Đồng bào tôn giáo tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở Quảng Ninh
Ngày đăng: 17/10/2022
Đường liên thôn tại xứ đạo Cẩm Hải (xã Cẩm Hải, TP. Cẩm Phả)
Tỉnh Quảng Ninh hiện có gần 200.000 chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo (chiếm hơn 16% dân số). Nằm trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thời gian qua, tín đồ các tôn giáo đã có những đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Quảng Ninh là tỉnh nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, có dân số 1.320.324 người, với 21 dân tộc khác nhau; là tỉnh có vị trí trọng yếu về quốc phòng an ninh, biên giới quốc gia, tỉnh có 13 đơn vị hành chính gồm 04 thành phố, 02 thị xã và 07 huyện với 177 xã, phường, thị trấn.

Đây là vùng đất có nền văn hóa lâu đời, cư dân địa phương có đời sống tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo rất phong phú. Về tôn giáo, Tỉnh Quảng Ninh hiện nay có 4 tôn giáo đang hoạt động, gồm: Phật giáo, Công giáo, Cao Đài và Tin Lành với tổng số khoảng gần 200.000 tín đồ, chiếm trên 16% dân số toàn tỉnh. Cụ thể:  

Phật giáo: gần 155.000 Phật tử, trên 600 chức sắc, nhà tu hành (trong đó có 03 Hòa thượng, 05 Thượng tọa, 04 Ni sư); trên 150 cơ sở tự viện; 230 đạo tràng, tổ, hội Phật tử. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh với 40 thành viên và 12 Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện với 193 thành viên.

Công giáo: có khoảng 43.000 tín đồ, 16 Linh mục (trong đó có 05 Linh mục phụ tá), phụ trách quản nhiệm 16 giáo xứ, 50 giáo họ (ngoài ra, có 05 giáo họ thuộc địa giới hành chính của tỉnh Hải Dương nhưng trực thuộc Hạt Quảng Ninh quản lý). Toàn tỉnh có 45 nhà thờ (16 nhà thờ giáo xứ, 29 nhà thờ, nhà nguyện của giáo họ); 02 giáo hạt: giáo hạt Hòn Gai và giáo hạt Mạo Khê.

Tin Lành: tổng số 1.100 tín đồ, 31 chức sắc, 52 điểm nhóm thường xuyên sinh hoạt thuộc 14 tổ chức, hệ phái (trong đó có 16 điểm nhóm đã được cấp chứng nhận sinh hoạt tôn giáo thuộc 03 tổ chức, hệ phái đã được Nhà nước công nhận về tổ chức và cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; 07 chức sắc đã đăng ký với chính quyền), chưa có cơ sở thờ tự riêng.

Cao Đài: 214 tín đồ, 01 chức sắc, 14 chức việc tại 04/13 địa phương; có 01 cơ sở thánh thất cũ tại thành phố Cẩm Phả; 05 tổ nghi lễ, điểm sinh hoạt đều thuộc hệ phái Cao Đài Tây Ninh.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có một số hiện tượng tôn giáo mới, tà đạo, đạo lạ với số lượng trên 600 người, không có cơ sở thờ tự, chủ yếu sinh hoạt tại gia.

Thời gian qua, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được chính quyền và các tổ chức đoàn thể tỉnh Quảng Ninh triển khai mạnh mẽ, sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở, đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các tổ chức, cá nhân tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã chung tay, đóng góp công sức vào quá trình xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh bằng nhiều hình thức, cả về vật chất và tinh thần, trên các phương diện như: tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; tham gia xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa; phát huy truyền thống đền ơn đáp nghĩa; bảo vệ môi trường; chấp hành pháp luật pháp luật nhà nước...

1. Tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng

Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức thực hiện vận động tại 16 xã, phường, thị trấn và 135 thôn, bản, thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi (trong đó có đồng bào các tôn giáo); thực hiện lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó, hầu hết các địa phương chú trọng xây dựng Khu dân cư nông thôn kiểu mẫu, gia đình nông thôn kiểu mẫu và vườn mẫu; đến nay, số thôn, bản đăng ký xây dựng Khu dân cư nông thôn kiểu mẫu là 116 thôn, bản và 394 vườn mẫu. Phong trào hiến đất và tham gia dọn vệ sinh môi trường, xây dựng nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh, di chuyển chuồng trại ra xa nhà ở cũng được các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo tham gia tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tạo nên diện mạo mới cho nhiều địa phương nói riêng và cả tỉnh nói chung, góp phần đẩy mạnh thực hiện hoàn thành về đích nông thôn mới, trong đó có đông đảo đồng bào tôn giáo hưởng ứng nhiệt tình, thiết thực và hiệu quả.

