn 4 tôn giáo nói trên và qua những gì được phản ánh trên các phương tiện truyền thông Nga cho thấy tiêu chí để xác định “tôn giáo truyền thống” ở Liên bang Nga được thể hiện qua hai nội dung sau: Một là, có lịch sử gắn bó lâu đời với các dân tộc ở nước Nga; Hai là, tổ chức tôn giáo có tính độc lập, không chịu sự chỉ đạo hay bị chi phối bởi các giáo hội ở nước ngoài. Quan hệ với các giáo hội cùng tôn giáo ở nước ngoài là quan hệ bình đẳng.

Phật giáo du nhập vào nước Nga trong các thế kỷ XVII – XVIII [4]. Năm 1741, nữ hoàng Nga Ekaterina II đã ban bố sắc lệnh công nhận Phật giáo là một trong những tôn giáo chính thức của đế chế Nga. Phật giáo ở Liên bang Nga chủ yếu là Phật giáo Đại thừa theo truyền thống Phật giáo Tạng - Mông hay còn gọi là Lạt Ma giáo (Lamaism). Hiện nay, tổ chức Phật giáo lớn nhất tại Liên bang Nga có tên gọi chính thức là Giáo hội (Sangha) Phật giáo cổ truyền Nga, một tổ chức thống nhất các tự viện trên toàn lãnh thổ Nga. Tín đồ theo Phật giáo cổ truyền Nga cư trú chủ yếu tại ba vùng là Buriatia, Tuva và Kalmưkia, còn một số khác sinh sống ở Siberia, vùng Viễn Đông, Yakutia, Chukotka, v.v..

Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Phật giáo ở ba vùng là Buriatia, Tuva và Kalmưkia đã có những bước phát triển đáng kể. Tuy nhiên, các tự viện Phật giáo thời kỳ này hoàn toàn nằm dưới quyền kiểm soát của chính quyền Nga hoàng. Mặc dù đã theo Phật giáo nhưng các bộ tộc ở những vùng này không hoàn toàn gạt bỏ Saman giáo, một tôn giáo cổ xưa của họ, ra khỏi đời sống tín ngưỡng của mình. Sự du nhập phát triển của Phật giáo và Chính Thống giáo đã ảnh hưởng trực tiếp tới Saman giáo và sự hỗn dung tôn giáo của các bộ tộc ở những vùng đất này [5].

Từ sau Cách mạng tháng Mười năm 1917 đến trước thời kỳ “cải tổ”, Phật giáo ở Nga trải qua những bước phát triển thăng trầm. Vào giai đoạn cuối của cuộc Nội chiến, những người lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Nga đã công nhận chính quyền Xô Viết. Họ cố gắng nhấn mạnh sự tương đồng giữa các lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản với các lý tưởng của Phật giáo và kêu gọi tăng ni, phật tử quay trở lại với những lý tưởng cổ xưa của Phật giáo, đó là đạo đức trong sạch và lối sống không vụ lợi.

Trong các tự viện Phật giáo bắt đầu diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt giữa “những người đổi mới” muốn tổ chức lại tăng đoàn đế có thể tồn tại và phát triển dưới chính quyền Xô Viết với “những người bảo thủ” cố bám lấy sự giàu sang với những đặc quyền đặc lợi thời quân chủ.

Cuộc đấu tranh tư tưởng ở nước Nga vào cuối những năm 20 đầu những năm 30 thế kỷ XX ảnh hưởng trực tiếp đến các tôn giáo trong đó có Phật giáo. Vấn đề đặt ra lúc này không phải là phát triển mà là cứu vãn sự tồn tại của Phật giáo ở nước Nga.Trong giai đoạn này nhiều chùa chiền, tự viện bị phá hủy, đóng cửa hoặc chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác. Tăng ni, phật tử bị trấn áp phải hoàn tục hoặc chạy trốn về các vùng xa xôi hẻo lánh. Trước Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại (1941- 1945), tất cả các tự viện vùng biên giới phía đông nước Nga đều bị đóng cửa, còn các sư sãi (hay còn gọi là các lạt ma) bị coi là “kẻ thù của nhân dân” và “gián điệp của Nhật Bản” đều bị trục xuất khỏi các địa bàn xung yếu.

