Tìm hiểu tín ngưỡng dân gian trong lễ hội cổ truyền ở Việt Nam
Ngày đăng: 23/12/2024
Lễ hội Đền Hùng với nhiều nghi lễ và hoạt động phong phú
Tín ngưỡng dân gian đóng vai trò quan trọng trong các lễ hội cổ truyền của Việt Nam, thể hiện bản sắc văn hóa, tâm linh và lòng tôn kính đối với các thế lực siêu nhiên, Tổ tiên, thần thánh. Bài viết tìm hiểu một số đặc điểm nổi bật về tín ngưỡng dân gian trong các lễ hội cổ truyền của người Việt, đặc biệt, lễ hội liên quan đến tín ngưỡng dân gian như: tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng vạn vật hữu linh, tín ngưỡng thờ Thành hoàng, tín ngưỡng thờ Tổ tiên, tín ngưỡng thờ Mẫu...

Lễ hội nói chung, đặc biệt các lễ hội cổ truyền, đều xuất phát từ nhu cầu tín ngưỡng của Nhân dân, thường diễn ra như một cơ hội để con người thể hiện tấm lòng sùng kính của mình với đức tin mà mình đã chọn. Nói một cách khác, tín ngưỡng và lễ hội có một mối quan hệ mật thiết với nhau. Sự thăng trầm của lễ hội và tín ngưỡng dân gian trong vài thập niên qua đã chứng tỏ sức sống bền bỉ và sự hợp lý của nó trong ký ức cộng đồng, không dễ gì làm cho phai mờ. Ở Việt Nam có khoảng trên 9000 lễ hội. Lễ hội là một giá trị văn hóa phi vật thể trong di sản văn hóa của các dân tộc cần được bảo tồn và phát huy cái hay cái đẹp, giá trị tinh thần của lễ hội.

1. Lễ hội cổ truyền ở Việt Nam

Hiện nay, ở Việt Nam tồn tại nhiều loại hình lễ hội khác nhau. Bên cạnh các lễ hội cổ truyền còn có các lễ hội mới gắn liền với sự kiện lịch sử hiện đại hoặc cách mạng, và các lễ hội sự kiện được tổ chức để quảng bá du lịch hay kỷ niệm các cột mốc thành lập của các địa phương như tỉnh, thành phố, huyện. Lễ hội phân bố rộng khắp trên mọi vùng miền, từ nông thôn đến đô thị, từ đồng bằng đến miền núi, với lịch sử phát triển lâu đời. Lễ hội truyền thống có thể được phân loại theo nhiều tiêu chí. Về thời gian, lễ hội thường diễn ra theo các mùa trong năm, với mùa Xuân và mùa Thu là hai thời điểm quan trọng nhất. Về phạm vi tổ chức, lễ hội được chia thành lễ hội làng, lễ hội vùng, và lễ hội quốc gia. Còn theo tính chất, lễ hội có thể được phân thành các nhóm như lễ hội nghề nghiệp (nông nghiệp, ngư nghiệp, thương nghiệp), lễ hội tôn vinh Anh hùng dân tộc hoặc những người có công với đất nước, và lễ hội liên quan đến các tôn giáo, tín ngưỡng như Phật giáo, Ki-tô giáo hay tín ngưỡng dân gian. So với các loại lễ hội khác, lễ hội truyền thống có ba đặc trưng cơ bản làm nên sắc thái văn hóa riêng biệt, cách thức tổ chức độc đáo và tạo nên thái độ, tình cảm khác biệt của những người tham gia.

Thứ nhất, lễ hội cổ truyền gắn liền với đời sống tâm linh, tôn giáo và tín ngưỡng, mang tính thiêng liêng đặc trưng. Đây là không gian thuộc về thế giới thần linh, đối lập với đời sống trần tục thường ngày. Dù trong lễ hội có nhiều hoạt động, trò chơi, hay nghi thức nhìn bề ngoài mang tính trần tục, như các trò diễn phồn thực, giải trí hoặc thi tài, nhưng bản chất chúng vẫn thuộc về thế giới thiêng nhờ sự kết nối với phong tục và tín ngưỡng, như tục tôn sùng sinh thực khí trong hội Trò Trám (Phú Thọ).