Tận dụng lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, bà con giáo dân Giáo xứ Đông Khê (TX. Đông Triều) tích cực trồng nhiều loại cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao

Các hoạt động ứng dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình sản xuất, phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, làm giàu cho gia đình, xã hội được các tổ chức, cá nhân tôn giáo nhiệt tình tham gia hưởng ứng như: Giáo dân các xứ, họ đạo tại các địa phương sản xuất nông nghiệp như: Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Đầm Hà, Cô Tô, Móng Cái... tích cực thực hiện chuyển đổi cây, con, mùa vụ đưa các giống mới có năng suất cao vào sản xuất, các cánh đồng mẫu lớn như ở giáo xứ Yên Trì, Sông Khoai, Đông Khê... từng bước đã chuyên canh những cây con đem lại kinh tế cao, năng suất lúa đạt từ 60-70 tạ/ha; xây dựng các trang trại, vườn cây ăn quả như: Na, cam, xoài, vải, bưởi… thực hiện chuyển đổi vật nuôi cây trồng ở xứ Đông Khê, Đạo Dương... Các mô hình nuôi trồng, đánh bắt và dịch vụ thủy hải sản ở các xứ, họ: Yên Trì, Sông Khoai, Đầm Hà, Trà Cổ, Cô Tô, Thanh Lân… đem lại doanh thu và lợi nhuận cao.

Điểm nhấn của năm 2020 trên địa bàn tỉnh là việc các tôn giáo đã tích cực tham gia thực hiện phong trào xây dựng “Tuyến đường kiểu mẫu”, tham gia cuộc thi “Tuyến đường kiểu mẫu tiêu biểu của tỉnh”, qua đó nâng cao ý thức người dân nói chung và đồng bào tôn giáo nói riêng trong tham gia bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng quê hương sáng - xanh - sạch - đẹp - văn minh. Nhờ có sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trong tỉnh, trong đó có các tổ chức, cá nhân tôn giáo, nhiều dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai thuận lợi, tạo sự phát triển đột phá, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái, đường nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với cầu Bạch Đằng, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn… đã và đang được xây dựng, đưa vào hoạt động, phục vụ sự phát triển chung của tỉnh Quảng Ninh.

Thông qua phong trào thi đua kết quả đem lại cho nhiều hộ đã thoát nghèo vươn lên khá, số hộ khá, giàu trong các tôn giáo tăng lên, nhất là, Công giáo trong tỉnh cơ bản không còn hộ nghèo (trừ những hộ thuộc diện bảo trợ xã hội do không có lao động); 100% các xã có đồng bào Công giáo đều đã đạt chuẩn xây dựng “Nông thôn mới, “Nông thôn mới kiểu mẫu”. Trong đó, xã Việt Dân (thị xã Đông Triều), nơi có trên 75% số dân là người Công giáo (có xứ Đông Khê) đã đạt chuẩn xã “Nông thôn mới kiểu mẫu” đầu tiên của cả nước; tỷ lệ hộ gia đình Công giáo đạt văn hóa trên 96%; theo thống kê chưa đầy đủ thì có trên 200 doanh nhân Công giáo đã đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trong tỉnh.

Trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, nhiều gia đình là tín đồ các tôn giáo đã đầu tư phát triển kinh tế và thành lập doanh nghiệp trong các lĩnh vực: xây dựng, vận tải, dịch vụ thương mại tổng hợp, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, làm tốt nghĩa vụ chính sách với Nhà nước, đã góp phần làm thay đổi diện mạo cuộc sống khu dân cư, vào phong trào thi đua xây dựng đô thị văn minh hiện đại của địa phương nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung.

