Hoạt động từ thiện và công tác xã hội – một số tương đồng và khác biệt
Ngày đăng: 16/05/2022Hoạt động từ thiện là cụm từ thường xuyên được đề cập trên các phương tiện thông tin đại chúng, người thực hiện hoạt động này là cá nhân hoặc tổ chức. Trong đó, nhóm cá nhân và tổ chức được nhắc đến nhiều trong hoạt động từ thiện hiện nay là cá nhân và tổ chức tôn giáo nên thường được gọi là hoạt động từ thiện của tôn giáo.
Công tác xã hội là nghề thực hành, là hoạt động chuyên môn nhằm trợ giúp các cá nhân, nhóm, cộng đồng giải quyết các vấn đề an sinh trong cuộc sống.
Trong thực tế, hoạt động từ thiện và công tác xã hội là hai việc làm khác nhau, có mối quan hệ mật thiết với nhau. Chúng có những điểm tương đồng và khác biệt khá lớn ở một số khía cạnh nhưng ít ai chú ý đến.
Về điểm tương đồng:
Hoạt động từ thiện và công tác xã hội đều là những hoạt động nhân đạo giúp con người giải quyết vấn đề, giúp những người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên và hoà nhập cộng đồng. Chính vì đặc điểm này nên từ lâu người ta thường nghĩ công tác xã hội là những hoạt động xã hội mang tính từ thiện.
Về điểm khác biệt:
- Một là, động cơ giúp đỡ
Hoạt động từ thiện xuất phát từ tình yêu đồng loại giữa con người với con người, đôi khi sự giúp đỡ bị chi phối bởi động cơ cá nhân. Ví dụ, một cá nhân muốn làm việc thiện hay tạo ra uy tín cá nhân qua hoạt động từ thiện hoặc người làm từ thiện trên cơ sở của lòng nhân ái, sự cưu mang đùm bọc.
Còn công tác xã hội là sự giúp đỡ mang động cơ nghề nghiệp, là trách nhiệm của ngành công tác xã hội. Trong hoạt động của mình, công tác xã hội coi lợi ích của đối tượng là ưu tiên hàng đầu, việc trợ giúp cá nhân hay gia đình trong lúc khó khăn là trách nhiệm, là nghĩa vụ được xã hội giao.
- Hai là, phương pháp thực hiện
Trong hoạt động từ thiện, phương pháp giúp đỡ dựa trên nền tảng của hai hoạt động “cho” và “nhận”, nên người được giúp đỡ thường “thụ động” đón nhận sự trợ giúp. Phương pháp “cho – nhận” sẽ hiệu quả để giải quyết các vấn đề tức thời, hoặc cần sự trợ giúp nhanh chóng với khối lượng lớn. Ví dụ như các hoạt động cứu trợ cho hàng trăm nghìn người bị ảnh hưởng sạt lỡ đất, bão, lũ lụt, hạn mặn … Hình thức trợ giúp trong hoạt động từ thiện chủ yếu thông qua phân phối, cấp phát, đưa những vật chất cần thiết tới những người có nhu cầu.
Phương pháp giúp đỡ trong công tác xã hội đòi hỏi phải có tính khoa học, tuân thủ nguyên tắc “tự giúp” là chính, tự nâng cao năng lực giải quyết vấn đề, nhân viên xã hội không làm thay. Trong quá trình làm việc cả nhân viên xã hội và đối tượng thường xuyên tham gia vào tiến trình giải quyết vấn đề. Như vậy, công tác xã hội tạo điều kiện cho người được giúp đỡ “chủ động” giải quyết vấn đề. Công tác xã hội vận dụng các kiến thức, kỹ năng, tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp vào thực hiện các phương pháp khác nhau để giúp cá nhân, gia đình, nhóm cộng đồng (đối tượng thụ hưởng) nâng cao khả năng tự giải quyết vấn đề. Nhân viên xã hội cần sử dụng các kiến thức kỹ năng làm việc với cá nhân, gia đình và cộng đồng để giúp họ giải quyết những vấn đề và tăng cường chức năng xã hội, cải thiện mối quan hệ với môi trường xã hội
- Ba là, mối quan hệ giúp đỡ
Đối với hoạt động từ thiện mối quan hệ giữa người làm từ thiện và đối tượng được trợ giúp là mối quan hệ “cho và nhận”.
Trong công tác xã hội mối quan hệ trợ giúp là mối quan hệ nghề nghiệp. Mối quan hệ giữa nhân viên xã hội và đối tượng trợ giúp hình thành trên cơ sở các giá trị đạo đức, nguyên tắc nghề nghiệp. Một bên là trách nhiệm của người cung cấp trợ giúp, một bên là đối tượng có vấn đề cần được trợ giúp. Mối quan hệ này cần đảm bảo sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau.
- Bốn là, người thực hiện (yêu cầu chuyên môn)
Hoạt động từ thiện, người trợ giúp không nhất thiết phải được đào tạo, trang bị các kiến thức về kỹ năng nghề nghiệp công tác xã hội. Họ có thể được đào tạo về bất cứ lĩnh vực chuyên môn nào, điều cốt lõi là họ phải có tấm lòng, sự nhiệt huyết, tính nhân văn và có điều kiện nhất định về vật chất, tinh thần để có thể trợ giúp những người đang có khó khăn.