Một năm sau Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, chính quyền Xô Viết đã có chính sách mềm mỏng hơn đối với tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng. Nhà nước cho phép các phật tử khôi phục lại hoạt động của các tự viện, trùng tu, sửa chữa các cơ sở thờ tự bị đóng cửa và phá hủy trước đây. Hàng trăm lạt ma trước đây bị tập trung vào các trại cải tạo, nay được trở về và tiếp tục tham gia các sinh hoạt Phật giáo, tuy các hoạt động này vẫn chưa được công khai. Ngoài việc thực hiện các nghi lễ cho người dân trong thôn làng của mình, các lạt ma còn hành nghề y học cổ truyền Tây Tạng.

Vào giữa những năm 50 thế kỷ XX, Phật giáo hợp pháp [6] ở Nga bắt đầu được tích cực sử dụng cho “chính sách tự do tín ngưỡng” và chính sách đối ngoại của Nhà nước Xô Viết ở Châu Á. Năm 1956, Hội đồng Trung ương Giáo hội Phật giáo Liên Xô đã gia nhập Hội Phật giáo thế giới. Năm 1969, Hội nghị Phật giáo Châu Á được triệu tập, trong đó vai trò chủ đạo là Phật giáo ở các nước có quan hệ hữu nghị với Liên Xô lúc đó. Nhiều đoàn đại biểu Phật giáo nước ngoài bắt đầu tới thăm Liên Xô, các giảng sư Phật giáo nổi tiếng của các nước đã tới thăm và giảng dạy tại hai tự viện lớn của nước Nga ở Zabaikalie.

Toàn bộ hoạt động của Phật giáo cổ truyền ở nước Nga thời kỳ này dựa chủ yếu vào các trung tâm Phật giáo ở Cộng hòa tự trị Buriatia và các chức sắc Phật giáo ít ỏi được đào tạo trong hệ thống các tự viện cũ đã bị phá hủy trong những năm 30 thế kỷ XX.

Ngay sau khi bước vào công cuộc cải tổ, đặc biệt là sau khi Liên Xô tan rã, quá trình phục hưng của Phật giáo ở Liên bang Nga diễn ra rất nhanh chóng. Tiếp theo các tự viện ở Buriatia, năm 1988, các tự viện ở Tuva và Kalmưkia đã chính thức đăng ký hoạt động trở lại. Năm 1990, tự viện Phật giáo tại Saint Petersburg cũng được Nhà nước Nga trả lại cho phật tử thành phố này.

Hiện nay, trên toàn lãnh thổ Liên bang Nga có hơn 200 tổ chức Phật giáo đang hoạt động, trong đó, ngoài Phật giáo cổ truyền Tây Tạng (còn gọi là Phật giáo Tạng truyền hay Lạt Ma giáo), bắt đầu có những tông phái Phật giáo khác được truyền bá vào nước này. Đó là, các nhóm tín đồ Phật giáo Theravada ( hay còn gọi là Phật giáo nguyên thủy), các tổ chức Phật giáo của người Trung Quốc, của người Việt Nam, của Thiền tông Nhật Bản, v.v.. Trong số này có cả những nhóm đã đăng ký hoạt động cũng như những nhóm chưa đăng ký hoạt động.

