Công tác dân vận trong khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa, đạo đức của các tôn giáo ở Hà Tĩnh
Ngày đăng: 08/11/2022Hà Tĩnh có 02 tôn giáo là Công giáo và Phật giáo, với số lượng tín đồ chiếm khoảng 14,1 % dân số toàn tỉnh, trong đó Công giáo chiếm 12,8% và Phật giáo chiếm khoảng 1,3% dân số toàn tỉnh. Công giáo và Phật giáo xuất hiện ở Hà Tĩnh từ rất sớm, cùng tồn tại, phát triển hài hòa, là yếu tố tinh thần quan trọng giúp tín đồ sống lành mạnh, đóng góp vào quá trình hình thành và phát triển bản sắc văn hóa con người Hà Tĩnh, đồng thời góp phần xây dựng quê hương.
Tự thân các tôn giáo chứa đựng những giá trị nhân văn và hướng thiện, hướng con người đến lối sống vị tha, bình đẳng, bác ái, thực hành tinh thần “từ bi, hỉ xả”, “kính Chúa, yêu Người” phù hợp với truyền thống dân tộc Việt Nam. Trong sinh hoạt tôn giáo, chức sắc tôn giáo luôn khuyên bảo tín đồ chấp hành các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng đoàn kết dân tộc, đoàn kết các tôn giáo. Bên cạnh đó các tôn giáo còn đóng góp vào bức tranh văn hóa quê hương Hà Tĩnh bằng những công trình kiến trúc của các ngôi chùa, tháp, nhà thờ mang giá trị văn hóa sâu sắc. Các lễ hội, đại lễ tôn giáo thường niên, ngoài giá trị văn hóa, lễ hội tôn giáo, thì việc thực hành nghi lễ tôn giáo đã góp phần tạo lập và đoàn kết cộng đồng tín đồ, đưa mọi người đến gần nhau hơn, góp phần phát triển ngành du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn tỉnh.
Nhận thức được những giá trị cốt lõi và các nguồn lực mà các tôn giáo mang lại, tỉnh Hà Tĩnh luôn xem công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, coi tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội và đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với tôn giáo, quan tâm đến các hoạt động và sự phát triển của các tôn giáo. Các cấp ủy Đảng quán triệt và chỉ đạo thực hiện tốt các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân tộc, tôn giáo, nhất là Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác tôn giáo. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành đề án “Nâng cao công tác quản lý nhà nước về tôn giáo tín ngưỡng trong tình hình mới”, Ban Dân vận các cấp là đơn vị tham mưu cho cấp ủy ban hành các chỉ thị, kết luận về nâng cao hiệu quả công tác tôn giáo trong tình hình mới, chú trọng công tác phối hợp giữa các cơ quan để xây dựng các mô hình “dân vận khéo” trên các lĩnh vực, chú trọng công tác phối hợp giữa các tổ chức, đặc biệt quan tâm phát huy tốt công tác dân vận ở vùng đồng bào có đạo góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào tôn giáo.
Chính quyền các cấp đã kịp thời cụ thể hóa, thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng về công tác tôn giáo; rà soát, bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách tôn giáo, hỗ trợ nguồn vốn phát triển sản xuất góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho đồng bào có đạo. Các cơ quan chính quyền đặc biệt công tác thuyên chuyển, bổ nhiệm chức sắc, chức việc, tổ chức lễ nghi, hoạt động tôn giáo, thành lập tổ chức tôn giáo, nhu cầu đất xây dựng cơ sở tôn giáo. Lực lượng Biên phòng, quân đội, công an luôn nắm chắc tình hình và vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; tập trung hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng nhà ở, chỉnh trang vườn hộ, phối hợp giúp bà con gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội là lực lượng nòng cốt tuyên truyền, vận động Nhân dân ở vùng đồng bào tôn giáo giữ gìn phát huy các giá trị văn hóa văn hóa đạo đức tích cực; xây dựng, phát huy vai trò cốt cán, người có uy tín trong đồng bào, tôn giáo; phát động các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng làng, xã văn hóa; tạo sinh kế, hỗ trợ nguồn lực để đồng bào có đạo chủ động sản xuất, phát triển kinh doanh.
Đại diện Ban Dân vận Tỉnh ủy Hà Tĩnh thăm, chúc mừng Linh mục Thân Văn Hùng, Quản xứ Thọ Ninh nhân dịp Lễ Giáng sinh 2021
Công tác dân vận của hệ thống chính trị ở Hà Tĩnh thời gian qua đã phát huy các giá trị tích cực của các tôn giáo, đồng thời góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào tôn giáo. Các tôn giáo ngày một phát triển cả về số lượng chức sắc, tín đồ và hệ thống cơ sở thờ tự, đất đai tôn giáo. So với năm 2003, Công giáo tăng 25 xứ, 25 họ đạo, 11 cơ sở dòng tu, 58 cơ sở thờ tự, tăng 48 chức sắc; diện tích đất sử dụng của các cơ sở tăng 34,9% so với năm 2004. Về Phật giáo, tăng khoảng 18.740 phật tử, 54 chức sắc, 80 ngôi chùa, diện tích đất sử dụng của các cơ sở Phật giáo tăng 29,5% so với năm 2004.
