Ad Limina 2018 của Hội đồng Giám mục Việt Nam
Ngày đăng: 02/04/2018
Từ ngày 26/2-12/3/2018, Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) tổ chức đi “yết kiến” Giáo hoàng và viếng mộ hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô (Ad Limina). Bài viết dưới dây sẽ cung cấp một số thông tin về Ad Limina và hoạt động của HĐGMVN trong chương trình đi Ad Limina 2018:

1. Về Ad Limina

Ad Limina, viết tắt của Ad Limina Apostolonna nghĩa là Bước qua ngưỡng cửa Vương cung Thánh đường các Tông đồ, nói cách khác là đến Rôma.

Quy định Giáo luật Công giáo là các Giám mục giáo phận có trách nhiệm phải thực hiện cuộc viếng thăm đến Roma với mục đích “yết kiến” Giáo hoàng, viếng mộ 2 Thánh Tông đồ (5 năm 1 lần), nhưng hiện nay do nhiều lý do thời gian thực hiện các cuộc Ad Limina có thể 8 - 9 năm một lần.

Đối với Công giáo Việt Nam, từ năm 1980, đây là lần thứ 7 HĐGMVN tổ chức đi Ad Limina (1980, 1985, 1990, 1996, 2002, 2009). Chuyến đi Ad Limina gần nhất của HĐGMVN năm 2009.

Trước khi tới Rôma, các Giám mục giáo phận phải báo cáo lên Giáo hoàng một bản tường trình (theo mẫu của Tòa thánh) về tình hình giáo phận, tình hình hoạt động các Ủy ban trong thời gian vừa qua, hiện trạng của Giáo hội. Bộ Giám mục và Bộ Truyền giáo gửi mẫu sẵn cho các Giám mục để làm các báo cáo. Hai Bộ này sẽ nghiên cứu các Bản báo cáo và làm một bản tóm tắt gửi lên Giáo hoàng, Phủ Quốc vụ khanh, các Bộ khác những phần liên hệ chuyên môn tới từng Bộ, để khi các Giám mục đến gặp từng Bộ thì tình hình của từng giáo phận, từng Ủy ban đã được nghiên cứu trước tại mỗi Bộ.

2. Các hoạt động Ad Limina 2018 của Hội đồng Giám mục Việt Nam

Hội đồng Giám mục Việt Nam tại đền thờ Thánh Phêrô

Ngày 26/2/2018, 33 Giám mục của HĐGMVN bắt đầu hành trình đi Ad Limina. Trước khi sang Rôma, các Giám mục HĐGMVN có cuộc gặp gỡ với Hội Thừa sai Paris tại Paris; gặp Đại học Công giáo Paris; các linh mục, tu sĩ sinh viên Việt Nam đang học tại Paris.

Từ ngày 03-08/03/2018, HĐGMVN đi từ Paris sang Roma, tiến hành các hoạt động trong chương trình Ad Limina:

Tại Roma, HĐGMVN viếng mộ thánh Phêrô, tuyên xưng đức tin và dâng Thánh lễ tại đền Thánh Phêrô; viếng mộ Thánh Phaolô và dâng Thánh lễ tại Đền thờ thánh Phaolô; “yết kiến” Giáo hoàng Francis, đây là những nội dung chính của chuyến đi Ad Limina của HĐGMVN.

HĐGMVN chào thăm Quốc Vụ khanh Tòa thánh; thăm và làm việc với các Bộ: Bộ Ngoại giao, Bộ Truyền giáo, Bộ Phụng tự, Bộ Giáo sĩ và Chủng sinh, Bộ Đời sống Thánh hiến và các Hiệp hội Đời sống Tông đồ, Bộ Giáo lý Đức tin, Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, Bộ Giáo dục Công giáo, Bộ Thăng tiến sự Phát triển Con người toàn diện, Hội đồng Giáo hoàng về Văn bản luật, Quốc vụ viện Truyền thông của Toà Thánh, Hội đồng Đối thoại Liên tôn... HĐGMVN báo cáo sơ lược về tình hình Công giáo, sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam (thuận lợi, khó khăn) với các cơ quan của Tòa thánh; HĐGMVN viếng mộ Hồng y Nguyễn Văn Thuận, thăm giáo xứ thánh Tôma, gặp Liên tu sĩ Việt Nam tại Rôma, thăm dòng Phaolô ở Roma và chào thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Italia,…

Khi dâng thánh lễ tại Vương cung Thánh đường thánh Phaolô, Tổng Giám mục  Bùi Văn Đọc, Tổng Giám mục Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh đã bị đột quỵ và qua đời ở bệnh viện tại Roma vào ngày 07/03/2018. Sáng ngày 08/3/2018 Giáo hoàng Francis đã cử hành Thánh lễ để cầu nguyện cho Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc. Ngày 10/3/2018, tại Đền thờ thánh Phêrô, Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ khanh Tòa thánh đã chủ tế Thánh lễ cầu nguyện cho Tổng Giám mục Bùi Văn Đọc. Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Italia tham dự thánh lễ.

