Sư thầy tâm huyết với công tác từ thiện
Ngày đăng: 27/10/2021“Tham gia hoạt động từ thiện không chỉ hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, mà còn giúp mọi người biết cảm thông, hướng đến những điều tốt đẹp”. Đó là chia sẻ giản dị của sư thầy Thích Đàm Hà (trụ trì chùa Sùng Khánh - Tư Đình, phường Long Biên, quận Long Biên) khi nói về các hoạt động thiện nguyện của mình, trong đó có việc nuôi dưỡng các em nhỏ tại đây.
Giới thiệu chùa Sùng Khánh
Chùa Sùng Khánh là ngôi chùa nằm trên đất của làng Tư Đình, được xây dựng trên một khu đất cao, đẹp, các bộ phận kiến trúc theo quy hoạch tạo thành quần thể hoàn chỉnh, hợp lý, thanh u, tĩnh mịch của chốn cửa thiền. Chùa có tên chữ là “Sùng Khánh tự”. “Sùng” là đề cao, tôn thờ hay tôn trọng, “Khánh” là mừng vui và còn có nghĩa là phúc.
Chùa chính có kết cấu hình chữ Đinh và quay về hướng đông – nam, bao gồm tiền đường, thiêu hương và thượng điện. Mang đậm phong cách bố trí quy hoạch của các ngôi chùa được xây dựng vào thời Nguyễn, tòa thiêu hương và thượng điện của chùa được nhập thành một nếp nhà dọc gắn với tiền đường. Các nếp nhà đó được xây dựng bao quanh để tạo ra không gian khép kín cho chùa.
Giá trị chủ yếu của nghệ thuật điêu khắc ở chùa tập trung chủ yếu ở hệ thống tượng tròn được tạo tác từ thế kỷ XVIII-XIX. Tổng số có 26 pho, trong đó có các pho Phật A Di Đà, Quán Thế Âm Bồ Tát, Quan Âm Chuẩn Đề, Thế Tôn, Văn Phù, Phổ Hiền có niên đại từ năm XVIII, số còn lại là cuối thế kỷ XIX. Tượng Thích Ca Mâu Ni Phật ở trên võng và tượng A Di Đà ngồi tọa sen là hai tác phẩm điêu khắc có giá trị cao và được coi là biểu tượng của điêu khắc ở thế kỷ XVII-XVIII.
Ngoài hệ thống tượng Phật kể trên chùa Sùng Khánh còn lưu trữ được một số di vật rất có giá trị như: bộ bát bửu của đạo Phật, 7 hoành phi, 8 đôi câu đối, 2 y môn chạm nổi mai trúc lão, 6 chân đèn gióng trúc, 2 cuốn thư chạm hoa điểu thế kỷ XIX, quả chuông đồng đúc thời Nguyễn, 2 bia đá thời Nguyễn, 4 bức cửa võng sơn son thiếp vàng thế kỷ XIX
Gieo mầm yêu thương
Sư thầy Thích Đàm Hà (tên khai sinh là Trần Thị Tươi) sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình; trụ trì chùa Sùng Khánh - Tư Đình từ năm 1992 đến nay.
Với tâm niệm chùa không chỉ là chốn tâm linh mà còn trở thành nơi gieo mầm yêu thương cho những mảnh đời cơ nhỡ, sư thầy đã nhận nuôi dưỡng, chăm sóc 4 trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, trong đó em lớn nhất 12 tuổi. Khi được đón vào chùa, các em đều được sư thầy đặt những cái tên rất đẹp: Thanh Cao, Chí Anh, Tân Cương, Hải Yến. Sư thầy kỳ vọng, với những cái tên ý nghĩa đó, các em sẽ được may mắn, bình an.
“Khó khăn nhất là những ngày đầu chưa quen cách nuôi trẻ, cứ dăm bữa chúng lại ốm, song mọi thứ cũng dần quen. Các con được sống như trong một gia đình, học hành đầy đủ, có khẩu phần ăn mặn riêng để phát triển khỏe mạnh. Nhìn các con trưởng thành từng ngày chúng tôi cũng cảm thấy hạnh phúc”, sư thầy Thích Đàm Hà chia sẻ.
