Vị Linh mục bắc những nhịp cầu giao thông nông thôn tại huyện Cái Bè, Tiền Giang
Ngày đăng: 04/11/2022Đó là Linh mục Peter Nguyễn Ngọc Long, Chánh xứ giáo xứ Mỹ Trung (Giáo phận Mỹ Tho), tọa lạc tại ấp Mỹ Hiệp, xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Linh mục đồng thời kiêm nhiệm giáo họ Mỹ Lợi tại xã Mỹ Lợi B, huyện Cái Bè.
Giáo xứ Mỹ Trung hiện có 637 hộ giáo dân với 1.794 giáo dân. Giáo họ Mỹ Lợi có trên 700 giáo dân. Bà con giáo dân nơi đây sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, trồng cây ăn quả.
Giáo xứ Mỹ Trung và giáo họ Mỹ Lợi tọa lạc tại vùng sâu của huyện Cái Bè, giáp với vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Long An. Khu vực này kênh rạch chằng chịch, cầu bắt qua sông rạch còn đơn sơ, tạm bợ, việc đi lại của người dân và vận chuyển nông sản đi tiêu thụ gặp không ít khó khăn.
Trong 2 năm 2020-2021, cùng thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng Linh mục và Hội đồng mục vụ giáo xứ đã vận động xây dựng 10 cây cầu giao thông nông thôn tại huyện Cái Bè, mỗi cây cầu có chiều dài trung bình từ 25-30m, ngang 2,5-3,5m, với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng.
Tháng 6 năm 2022, Giáo xứ đã bàn giao, đưa vào sử dụng 3 cây cầu giao thông nông thôn cũng tại huyện Cái Bè, với tổng giá trị gần 600 triệu đồng. Hiện giáo xứ và mạnh thường quân cũng vừa hoàn thành xong 4 cây cầu, chờ ngày khánh thành đưa vào sử dụng.
Trao đổi với Linh mục, tôi hỏi: Linh mục phụ trách giáo xứ Mỹ Trung và giáo họ Mỹ Lợi nên rất bận rộn, nhà thờ Mỹ Lợi lại đang trong quá trình xây dựng, vì sao Linh mục không chỉ tập trung xây dựng nhà thờ mà lại có ý tưởng xây dựng cầu giao thông nông thôn cho người dân vùng sâu vào cùng thời gian này?
Linh mục vui vẻ cho biết: công trình xây dựng nhà thờ tuy bề bộn, nhưng đã cơ bản rồi, có chậm chút cũng không sao. Điều quan trọng là việc hỗ trợ người dân, trong đó có giáo dân qua lại kênh rạch phải an toàn, kịp thời đưa nông sản đến các phiên chợ để giao dịch.
Linh mục nói tiếp: nhiều lần, tôi chứng kiến cảnh cầu cây đơn sơ xuống cấp, gập ghềnh, nhất là lúc mưa gió, mùa nước nổi ở đây, người dân qua lại gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ rơi xuống lòng kênh rạch, nên tôi đã bàn bạc với Hội đồng mục vụ giáo xứ để vận động giáo dân, các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân gần xa, tham gia đóng góp xây dựng cầu bằng bê tông cốt thép thay cho các cầu cây. Ý tưởng này được giáo dân và các nhà hảo tâm đồng thuận, hưởng ứng rất cao, đã tạo động lực để tôi bắt tay triển khai xây dựng.
Tôi lại tò mò hỏi tiếp: trong quá trình triển khai việc xây cầu, chính quyền và người dân địa phương có ủng hộ việc làm của Linh mục không?
