Đóng góp của đồng bào Công giáo trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới
Ngày đăng: 28/10/2022
Xây dựng nông thôn mới (NTM) là chương trình mục tiệu quốc gia hướng đến sự thay đổi đời sống xã hội khu vực nông với thôn, xã khang trang, sạch đẹp. Phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ một cách toàn diện. Hình thành nếp sống văn hoá, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Đồng thời chương trình mục tiêu quốc gia này cũng được kỳ vọng mang lại những giá trị bền vững cho người dân trong giai đoạn mới.

Ngày 3/10/2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh trao Danh hiệu Huyện đạt chuẩn NTM cho Lãnh đạo và Nhân dân huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng

Xây dựng NTM là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hộ. Qua hơn 10 năm triển khai, đồng bào Công giáo có nhiều đóng góp to lớn, thiết thực với tinh thần dám nghĩ, dám làm, cùng với đó là đóng góp sức người, sức của…

Thành tựu lớn

Ngày 5/8/2008, Hội nghị BCH TW Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26 - NQ/TW về Nông nghiệp, Nông dân và Nông thôn. Tiếp đó, Thủ tướng Chính thủ đã bàn hành số Quyết định số 800/QĐ - TTg về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 với mục tiêu chung: “Xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Sau hơn 10 năm triển khai quyết liệt và đồng bộ, Chương trình xây dựng NTM đã nhiều thành quả to lớn về mọi mặt. Theo đó, sản xuất nông nghiệp với các lĩnh vực là trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thuỷ sản phát triển vững chắc, với hơn 10 mặt hàng có giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD mỗi năm. Đời sống người dân nông thôn nhờ vậy được cải thiện. Năm 2009, thu nhập bình quân đầu người mỗi năm ở nông thôn chỉ gần 10 triệu đồng thì đến cuối năm 2018 đạt 36 triệu đồng.

Điểm nổi bật trong quá trình triển khai là sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của nhân dân với nhiều cách làm hay, hiệu quả, tạo sự chuyển biến lớn. Kết cấu hạ tầng điện đường, trường, trạm được xây dựng khang trang. Hệ thống tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn được đồng bộ hơn với sản xuất hàng hóa, quy mô lớn. Song song với đó là hoạt động chuyển giao, ứng dụng khoa học có nhiều tiến bộ và nhiều kết quả tốt. Công tác đào tạo nghề cho khu vực nông nghiệp, nông thôn được đẩy mạnh. Đã hình thành nhiều trang trại, hợp tác xã kiểu mới, các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn với 14.800 hợp tác xã, 11.000 doanh nghiệp, 33.000 trang trại hoạt động có hiệu quả. Hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn đã có bước phát triển cả về số lượng và sự đa dạng, từng bước đáp ứng được nhu cầu của người dân nông thôn.

Chương trình trong gần 10 năm qua đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị và nhân dân với tổng nguồn lực khoảng 2,2 triệu tỷ đồng, mỗi năm bình quân khoảng 10 tỷ USD đầu tư cho NTM, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Theo đó, Chương trình xây dựng NTM về đích trước gần 2 năm so với kế hoạch. Bên cạnh 4.665 xã (chiếm 52,4% tổng số xã) đạt chuẩn NTM, 109 đơn vị cấp huyện (chiếm 16,5% số huyện) của 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương  được được công nhận đạt chuẩn NTM. Hai tỉnh Đồng Nai (133/133 xã, 11/11 huyện đạt chuẩn NTM) và tỉnh Nam Định (209/209 xã, 10/10 huyện đạt chuẩn NTM). Vùng đồng bằng sông Hồng (đạt 84,86%), miền núi phía Bắc (đạt 28,6%) đã hoàn thành vượt mục tiêu 5 năm (2016-2020) được Thủ tướng Chính phủ giao; có 36/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoàn thành sớm và vượt mục tiêu 5 năm được Thủ tướng Chính phủ giao; có 8 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM (Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ). Trong số các xã được công nhận đạt chuẩn NTM, có 87 xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 và 42 xã vùng bãi ngang ven biển, hải đảo.

Đồng thời, có 63 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và đã có xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Bình quân cả nước đạt 15,32 tiêu chí/xã, hoàn thành vượt mục tiêu 5 năm (2016-2020) được Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó, có 2/7 vùng và 19/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành và vượt mục tiêu 5 năm (2016-2020) được Thủ tướng Chính phủ giao.