Thời gian qua, chức sắc, đồng bào các tôn giáo Hà Tĩnh luôn kề vai sát cánh cùng Đảng bộ, chính quyền, góp phần cùng với nhân dân toàn tỉnh xây dựng và bảo vệ quê hương. Đại đa số chức sắc, nhà tu hành, chức việc, đồng bào các tôn giáo ở Hà Tĩnh tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước, phấn khởi trước những thành quả đổi mới của tỉnh nhà, sống “Tốt đời, đẹp đạo”. Chức sắc và tín đồ tôn giáo tích cực thực hiện tốt các phong trào như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư, “Xây dựng xứ, họ tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”, xây dựng nếp sống mới trong việc cưới, tang và lễ hội, xây dựng và thực hiện các quy ước, hương ước của thôn xóm, khu dân cư; tích cực cùng cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện thành công các nhiệm vụ: giải phóng mặt bằng, di dời tái định cư để triển khai các công trình, dự án trọng điểm; công tác khắc phục sự cố môi trường biển; công tác sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, thôn và gần đây là xây nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão, lũ và làm nhà ở kiên cố cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai có khó khăn về nhà ở; gây quỹ hỗ trợ học sinh nghèo học giỏi… Đặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Hà Tĩnh được xem là điểm sáng trong toàn quốc, được Chính phủ thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Có được kết quả đó là nhờ đóng góp vô cùng quan trọng của các tín đồ và chức sắc tôn giáo. Các mô hình hình dân vận khéo “Phụ nữ vùng giáo sống tốt đời đẹp đạo”, “tiếng kẻng an ninh”, “xứ đạo an toàn, gia đình hòa thuận” được thực hiện có hiệu quả góp phần những làng quê vùng giáo bình yên, đảm bảo an ninh, trật tự. Nổi bật là các thôn giáo Bình Yên (xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc), thôn Long Châu (xã Kỳ Châu, huyện Kỳ Anh), thôn Hoa Sơn (xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh)… như là những miền quê đáng sống, ở đó lương giáo đoàn kết một lòng, môi trường sạch đẹp, hệ thống chính trị vững mạnh. Nhiều tín đồ Công giáo, Phật tử là điển hình “Dân vận khéo” đã tự nguyện đóng góp hàng trăm triệu đồng và hàng nghìn ngày công, hiến đất, hiến nguyên vật liệu làm đường giao thông nông thôn, xây dựng trường học, khu vui chơi, sinh hoạt văn hóa, thể thao.
Đến nay, toàn tỉnh có 4.225 hộ gia đình giáo dân có mức thu nhập từ 60 - 150 triệu đồng/năm/hộ; 122/131 xã có giáo dân đã về đích nông thôn mới; có hơn 267 thôn, tổ dân phố có đông đồng bào Công giáo sinh sống và đạt danh hiệu “Làng văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”, “tổ dân phố văn hóa”. Các hoạt động từ thiện xã hội được đông đảo chức sắc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo tích cực thực hiện dưới nhiều hình thức như: tặng học bổng, khám chữa bệnh, hỗ trợ thiên tai, hiến máu, giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn; trong năm 2021, 2022 chức sắc và đồng bào tôn giáo đã tham gia ủng hộ hơn 2.577 triệu đồng vào công tác phòng, chống Covid - 19 của tỉnh nhà.
Để tiếp tục phát huy phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tích cực của các tôn giáo, thời gian tới, cấp ủy chính quyền các cấp tỉnh Hà Tĩnh cần tiếp tục thực hiện các quan điểm về tôn giáo và Công tác tôn giáo theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, đó là coi giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo là nguồn lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng thời thực hiện các giải pháp trọng tâm như: tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo trong toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân và chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo; thực hiện tốt công tác vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”.
Bên cạnh đó nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động đấu tranh với các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các đối tượng lợi dụng tôn giáo kích động nhân dân gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chống phá Đảng, Nhà nước. Các cơ quan nhà nước quan tâm, giải quyết thực hiện tốt các chính sách về dân tộc, tôn giáo; tăng cường nắm bắt tâm tư của đồng bào tôn giáo và đáp ứng kịp thời các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của các cơ sở tôn giáo; đảm bảo an ninh trật tự, kiên quyết xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội tiếp tục làm tốt vai trò nòng cốt trong vận động các tôn giáo, tiếp tục thực hiện đường hướng hành đạo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc; xây dựng hệ thống cốt cán trong tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc để tăng cường sự gắn kết, từ đó đồng hành thực hiện các phong trào thi đua yêu nước./
Chu Thanh Hoài
Ban Dân vận Tỉnh ủy Hà Tĩnh