2. Tham gia xây dựng đời sống văn hóa, phát huy truyền thống đền ơn đáp nghĩa, từ thiện nhân đạo

Cùng với nhiều hoạt động phát triển kinh tế nổi bật của các địa phương, các tổ chức tôn giáo và cá nhân các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo luôn tích cực hưởng ứng, tham gia xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục tại các địa phương trong tỉnh, thông qua các nội dung, mô hình hoạt động mang đặc trưng riêng của tôn giáo như: “xây dựng xứ họ đạo tiên tiến”; “xây dựng chùa cảnh tinh tiến”, “xây dựng xã tiên tiến vùng đồng bào dân tộc, vùng có đông đồng bào tôn giáo”... Hàng năm tỷ lệ hộ đăng kí xây dựng gia đình văn hóa đạt từ 95 đến 99% và tỷ lệ đạt gia đình văn hóa bình quân 5 năm đạt 94,4%; Điển hình là các giáo xứ, giáo họ như: xứ Đông Tân, xứ Đông Khê, họ nhà xứ Mạo Khê; họ Phương Nam, họ Thất Tinh, xứ Trạp Khê; họ Biểu nghi, xứ Sông Khoai, Xứ Yên Trì, xứ Hồng Gai; họ nhà xứ Cẩm Phả, Cửa Ông; họ nhà xứ Trà Cổ, Ninh Dương, họ Quảng An, Đầm Hà… qua đó, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo vào trong đời sống xã hội, động viên chức sắc, tín đồ các tôn giáo sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các hoạt động từ thiện, nhân đạo của các tổ chức, cá nhân tôn giáo gắn với việc thực hiện các chỉ tiêu an sinh xã hội góp phần tích cực hỗ trợ người nghèo, tham gia cứu trợ cứu nạn, công tác bảo trợ xã hội được chức sắc, tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia thực hiện, cụ thể trong những năm gần đây, các tổ chức, cá nhân tôn giáo hằng năm đã thực hiện chi từ 1 tỷ đến 2 tỷ đồng như thăm, tặng quà và các hoạt động từ thiện, nhân đạo cho hộ nghèo, hộ khó khăn; nhân dịp tết nguyên đán, các ngày lễ, tết của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn … hàng năm tặng từ 2000 đến 3000 xuất quà (giá trị 200 nghìn đền 500 nghìn/suất); tích cực ủng hộ và hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà cho bà con nhân dân các địa phương với số tiền hàng chục tỷ đồng; tham gia ủng hộ Quỹ vì người nghèo, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi; Quỹ hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam các cấp… với tổng giá trị lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm; Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đã ủng hộ 2,4 tỷ đồng đưa điện lưới ra đảo Cô Tô.

Đặc biệt năm 2020, trong đại dịch COVID-19, đồng bào các tôn giáo đã luôn tích cực ủng hộ vào quỹ phòng chống Covid của tỉnh bằng tiền và hiện vật với số tiền trên 3 tỷ đồng. Riêng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh đã chỉ đạo Ban Trị sự các huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở thờ tự, phật tử trên địa bàn tỉnh chung tay ủng hộ quỹ phòng chống dịch COVID-19, tích cực ủng hộ bằng tiền và nhiều hiện vật có giá trị (tiền mặt, khẩu trang, các xuất cơm từ thiện cho các trường hợp cách ly và bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm y tế…) và tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo... với tổng số kinh phí đạt 21 tỷ 233 triệu đồng. Trong dịp Lễ Phật Đản năm 2021, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương, hỗ trợ xây dựng 10 ngôi nhà cho người nghèo với số kinh phí trên 600 triệu đồng.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh trao tặng 650 triệu đồng hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa tỉnh mua thiết bị y tế phục vụ công tác điều trị Covid-19

Giáo hạt Hòn Gai, giáo hạt Mạo Khê, phối hợp Caritats Hải Phòng, tổ chức khám chữa bệnh nhân đạo, tư vấn sức khỏe cho hàng nghìn người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn tại thị xã Quảng Yên, thành phố Hạ Long và một số địa phương miền núi biên giới; thay thủy tinh thể miễn phí cho hàng trăm người nghèo, trao tặng 50 xe lăn cho người tàn tật có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Ngoài những hoạt động khám chữa bệnh, thăm hỏi, tặng quà, chức sắc, tín đồ các tôn giáo có nhiều hoạt động tích cực đỡ đầu các học sinh nghèo học giỏi, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, tham gia các hoạt động cứu trợ, cứu nạn, tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, các tổ chức tôn giáo tại các địa phương cũng có nhiều chương trình hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó vươn lên trong học tập, tiêu biểu như: Đông Triều, Quảng Yên, Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái... đã hỗ trợ các học sinh nghèo vượt khó học giỏi, các học sinh thi đỗ Đại học... với số tiền lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm;

3. Tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp

Là địa phương phát triển năng động về kinh tế - xã hội, nhưng đi kèm với đó, Quảng Ninh đang phải đối mặt với rất nhiều mâu thuẫn và thách thức, đặc biệt là việc khai thác than, phát triển công nghiệp nặng với phát triển du lịch, dịch vụ trên cùng một địa bàn; thách thức giữa phát triển công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh, giữa phát triển bền vững trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao… Theo thống kê, để khai thác than lộ thiên, hàng năm ngành Than thải ra môi trường khoảng 300-500 triệu m3 đất đá và 100-250 triệu m3 nước thải; các trung tâm sản xuất công nghiệp (nhiệt điện, xi măng, đóng tàu, các khu công nghiệp, các khu đô thị lớn tập trung chủ yếu bên bờ Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long). Do vậy nguy cơ ô nhiễm môi trường tại Quảng Ninh luôn trong tình trạng rất cao, đòi hỏi phải được khẩn trương khắc phục, nếu không sẽ ảnh hưởng lớn đến việc phát triển các ngành kinh tế có tính bền vững, mũi nhọn: du lịch, dịch vụ và kinh tế biển đảo.

Với những thách thức đó, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các Nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIV đề ra, trong đó có nội dung nhiệm vụ về giảm thiểu ô nhiễm môi trường đã đạt được một số kết quả bước đầu; Tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch triển khai chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu: Phát triển kinh tế nhanh, bền vững; chuyển dịch và tăng tốc độ phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp “xanh”; kiểm soát ô nhiễm môi trường; nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu; hướng đến một nền kinh tế có tỉ lệ các-bon thấp, giảm phát khí thải và lượng hấp thụ khí nhà kính.... Có được kết quả đó, bên cạnh sự chỉ đạo và vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ tỉn đến địa phương còn có sự chung tay, đồng thuận của nhân dân trong tỉnh. Trong đó, có các tổ chức, cá nhân tôn giáo đã tích cực tha gia, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do chính quyền và đoàn thể các cấp phát động; duy trì có hiệu quả các tổ nhóm vệ sinh môi trường, đoạn đường, tuyến phố xanh - sạch - đẹp; các câu lạc bộ tình nguyện bảo vệ môi trường, trực tiếp thu gom rác thải, bóc xóa biển quảng cáo không đúng nơi quy định, lắp đặt thùng rác, trồng cây xanh, tổ chức các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân di chuyển chuồng trại, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh...

Đặc biệt, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, Giáo hạt Công giáo tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp tốt với các Sở, ngành, đoàn thể của tỉnh thực hiện ký kết chương trình phối hợp về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh, cùng với đó, các địa phương cơ sở cũng tổ chức ký kết giao ước thi đua trong khu dân cư, thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác hại môi trường về mọi mặt; chức sắc, tín đồ các tôn giáo cũng tích cực tổ chức các hoạt động tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tại địa phương.

4. Tuân thủ pháp luật, tham gia bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội

Trong những năm qua, Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc được duy trì và triển khai hiệu quả các phong trào như: Phong trào ba không “Không nghiện hút, không cờ bạc, trộm cắp, không mại dâm” ở giáo xứ Trà Cổ; Phong trào “Giữ gìn bình yên xứ, họ đạo” ở họ đạo Thanh Lân, họ đạo Cô Tô, xứ Cẩm Phả, xứ Hà Lai. Xây dựng và phát huy hiệu quả các mô hình phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở các giáo xứ như “Xứ đạo tự quản về an ninh trật tự” ở xứ đạo Trà Cổ, Móng Cái; mô hình “giáo dân không tham gia tệ nạn xã hội” ở xứ đạo Hòn Gai; mô hình “họ đạo 5 không” ở họ đạo Thất Tinh, thành phố Uông Bí; mô hình “tiếng kẻng an ninh” ở xứ đạo Sông Khoai, Quảng Yên; phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên mốc giới, ngư trường, bến bãi, giữ gìn an ninh trật tự khu, xóm, thôn, bản khu vực biên giới, hải đảo của các phật tử, giáo dân thuộc địa bàn Móng Cái, Vân Đồn, Cô Tô... các tổ tự quản, tổ liên gia và tổ hoà giải, giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, đoàn kết để gìn giữ bình yên xứ đạo, giúp đỡ, hòa giải để ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật và không nghe lời kẻ xấu... qua đó, cung cấp nhiều nguồn tin quan trọng cho công an, chính quyền các cấp, giúp cho việc phòng ngừa tội phạm ngày được tốt hơn, nhất là những ngày lễ, tết hầu hết các giáo dân, các phật tử nhân dân trong tỉnh không đốt pháo nổ, không thả đèn trời, thực hiện tốt các quy định về an ninh trật tự của Chính quyền địa phương và hương ước tự quản ở khu dân cư, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, bảo vệ đường biên, mốc giới quốc gia.