Đối với Phật giáo Tạng truyền, hiện nay ở nước Nga không chỉ có tông phái Gelugpa (tông phái Mũ vàng Mông Cổ) như trong giai đoạn trước Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại (1941 - 1945). Trong giai đoạn “hậu Cải Tổ” - “hậu Xô Viết”, ở nước Nga đã xuất hiện hầu hết các tông phái khác của Phật giáo Tạng truyền như: tông phái Ningma, tông phái Kagiu. Cả hai khuynh hướng Phật giáo hiện đại theo đường hướng của Karm Kagiu và Shangp Kagiu đã xuất hiện sau cuộc viếng thăm nước Nga vào năm1995 của người đứng đầu tông phái này là lạt ma Tretsang Rinpotre. Tông phái Sakia cũng đã xuất hiện ở Moskva, Elista (thủ đô của Cộng hòa tự trị Kalmưkia) và Saint Petersburg sau cuộc viếng thăm nước Nga vào năm 1996 của người đứng đầu tông phái này là lạt ma Sakia Trizin. Ngoài ra còn xuất hiện nhiều nhóm Phật giáo theo các khuynh hướng khác ngoài Phật giáo Tạng truyền.

Trong những năm gần đây, khuynh hướng bí truyền Tây Tạng với tên gọi “Dzogtren” (“Sự hoàn thiện vĩ đại”) được truyền bá rộng rãi ở nước Nga, nhất là trong giới trí thức quan tâm tới Phật giáo. Hiện tại, nhóm người theo khuynh hướng này có số lượng đông nhất trong số các tổ chức Phật giáo mới ở nước Nga.

Trong giai đoạn này, một số tự viện Phật giáo ở Nga có xu hướng hợp nhất thành những tổ chức lớn mang tính chất tập trung. Ví dụ, năm 1991, Hội Liên hiệp phật tử Kalmưkia được thành lập dưới sự lãnh đạo của một người Kalmưk trẻ tuổi gốc Mỹ tên là Telo Rinpotre, được đào tạo về Phật học Tây Tạng tại tự viện Goman ở Ấn Độ. Hơn 20 tự viện Phật giáo Tạng truyền thuộc tông phái Kagiu do nhà sư Đan Mạch thành lập đã hợp nhất thành Hội Phật tử tông phái Karm. Năm 1997, tại Tuva đã hình thành một tự viện Phật giáo độc lập với tên gọi “Giáo hội Kambu - Lạt Ma Tuva”.

Mặc dù hiện nay ở nước Nga có rất nhiều tông phái Phật giáo cùng hoạt động, song mối quan hệ giữa Giáo hội Phật giáo cổ truyền với các tông phái Phật giáo mới hầu như không có. Theo người đứng đầu Phật giáo cổ truyền Nga, lạt ma Damba Aiusheev, nguyên nhân của việc Phật giáo cổ truyền không có quan hệ với các tông phái Phật giáo mới là do các tông phái này đều không sẵn sàng đối thoại một cách chân thành. Nhiều tông phái mới còn chưa thấu hiểu nội dung cốt yếu của giáo phái mình. Các nhà thuyết pháp Phật giáo nước ngoài đến Nga, sau một vài tháng họ về nước và để lại một số môn đồ và từ đó lập ra một tông phái mới. Những môn đồ của tông phái mới này trên thực tế chưa quen với hoạt động của Phật giáo và cũng không thực sự nghiêm túc trong việc truyền bá giáo lý Phật giáo của tông phái mình vào nước Nga [7] .

Còn mối quan hệ của Giáo hội Phật giáo cổ truyền Nga với các tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống khác ở Nga như Chính Thống giáo, Islam giáo, v.v. diễn ra tương đối bình thường. Tín đồ các tôn giáo này cùng chung sống, làm việc, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau trong cộng đồng các dân tộc trên lãnh thổ Liên bang Nga. Nhưng theo đánh giá của người đứng đầu Phật giáo cổ truyền Nga, lạt ma Damba Aiusheev, quan hệ giữa các tín đồ bình thường của các tôn giáo tốt hơn quan hệ giữa những người đứng đầu các tôn giáo. Tuy nhiên, thái độ thù địch đối với Phật giáo từ phía tín đồ của các tôn giáo khác hoàn toàn bị loại trừ, bởi vì, không thể có chuyện hai người xung đột với nhau, một người hoàn toàn đúng, còn người kia hoàn toàn sai. Khi hai bên xung đột đều hiểu được cái sai của mình thì xung đột sẽ bị loại trừ [8].