Thứ hai, lễ hội cổ truyền là một hiện tượng văn hóa dân gian tổng hợp và phức hợp, bao trùm nhiều khía cạnh của đời sống xã hội. Nó bao gồm từ sinh hoạt tín ngưỡng, nghi lễ, phong tục, giao tiếp cộng đồng, đến các hoạt động diễn xướng dân gian như hát, múa, trò chơi, sân khấu, cùng các cuộc thi tài, vui chơi giải trí, ẩm thực và mua bán. Tính đa dạng và nguyên hợp của lễ hội cổ truyền khiến nó trở thành loại hình sinh hoạt văn hóa độc đáo, không một hình thức văn hóa truyền thống nào khác có thể sánh kịp.

Thứ ba, chủ thể của lễ hội truyền thống là cộng đồng. Cộng đồng này có thể là cộng đồng làng xã, cộng đồng nghề nghiệp, cộng đồng tôn giáo, tín ngưỡng, hoặc cộng đồng thị dân, và lớn nhất là cộng đồng quốc gia dân tộc. Mỗi lễ hội đều gắn bó với một cộng đồng nhất định và chính cộng đồng ấy là chủ thể sáng tạo, tổ chức, tham gia và thụ hưởng các giá trị văn hóa mà lễ hội mang lại.

2. Lễ hội tín ngưỡng dân gian Việt Nam

Tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên: thờ cúng Tổ tiên gia tộc, dòng họ là một tín ngưỡng cơ bản và phổ biến của người Việt ở mọi vùng văn hóa. Không phải dân tộc nào cũng có tín ngưỡng thờ Tổ tiên. Mỗi dân tộc lại có sắc thái khác nhau trong tín ngưỡng này. Tín ngưỡng vòng đời người là tín ngưỡng và nghi lễ liên quan tới sự sinh nở, thờ cúng ông tơ bà nguyệt, thờ bản mệnh, lễ tang ma và thờ cúng người chết... Tín ngưỡng nghề nghiệp là tín ngưỡng nông nghiệp, tín ngưỡng thờ tổ nghề, thờ thần Tài, thờ Cá ông. Tín ngưỡng thờ thần là thờ Thành hoàng làng, thờ Mẫu, thờ các Anh hùng dân tộc, thờ Thổ thần (Thổ công), Sơn thần, Thủy thần (hà bá, long vương). Những hình thức tín ngưỡng này, không phải hình thức tín ngưỡng nào cũng có lễ hội. Một số tín ngưỡng chỉ có nghi lễ mà không có lễ hội, nhưng hầu hết các lễ hội dân gian cổ truyền đều có phần liên quan mật thiết với tín ngưỡng, biểu hiện mối quan hệ sinh động và cụ thể giữa lễ hội và tín ngưỡng. Lễ hội là một hiện tượng văn hóa sinh động, tín ngưỡng có khả năng lan tỏa và tạo nên linh hồn của lễ hội như lễ hội tín ngưỡng nông nghiệp và một số lễ hội tín ngưỡng phồn thực; lễ hội tín ngưỡng thờ Chử Đồng Tử; lễ hội tín ngưỡng thờ Mẫu; lễ hội tín ngưỡng thờ Thành hoàng; lễ hội tín ngưỡng thờ Anh hùng dân tộc. Một số lễ hội tín ngưỡng dân gian của một số dân tộc thiểu số còn lưu giữ những dấu ấn của sự phát sinh và hình thành tín ngưỡng như với tín ngưỡng đa thần thể hiện khát vọng của con người thuở ban sơ, chủ yếu là khát vọng chinh phục thiên nhiên và những lực lượng siêu nhiên, Yang và vạn vật hữu linh, các nghi lễ hiến sinh đã thể hiện những quan niệm về vũ trụ còn nhiều nét thần bí...