Tiếp và làm việc với HĐGMVN, hầu hết là Bộ trưởng, người đứng đầu các Cơ quan của Tòa thánh, Tổng Thư ký, chuyên viên của các Bộ. Các Bộ, cơ quan Tòa thánh đều chia buồn với HĐGMVN về việc Tổng Giám mục Bùi Văn Đọc qua đời, đồng thời chia sẻ, chỉ dẫn và sẵn sàng giúp đỡ Công giáo Việt Nam trong các lĩnh vực hoạt động và phụng vụ liên quan.

Từ ngày 09-10/3/2018, HĐGMVN đã họp Hội nghị thường niên kỳ I/2018 tại Foyer Phát Diệm, Rôma. Hội nghị bầu Giám mục Đỗ Văn Ngân, Giám mục phụ tá giáo phận Xuân Lộc làm Chủ tịch Uỷ ban Giáo lý Đức tin thay Tổng Giám mục Bùi Văn Đọc; Bổ nhiệm Linh mục Đào Nguyên Vũ làm Chánh văn phòng của HĐGMVN, kiêm quản lý Văn phòng của HĐGMVN; Linh mục Phan Văn Định làm linh mục Thư ký giáo tỉnh Sài Gòn; Soạn thảo Thư Mục vụ gửi linh mục, tu sĩ và giáo dân; tiến trình xin phong thánh cho 2 Giám mục đầu tiên của Việt Nam là Giám mục Lambert de la Motte, Giám mục François Pallu và một số người tử đạo Việt Nam đang có trong hồ sơ của Toà thánh.

Trong cuộc gặp của HĐGMVN với Giáo hoàng Francis, Giáo hoàng gặp chung tất cả các Giám mục, không có Huấn từ chỉ đạo mà trao đổi, lắng nghe và trả lời các Giám mục. Chủ tịch HĐGMVN, Tổng giám mục Nguyễn Chí Linh đã gửi Diễn từ cho Giáo hoàng, trong đó HĐGMVN bày tỏ tình cảm yêu quý Giáo hoàng và Tòa thánh của Giáo hội Công giáo Việt Nam, báo cáo về hiện tình của Công giáo Việt Nam. Giáo hội Việt Nam hiện nay có 3 giáo tỉnh Huế, Sài Gòn và Hà Nội, gồm 26 giáo phận, có 33 giám mục đương chức, khoảng 4500 giáo xứ, hơn 4000 linh mục, 22.000 tu sĩ nam nữ thuộc hơn 240 dòng tu, hơn 2400 đại chủng sinh, gần 7 triệu giáo dân, tỉ lệ khoảng gần 8% dân số cả nước,… những khó khăn, thách thức của Công giáo Việt Nam trong việc truyền giáo, việc năm 2018 Giáo hội Công giáo Việt Nam tổ chức kỷ niệm 30 năm tuyên thánh cho 117 thánh tử đạo Việt Nam, mong đợi Giáo hoàng sẽ đến thăm đất nước và Giáo hội Việt Nam...

Giáo hoàng vui mừng khi nghe báo cáo về ơn gọi linh mục, tu sĩ và đời sống thánh hiến của Công giáo Việt Nam. Giáo hoàng trao đổi với các Giám mục tập trung vào một số điểm chính như: Giám mục giáo phận phải gần gũi với dân, phải đến với người nghèo, thăm hỏi các linh mục; phải huấn luyện các chủng sinh sống yêu thương gần gũi với dân, quan tâm thường huấn linh mục trong giáo phận; Giám mục giáo phận khi điều hành giáo phận thì luôn sống trong tâm tình vui mừng vì “mục tử không thể dẫn dắt một Giáo hội địa phương mà không có niềm vui”; Giáo hội phải quan tâm truyền giáo, phải đến với dân, phục vụ dân với lòng Thương Xót của Chúa. Giáo hoàng cho rằng tình hình quan hệ của Tòa thánh với Trung Quốc, Cuba và Việt Nam vẫn tiến triển tốt nhưng phải kiên nhẫn và tin tưởng vào sự Quan Phòng của Thiên Chúa, điều quan trọng là giữ được quan hệ, xây dựng được cầu nối giữa Tòa thánh với các quốc gia. Trong cuộc gặp với Bộ Ngoại giao Tòa thánh, Tổng Giám mục Nguyễn Chí Linh hy vọng Toà thánh sẽ có quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam./.

Bích Đượm tổng hợp