Đồng bào các tôn giáo tích cực triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
Ngày đăng: 24/11/2022Ngay sau Quốc khánh 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi diệt “giặc đói” quan trọng không kém diệt giặc ngoại xâm. Suốt chặng đường đã qua, Đảng, Chính phủ luôn coi công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu khi vừa mục tiêu, vừa là yêu cầu phát triển đất nước. Hiện nay, giảm nghèo là một chương trình mục tiêu quốc gia mà các ngành, các cấp từ trung ương xuống cơ sở đang tích cực triển khai.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (gọi tắt là Chương trình) với mục đích thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn… Giá trị của giảm nghèo đa chiều không chỉ tính đến yếu tố thu nhập mà còn bao gồm giáo dục, y tế, nhà ở, nước sach, vệ sinh, thông tin…
Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Qua thời gian triển khai, các tổ chức, chức sắc, tín đồ các tôn giáo có nhiều đóng góp thiết thực, chung tay cùng nhân dân cả nước từng bước thực hiện thắng lợi mục tiêu của Chương trình.
Chủ trương lớn
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đề ra, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 100/2015/ QH13 ngày 12/11/2015 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020. Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1722/ QĐ-TTg ngày 02/9/2016 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Hiện các ngành, các cấp từ TƯ xuống địa phương đang tích cực triển khai Chương trình này trong giai đoạn 2021-2025.
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của các tổ chức, cá nhân, sau hơn 5 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (gọi tắt là Chương trình) đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 1,55%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao là giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của cả nước từ 1-1,5%/ năm.
Các dự án của Chương trình khi triển khai thực hiện đã từng bước phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả cao, giúp người dân, đặc biệt là người nghèo có cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh, tự tạo việc làm và có việc làm ổn định để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, việc xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, y tế, nhà văn hóa cũng góp phần vào sự thay đổi diện mạo bộ mặt nông thôn, miền núi. Qua đó, đời sống của người nghèo được nâng cao cả về vật chất và tinh thần, góp phần thúc đẩy việc tiếp cận của người nghèo đối với các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin.
Chương trình trở thành nhiệm vụ, mục tiêu ưu tiên trong quá trình chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng và chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Hệ thống văn bản, chỉ đạo thực hiện được ban hành đầy đủ, trong đó đã thể hiện nhiều nguyên tắc, cơ chế đổi mới trong quản lý, điều hành và triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án. Việc xây dựng kế hoạch hàng năm, tổ chức kiểm tra, đánh giá đến sơ kết 6 tháng…được thực hiện định kỳ.
Chương trình được thực hiện công khai, minh bạch từ việc xác định đối tượng hỗ trợ (hộ nghèo, xã nghèo, huyện nghèo) đến việc phân bổ vốn và kiểm tra giám sát của các cơ quan Trung ương, địa phương và người dân, đặc biệt là sự giám sát, phản biện của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Mặt trận tổ quốc các cấp,. Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” được các tỉnh, thành phố hưởng ứng, triển khai thi đua rất quyết liệt, phấn đấu giảm nghèo nhanh, bền vững.
Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo trước 10 năm và được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu giảm nghèo hiệu quả. Nếu như năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam là 58,1% thì năm 2019 chỉ còn 3,75%. Chương trình phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1,0 - 1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3,0%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%/năm.
Chương trình đặt chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2025 là giảm 1/2 số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia; 100% các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản. Phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững. Tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 90%...
Được biết, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 tối thiểu là 75.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương 48.000 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 12.690 tỷ đồng và các nguồn huy động khác là 14.310 tỷ đồng. Trước đó, nguồn vốn được bố trí, huy động để thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2016-2020 là 93.000 tỷ đồng.
Đồng bào các tôn giáo chung tay thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững
Với phương châm đồng hành cùng dân tộc, các tôn giáo tham gia vào mọi hoạt động của đời sống kinh tế xã hội. Với trên 26 triệu người có đạo, đồng bào các tôn giáo là nguồn lực to lớn và quan trọng trong phát triển đất nước. Những đóng góp của các tổ chức, chức sắc, tín đồ tôn giáo đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo nói chung và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là bức tranh nhỏ trong tổng thể các hoạt động của người dân có đạo và bức tranh nào cũng giàu sức lan tỏa.
Qua tìm hiểu cho thấy, Bắc Ninh là một trong những địa phương mà đồng bào có đạo triển khai rất tích cực Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tỉnh này có 2 tôn giáo chính là Phật giáo và Công giáo với hơn 400 chức sắc, 1.540 cơ sở thờ tự, hơn 25% dân số là tín đồ Phật giáo và hơn 15.000 giáo dân Công giáo sinh hoạt ở 38 xứ, họ đạo. Được biết, trong công tác thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, các tín đồ tôn giáo đã đoàn kết giúp đỡ nhau về vốn, chia sẻ kinh nghiệm, cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Điển hình trong hoạt động kinh tế, giảm nghèo phải kể đến các địa phương như: nghề truyền thống làm mì gạo ở xứ đạo Tử Nê (Lương Tài); thợ mộc, thợ nề, kinh doanh dịch vụ tổng hợp máy xay xát, ô tô vận tải ở các xứ đạo Cẩm Giang (Từ Sơn)… mang lại thu nhập cao cho các hộ gia đình và giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động. Đời sống giáo dân ngày một cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Việc phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững thành công tại các địa phương nêu trên kéo theo sự phát triển hạ tầng. Tìm hiểu cho thấy 100% đường giao thông nông thôn vùng giáo dân được bê tông hoá. Bên cạnh đó, nhà thờ các xứ đạo, nhà văn hóa…không ngừng được tu sửa, xây mới.