Ở cả ba nước cộng hòa tự trị có truyền thống Phật giáo là Buriatia, Kalmưkia và Tuva, sự phục hưng Phật giáo gắn liền với văn hóa dân tộc, một nền văn hóa không bị Nga hóa và điều này được sự ủng hộ của chính quyền nhà nước ở địa phương. Chẳng hạn, ở Cộng hòa tự trị Kalmưkia, Phật giáo (cùng với Chính Thống giáo) được công nhận là quốc giáo. Tuy nhiên, điều này lại trái với Hiến pháp của Liên bang Nga - Nga là một nhà nước thế tục.

Mặc dù các dân tộc ở ba nước cộng hòa tự trị nói trên của Liên bang Nga rất nhiệt thành với Phật giáo, song để phục hưng Phật giáo ở đây không phải là công việc một sớm một chiều. Một trong những nguyên nhân là sự thiếu hụt đội ngũ tăng ni, những người có thể hướng dẫn quần chúng tín đồ trong các sinh hoạt tôn giáo của mình. Bước đi quan trọng hiện nay để khắc phục hiện trạng này là việc gửi tăng ni sinh người Buriatia, Kalmưkia và Tuva đi đào tạo nhiều năm tại các trường Phật học Tạng truyền ở Ấn Độ. Cho đến nay, đã có nhiều tăng ni sinh, chủ yếu là lớp trẻ, được gửi đi tu nghiệp về Phật học ở nước ngoài. Một nguyên nhân khác là sự thiếu thốn kinh sách và tài liệu học tập bằng tiếng dân tộc ở các vùng tự trị này. Ngoài ra, với mục đích lợi dụng các tư tưởng Phật giáo để xuất bản các ấn phẩm mang tính thương mại, một số giáo phái cùng những kẻ làm ăn gian lận đủ loại, thậm chí cả những băng nhóm tội phạm, đã in ra nhiều loại sách mang tính “bí truyền” và thần bí, làm cho những người thế tục có quan niệm không đúng về Phật giáo.

Để khắc phục tình trạng nói trên, Học viện Phật học đã được xây dựng tại Cộng hòa tự trị Buriatia, nhưng Học viện này không thể phát triển một cách bình thường do thiếu kinh phí, thiếu đội ngũ giảng sư người bản địa có trình độ chuyên môn cao và thiếu cả đội ngũ phiên dịch giỏi tiếng Tây Tạng. Các giảng sư giảng dạy tại Học viện chủ yếu là người nước ngoài, mà phần lớn là các giảng sư Phật giáo Tạng truyền tới từ Ấn Độ. Để tăng ni sinh tiếp thu tốt bài giảng cần có một đội ngũ phiên dịch am hiểu Phật học và giỏi tiếng Tây Tạng, nhưng đến nay vẫn còn thiếu đội ngũ phiên dịch này. Phân viện của Học viện Phật học Karmapa tại thành phố Elista cũng gặp phải những vấn đề tương tự. Hiện nay, các giảng sư Phật giáo Tây Tạng đang thuyết giảng tại tất cả các khu vực có Phật giáo cổ truyền ở nước Nga.