Có thể nói, Chương trình xây dựng NTM sau 10 năm triển khai đã làm thay đổi nhận thức và vai trò làm chủ của cộng đồng dân cư. Đổi mới và thay đổi diện mạo, cảnh quan nông thôn. Cơ sở hạ tầng xây dựng đồng bộ, thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn cải thiện và nâng cao thu nhập và chất lượng sống cho người dân. Tạo ra diện mạo mới cho Nông thôn, sức sống mới cho Nông nghiệp, nhận thức mới cho Nông dân và trên đà hướng tới mục tiêu xây dựng "Nông nghiệp thịnh vượng, Nông dân giàu có, Nông thôn văn minh, hiện đại"…

Kết quả trên được đánh giá là toàn diện, to lớn và có tính lịch sử. Được biết. đến năm 2025, Chương trình MTQG xây dựng NTM phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

Đóng góp của Công giáo với xây dựng NTM

Với tinh thần “Không có sinh hoạt nào của con người lại xa lạ đối với sứ mạng của Hội Thánh, và ngược lại không có sinh hoạt nào của Hội Thánh không liên quan tới tất cả cuộc sống con người”. Suốt nhiều năm qua, Công giáo vui chung niềm vui của toàn dân tộc, mở lòng đón nhận ánh sáng phúc âm trong bầu không khí toàn dân chung tay xây dựng đất nước mạnh giàu, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thực tế cho thấy, các chức sức, chức việc, giáo dân…gắn bó, đồng hành trên các lĩnh vực của đời sống, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn mới. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đóng góp của Công giáo, cụ thể là các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, giáo dân…rất lớn và thiết thực.

10/2021, Uỷ ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Nam Định đã phát động phong trào "Người Công giáo chung tay xây dựng nông thôn mới" với các mục tiêu cụ thể "Đẹp xóm làng, đẹp xứ họ, đẹp nhà cửa, đẹp ruộng đồng" tới bà con giáo dân ở các xứ họ đạo trong tỉnh. Nam Định được đánh giá là một trong những địa phương sớm đạt được nhiều kết quả, đã hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 với 100% số xã, số huyện được công nhận xã, huyện đạt chuẩn NTM.

Để đạt được những kết quả đó, đồng bào Công giáo tại tỉnh Nam Định có nhiều hoạt động đóng góp vào thành quả chung từ hiến đất, ngày công, tháo dỡ, di chuyển công trình phục vụ việc làm mới, nâng cấp các công trình phúc lợi đến việc trồng hoa, cây xanh ven đường, mang lại diện mạo mới khang trang sạch đẹp cho làng quê, xứ đạo. Theo thống kê của Ủy ban MTTQ tỉnh Nam Định, trong 5 năm (2014-2019), đồng bào Công giáo trong tỉnh đã hiến trên 20.000 m2 đất, góp hơn 200 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn và xây dựng các công trình phúc lợi.

Tiêu biểu trong việc hiến đất phải kể đến các giáo dân tại giáo xứ Phú Thứ, xã Tam Thanh (huyện Vụ Bản). Theo ông Nguyễn Văn Bài, Chủ tịch UBND xã Tam Thanh, chính quyền địa phương triển khai dự án mở rộng, nâng cấp tuyến đường liên xã, chạy qua địa bàn các xã Tam Thanh (Vụ Bản) - Yên Lương (Ý Yên) theo phương châm xây dựng NTM. Với tinh thần vì lợi ích chung, Linh mục Giuse Tạ Ngọc Nghiệp đã bàn bạc, thống nhất quyết định tháo dỡ toàn bộ cổng, tường bao của nhà thờ dài hơn 100m, xây lùi lại vào phía trong để hiến đất mở rộng đường, ủng hộ dự án. Linh mục Giuse Tạ Ngọc Nghiệp cũng trực tiếp cùng lãnh đạo xã Tam Thanh đến các hộ gia đình giáo dân mời gọi bà con hiến đất mở đường, thiết thực hưởng ứng, chung tay thực hiện một công trình ý nghĩa ở địa phương.

Tương tự, phát huy tinh thần "kính Chúa, yêu nước", sống “tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào Công giáo tỉnh Bắc Ninh luôn thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước như tích cực lao động, sáng tạo, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các xây dựng quê hương. 5 năm qua, các xứ, họ đạo trong tỉnh Bắc Ninh tích cực tham gia phong trào “Dồn điền đổi thửa”, xây dựng cánh đồng lớn, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi… Đến nay, toàn tỉnh có 288 trang trại VAC của người Công giáo với các mô hình chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản, gia súc gia cầm, nuôi thả cá, đà điểu... Tiêu biểu như: Giáo dân Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Văn Hồng ở giáo xứ Xuân Hoà, xã Đại Xuân (Quế Võ) với mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng cây các loại; giáo dân Nguyễn Thị Hoán, Nguyễn Văn Huy ở họ giáo Nghĩa La, xã Trung Chính (Lương Tài) với mô hình nuôi cá thương phẩm kết hợp trồng cây ăn quả...Tìm hiểu ho thấy, 100% các xứ, họ đạo đều có đường bê tông, 100% kênh mương nội đồng được cứng hóa; các công trình tôn giáo như nhà thờ, nhà nguyện được tu sửa, nâng cấp; 100% gia đình giáo dân  đăng ký xây dựng “Gia đình văn hóa”…

Theo ghi nhận, hưởng ứng xây dựng NTM, người Công giáo ở khắp mọi nơi trên cả nước, từ miền xuôi đến miền ngược…đều tích cực hưởng ứng tham gia bằng sức người, sức cửa. Đóng góp thiết thực của các chức sắc, chức việc, giáo dân…xuyên suốt từ cấp tỉnh, huyện, xuống đến xã, thôn, bản…Đơn cử như Thái Nguyên. Đây là một trong những địa phương có đông đồng bào Công giáo, với trên 30.000 người sinh hoạt tại 9 giáo xứ, 63 giáo họ ở tất cả 9 huyện, thành phố của tỉnh. Phát huy truyền thống “Sống tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào Công giáo đã và đang từng ngày xây dựng các xứ, họ đạo thêm khang trang, góp phần phát triển kinh tế.