Linh mục cho biết, ông nhận được sự quan tâm, hướng dẫn tích cực từ các cơ quan chức năng của địa phương: trước khi tiến hành khởi công xây dựng, chúng tôi đều có mang bản vẽ thiết kế của cây cầu đến liên hệ với chính quyền, trình bày phương án thi công, dự kiến thời gian hoàn thành…, được các cán bộ chính quyền tiếp đón ân cần và góp ý vào phương án thiết kế, sao cho thật an toàn trong quá trình thi công cũng như khi đưa vào sử dụng. Trong thời gian thi công, chính quyền địa phương còn cử cán bộ đến hỗ trợ giám sát, động viên anh em công nhân, nói chung là các anh rất quan tâm, tạo điều kiện và ủng hộ việc làm của chúng tôi.
Còn đối với người dân ở hai đầu cầu nói riêng, người dân địa phương nói chung ủng hộ rất nhiệt tình, nghe nói xóa cầu khỉ là người dân tự nguyện đến đóng góp, người thì ủng hộ tài vật, người thì góp sức lao động (mặc dù chúng tôi đã dự trù đủ tài chính, không kêu gọi quyên góp thêm trong cộng đồng địa phương). Nhiều hộ gia đình còn cho công trường sử dụng nguồn điện của gia đình để trộn hồ, cắt sắt, hễ ai có gì ủng hộ nấy, ngày nào không có việc ngoài đồng áng thì đến công trường hỗ trợ công nhân vận chuyển gạch, cát, đá, xi măng, quét sơn lan can cầu…, tạo không khí làm việc rất vui vẻ, hòa đồng quên đi nỗi nhọc nhằn vào những ngày mưa, ngày nắng.
Linh mục Peter Nguyễn Ngọc Long (áo trắng, đeo kính) cắt băng khánh thành cầu nông thôn tại xã Mỹ Đức Đông
Tôi lại hỏi: Việc xây dựng cầu nông thôn của Linh mục và giáo xứ đã góp phần thay đổi tích cực diện mạo vùng nông thôn sâu của tỉnh, vậy Linh mục có ý định cho công việc gì sắp tới nữa không?
Linh mục cười tươi, cho biết: sắp tới, chúng tôi (Linh mục và Hội đồng mục vụ giáo xứ) sẽ tiếp tục vận động các nhà hảo tâm và bà con giáo dân mở rộng việc xây dựng cầu giao thông nông thôn ra các huyện lân cận, để giúp người dân và bà con giáo dân của giáo xứ thuận lợi trong việc đi lại và vận chuyển nông sản, đồng thời góp phần cùng chính quyền xóa đi cầu khỉ, thực hiện có hiệu quả các phong trào xây dựng nông thôn mới mà địa phương phát động.
Không chỉ được biết tới là vị Linh mục tâm huyến với việc bê-tông hóa các cây cầu nông thôn tại địa bàn vùng sâu của huyện Cái Bè, Linh mục Peter Nguyễn Ngọc Long còn là chức sắc có nhiều đóng góp tích cực trong các công tác xã hội, từ thiện nhân đạo tại địa phương như tặng học bổng cho các em học sinh, sinh viên nghèo vượt khó học giỏi, tặng quà tết cho người nghèo. Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, Linh mục và Hội đồng mục vụ giáo xứ đã ủng hộ gạo, thuốc sát khuẩn, khẩu trang, nhu yếu phẩm cho bà con trong khu cách ly, khu phong tỏa của tỉnh với tổng giá trị gần 3 tỷ đồng. Hiện Linh mục đang vận động các nhà hảo tâm tặng học bổng cho các em học sinh và quà cho người nghèo tại huyện dịp Tết Nguyên đán năm 2023 sắp đến.
Trước khi chào để ra về, tôi gửi lời chúc Linh mục, giáo dân và các nhà hảo tâm thật nhiều sức khỏe, có thêm nhiều công trình thiện nguyện đầy ý nghĩa khác, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của bà con nông thôn nơi đây và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Toàn cảnh cầu giao thông nông thôn được xây mới tại xã Thiện Trí
Đại diện chính quyền địa phương tặng giấy khen đến Linh mục, giáo dân và nhà hảo tâm
Hữu Đức