Đồng bào Công giáo Quảng Ninh tham gia xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh
Ngày đăng: 15/09/2022
Các nhà thờ trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư xây mới, cải tạo khang trang. Trong ảnh: Nhà thờ Giáo họ Cô Tô (huyện Cô Tô)
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có khoảng 43.000 tín đồ Công giáo, 16 Linh mục (trong đó có 05 Linh mục phụ tá), phụ trách quản nhiệm 16 giáo xứ, 49 giáo họ. Ngoài ra, có 05 giáo họ thuộc địa giới hành chính của tỉnh Hải Dương nhưng trực thuộc hạt Quảng Ninh quản lý. Toàn tỉnh có 45 nhà thờ, gồm 16 nhà thờ giáo xứ, 29 nhà thờ, nhà nguyện của giáo họ; 02 giáo hạt Hòn Gai và Mạo Khê. Cộng đoàn giáo dân sinh sống tập trung chủ yếu ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Là một tổ chức xã hội, đại diện phong trào thi đua yêu nước của người Công giáo Việt Nam và là tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam, Uỷ ban Đoàn kết Công giáo (UBĐKCG) được thành lập để kế tục sự nghiệp các tổ chức tiền thân phong trào thi đua yêu nước của người Công giáo nhằm mục đích đoàn kết rộng rãi đồng bào Công giáo Việt Nam trong và ngoài nước, cùng toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong những năm qua, với đường hướng “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” theo Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam, lời Huấn từ của Đức giáo Hoàng Bênêđictô XVI “Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo” do UBĐKCG Việt Nam phát động, UBĐKCG tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp tổ chức tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước sâu rộng đến tận các giáo xứ, giáo họ và được Cộng đoàn giáo dân đồng lòng hưởng ứng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Ủy ban TWMTTQ Việt Nam đã ban hành Chương trình phối hợp giữa hai cơ quan trong giai đoạn 2020-2025 để triển khai đồng bộ, chặt chẽ 2 nội dung “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đây là cơ sở để Cuộc vận động tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thiết thực hơn nữa trong thời gian tới, đi vào cuộc sống mỗi khu dân cư.

Nhân dân và đồng bào Công giáo xã Cẩm Hải chung tay dọn vệ sinh môi trường

Nét nổi bật, trong công tác xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đó là việc mở rộng đường giao thông nông thôn theo tiêu chí quy định. Bên cạnh sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động của Mặt trận các cấp, được sự đồng thuận của các linh mục, Nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trong đó có các giáo dân tại các giáo xứ, giáo họ đã hưởng ứng tích cực, phong trào tự nguyện hiến đất, tháo dỡ tường bao, đóng góp ngày công và tiền mở rộng đường giao thông nông thôn được lan tỏa rộng khắp.

Thực hiện sự chỉ đạo của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong việc thực hiện nếp sống văn minh bảo vệ môi trường, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, nhất là chương trình đã ký kết giữa tổ chức Công giáo và Phật giáo với MTTQ tỉnh và Sở tài nguyên môi trường năm 2016, qua đó từ cha xứ đến Ban Hành giáo các giáo xứ, giáo họ và giáo dân đã tích cực tham gia bảo vệ môi trường.

Hầu hết các giáo xứ đã phối hợp với địa phương, các khu dân cư đã xây dựng quy chế phối hợp, quy định các buổi dọn vệ sinh chung trong tuần và định kỳ hàng tháng, hưởng ứng tích cực phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, thực hiện tốt 3 sạch “ Sạch đường, sạch nhà, sạch ngõ”, phân loại rác thải tại nguồn và đã có 100% khu dân cư tích cực tham gia tổ thu gom rác thải, riêng các nhà thờ xứ và nhà thờ giáo họ đã có tổ thu gom rác thải do tổ chức Công giáo chủ trì. Phong trào trồng cây xanh phủ kín đồi núi trọc, hai bên đường, nơi công cộng, khu vực khuôn viên các nhà thờ.

Ngoài ra bà con giáo dân còn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng trọt, không dùng thuốc diệt cỏ, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật, xây dựng thương hiệu gia cầm sạch, sản phẩm cây trồng sạch, xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa theo quy trình Vietgap, sản phẩm OCOP.

Trong chăn nuôi nhiều hộ thực hiện xây dựng hầm biôga và thực hiện xây dựng công trình chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại xa khu dân cư, tránh ô nhiễm môi trường. Đường làng, ngõ xóm, khu dân cư được bê tông hóa, mương rãnh thoát nước thải có nắp đảm bảo vệ sinh môi trường, hành lang, vỉa hè đường làng, ngõ phố được chỉnh trang sạch đẹp, thông thoáng.

Nhiều sản phẩm OCOP của đồng bào Công giáo đã khẳng định được thương hiệu như: Gà Bản (giáo họ Quảng An, huyện Đầm Hà), khoai lang (xóm đạo xứ Hà Lai, huyện Đầm Hà); trứng vịt 4 sao (giáo họ Đồng Tâm, huyện Tiên Yên); cao thiên môn và tranh bột điệp (giáo xứ Yên Trì, TX Quảng Yên); thanh long ruột đỏ (giáo họ Phương Nam, TP Uông Bí), bánh đa phố (giáo họ Thất Tinh, TP Uông Bí); na dai, cam đường, cam canh (giáo xứ Đông Khê, TX Đông Triều),…

Trong những năm qua, giáo dân Công giáo còn tích cực tham gia thực hiện phong trào xây dựng “Tuyến đường kiểu mẫu” để tham gia cuộc thi “Tuyến đường kiểu mẫu tiêu biểu của tỉnh” do tỉnh, các huyện thị xã, thành phố và các xã phường tổ chức đã đạt được nhiều giải cao, qua đó nâng cao ý thức người dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng quê hương sáng - xanh - sạch - đẹp - văn minh.

