Đồng bào Công giáo tỉnh Cà Mau đóng góp trên 100 tỷ đồng từ thiện - xã hội giai đoạn 2017 - 2022
Ngày đăng: 24/10/2022
Đồng bào Công giáo ở Cà Mau hiện có khoảng 32.000 giáo dân, 32 linh mục tại 24 giáo xứ và 11 điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung; 09 dòng tu với 60 nữ tu sinh hoạt tôn giáo ổn định trên địa bàn tỉnh. Với khẩu hiệu hành động: “Hợp tác, đồng hành và chia sẻ” được Đại hội đại biểu người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tỉnh Cà Mau, lần thứ III, nhiệm kỳ 2017-2022 đề ra, đã huy động được nhiều hoạt động từ thiện - xã hội, đóng góp trên 100 tỷ đồng trong xây dựng, phát triển tỉnh Cà Mau.

 

Linh mục Nguyễn Văn Vinh, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Cà Mau trao tặng 275 xe đạp cho học sinh nghèo, tháng 9 năm 2020

Hòa nhịp với phong trào cách mạng chung của Nhân dân cả nước, đẩy mạnh công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, dân chủ, tiến bộ, xã hội công bằng, góp phần xây dựng Hội thánh Việt Nam gắn bó đồng hành với dân tộc. Đối với người Công giáo lấy đức ái làm trọng, sống theo tinh thần thư chung năm 1980 của Hội đòng Giám mục Việt Nam: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào không những là tình cảm tự nhiên phải có, mà còn là đòi hỏi của Phúc âm”. Với tinh thần đó, trong giai đoạn từ năm 2017 - 2022, giới Công giáo trong tỉnh Cà Mau đã tích cực đóng góp, thực hiện nhiều phong trào thi đua yêu nước do Trung ương, địa phương phát động. Cụ thể, nổi bật trên một số lĩnh vực như sau:

Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua yêu nước “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời, đẹp đạo” do Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động

Với những nội dung của “7 tốt đời, 3 đẹp đạo”, đó là: 7 tốt đời “Phát triển kinh tế tốt; Nếp sống tốt; Trật tự xã hội tốt; Giáo dục, y tế tốt; Chương trình dân số tốt; Bảo vệ môi trường tốt; Nghĩa vụ công dân tốt” và 3 đẹp đạo: “Đẹp trong đạo đức lối sống; Đẹp trong tinh thần bác ái yêu thương; Đẹp trong nếp sống đạo”, phù hợp với tâm tư nguyện vọng và khả năng của đồng bào Công giáo, nên đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội ở địa phương. Cụ thể trong việc cưới gả, việc tang chế cũng như các lễ hội, linh mục, tu sĩ và bà con thực hiện vừa văn minh, tiết kiệm, vừa đúng lễ nghi tôn giáo, phù hợp tập quán dân tộc. Các mục tiêu của cuộc vận động vệ sinh môi trường; sinh đẻ có kế hoạch, nuôi con khỏe, dạy con ngoan; xây dựng gia đình lành mạnh, ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền; khu dân cư hòa thuận, an toàn trật tự, không có tệ nạn xã hội, được bà con cùng nhau nhắc nhở thực hiện. Một số giáo xứ  đã thực hiện ký kết chương trình với chính quyền địa phương về xây dựng mô hình giáo xứ tự quản về an ninh trật tự. Với mục tiêu của mô hình huy động giáo dân vào việc phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm, các tệ nạn xã hội; bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân; đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước…góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội. Do đó, đã có nhiều gia đình Công giáo được công nhận là Gia đình văn hóa, Gia đình văn hóa tiêu biểu. Hầu hết các họ đạo đều nằm trong địa bàn khóm, ấp được công nhận đạt chuẩn văn hóa.

Vận động các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh Cà Mau tổ chức nhiều hoạt động từ thiện – xã hội cho người dân không phân biệt tôn giáo hoặc không tôn giáo

- Chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục, Để tạo điều kiện, hỗ trợ, tiếp sức đến trường nhằm khuyến học, khuyến tài đã có hàng ngàn học sinh, sinh viên được hỗ trợ tiền, quần áo, tập vở, cặp, ba lô, xe đạp hay được đưa rước đến trường. Nhiều họ đạo như Hòa Thành, Ao Kho, Quản Long, thành phố Cà Mau; Kinh Ba, huyện Phú Tân; Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển; Khánh Minh, huyện U Minh; Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời; Cái Rắn, Cây Bốm, huyện Cái Nước; Tân Lộc, huyện Thới Bình; Bàu Sen, huyện Đầm Dơi và Kinh Nước Lên, huyện Năm Căn, ... đã giúp hằng trăm học bổng cho sinh viên, học sinh nghèo, hiếu học. Tiêu biểu như: Linh mục Nguyễn Tất Đạt giúp 120 học bổng cho học sinh nghèo. Các nữ tu dòng Nữ tử Bác ái Vinh Sơn đã giúp cho trên 500 em học sinh và 71 sinh viên nữ, không kể lương giáo từ lớp một cho đến hoc xong Đại học, đã thực hiện trong 9 năm qua và đang tiếp tục. Linh mục Nguyễn Văn Vinh đã  kết nối với Công ty Mesa giúp cho 300 học sinh, sinh viên học bổng, xe đạp và tiếp tục giúp cho đến khi các em tốt nghiệp đại học. Mức hỗ trợ học bổng đối với học sinh tùy từng cấp học. Học sinh Tiểu học mỗi em được 3 triệu/em/năm học; học sinh Trung học cơ sở 4 triệu/em/năm học; học sinh Trung học phổ thổng 6 triệu/em/năm học. Riêng đối với sinh viên Cao đẳng, Đại học, mỗi em được cấp từ 8 đến 10 triệu/em/năm học. Tổng trị giá hàng chục tỷ đồng cho hoạt động này.

Trung tâm Nuôi dạy trẻ Khuyết tật - Mồ côi Nhân ái, phường Tân Xuyên, thành phố Cà Mau khai giảng năm học 2022 - 2023

Nhờ ý thức và sự hỗ trợ tiếp sức, nên tuyệt đại đa số con em Công giáo đều được đến trường. Điển hình như Họ đạo Kinh Ba chưa được 1.000 nhân khẩu mà đã có 106 em đang học Cao đẳng và Trung cấp, 59 em đang học Đại học và ra trường, 1 em tốt nghiệp Cao học. Có những gia đình có truyền thống trong học tập, như: gia đình ông Vũ Đình Ký ở Mang Rổ có 5 con học Đại học; gia đình ông Vũ Đình Tĩnh ở Đất Mới có 5 con Đại học; gia đình ông Đoàn Văn Hoà có 4 con Đại học và 1 con là Thạc sỹ; gia đình ông Nguyễn Văn Kim ở thị trấn Sông Đốc có 3 con, 1 đang học Nghiên cứu sinh, 1 vừa đỗ Cao học và 1 đang học Cao học; ... và nhiều gia đình tiêu biểu tại các giáo xứ trong tỉnh.

- Hoạt động khám, chữa bệnh miễn phí và lo cho người khuyết tật, các linh mục đã liên hệ với các y, bác sĩ ở Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Mặt trận, ngành Y tế và chính quyền địa phương đến khám, mổ mắt, khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho hàng ngàn bệnh nhân nghèo. Cấp phát trên 300 xe lăn và xe lắc cho người già, người khuyết tật, linh mục Nguyễn Hoàng Hôn và linh mục Nguyễn Văn Vinh vận động ân nhân giúp mổ tim cho trên 100 bệnh nhân, bình quân mỗi ca từ 60 đến 90 triệu đồng. Và để góp một phần nhỏ công sức của mình vào sự nghiệp chung, Ủy ban nhân dân tỉnh đã cho phép thành lập Trung tâm Nuôi dạy trẻ Khuyết tật – Mồ côi Nhân Ái tại Khóm 3, phường Tân Xuyên, thành phố Cà Mau, do linh mục Nguyễn Văn Vinh, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh làm Giám đốc với sự cộng tác của các nữ tu Dòng thánh Phaolô. Cơ sở đã đưa vào hoạt động dưới sự quản lý của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, nhằm giúp cho các em câm điếc và mồ côi cả cha lẫn mẹ kém may mắn được nuôi dạy, để các em có thể hòa nhập vào đời sống cộng đồng bằng chính khả năng của mình, làm vơi bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.