Một trong những nội dung tiêu biểu được đồng bào Công giáo trong tỉnh tích cực tham gia là “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh sống tốt đời đẹp đạo” gắn với thực hiện phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”. Theo đó, các giáo dân đã đóng góp hàng chục tỷ đồng, hàng nghìn ngày công lao động, tự nguyện hiến đất, nguyên vật liệu, bàn giao mặt bằng để làm đường giao thông nông thôn, các công trình hạ tầng phục vụ dân sinh. Tích cực xây dựng các mô hình kinh tế, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự. Tiêu biểu như: Mô hình khu dân cư “Đoàn kết xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu” ở xóm Làng Phan, xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên); mô hình dân vận khéo “sống tốt đời, đẹp đạo” ở xóm Đồn, xã Bình Thành và xóm Nản, thị trấn Chợ Chu (Định Hóa)...

Tại khu vực Tây Nguyên, huyện Đơn Dương tỉnh Lâm Đồng là một trong những địa phương điển hình trên cả nước về Công giáo đóng góp phát triển kinh tế xã hội. Những đóng góp thiết thực của giáo dân nơi đây, ví như, trong một thời gian ngắn sau khi phát động, đồng bào Công giáo đóng góp sức người, sức của xây ba cây cầu, gồm: cầu Tu Tra, cầu Ka Đô và cầu Lạc Xuân. Những cây cầu này kết hai phần đầu Bắc và Nam sông Đa Nhim, tiết kiệm thời gian đi lại của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thông và vận chuyển hàng hóa, vừa là động lực quan trọng cho việc phát triển kinh tế tại địa phương. Được biết, toàn huyện Đơn Dương đã có 6 xã được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận đạt xã nông thôn mới nâng cao, trong đó có 3 xã Lạc Lâm, Quảng Lập, Ka Đô đạt nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có 43 Khu dân cư kiểu mẫu đạt cấp huyện, trong đó có 18 Khu dân cư kiểu mẫu đạt cấp tỉnh…Những đóng góp tích cực của bà con giáo dân huyện Đơn Dương đã góp phần chung lập nên thành tích của huyện Đơn Dương khi được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Sau đó, huyện tiếp tục xây dựng và thực hiện Đề án Giữ vững và nâng cao chất lượng huyện nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, từ đó các lĩnh vực trong đời sống xã hội tiếp tục được phát triển. Với những kết quả đạt được, năm 2019, Chính phủ quyết định chọn 4 huyện tiêu biểu trên toàn quốc để triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó có huyện Đơn Dương.

Tìm hiểu cho thấy, hưởng ứng phong trào xây dựng NTM, đã không ít giáo dân thuộc nhiều giáo xứ trên cả nước đi đầu trong việc tham gia, tạo nên những tấm gương, có sức lan tỏa sâu rộng khi sẵn sàn đóng góp những tài sản lớn vì mục tiêu chung của cộng đồng. Trường hợp các anh Nguyễn Văn Hữu và Nguyễn Hữu Trung ở xóm Lạc Thành, xã Hùng Thành, (Yên Thành, Nghệ An) là ví dụ. Trong hai lần xã phát động hiến đất làm đường giao thông xã, giao thông xóm, cả hai anh đều xung phong hiến gần 500m2 đất vườn của gia đình để phục vụ công tác làm đường.

Tương tự tại xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ, Thái Bình) cũng  xuất hiện câu chuyện cảm động về bà con giáo xứ hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới. Theo đó, dự án làm  đường huyện 78 đến đường tỉnh 452 đi qua xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Hoàng, Quỳnh Lâm dài 5,5km có ó 82 hộ tự nguyện hiến đất ở với diện tích lên đến 2.100m2, 79 hộ hiến đất nông nghiệp và đất khác với diện tích 2.150m2. Trong số các hộ hiến đất có nhiều hộ là đồng bào Công giáo. Điển hình nhất linh mục nhà thờ xứ Tân Mỹ, Bùi Đình Nguyện đã hiến 300m2 đất nuôi trồng thủy sản, đất nông nghiệp. gia đình giáo dân Nguyễn Văn Cường (thôn Tân Mỹ) cùng 4 người con đã góp hơn 200m2 đất ở cho dự án làm đường giao thông.

Bằng tất cả sự quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ tích cực của người dân, đóng góp của các tầng lớp xã hội…Chúng ta tin tưởng Chương trình mục tiêu quốc giá xây dựng NTM sẽ đạt những thành tựu to lớn hơn./.

 

Bùi Quý