Hiến giác mạc: Nghĩa cử cao đẹp của giáo dân huyện Kim Sơn (Ninh Bình)
Ngày đăng: 24/10/2022
Lễ tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của người hiến giác mạc. Nguồn: baoninhbinh.gov.vn
Hơn 10 năm qua, phong trào hiến tặng giác mạc với tinh thần “Vì một thế giới không mù lòa” giúp người mù nhìn thấy ánh sáng phát triển mạnh mẽ ở nhiều giáo xứ trên địa bàn huyện Kim Sơn, như Cồn Thoi, Văn Hải, Hóa Lộc, Như Tân, Tân Khẩn, Tân Mỹ, Định Hóa…

Đến nay, đã có gần 11.000 giáo dân đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời và hơn 300 trường hợp đã hiến tặng giác mạc thành công. Đây là hoạt động ý nghĩa, món quà vô giá, giúp cho nhiều người khuyết tật về mắt có cơ hội được nhìn thấy ánh sáng, hòa nhập cuộc sống.

Lòng bác ái từ trái tim

Với tinh thần đặt mình vào thân phận những người khiếm thị để thấy giá trị của ánh sáng, của lao động và hòa nhập, đặc biệt là những người đang độ tuổi thanh xuân. Đây là giá trị nhân văn vô cùng cao đẹp mà giáo dân ở Kim Sơn đã trao gửi cho cộng đồng người khiếm thị. Con số gần 11.000 nghìn người tình nguyện hiến tặng giác mạc sau khi qua đời thay cho mọi ngôn ngữ về tình bác ái của giáo dân nơi đây.

Đến Kim Sơn, nhất là các xã như Cồn Thoi, Văn Hải, Định Hóa…việc hiến tặng giác mạc đã trở thành phong trào khi nhiều người coi hành động này là việc làm thiết thực, ý nghĩa. Chị Trần Thị Thu, xóm 8, xã Định Hóa cho biết, gia đình chị đã thực hiện di nguyện của mẹ chồng là hiến giác mạc khi bà qua đời. Đồng cảm với tinh thần giúp người khuyết tật về mắt có cơ hội thoát cảnh tối tăm của người vợ quá cố, bố chồng chị Thu tình nguyện đăng ký hiến hiến tặng giác mạc sau khi ông qua đời. Theo chị Thu, ông vẫn thường nhắc nhở con cháu noi theo tinh thần của ông bà và đồng đạo xung quanh.

Ghi nhận của cho thấy, tại huyện Kim Sơn có không ít gia đình gồm nhiều thành viên đã hiến giác mạc, cũng như đã đăng ký hiến bộ phận này của đôi mắt. Tìm hiểu cho thấy, giáo dân xã Định Hóa đã hiến giác mạc và đăng ký hiến giác mạc đều có tinh thần chung là dù không còn sống nhưng vẫn để lại cho đời một đôi mắt, đem lại ánh sáng, mở ra tương lai mới cho người khiếm thị, đó được coi là việc thiện cuối cùng của một đời người.

Trong hàng trăm trường hợp đã hiến giác mạc tại huyện Kim Sơn, không ít người thực hiện khi tuổi đời còn rất trẻ. Theo bà Hoàng Thị Giấy, giáo dân xã Cồn Thoi, cách đây gần 10 năm, con trai bà bị tai nạn giao thông, thương tật nặng. Sau 6 năm chống chọi với những vết thương, biết mình không qua khỏi, con trai bà Giấy quyết định hiến giác mạc cho người không may mắn về mắt. Bà Giấy cho hay, hành động đó giúp con trai bà nhận thấy ý nghĩa tốt đẹp của cuộc đời mình trong những năm tháng cuối cùng. Được biết, giáo dân Hoàng Thị Giấy cũng đăng ký hiến giác mạc sau khi qua đời. Đến này, xã Cồn Thoi có số lượng người đăng ký hiến giác mạc nhiều nhất huyện Kim Sơn.

Tại xã Văn Hải, hiến giác mạc lan tỏa đến nhiều gia đình, đã có hàng nghìn giáo dân đăng ký, như bà Nguyễn Thị Mùi, xóm An Cư. Năm 2016, chồng bà Mùi là ông Đinh Văn Phúc qua đời, thực hiện di nguyện trước đó của chồng, bà Mùi đã trao tặng giác mạc của ông cho Ngân hàng mắt trung ương. Được biết, trước khi ông Phúc mất, vợ chồng ông bà cùng nhau đăng ký hiến giác mạc. Hành động cao đẹp của vợ chồng bà Mùi nhận được sự tri ân của Bệnh viện mắt TƯ và UBND huyện Kim Sơn khi các cơ quan này trao tặng gia đình bà “Bằng Nghĩa cử cao đẹp”.

