Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh thực hiện phương châm “sống tốt đời, đẹp đạo”
Ngày đăng: 27/10/2021
Các tăng và phật tử chùa Thlốt, xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang tổ chức lễ chào cờ đầu tuần
Huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh là một trong những huyện có đông đồng bào dân tộc Khmer, cùng sinh sống chung với dân tộc Kinh, Hoa. Toàn huyện có 35.316 hộ gia đình, với 121.254 dân số (trong đó, dân tộc Khmer 42.150 người, chiếm 34,76% dân số của huyện). Huyện có 23 chùa Phật giáo Nam tông Khmer với khoảng 500 sư sãi tu học và sinh hoạt tôn giáo.

Xác định làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở là góp phần xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư, đặt biệt là trong sinh hoạt của các tăng, phật tử tại các cơ sở tôn giáo của Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn huyện, Hội đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Cầu Ngang đã phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể thực hiện công tác tuyên truyền, vận động sư sãi, phật tử trên địa bàn huyện thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, chức sắc, chức việc tu học tại các chùa Phật giáo Nam tông Khmer trong huyện an tâm tu học, giữ gìn nét đẹp văn hóa, đạo đức truyền thống của dân tộc Khmer, luôn nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết và thực hiện tốt chủ chương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; luôn thể hiện vai trò, trách nhiệm với cộng đồng, là cầu nối, là trung tâm “hòa giải”, cố kết cộng đồng trong phum, sóc khi trong cộng đồng có mâu thuẫn, tranh chấp và cũng là nơi phát huy giá trị tích cực của cộng đồng dân tộc, tôn giáo trong đời sống xã hội, góp phần giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội. Đồng thời, có nhiều vị sư sãi, phật tử Phật giáo Nam tông Khmer của huyện là thành viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã, cấp huyện, tham gia nhiệt tình các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động từ thiện nhân đạo, xây dựng cuộc sống “tốt đời đẹp đạo”, luôn động viên và nhắc nhở phật tử về ý thức xây dựng nếp sống văn hóa trong cộng đồng, giữ gìn vệ sinh môi trường, củng cố và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc thực hiện giúp nhau xóa đói giảm nghèo.

Đối với đồng bào Khmer, Phật giáo Nam tông là tôn giáo truyền thống không thể thiếu trong đời sống tâm linh và trong sinh hoạt đời thường của họ. Có thể nói, lý tưởng sống truyền thống của người Khmer là Đức Phật, trong cuộc sống hằng ngày, dù sư sãi ở chùa hay dân chúng tại thế đều rèn luyện nếp sống theo Đức Phật, đó là: thọ giới, bố thí và niệm.

Gia đình người Khmer thường có sự chung sống giữa 3 thế hệ: ông bà, cha mẹ và con cháu. Người Khmer quan niệm rằng: Mỗi thành viên trong gia đình phải hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết về chuẩn mực đạo đức theo Phật dạy đối với  vai trò, bổn phận và trách nhiệm, thì gia đình đó mới có hạnh phúc đích thực. Trong giai đoạn hiện nay, có nhiều điều kiện thuận lợi để Phật giáo Nam tông Khmer nhập thế, hội nhập vào đời sống xã hội, thúc đẩy cộng đồng người phát triển trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo cơ hội mới cho người Khmer trên địa bàn huyện phát huy vị thế của mình trong cộng đồng các dân tộc. Cư sĩ, phật tử Phật giáo Nam tông Khmer không phải là những nhà truyền giáo, họ quan niệm mình phải là người đầy đủ chuẩn mực về phẩm hạnh, đạo đức cho mọi người noi theo. Trên cơ sở đó, để thuận tiện và kịp thời thông tin liên lạc, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến từng cá nhân, hộ gia đình người Khmer trên địa bàn, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện đã tạo nhóm trên mạng xã hội Faceook và Zalo tạo sự kết nối với các Chi hội, đặc biệt là các vị Trụ trì và Ban Quản trị các cơ sở tôn giáo thường xuyên quan tâm nhắc nhở sư sãi, phật tử chấp hành tốt luật đạo và pháp luật của Nhà nước. Ngoài việc sinh hoạt tôn giáo theo đúng Hiến chương của Giáo hội và luật pháp của Nhà nước, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Cầu Ngang luôn tuyền truyền, giáo dục và nhắc nhở sư sãi, phật tử Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn huyện, giúp sư sãi, phật tử ngày càng nhận thức rõ hơn lợi ích của quốc gia dân tộc luôn gắn bó thiết thực với lợi ích của tôn giáo và từng gia đình phật tử. Các gia đình người dân tộc Khmer đã gương mẫu trong việc giáo dục con cái trưởng thành, tích cực trong phong trào khuyến học, xây dựng gia đình hạnh phúc và khu dân cư hạn chế các tệ nạn xã hội, thực hiện hương ước - quy ước tại các ấp, tổ dân phố, xây dựng quan hệ đoàn kết dân tộc và tôn giáo.

Buối sinh hoạt tại gia đình Phật tử tại xã Hiệp Hoà

Nhờ vậy, trong thời gian qua, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Cầu Ngang đã ổn định tình hình hoạt động tôn giáo tại các cơ sở tôn giáo trên địa bàn, hạn chế việc mâu thuẫn, tranh chấp tại các phum, sróc. Ngoài ra, sư tăng Phật giáo Nam tông Khmer huyện Cầu Ngang góp phần cùng chính quyền địa phương kịp thời ngăn chặn các cá nhân, tổ chức nước ngoài lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước. Đồng thời, vận động người dân, người có niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo tích cực ủng hộ “Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 của Chính phủ và hưởng ứng lời kêu gọi “toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch Covid-19” của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với số tiền trên 1,5 tỷ đồng.

Phật giáo nói chung và Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn huyện Cầu Ngang nói riêng luôn đồng hành cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân sống “tốt đời, đẹp đạo”, giảm thiểu những mâu thuẫn không đáng có trong nhân dân, trong đồng bào dân tộc Khmer, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức trong cộng đồng dân tộc Khmer góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương./.

Buổi họp mặt của sư sãi chùa Thlốt

 

Trung Trần