Linh mục và giáo dân chung tay vì lợi ích cộng đồng
Ngày đăng: 05/10/2022
Quang cảnh giáo xứ Thủy Vực (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình)
Từ những chỉ dẫn của Giáo hoàng trong Thông điệp Laudato Si và đường hướng của Hội đồng Giám mục Việt Nam trong Thư chung năm 1980: “Chúng ta phải đồng hành với dân tộc mình để phục vụ với tính cách vừa là công dân, vừa là thành phần Dân Chúa", đồng bào Công giáo tại Quảng Bình đã phát huy vai trò của mình trong các chương trình phát triển kinh tế, xã hội nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng quê hương, nổi bật là xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, bảo vệ môi trường.

Linh mục làm đường, bắc cầu phao

Ông Phạm Văn Hanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Quảng Bình cho biết, Chương trình xây dựng nông thôn mới, phục vụ đời sống Nhân dân tại Quảng Bình đã nhận được sự ủng hộ, phối hợp rất tích cực của đồng bào Công giáo. Trong đó, nhiều Linh mục đã trực tiếp vào cuộc bằng những hành động thiết thực, như: Linh mục Trương Văn Thực, Quản xứ Cồn Nâm (xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch) quyên góp được 400 triệu đồng để mua lại chiếc cầu phao, đem về giúp người dân đi lại thuận tiện, nhất là các cháu học sinh phổ thông các cấp. Linh mục Võ Minh Danh (Giáo xứ Bàu Sen, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch)  dùng nguồn vốn cá nhân, cùng với việc huy động ngày công trong giáo dân, xây dựng mới Nhà Văn hóa thôn Thanh Sen 2, xã Phúc Trạch, trị giá 700 triệu đồng và làm một đoạn đường bê tông rộng 3,5m, dài 118m từ đường Hồ Chí Minh vào suối Nước Moọc để phục vụ Nhân dân tham quan, lấy nước dùng khi mùa nắng hạn. Linh mục Cao Xuân Trường, Giáo xứ Thủy Vực (xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch) nhận thấy, nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn nhỏ hẹp, đã xuống cấp nghiêm trọng, nên vận động bà con giáo dân hiến đất, mở rộng hành lang đường giao thông, giải phóng mặt bằng. Sau khi được Linh mục Trường và chính quyền trao đổi, người dân đã hiểu và đồng tình, tự nguyện góp sức hiến đất làm đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài hơn 7km. Sự vào cuộc của các Linh mục đã khích lệ giáo dân tích cực hưởng ứng, xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm cụ thể, như hiến tặng đất, dỡ tường để mở rộng đường giao thông, xây dựng công trình phục vụ lợi ích chung của cộng đồng.

Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Quảng Bình, tại huyện Bố Trạch, đồng bào Công giáo đã tham gia hiến tặng hơn 1.000m2 đất, 2.000m tường rào, 1.700 cây ăn quả, cây lấy gỗ các loại, 312 ngày công; tham gia làm mới 4.729m2 đường bê tông, 300m kênh mương nội đồng. Ông Nguyễn Nghiệp, Giáo xứ Hướng Phương, năm 2015 đã tự nguyện dỡ bỏ 50m tường rào, hiến tặng 25m2 đất ở để làm đường giao thông nông thôn. Ông Hoàng Công Sự, Giáo dân xứ Giáp Tam vận động 220 triệu đồng để bê tông hóa đường liên thôn, riêng gia đình ông ủng hộ 600 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa thôn.

Tại huyện Tuyên Hóa, năm 2016, các gia đình Công giáo đã tự nguyện hiến 8.928 m2 đất, dỡ 3.798m hàng rào, đóng góp trên 3.983 ngày công, với tổng giá trị ước tính trên 2,5 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Quảng Bình Phạm Văn Hanh cho biết: xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh là chương trình lớn đã được chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh tuyên truyền sâu rộng. Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã phát động phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo” với 08 nội dung, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh hướng dẫn và triển khai phong trào đến các khu dân cư đông giáo dân. Những năm qua, cùng với xây dựng hạ tầng tại địa phương, bà con giáo dân tại các giáo xứ, giáo họ tham gia góp tiền, góp công tu sửa, xây mới nhiều ngôi thánh đường, tạo nên những khởi sắc trong đời sống tôn giáo tại địa phương.

Ông Phạm Văn Hanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Quảng Bình chia sẻ về xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường

Nhờ sự phối hợp tuyên truyền và vào cuộc của Linh mục và Hội đồng Mục vụ, Ban Hành giáo, giáo dân đã nhận thức xây dựng nông thôn mới vì lợi ích của chính người dân và người dân cũng là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới. Nhận thức đúng đắn cùng với phương châm sống đạo theo đường hướng “đồng hành với dân tộc để phục vụ với tính cách vừa là công dân, vừa là thành phần Dân Chúa”,  đồng bào Công giáo Quảng Bình đoàn kết một lòng, chung sức tham gia các hoạt động phục vụ lợi ích chung của cộng đồng, góp phần làm khang trang bộ mặt nông thôn, xứ đạo; tạo điều kiện thuận tiện cho các hoạt động sản xuất, giao thương hàng hóa và sinh hoạt hàng ngày.