Công tác xã hội được xem là một nghề nghiệp như bao nghề khác trong xã hội. Do đó, người làm công tác xã hội phải được đào tạo, trang bị những kiến thức tổng hợp về con người và môi trường, về tâm sinh lý, hành vi con người, về hoạch định chính sách, quản lý xã hội… và có kỹ năng làm việc với từng nhóm đối tượng như cá nhân, gia đình, nhóm hoặc cộng đồng.
- Năm là, kết quả của sự giúp đỡ
Hoạt động từ thiện chủ yếu giúp đối tượng giải quyết vấn đề tức thời. Sự đói nghèo của một gia đình được cải thiện hơn thông qua hoạt động từ thiện của một tổ chức hay cá nhân như tặng quần áo, hỗ trợ lương thực, thực phẩm phần nào được giải quyết, để gia đình tạm thời vượt qua khó khăn ở thời điểm đó. Hoạt động từ thiện quan tâm đánh giá các kết quả tức thời. Ví dụ, số kg gạo được phân phát cho người dân vùng bị lũ lụt, số người được nhận các nhu yếu phẩm trong vùng bị lũ lụt, tỷ lệ trẻ em đục thủy tinh thể đã được phẫu thuật …Hoạt động từ thiện tập trung vào tính tức thời do đó kết quả thường ít chú trọng đến tính bền vững.
Hoạt động của công tác xã hội là trực tiếp, lâu dài và bền vững bởi sự giúp đỡ hướng vào giải quyết các nguyên nhân làm nảy sinh vấn đề và tăng cường năng lực ứng phó của đối tượng với những vấn đề tương tự trong tương lai. Mục tiêu của công tác xã hội hướng đến nâng cao năng lực đối phó với vấn đề của đối tượng, giúp đối tượng giải quyết vấn đề không chỉ tại thời điểm hiện tại mà còn được trang bị những kiến thức kỹ năng để có khả năng giải quyết vấn đề trong tương lai. Do vậy chức năng của công tác xã hội không chỉ là can thiệp hoặc chữa trị mà còn hướng tới phòng ngừa và phát triển. Công tác xã hội quan tâm đến xây dựng các chính sách can thiệp trên toàn cộng đồng. Cộng đồng có thể là một nhóm, một cơ quan, một ngành nghề, một dân tộc, một quốc gia... Công tác xã hội nhắm tới sự kết hợp chặt chẽ, sâu sát, có hiệu quả của tất cả các ngành, các tôn giáo chứ không chỉ là hoạt động riêng lẻ của một vài cá nhân, tổ chức.
Như vậy, hoạt động từ thiện và công tác xã hội nói ở trên có tính tương đồng đều là những hoạt động nhân đạo hướng tới trợ giúp con người giải quyết vấn đề an sinh xã hội nhưng khác nhau về một số mặt như động cơ giúp đỡ, phương pháp thực hiện, mối quan hệ giúp đỡ, tính chuyên nghiệp và kết quả đem lại sau khi thực hiện các hoạt động giúp đỡ.
Đối với các tổ chức từ thiện trong tôn giáo có vai trò quan trọng trong việc liên kết, chắp nối để hoạt động từ thiện xã hội các tôn giáo được tiến hành rộng khắp, mang lại hiệu quả cao, quy mô và có nguồn lực rất lớn. Đây là một tập thể xã hội tôn giáo làm việc tự nguyện, không có lương, mang thiết chế phi chính phủ, hoạt động với mục đích là giúp đỡ mọi người khó khăn trong xã hội. Hoạt động của các tổ chức này gồm có vận động gây quỹ, trợ giúp bằng hiện vật và tiền đến các đối tượng cần trợ giúp, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực giáo dục, y tế, tạo việc làm, trợ giúp khẩn cấp và các hoạt động góp phần an sinh xã hội ở địa phương.
Hiện nay, một số tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đã có sự kết hợp cả hoạt động từ thiện và công tác xã hội để vừa thực hiện giáo lý tôn giáo vừa giúp người dân nghèo vươn lên trong cuộc sống bằng việc trợ cấp tức thì và tổ chức các mô hình trung tâm, cơ sở hướng nghiệp, dạy nghề, hỗ trợ kinh phí học tập, đào tạo nghề, việc làm... để xóa đi câu nói dân gian là “cho cá” thành “cho cần (câu)” giúp người khó khăn tự giải quyết vấn đề từ đó sẽ góp phần tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững ở các địa phương trong cả nước, giúp cộng đồng xã hội có cái nhìn cởi mở hơn, hoạt động từ thiện và công tác xã hội của tôn giáo sẽ ngày càng ý nghĩa thiết thực hơn.
Tài liệu tham khảo:
1. Tài liệu hướng dẫn công tác xã hội, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch
2. Lý luận về thực hành công tác xã hội, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội.
3. Trần Thị Thu Hiền, Hoạt động của các tổ chức từ thiện xã hội của Công giáo ở Việt Nam hiện nay, Luận án Tiến sĩ Tôn giáo học, Học viện khoa học xã hội.
4. Chử Thị Kim Phương, Hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo ở Việt Nam hiện nay, Luận văn thạc sỹ Tôn giáo học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
5. Ủy ban Bác ái xã hội – Caritas Việt Nam (Hội đồng Giám mục Việt Nam, Cẩm nang Caritas Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2009.
Hữu Đức