- Hoạt động đền ơn, đáp nghĩa; xây dựng nhà đại đoàn kết; bắc cầu giao thông nông thôn, khoan giếng nước ngọt

Hoạt động đền ơn, đáp nghĩa được giới Công giáo tham gia với tấm lòng ghi nhớ công lao hy sinh của các bậc anh hùng liệt sĩ, người có công trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc. Nhiều họ đạo thực hiện tốt phong trào đền ơn đáp nghĩa, thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn theo lời dạy của cha ông, đồng thời hưởng ứng chương trình, phong trào do chính quyền, mặt trận và đoàn thể địa phương phát động. Trong nhiều năm qua, vào các dịp lễ Giáng sinh, Phục sinh và tết Nguyên đán, các họ đạo đã  tổ chức phát quà cho gia đình chính sash, gia đình có hoàn cảnh khó khăn không phân biệt lương giáo, có cả các hộ đồng bào dân tộc Khmer, gồm mùng mền, gạo, mì, tiền mặt để giúp bà con mừng lễ, vui Xuân. Để chia sẻ phần nào cảnh thiếu hụt của các gia đình có người già, neo đơn, mồ côi, khuyết tật, trong khoảng thời gian từ năm 2017 – 2022 đã có trên 800 người được trợ cấp 10 kg gạo mỗi tháng, tổng số gạo lên đến 576 tấn, trị giá trên 6,8 tỷ đồng.

Linh mục Phạm Văn Tụ, Chính sở giáo xứ Cái Rắn trao 350 phần quà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, dịp Tết Nguyên Đán 2022

Hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết, hưởng ứng chương trình xóa đói giảm nghèo và với tình nghĩa quê hương, các Linh mục trong tỉnh tiếp tục vận động nhiều ân nhân khác giúp đỡ. Đến nay các họ đạo Cà Mau, Hòa Thành, Quản Long, U Minh, Rau Dừa, Cái Rắn, Cái Đôi Vàm, Ao Kho, Huyện Sử, Tân Lộc, Khánh Hưng, Kinh Ba, Kinh Nước Lên, Sông Đốc, Rạch Gốc và các họ đạo khác đã cất trên 500 căn nhà tình thương, mỗi căn có giá trị từ 23 triệu cho đến 50 triệu đồng. Để có một căn nhà lành lặn ấm cúng 2 mùa mưa, nắng là điều mà nhiều người nghèo mơ ước có được. Tiêu biểu trong nhiều năm qua, các linh mục quản xứ Cái Rắn đã tìm ân nhân trong và ngoài tỉnh giúp xây nhà tình thương cho người nghèo, không phân biệt lương giáo, thông qua Mặt trận Tổ quốc và chính quyền địa phương đã cất được 310 căn nhà, có diện tích: rộng 4m, dài 9m, cao (mặt gió) 4m. Mỗi căn từ 24 triệu đồng trở lên, nếu chủ nhà có đóng góp thêm thì nhà tốt hơn. Tổng trị giá trên 8 tỷ đồng. Riêng linh mục Nguyễn Văn Vinh, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Cà Mau, Chánh sở giáo xứ Cà Mau hỗ trợ xây cất 200 căn mỗi căn trị giá 50 triệu đồng. Tổng trị giá xây cất nhà đại đoàn kết trong 5 năm qua lên đến trên 25 tỷ đồng.

Bắc cầu giao thông nông thôn, khoan giếng nước ngọt, để tạo điều kiện cho bà con nghèo thuộc vùng sâu vùng xa có nguồn nước sạch sinh hoạt hàng ngày, chăn nuôi, trồng trọt nhất là phòng tránh các bệnh về được đường ruột, các linh mục Nguyễn Văn Vinh, Nguyễn Hoàng Hôn, Nguyễn Tấn Đạt, Châu Hoàng Ngọc, Phạm Văn Tụ, Trịnh Quốc Việt, Nguyễn Chí Hùng, và các linh mục khác đã giúp cho bà con nghèo trên 1.000 giếng nước, trị giá một giếng từ 5 cho đến 8 triệu đồng.

Hưởng ứng chương trình xây dựng, phát triển nông thôn, gần đây là chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đo thị văn minh, nhằm tạo điều kiện cho bà con đi lại và nhất là cho các em học sinh đến trường dễ dàng, nhiều họ đạo, nhiều linh mục như linh mục Nguyễn Hoàng Hôn, Nguyễn Văn Vinh và Nguyễn Tấn Đạt, ... đã phối hợp với địa phương xây dựng gần 200 cây cầu giao thông nông thôn bằng bê-tông, cốt thép. Cầu có chiều dài từ 20m đến 40m, bề rộng từ 2m đến 3m tùy vào từng địa điểm kênh, rạch. Mỗi cây cầu có giá từ 90 đến hơn 300 triệu.

Tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cộng đồng dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh; giáo xứ tự quản về an ninh trật tự

Trong thực tế môi trường sống, khí để thở đang bị ô nhiễm trầm trọng do chất độc hại thải ra từ các cơ sở chế biến, nhà máy,... các chất hóa học sử dụng trong nuôi trồng, thực phẩm, khói bụi bởi xe và khí thải cũng như nạn phá rừng tràn lan. Trong đạo, Giáo hoàng Phanxicô đã ra Thông điệp Laudato si (Bảo vệ mái nhà chung) kêu gọi “Toàn cầu hành động nhanh chóng và thống nhất” để chống suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu, đặc biệt Giáo hội Công giáo chọn năm 2020 là năm Môi trường.

Các linh mục thường nhắc nhở giáo dân luôn sống vệ sinh, không vứt rác từ trong gia đình đến các ngõ hẻm, đường đi lối lại; làm nhà vệ sinh tự hủy; phải nói không với những chất độc hại trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến và bảo quản; phải ăn sạch, uống sạch và sống sạch; hăng hái tham gia các công tác của địa phương như làm vệ sinh, trồng cây xanh… góp phần làm cho khu dân cư, môi trường sống của mình luôn sáng, xanh sạch đẹp, đạt chuẩn văn hóa và trở thành nông thôn mới, đô thị văn minh.

Tại một số giáo xứ đã ký kết chương trình với chính quyền địa phương thực hiện giáo xứ, khu dân cư tự quản về an ninh trật tự, với nội dung: (1) Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn giáo dân tích cực xây dựng, cũng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tham gia vào các phòng trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương; cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội. (2) Vận động giáo dân thực hiện đường hướng chung của Giáo hội Công giáo Việt Nam “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”, “Kính Chúa yêu nước”; sống lan tỏa giá trị lời giáo huấn của Giáo hoàng Benedict XVI: “Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”. (3) Phối hợp với chính quyền địa phương kiểm soát các địa bàn có dấu hiệu phức tạp về an ninh trật tự, làm giảm các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, mãi dâm, trộm cắp, cờ bạc dưới bất cứ hình thức nào; không uống rượu bia khi tham gia giao thông, không gây rối trật tự công cộng, hạn chế tình trạng cháy nổ và tai nạn giao thông, …

Linh mục Trần Xuân Mạnh, Chủ tịch UBĐKCG Việt Nam tặng Bằng khen 2 cá nhân thuộc UBĐKCG tỉnh Cà Mau có nhiều đóng góp trong hoạt động bác ái

Ngày 20 tháng 10 năm 2022, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Cà Mau vừa tổ chức thành công Đại hội Đại biểu người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tỉnh Cà Mau lần thứ IV, nhiệm kỳ 2022-2027. Tại Đại hội lần này, để ghi nhận những đóng góp của giới Công giáo Cà Mau trong 5 năm qua (2017-2022), Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen cho 7 tập thể và 11 cá nhân có thành tích trong công tác xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Ủy ban MTTQVN tỉnh trao Bằng khen cho 7 tập thể và 10 cá nhân có thành tích trong công tác an sinh xã hội tại địa phương.

Đại hội đã bầu ra Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Cà Mau nhiệm kỳ 2022-2027gồm 89 vị, trong đó, Ban Thường trực gồm 9 vị. Linh mục Phao lô Nguyễn Văn Vinh tái đắc cử Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh, nhiệm kỳ 2022-2027. Mục tiêu phấn đấu trong 5 năm tới, đó là: “Phát huy truyền thống đoàn kết của dân tộc, phấn đấu đưa phong trào yêu nước của người Công giáo tiến lên mạnh mẽ, đều khắp hòa nhập với phong trào Cách mạng chung của nhân dân cả nước, thực hiện hiệu quả phong trào thi đua: “Sống tốt đời, đẹp đạo”; góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện mục tiêu: “Dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”; tích cực cùng nhân dân thế giới đấu tranh cho hòa bình, dân chủ tiến bộ xã hội, luôn thực hiện Giáo hội gắn bó với Dân tộc theo đường hướng mục vụ trong bối cảnh mới là: “Yêu thương và phục vụ để họ được sống và sống dồi dào”.

Với những kết quả đã đạt được và mục tiêu định hướng đã đề ra nêu trên, hy vọng rằng trong thời gian 5 năm tới (2022-2027), giới Công giáo ở Cà Mau sẽ có nhiều đóng góp hơn nữa trong các hoạt động an sinh xã hội; tạo điều kiện cho người dân Cà Mau nói chung, giáo dân Công giáo Cà Mau nói riêng luôn được “Yêu thương và phục vụ để họ được sống và sống dồi dào” như tinh thần Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đề ra vào năm 2001./.

 

Trần Lưu