Tìm hiểu về quá khứ, năm 2007, người đầu tiên “gây dựng” phong trào hiến giác mạc, từ đó nhân lên để Kim Sơn trở thành huyện đi đầu trong cả nước về hành động động cao đẹp này, là bà Nguyễn Thị Hoa, giáo dân xã Cồn Thoi. Xuất phát từ đồng cảm với bạn của con mình bị bệnh về mắt, bà Hoa đã tình nguyện hiến giác giác mạc cho người này. Nghĩa cử cao đẹp của bà Hoa đã lay động trái tim nhiều người, từ đó, việc hiến tặng giác mạc được đông đảo giáo dân huyện Kim Sơn tích cực hưởng ứng, tham gia. Đây là hoạt động có ý nghĩa, món quà vô giá, giúp cho nhiều người khuyết tật về mắt có cơ hội được nhìn thấy ánh sáng, hòa nhập cuộc sống.

Thực tế đời sống xã hội ở mỗi quốc gia, dù đất nước đó có giàu có, phồn vinh đến mức nào thì vẫn xuất hiện những số phận éo le, do nghèo khổ hoặc bị bệnh tật hành hạ. Một cộng đồng tốt đẹp, giàu lòng nhân ái luôn chung tay với những số phận như vậy.

Đối với người Công giáo, một trong những giới răn quan trọng nhất mà Chúa Giêsu đã dạy là: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Vì thế mỗi tấm lòng và hành động bác ái thường có sức lan tỏa đến nhiều người. Đó cũng là một trong những lý do giải thích vì sao từ trường hợp đầu tiên hiến giác mạc là bà Nguyễn Thị Hoa vào năm 2007, đến nay đã có hàng vạn người đăng ký thực hiện hành động bác ái này…

Lan tỏa nghĩa cử cao đẹp

Từng ngày, phong trào hiến giác mạc ở huyện Kim Sơn tăng lên theo cấp số nhân. Nghĩa cử cao đẹp này đã lan tỏa không chỉ trong phạm vi tỉnh Ninh Bình, mà còn rộng khắp cả nước. Theo đó, các tổ chức, đoàn thể liên quan cũng chung tay để phong trào ngày một nhân rộng, đó là Hội chữ thập Đỏ các cấp, ngành y tế, truyền thông - báo chí, chức sắc, chức việc, đồng bào các tôn giáo.

Được biết, từ năm 2007 đến 2019, khoảng 800 lượt tình nguyện viên, cộng tác viên là chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ Công giáo, cán bộ Hội chữ thập đỏ huyện Kim Sơn tham gia các lớp tập huấn về nâng cao kiến thức và kỹ năng tuyên truyền hiến tặng giác mạc do Bệnh viện mắt TƯ, Ngân hàng mắt TƯ, Trung ương hội Chũ thập đỏ Việt Nam, Hội chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình phối hợp tổ chức…Việc làm thiết thực đầu tiên của lực lượng này là đăng ký hiến tặng giác mạc và vận động người thân trong gia đình, họ hàng, làng xóm cùng tham gia. Kết quả đạt được, có những gia đình cả 5, 6 thành viên cùng đăng ký hiến tặng, có những gia đình 2, 3 thế hệ đã hiến tặng giác mạc sau khi qua đời.

Với sự chung tay của các tổ chức, đoàn thể xã hội như kể trên, nhiều giáo dân càng ý thức hơn lời Chúa răn, qua đó việc hiến tặng giác mạc tăng lên theo từng ngày. Với họ, dù không còn sống nhưng vẫn để lại cho đời đôi mắt, đem lại ánh sáng, mở ra cuộc đời mới cho nhiều người khiếm thị.

Theo ông Nguyễn Minh Lý, nguyên Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Cồn Thoi, ông đã tham gia chương trình hiến giác mạc tại xã từ năm 2015. Thời gian đầu, các bệnh viện công khai thông tin về người được nhận giác mạc và người hiến với nhau. Sau đó, có những gia đình nhận được giác mạc từ người hiến đã quay lại cảm ơn, thậm chí có gia đình còn nhận người được tặng giác mạc làm con cháu trong gia đình. Đến cuối năm 2021, huyện Kim Sơn có gần 11.000 giáo dân đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, trong số đó, hơn 300 người đã hiến tặng giác mạc thành công, trở thành địa phương dẫn đầu trong cả nước trong phong trào đăng ký hiến tặng giác mạc.

Từ điển hình là huyện Kim Sơn, hiện phong trào hiến tặng giác mạc đã lan tỏa ra nhiều địa phương khác trong và ngoài tỉnh, khẳng định những nghĩa cử cao đẹp sẽ luôn và ngày càng được lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng./.

 

Bùi Quý