Nhiều tổ chức tôn giáo khác cũng gặp phải vấn đề thiếu hụt chức sắc tôn giáo sau hơn 70 năm nước Nga dưới chính quyền Xô Viết. Riêng đối với Phật giáo, theo người đứng đầu tôn giáo này, lạt ma Damba Aiusheev, vấn đề này đang dần được cải thiện. Nếu như trước đây, các giảng sư chủ yếu được mời từ Ấn Độ và Mông Cổ, thì ngày nay, Phật giáo cổ truyền Nga đã có được một đội ngũ giảng sư riêng của mình. Đã bắt đầu có những nhà sư trẻ người bản địa biết nhiều ngoại ngữ, có kiến thức chuyên sâu về triết học Phật giáo, hiểu biết y học cổ truyền Tây Tạng, nắm được cơ sở của chiêm tinh học và yoga, v.v.. Lạt ma Damba Aiusheev cũng phủ nhận ý kiến cho rằng, những nhà Phật học được đào tạo từ các trung tâm Phật học của nước ngoài không đáng tin cậy về mặt chính trị đối với nước Nga. Người đứng đầu Phật giáo cổ truyền Nga cho rằng, con người càng đắm mình vào học thuyết của Đức Phật bao nhiêu, thì càng xa rời chính trị bấy nhiêu. Khi đã định tâm, tham thiền người ta sẽ thoát khỏi mọi ham muốn vật chất trần tục [9].

Năm 1991, lần đầu tiên Đạt Lai Lạt Ma XIV đã có chuyến viếng thăm chính thức các vùng Phật giáo cổ truyền ở nước Nga và có các buổi thuyết pháp về Phật giáo và dâng lễ Phật. Tất cả các buổi thuyết pháp và dâng lễ Phật của ngài đều được tổ chức chu đáo và có sự tham dự của gần 30.000 người đến từ khắp mọi vùng ở các nước cộng hòa tự trị có Phật giáo cổ truyền Nga.

Song, trong những năm gần đây, do tình hình chính trị thay đổi, chính quyền nước Nga đã 2 lần từ chối cấp thị thực vào Nga cho Đạt Lai Lạt Ma XIV, xuất phát từ việc muốn bình ổn và tăng cường quan hệ Nga - Trung. Nhận xét về điều này, người đứng đầu Phật giáo cổ truyền Nga, lạt ma Damba Aiusheev cho rằng, gắn tôn giáo với chính trị là một việc làm không đúng. Các nhà chính trị thì cần phải hoạt động chính trị, còn các chức sắc tôn giáo thì chỉ hoạt động tôn giáo. Nếu các chức sắc tôn giáo mà chuyển sang hoạt động chính trị thì chỉ đem lại tổn thất cho tôn giáo.

Về chính sách tôn giáo của Nhà nước Nga vào cuối thập niên đầu thế kỷ XXI có thể nhận thấy rằng, các nhà lãnh đạo cấp cao của Liên bang Nga luôn quan tâm và đánh giá cao vị trí và vai trò của các tôn giáo truyền thống. Trong cuộc họp báo của Tổng thống Nga ngày 1 tháng 2 năm 2007, Vladimir Putin đã tuyên bố một cách mạnh mẽ rằng: “Tín ngưỡng truyền thống của nước Nga và lá chắn hạt nhân chính là các thành tố để củng cố vị thế của Nhà nước Nga, tạo nên các tiền đề cần thiết để đảm bảo an ninh cả bên trong và bên ngoài cho nước Nga” [10].

Ngày 24 tháng 8 năm 2009, Tổng thống Dmitry Medvedev đã có cuộc gặp gỡ với các lạt ma của Phật giáo cổ truyền Nga tại tự viện Ivollginsk ở Buriatia. Tại cuộc gặp gỡ này, Tổng thống Dmitry Medvedev tuyên bố rằng, mặc dù khủng hoảng kinh tế, nhưng Nhà nước Nga vẫn có đủ nguồn lực tài chính cần thiết cho các tôn giáo, do vậy các tổ chức tôn giáo không cần nhờ tới sự giúp đỡ từ nước ngoài. Theo đó, Nhà nước Nga dựa vào uy tín và “thái độ đúng mực” của các tổ chức tôn giáo được gọi là “tôn giáo truyền thống” đối với Nhà nước để giúp đỡ vật chất cho họ. Tất nhiên, ở đây cái gọi là “thái độ đúng mực” của các tổ chức tôn giáo không được nói ra một cách công khai mà chỉ được ngầm hiểu với nhau.

Trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, việc Nhà nước Nga dành một khoản tài chính đáng kể cho các tổ chức “tôn giáo truyền thống”, trong đó có Phật giáo, được mọi người hiểu là một sự đầu tư đặc biệt tinh xảo để đảm bảo ổn định xã hội. Pavel Krug gọi đây là sự đầu tư “thuốc phiện cho nhân dân” [11]. Còn đại diện các tổ chức tôn giáo thì quả quyết rằng, các biện pháp giúp đỡ của Chính phủ sẽ được đền đáp bằng sự giáo dục đạo đức - tôn giáo ở các trường học của nước Nga trong tương lai. Trong giai đoạn hiện nay, cùng với các tôn giáo truyền thống khác, Phật giáo đang có sự biến đổi mạnh mẽ để tồn tại và phát triển phù hợp với xu thế phát triển của nước Nga.


[1]  Xem: http://religion-facts.com.vi/141

[2]  “Arena: Atlas of  Religions and  Nationalities in Russia”. Sreda, 2012;  2012 Arena Atlas Religion Maps. “Ogonek”,  No 34 (5243), 27/08/2012.

[3]  “Thống kê so sánh tương tự về tôn giáo được công bố ở Nga và Ba Lan” (tiếng Nga). Religare.ru. Ngày 6 tháng 6 năm 2007.

[4] Xem thêm: Sự du nhập và phát triển của Phật giáo ở Liên bang Nga. Trong cuốn: Nguyễn Văn Dũng. Tôn giáo và đời sống chính trị - xã hội ở một số nước trên thế giới. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 2012, tr.339 – 356.

[5] Xem thêm các bài viết: Nguyễn Văn Dũng. Ảnh hưởng của Lạt Ma giáo đối với Saman giáo của người Buriat ở Liên bang Nga. Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 4/2006, tr.55; Nguyễn Văn Dũng. Ảnh hưởng của Chính Thống giáo đối với Saman giáo của người Buriat ở Liên bang Nga. Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 6/2006, tr.43; Nguyễn Văn Dũng. Về sự hỗn dung tôn giáo của người Buriat dưới ảnh hưởng của Chính Thống giáo. Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 3/2007, tr.61.

[6] Đây là Giáo hội Phật giáo được Nhà nước Xô Viết công nhận tư cách pháp nhân. Ngoài ra, ở Nga còn tồn tại nhiều giáo phái Phật giáo hoạt động không đăng ký với chính quyền và vì thế không được sự bảo hộ của Nhà nước.

[7]  Xem: Nicolai Konxtantinov. “Phật giáo cũ và mới” (Bài trả lời phỏng vấn Báo Độc lập – Tôn giáo của Pandido Khambo - Lạt ma Damba Aiusheev ngày 5/2/2003, tiếng Nga).

[8] Xem: Nicolai Konxtantinov. “Phật giáo cũ và mới” (Bài trả lời phỏng vấn Báo Độc lập – Tôn giáo của Pandido Khambo - Lạt ma Damba Aiusheev ngày 5/2/2003, tiếng Nga).

[9] Xem: Nicolai Konxtantinov. “Phật giáo cũ và mới” (Bài trả lời phỏng vấn Báo Độc lập – Tôn giáo của Pandido Khambo - Lạt ma Damba Aiusheev ngày 5/2/2003, tiếng Nga).

[10] Trích theo:  Lê Đỗ Huy (tổng hợp).Yếu tố tôn giáo trong “học thuyết Putin”. https://www.vanhoanghean.vn/chuyenmucgocnhinvanhoa/nhin-ra-the-gioi/yeu-to-van-hoa-trong-hoc-thuyet-putin

[11] Pavel Krug. Từ thế tục đến chủ nghĩa gia trưởng. http://religion.ng.ru/events/2009-09-02/1.paternalist.html (tiếng Nga).