Theo ghi nhận, tại nhiều địa phương trên cả nước, đồng bào các tôn giáo không ngừng việc khai công tác giảm nghèo bền vừng bằng nhiều mô hình linh hoạt, sáng tạo, thiết thực. Với phương châm "Sống tốt đời, đẹp đạo", những năm qua, các nhà tu hành, chức sắc, tín đồ tôn giáo trên địa bàn huyện Châu Thành (Hậu Giang) luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo…Thị trấn Mái Dầm là một điển hình về hoạt động này. Theo đó, mô hình “Phật giáo Hòa Hảo đồng hành với công tác thoát nghèo bền vững của địa phương” phát huy hiệu quả tích cực khi Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo của thị trấn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tiến hành khảo sát, nắm cụ thể danh sách hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn ấp Phú Bình cũng như rà soát các chính sách mà các hộ nghèo có đạo đang thụ hưởng và nhu cầu thực tế từng hộ này cần để thoát nghèo bền vững. Đến nay, mô hình đã giúp cho hàng chục hộ trên địa bàn thị trấn được thoát nghèo. Từ hiệu quả của cách làm trên, cấp ủy, chính quyền thị trấn Mái Dầm tiếp tục nhân rộng sáng các địa bàn khác.
Tương tự, mô hình “Tôn giáo đồng hành với công tác giảm nghèo” ở xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) được Ban Dân vận Huyện ủy, Mặt trận Tổ quốc huyện phối hợp với Đảng ủy xã Vĩnh Thuận Tây triển khai thực hiện đã đạt nhiều kết quả rất thiết thực. Được biết, hoạt động cụ thể của mô hình này là tạo điều kiện vay vốn, hỗ trợ con giống, cất nhà tình thương…cho các hộ khó khăn. Bên cạnh đó, mô hình còn mở các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác, chăn nuôi. Ra đời từ năm 2018, đến nay mô hình “Tôn giáo đồng hành với công tác giảm nghèo” đã giúp nhiều hộ nghèo có định hướng thoát nghèo bền vững. Chỉ sau hơn 1 năm hoạt động, cuối năm 2019, ấp 4 thoát nghèo 9 hộ, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của ấp còn 4,16% (năm 2018 là 7,69%), ấp 3 thoát nghèo 8 hộ, tỷ lệ hộ nghèo của ấp còn 2,48% (năm 2018 là 4,28%). Được biết, năm 2019, 2 cơ sở Công giáo trên địa bàn xã Vĩnh Thuận Tây cũng đã hỗ trợ kinh phí xây dựng 6 căn nhà tình thương cho hộ nghèo, cận nghèo, trị giá mỗi căn 35 triệu đồng; hỗ trợ 12 con bò cho 6 hộ nghèo, tổng trị giá 120 triệu đồng.
Từ hiệu quả của các mô hình tôn giáo tham gia giảm nghèo cho thấy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân mà vai trò không thể không nhắc đến là các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, ví như với linh mục Bùi Phú Quốc, nhà thờ Xavier, xã Vĩnh Thuận Tây khi ông muốn tiếp tục mở rộng mô hình để tất cả những người nghèo đều có công ăn việc làm, nguồn thu nhập ổn định. Qua hoạt động thực tiễn cho thấy sự phối hợp chặt chẽ của tổ chức công giáo trên địa bàn huyện Vị Thủy cùng chính quyền địa phương trong hỗ trợ kinh phí thực hiện và tăng cường các giải pháp tuyên truyền, vận động đã giúp người dân sử dụng các nguồn lực được hỗ trợ có hiệu quả.
Tại tỉnh Gia Lai, trong năm 2021, chức sắc các tôn giáo cùng tín đồ và các tập thể, cá nhân hảo trên địa bàn tỉnh đã ủng hộ hơn 9,5 tỷ đồng vào Quỹ “Vì người nghèo”. Từ nguồn kinh phí này, tỉnh Gia Lai đã xây mới 149 căn nhà “Đại đoàn kết”, sửa chữa 71 căn nhà; hỗ trợ sinh kế cho các hộ nghèo phát triển sản xuất; hỗ trợ kinh phí khám-chữa bệnh; hỗ trợ học sinh học tập và chăm lo cho người nghèo…Nguồn lực này đã góp phần giảm nghèo bền vững, cũng như các hoạt động an sinh khác.
Qua hơn 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, cộng với những kết quả trước đó mà chúng ta đạt được trong công tác giảm nghèo nói chung, Việt Nam trở thành một trong những nước đi đầu ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong áp dụng phương pháp đo lường nghèo đa chiều để giảm nghèo ở tất cả các khía cạnh. Gắn liền với đó là đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo không ngừng được cải thiện, nâng cao. Kết quả này có sự chung tay không nhỏ của đồng bào có đạo./.
Bùi Quý