Đến với nhà chùa, mỗi em có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng hầu hết không biết thông tin về quê quán của mình. Sư thầy Thích Đàm Hà cho biết, lo thủ tục giấy tờ để các em được đến trường học là công việc không đơn giản. Trong đó, em Nguyễn Duy Tân Cương còn không có giấy khai sinh, hộ khẩu ở tỉnh khác nên việc xin học vất vả hơn.
Để các em có môi trường sống lành mạnh, nhà chùa tạo điều kiện ăn nghỉ và học tập tại một phòng riêng. Trong thời gian thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, sư thầy giao cho các đệ tử hỗ trợ các em học trực tuyến và trang bị đủ máy tính, iPad. “Ban ngày các con gọi tôi là thầy, nhưng buổi tối gọi tôi là mẹ. Các con không muốn nhớ lại hoàn cảnh của mình. Dù còn nhỏ nhưng các con cũng cảm nhận được tình yêu thương nơi nhà chùa”, sư thầy Thích Đàm Hà bày tỏ.
Ngoài việc chăm sóc, nuôi dưỡng, sư thầy Thích Đàm Hà còn dạy dỗ các em nhỏ về lẽ sống để trở thành công dân có ích
Lan tỏa tấm lòng thiện nguyện
Là học sinh lớp 6 Trường Trung học cơ sở Long Biên (quận Long Biên), Phạm Đình Thanh Cao khá điềm đạm trong giao tiếp. “Em rất vui khi ở đây vì được sư thầy chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ đến việc học tập hằng ngày. Em phấn đấu học thật giỏi để sau này trở thành người có ích cho xã hội”, Thanh Cao nói.
Phạm Đình Thanh Cao và Phạm Đình Chí Anh là hai anh em ruột, được gửi đến chùa từ nhiều năm nay. Phạm Đình Chí Anh kể: “Em đang là học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Long Biên, quận Long Biên. Trước khi đến chùa, em chưa bao giờ được đi học. Sư thầy không chỉ chăm sóc hằng ngày mà còn dạy em sống hướng thiện”.
Là người thường xuyên có liên hệ mật thiết với nhà chùa, Trưởng ban Công tác mặt trận tổ dân phố số 5 (phường Long Biên) Đinh Thị Lý chia sẻ: “Chúng tôi khâm phục tấm lòng quảng đại của sư thầy Thích Đàm Hà cũng như các đệ tử nhà chùa. Dù cuộc sống còn khó khăn, nhưng sư thầy đã cưu mang và chăm lo cho các cháu ăn học đến nơi, đến chốn. Sư thầy còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện ở địa phương, thường xuyên thăm hỏi, tặng quà các cụ già ốm đau hoặc hỗ trợ những gia đình có việc hiếu”.
Với vai trò là thành viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Long Biên, sư thầy Thích Đàm Hà luôn ủng hộ các hoạt động do phường, quận phát động. Trong đó, sư thầy có nhiều năm huy động cứu trợ đồng bào bị ảnh hưởng bão lụt miền Trung, tổ chức trung thu tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí hàng trăm triệu đồng. Không chỉ vậy, trên địa bàn song song tồn tại 2 tôn giáo Phật giáo và Công giáo, thế nhưng sự dung hòa giữa hai tôn giáo trong người dân lại rất tốt. Hằng năm, cứ đến ngày giỗ tổ, đại diện Ban hành giáo nhà thờ xứ Tư Đình lại sang thắp hương cầu bình an tại chùa và ngược lại, đến ngày lễ Giáng sinh, nhà chùa lại tặng hoa chúc mừng nhà thờ.
Đánh giá cao các hoạt động nghĩa cử của sư thầy Thích Đàm Hà, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Long Biên Nguyễn Đức Hà cho biết, sư thầy luôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, được người dân địa phương và các phật tử tin tưởng, kính trọng nhờ những việc làm ý nghĩa cho cộng đồng. Đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhà chùa còn ủng hộ hàng chục triệu đồng và hàng trăm suất quà.
Sư thầy Thích Đàm Hà cho rằng, người tu hành nếu cứ ở chùa gõ mõ tụng kinh sẽ không có nhiều ý nghĩa, mà tính thiện cần được thể hiện bằng những hành động cụ thể để lan tỏa những tấm lòng thiện nguyện. Với những việc làm vì cộng đồng, sư thầy là một tấm gương tiêu biểu về hoạt động từ thiện xã hội, được chính quyền và người dân địa phương đánh giá cao.
Dương Huyền (TH)