Nghi lễ và cách đặt tên cho con của người Chăm Islam
Ngày đăng: 17/10/2022
Nghi lễ đặt tên cho con của người Chăm islam
Lễ đặt tên cho con của người Chăm Islam là một trong những nghi lễ quan trọng, được đồng bào lưu truyền và gìn giữ. Đây là nghi thức đánh dấu sự gia nhập tôn giáo đối với một thành viên mới trong cộng đồng.

Khi đứa trẻ người Chăm Islam vừa sinh ra được 7 hoặc 14 ngày cha mẹ của đứa bé sẽ làm lễ cha kak buk (cắt tóc và đặt tên) cho con, đây là một nghi lễ đặc biệt của người Chăm Islam được lưu truyền và gìn giữ qua nhiều năm.

Trước khi đặt tên cho con, người Chăm Islam luôn có sự lựa chọn các tiêu chí đưa ra, theo giới tính của trẻ, hoàn cảnh gia đình, cũng như dòng họ và ước vọng của cha mẹ. Bởi vì nghi lễ đặt tên cho một đứa trẻ vừa chào đời, không chỉ là một nghi thức đánh dấu bước chuyển tiếp của đứa trẻ đó, mà còn là sự gia nhập tôn giáo của một thành viên mới trong cộng đồng người Chăm Islam, với tên mới được đặt theo tiếng Arab và được xác nhận như một tín đồ Hồi giáo.

Tùy vào hoàn cảnh gia đình mà nghi lễ này được tiến hành sớm hay muộn, nhưng không quá 3 tuổi. Lễ vật có thể là gà, bò, dê, cừu. Theo quan niệm của đồng bào Chăm Islam, thường lễ là 1 con gà, bò, nếu chủ gia chọn lễ vật là dê, cừu thì phải 2 con đối với bé trai, 1 con đối với bé gái. Lý giải về điều này, là do 1 con bò sẽ có 7 phần, còn dê, cừu chỉ có 3 phần. Sau này, nếu đứa trẻ muốn đổi tên khác sẽ phải sửa soạn lễ vật tương đương một con bò để đãi khách.

Một số món ăn đặc biệt của người Chăm Islam trong buổi lễ để mời các vị khách đến trong buổi lễ là cà ri, súp…, các loại bánh như Ha paykarah (bánh 3 lỗ), Hachok (bánh gế), Hapùm (bánh bông lan), Hati (bánh ga ti), Cram (bánh kẹo đường)…

Khi đứa trẻ được sinh ra, cha mẹ sẽ chọn ngày để tiến hành nghi lễ cắt tóc và đặt tên cho con mình. Thời gian thường từ 9 giờ hoặc 13 giờ trưa tùy theo chủ nhà lựa chọn. Gia chủ sẽ mời những vị Giáo cả (Hakim), chức sắc, chức việc trong làng và dòng họ, xóm làng đến tham dự và chứng kiến lễ cắt tóc và đặt tên cho con của mình. Các vị khách mời khi đến sẽ tặng cho đứa trẻ những món quà nhỏ như áo quần, tiền lì xì, xà phòng,…

Đứa trẻ được bà thay quần áo mới trước khi tiến hành Nghi lễ đặt tên

Đứa trẻ được thay quần áo mới. Người bà trong gia đình chuẩn bị khăn, dầu thơm và cây kéo để trên một chiếc mâm nhỏ để thực hiện nghi lễ. Tại buổi lễ, người trong gia đình bồng đứa trẻ ra và đi lại trước các ông Hakim, Tuôn và Imâm, rồi đến các vị bô lão để những người này ban phúc lành bằng cách đọc vào tai đứa bé những câu kinh rồi nhúng lông gà vào lọ nước thánh quệt lên trán. Tiếp theo, Ông Hakim hoặc các vị bô lão sẽ đọc kinh rồi dùng kéo cắt một lọn tóc nhỏ trên đầu đứa trẻ, thoa chút dầu thơm và tiến hành đặt tên cho con. 

Mọi người cầu phúc cho đứa trẻ bình an mà may mắn

Người Chăm Islam có ba cách đặt tên cho con: đặt tên thánh, đặt tên trí thức và đặt tên thường. Tên thánh là tên mà khi chết người thân, bạn bè người quá cố sẽ gọi để nhắn nhủ vong hồn. Họ còn tin rằng khi đến “ngày tận thế”, “ngày phán xét cuối cùng” họ sẽ được gọi dậy bằng chính tên thánh đó. Nếu ai không có tên thánh thì xem như vĩnh viễn không được Đấng Allah gọi đến.

Tên tri thức là tên được đặt theo tên các vị thánh, con trai được đặt tên của 25 vị sứ giả, nhà tiên tri (Rasul/Nabi). Con gái được đặt tên theo tên của những người phụ nữ có quan hệ thân thích với các vị sứ giả, nhà tiên tri như mẹ, vợ, con gái của họ. Đối với bé trai thì có chữ nối là “bin”, bé gái có chữ nối là “binti”.

Ngoài ra người Chăm Islam còn đặt tên theo các ngày trong tuần (tên thường) tùy theo giới tính trai hay gái. Ứng với mỗi ngày trong tuần và theo giới tính là năm hay nữ sẽ có một tên để gọi. Có nghĩa là đứa trẻ sinh vào ngày nào, họ sẽ lấy ngày đó để đặt tên. Ví dụ sinh vào ngày thứ 2 sẽ đặt tên là Sôm, thứ năm đặt Chịp, thứ bảy đặt là Chơi…

Thông thường lễ cắt tóc và đặt tên cho trẻ sơ sinh khi được 7 ngày tuổi, tuy nhiên tùy theo hoàn cảnh gia đình họ có thể tổ chức sớm hơn hoặc muộn hơn. Đối với những gia đình nghèo, không đủ tiền để giết bò, dê hoặc gà cúng tế và đãi khách, người ta có thể không làm lễ này. Đến khi đứa trẻ 15 tuổi (đánh dấu sự trưởng thành theo quan niệm của người Chăm Islam) người ta mới làm lễ cắt tóc và đặt tên. Lúc bấy giờ, nghi thức không giống như lễ đặt tên cho trẻ sơ sinh, mà giống như một bữa tiệc để đứa bé tuyên bố về sự hiện hữu của mình.

Đối với đồng bào Chăm Islam, nghi lễ cắt tóc đặt tên không chỉ có ý nghĩa về mặt tôn giáo, mà còn tượng trưng cho sự gắn kết tình cảm của cộng đồng, là cách mà cộng đồng “kết nạp” một thành viên mới, bảo vệ, che chở và song hành với đứa trẻ cho tới khi trưởng thành./.

 

Nguyễn Ngân