Điển hình như giáo dân xứ Trà Cổ vẫn làm tốt phong trào 5 không (Không trộm cắp, không cờ bạc, không nghiện hút, không tham gia mại dâm, không tàng trữ buôn bán chất ma tuý) và phối hợp với bộ đội biên phòng tuần tra canh gác giữ vững an ninh biên giới; giáo xứ Đông Tân có trên 70 hộ chuyên đánh bắt hải sản trên vịnh Bắc Bộ được chia thành 2 tổ vừa đánh bắt cá vừa phối hợp với bộ đội đồn biên phòng số 50 Cát Hải và đội biên phòng hải đội 2 Đồ Sơn làm công tác bảo vệ an ninh vùng biển, qua đó góp phần giữ vững an ninh biển đảo, tập thể và nhiều cá nhân đã được bộ đội biên phòng khen thưởng; bên cạnh đó, nhiều chức việc trong Ban Hành giáo các giáo xứ, giáo họ là những nòng cốt trong việc bảo vệ giữ gìn an ninh xứ, họ đạo. Nhất là các ngày lễ trọng, cùng với sự giúp đỡ, giúp đỡ của chính quyền các địa phương trong tỉnh, công tác tự quản của giáo dân đã góp phần đảm bảo an ninh trật để phục vụ các lễ nghi Công giáo. Cùng với đó, Ban hành giáo các cấp, cùng với các Linh mục đã vận động bà con giáo dân tích cực học tập và chấp hành đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các Quy định của địa phương. Thường xuyên giáo dục con em trong gia đình sống trong sạch, lành mạnh, văn minh, không tham gia tiếp tay hoặc mắc các tệ nạn xã hội như: nghiện hút, cờ bạc, số đề, mại dâm...

Chức sắc, chức việc, giáo dân Công giáo tiêu biểu trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ giai đoạn 2018 - 2019 được nhận giấy khen của Công an tỉnh Quảng Ninh

Đối với Phật giáo, hầu hết các tăng, ni trụ trì các chùa trên địa bàn tỉnh đã tham gia ký cam kết thực hiện phong trào gìn giữ an ninh trật tự ở địa bàn dân cư như: “thôn xóm bình yên, gia đình hòa thuận”; “xây dựng chùa tinh tiến” gắn với cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “xây dựng nông thôn mới”, phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên giới cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự xóm, thôn, bản, khu vực biên giới… góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội. Các tăng, ni, Phật tử cũng kịp thời phát hiện, thu hồi hàng trăm tài liệu, sách báo tuyên truyền hoạt động mê tín dị đoan, vận động Phật tử tham gia đấu tranh không tin theo các tà đạo, đạo lạ. Đồng thời cung cấp hàng trăm thông tin quan trọng liên quan đến an ninh trật tự giúp lực lượng công an, chính quyền địa phương điều tra xác minh, làm rõ các vụ việc vi phạm pháp luật; tham gia hòa giải hàng trăm vụ việc mâu thuẫn trong khu dân cư, góp phần mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Nhiều năm qua, các vị tăng ni, thành viên ban hộ tự ở các chùa đã cơ bản làm tốt công tác tự bảo vệ, hạn chế tối đa việc mất trộm, mất cắp tại các cơ sở thờ tự, không để xảy ra hư hỏng, hỏa hoạn. Vào các dịp lễ trọng, nhiều chức sắc Phật giáo thường xuyên kết hợp giảng pháp tại các cơ sở tự viện để tuyên truyền vận động phật tử chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương; thông báo âm mưu phương thức thủ đoạn hoạt động, ý đồ lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước, góp phần đấu tranh làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch. Đặc biệt, nhiều vị tăng ni là ủy viên Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, trưởng các đạo tràng, tổ phật tử tham gia hòa giải hàng trăm vụ việc mâu thuẫn trong dân cư và trong các nhóm phật tử, góp phần mang lại cuộc sống bình an cho nhân dân.../.

 

Nhữ Văn Nguyện