Nhờ có sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trong tỉnh, trong đó có đồng bào Công giáo, nhiều dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai thuận lợi, tạo sự phát triển đột phá, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái, đường nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với cầu Bạch Đằng, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn… đã, đang được xây dựng và đưa vào hoạt động.

Tuyến đường xuống các thôn ở xã Cẩm Hải phong quang, sạch đẹp

Thông qua phong trào thi đua kết quả đem lại cho nhiều hộ đã thoát nghèo vươn lên khá, số hộ khá, giàu tăng lên, đến nay đồng bào Công giáo trong tỉnh cơ bản không còn hộ nghèo (trừ những hộ thuộc diện bảo trợ xã hội do không có lao động); 100% các xã có đồng bào Công giáo đều đã đạt chuẩn xây dựng “Nông thôn mới”, “Nông thôn mới nâng cao”, “Nông thôn mới kiểu mẫu”. Trong đó xã Việt Dân (thị xã Đông Triều), nơi có trên 75% số dân là người Công giáo (có xứ Đông Khê) đã đạt chuẩn xã “Nông thôn mới kiểu mẫu” đầu tiên của cả nước; tỷ lệ hộ gia đình Công giáo đạt văn hóa trên 96%; theo thống kê chưa đầy đủ thì có trên 200 doanh nhân Công giáo đã đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trong tỉnh.

Để có được những kết quả trên, trong những năm qua, có sự quan tâm hướng dẫn rất hiệu quả của Tòa Giám mục Hải Phòng và Giám mục Vũ Văn Thiên, cũng như vai trò của các Linh mục trên địa bàn tỉnh, nhất là hai Linh mục Quản hạt đối với các hoạt động của các chức sắc và bà con giáo dân. Có thể nói rằng, phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh của đồng bào Công giáo tỉnh Quảng Ninh trong những năm qua đã mang lại hiệu quả thiết thực; có ý nghĩa về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội sâu sắc. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Công giáo không ngừng được cải thiện, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và tăng cường, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới quê hương, đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả của các chương trình tham gia xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh của đồng bào Công giáo tỉnh Quảng Ninh, chính quyền địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là huy động sự tham gia của các chức sắc, chức việc tôn giáo đối với công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới; tiếp tục phát triển kinh tế bền vững, từng bước nâng cao đời sống văn hóa, xây dựng văn hóa nông thôn, chống tệ nạn xã hội trong vùng đồng bào Công giáo.

Nâng cao chất lượng, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới trong đồng bào Công giáo. Tiếp tục đổi mới nội dung, lựa chọn hình thức và phương pháp tuyên truyền phù hợp với yêu cầu tuyên truyền xây dựng nông thôn mới bền vững trong đồng bào Công giáo.

Tiếp tục coi nông nghiệp, nông dân, nông thôn là thế mạnh, lợi thế trong tiến trình phát triển và hội nhập. Các địa phương phải đi tiên phong để phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, đặc thù, xây dựng một vùng nông thôn xanh, sạch, đẹp và bản sắc, đáng sống. Xây dựng nông thôn mới không chỉ ở đồng bằng mà cả miền núi, làng bản, xã đảo.

Ông Giuse Hoàng Đình Tuyển (thứ hai, trái sang) là giáo dân Giáo xứ Trạp Khê, (phường Thanh Sơn, TP Uông Bí) có cơ sở sản xuất bánh đa mang lại hiệu quả kinh tế cao

Kết hợp hài hòa và giải quyết tốt mối quan hệ giữa tổ chức cơ sở đảng, chính quyền cơ sở với người dân, lấy lợi ích của người dân làm mục tiêu, cải thiện quan hệ giữa chính quyền với nhân dân, nâng cao niềm tin và đồng thuận của người dân vào xây dựng nông thôn mới, đảm bảo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm và dân hưởng lợi”.

UBĐKCG tập trung tuyền truyền các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các Nghị quyết Đại hội của Đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Tiếp tục đăng ký thi đua, vừa phòng, chống dịch bệnh vừa đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo”, mà chủ yếu xây dựng nông thôn mới nâng cao để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu do UBĐKCG Việt Nam phát động. Nhất là phong trào phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng xứ, họ đạo bình yên, tiên tiến; tích cực tham gia xây dựng Chính quyền; đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội, hoàn thành nghĩa vụ công dân, đi đầu trong hoạt động nhân đạo, từ thiện bác ái, góp phần an sinh xã hội. 

Phối hợp với các cơ quan có liên quan trong công tác quản lý cũng như các hoạt động phong trào, công tác chuyên môn, tạo điều kiện cho hoạt động của UBĐKCG tỉnh cũng như phong trào thi đua của đồng bào Công giáo lên tầm cao mới. Tham gia có hiệu quả trong việc xây dựng xứ, họ đạo tiên tiến, phối hợp với Linh mục và Ban hành giáo về đời sống đạo của giáo dân.

Tiếp tục thực hiện đường hướng mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”. Trong đó, vai trò của các vị Ủy viên UBĐKCG là nòng cốt trong việc phối hợp với Ban Hành giáo, với Linh mục quản lý và tổ chức sinh hoạt đạo đảm bảo nguyện vọng của giáo dân. Tập hợp những tâm tư nguyện vọng chính đáng để phản ánh với Chính quyền, MTTQ kịp thời giải quyết, quan tâm thăm hỏi và chúc mừng những ngày lễ, tết và sự kiện quan trọng của của Giáo hội./.

 

Nhữ Văn Nguyện