Ngôi chùa Khmer đặc biệt ở Hậu Giang
Ngày đăng: 04/06/2021
Đại đức Lâm Út Hiền, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Hậu Giang, Trụ trì chùa Bôtumvôngsây
Từ nhiều năm nay Đại đức Lâm Út Hiền, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Hậu Giang, Trụ trì chùa Bôtumvôngsây, thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang đã cưu mang nhiều con em đồng bào Khmer có hoàn cảnh khó khăn, góp phần làm tốt công tác an sinh xã hội tại địa phương.

Thị trấn Cái Tắc là địa bàn có gần 30% dân số là người Khmer, đời sống gặp rất nhiều khó khăn, đa phần người dân chỉ làm thuê sống qua ngày, từ đó phát sinh một số tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè... Đáng lo hơn là đã có nhiều trẻ em phải bỏ học giữa chừng vì kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn.

Trước tình hình trên, ngay khi về được bổ nhiệm làm trụ trì chùa Bôtumvôngsây  năm 2014, Đại đức Út Hiền đã chủ động xây dựng phong trào xóa mù chữ, khuyến học, khuyến tài tại địa phương… Bên cạnh việc dạy giáo lý nhà Phật biết thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ nhau, Đại đức còn tuyên truyền, vận động cho bà con tại địa phương về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội trên địa bàn.

Đại đức Lâm Út Hiền trong một giờ lên lớp

Đại đức Lâm Út Hiền chia sẻ “thị trấn Cái Tắc là nơi nửa thành thị và nửa nông thôn, cha mẹ cũng bận bịu với việc làm ăn buôn bán nên một số em không được quan tâm nhiều do vậy dễ sa ngã, sa vào con đường hút chích, nghiện ngập. Do vậy, Đại đức khuyến khích các em vào chùa đi tu, rồi dạy chữ Khmer, cho đi học ở các trường học”.

Riêng các sư có ý định hoàn tục, đại đức Lâm Út Hiền cũng tạo điều kiện cho đi học bằng lái xe tải, nghề thợ hồ, thợ điêu khắc để sau này tìm một công việc ổn định nuôi sống bản thân, Đại đức cho biết.

Từ lúc về chùa đến nay, Đại đức Lâm Út Hiền còn mở thêm những lớp dạy nói và viết tiếng Khmer cho sư tại chùa, hoàn cảnh cơ nhỡ, trẻ em, người dân địa phương muốn biết thêm về chữ Khmer. Lớp học được diễn ra các buổi sáng, chiều, tối trong tuần, tùy vào đối tượng.

Hàng năm Đại đức cũng quyên góp, vận động các phật tử từ thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội nhằm hỗ trợ xây dựng cầu nông thôn, làm đường lộ, phát gạo hỗ trợ cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn, giúp các hộ dân sửa chữa nhà cửa, mai táng,…

Bên cạnh đó, Đại đức Lâm Út Hiền còn tích cực phối hợp cùng địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến những mô hình kinh tế có hiệu quả đến bà con đồng bào Khmer một cách sâu rộng. Nhờ đó, họ dễ dàng tiếp cận các vấn đề và áp dụng vào thực tiễn. Đời sống, kinh tế phát triển, trình độ dân trí nâng cao, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, giảm các trường hợp vi phạm, tệ nạn xã hội tại địa phương.

Chùa Bôtumvôngsây đã nuôi dưỡng hỗ trợ rất nhiều mảnh đời lang thang cơ nhỡ khắp các địa phương và đã có rất nhiều em ăn học thành đạt với những tấm bằng tốt nghiệp thạc sỹ, kỹ sư, cử nhân...từ sự cưu mang của Đại đức Lâm Út Hiền.

 

Văn Cường