Đưa thông điệp của Giáo hoàng vào cuộc sống

Bên cạnh chung sức xây dựng nông thôn mới, đồng bào Công giáo Quảng Bình đã và đang đáp lời mời gọi của Giáo hoàng Phanxicô về bảo vệ “ngôi nhà chung”- Trái Đất trong Thông điệp Laudato Si. Thông điệp Laudato Si lấy tên từ lời cầu của Thánh Phanxicô. “Laudato sí, mí Signore” (Lạy Chúa của con, chúc tụng Chúa) trong bài ca của các thụ tạo. Bài ca đã nhắc đến trái đất là “ngôi nhà chung” của nhân loại như một người chị của chúng ta và chúng ta chia sẻ cuộc sống với chị ấy; “ngôi chà chung” cũng như người mẹ tươi đẹp đón nhận chúng ta trong vòng tay của mẹ.

Thế nhưng hiện nay, “ngôi nhà chung” ấy bị ngược đãi đang kêu than và những tiếng than trách của trái đất đang hiệp với những tiếng rên xiết của tất cả những người bị bỏ rơi trên thế giới này. Vì thế Giáo hoàng Phanxicô mời gọi mọi người “hãy lắng nghe họ”. Để bảo vệ “ngôi nhà chung”, Giáo hoàng kêu gọi “tất cả và từng người - cá nhân, gia đình, tập thể địa phương, quốc gia và cộng đồng quốc tế - hãy “hoán cải về môi sinh”, đón nhận vẻ đẹp và trách nhiệm dấn thân để “săn sóc căn nhà chung”. Các Kitô hữu hãy yêu quý “mẹ thiên nhiên” bằng cách thay đổi lối sống. Cụ thể là, hãy bảo vệ môi trường bằng những hành động thiết thực hằng ngày.

Hưởng ứng thông điệp trên và Chương trình phối hợp “Phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, nhiều linh mục tại Quảng Bình đã đến tận các “Tổ liên gia” để đôn đốc, hướng dẫn, động viên giáo dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường thường xuyên trong đời sống thường ngày, trong sản xuất và kinh doanh. Tiêu biểu trong các hoạt động này là Linh mục Nguyễn Văn Hùng, Giáo xứ Gia Hưng; Linh mục Nguyễn Đức Nghĩa, Giáo xứ Tam Trang; Linh mục Lê Thanh Hồng, Giáo xứ Minh Cầm; Linh mục Nguyễn Văn Hữu, Giáo xứ Văn Phú; Linh mục Võ Minh Danh, Giáo xứ Bàu Sen,...  

Linh mục Võ Minh Danh (giữa) cùng Ban Quản lý vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Linh mục Võ Minh Danh đã vận động giáo dân giải tỏa 04 bãi rác thải tồn tại nhiều năm tại địa phương. Từ khi Linh mục Võ Minh Danh về tiếp quản Giáo xứ Bàu Sen, các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng ở vùng đệm di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được đẩy mạnh, giáo dân tích cực hưởng ứng các phong trào xanh, sạch, đẹp.

Tại Giáo họ Đồng Đưng và Giáo họ Thong Thóng, Uỷ ban Đoàn kết Công giáo tỉnh đã phối hợp với Linh mục Hồ Thái Bạch, Ban Hành giáo tổ chức xây dựng mô hình “Giáo họ Đồng Đưng chung tay bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu”. Để triển khai mô hình, Linh mục Hồ Thái Bạch vận động bà con giáo dân nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, hiểu sâu sắc hơn về hiểm họa của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đối với đời sống con người. Mô hình đã phát huy tính cộng đồng từ các tổ liên gia để nhân lên phong trào thắp sáng đường quê, giữ gìn đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch, đẹp; xóa bỏ những thói quen gây ô nhiễm, làm suy thoái môi trường trong sinh hoạt, sản xuất kinh doanh, các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội...".  Sau quá trình triển khai mô hình, đến nay, bà con giáo dân ở 2 giáo họ đã tự nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Mỗi hộ gia đình đã tự chuẩn bị các dụng cụ để tập kết rác thải hàng ngày và thực hiện bỏ rác đúng nơi, đúng lúc. Tại 2 giáo họ đã có nơi tập kết rác thải tập trung và xử lý, cơ bản bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường. Chiều chủ nhật tuần cuối cùng của mỗi tháng, Linh mục, Ban Hành giáo đã điều hành và huy động giáo dân tập trung làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm, nhất là vệ sinh rác thải dọc bờ sông, được giáo dân đồng tình hưởng ứng.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Quảng Bình, Phạm Văn Hanh, Thông điệp Laudato Si của Giáo hoàng Phanxicô về bảo vệ “ngôi nhà chung” (Trái Đất) và Chương trình phối hợp “Phát huy vai trò các tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” đã được Linh mục, Hội đồng mục vụ, Ban Hành giáo các xứ, họ đạo hưởng ứng tích cực và đưa vào đời sống cộng đoàn bằng những hoạt động tuyên truyền, xây dựng lối sống và cảnh quan xanh, sạch, đẹp, sử dụng tiết kiệm điện, dùng sản phẩm thân thiện môi trường thay cho túi ni lông khi đi chợ. Đồng bào Công giáo đang cùng nhau xây dựng môi trường bền vững, hướng tới xu hướng “sống xanh”. Đến nay Thông điệp của Giáo hoàng đã lan tỏa rộng khắp, góp phần cùng toàn dân nâng cao chất lượng môi trường sống và xây dựng quê hương phát triển giàu, đẹp, văn minh, văn hóa./

 

An Luých