Lễ hội cầu Ngư tại xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa

Tín ngưỡng thờ thần linh và tự nhiên gồm: thần Đất, thần Nước, thần Rừng. Do nông nghiệp là nền tảng của xã hội Việt Nam cổ truyền nên các lễ hội thường gắn với việc tôn thờ các vị thần tự nhiên để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Ví dụ như: lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ) thờ Quốc Tổ Hùng Vương, thể hiện lòng tôn kính đối với Tổ tiên; lễ hội Cầu Ngư (miền Trung) tôn vinh thần Biển, cầu mong sóng yên biển lặng, ngư dân đánh bắt thuận lợi. Các nghi lễ thường đi kèm với múa hát, rước kiệu, dâng lễ vật nhằm tạo sự kết nối giữa con người và các thế lực siêu nhiên.

Tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên là nét văn hóa nổi bật trong đời sống tâm linh người Việt. Trong các lễ hội, các gia đình, dòng họ thường tổ chức lễ cúng Tổ tiên, tưởng nhớ công lao của những người đi trước như: lễ giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ là ngày lễ quốc gia mà còn là biểu tượng đoàn kết dân tộc.

Tín ngưỡng Phật giáo và Đạo giáo, có nhiều lễ hội như: lễ hội Chùa Hương (Hà Nội) cầu phúc, cầu bình an, hướng tới sự thanh tịnh trong tâm hồn; lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh) hành hương về cội nguồn Phật giáo Việt Nam. Các nghi thức bao gồm dâng hương, tụng kinh, cầu nguyện và các hoạt động thiện nguyện.

Tín ngưỡng thờ các Anh hùng dân tộc là lễ hội thờ các anh hùng dân tộc, những người có công bảo vệ và xây dựng đất nước, như: lễ hội Gióng (Hà Nội) tôn vinh Thánh Gióng, biểu tượng của tinh thần yêu nước; lễ hội Đền Trần (Nam Định) tưởng nhớ công lao của nhà Trần trong sự nghiệp bảo vệ đất nước.

2. Tín ngưỡng dân gian trong lễ hội truyền thống

Tín ngưỡng là biểu hiện của đức tin, niềm tin của con người và cộng đồng vào những điều thiêng liêng, cao cả, hoặc đáng sùng kính, gắn với thế giới nhân sinh hoặc siêu nhiên, tương ứng với một trình độ phát triển xã hội và nhận thức nhất định. Mặc dù, có sự khác biệt về hình thức và mức độ tổ chức, tín ngưỡng và tôn giáo lại có mối liên hệ chặt chẽ. Điểm khác biệt này không chỉ làm nổi bật sự phân biệt giữa hai khái niệm, mà còn xác định bản chất dân gian độc đáo của tín ngưỡng. Về bản chất, khi tín ngưỡng chưa phát triển thành tôn giáo sơ khai hoặc tôn giáo dân gian, nó chính là tín ngưỡng dân gian. Mikhail Bakhtin, nhà văn hóa học nổi tiếng người Nga, đã đưa ra một quan điểm nguyên lý về lễ hội, khẳng định rằng: “Hội hè (mọi kiểu) là một hình thái nguyên sinh quan trọng của văn hóa nhân loại”. Ông cho rằng, nguồn gốc của lễ hội không thể chỉ đơn giản được lý giải bằng các điều kiện thực tiễn, mục tiêu lao động xã hội hay nhu cầu nghỉ ngơi định kỳ. Thay vào đó, lễ hội luôn chứa đựng một nội dung ý nghĩa sâu sắc, phản ánh thế giới quan và lý tưởng nhân sinh. Theo ông, không có bất kỳ khâu nào trong quá trình lao động xã hội tự thân trở thành hội hè. Nói cách khác, lễ hội không chỉ bắt nguồn từ lao động hay các phương tiện vật chất, mà quan trọng hơn, từ những lý tưởng sống và mục tiêu cao nhất của sự tồn tại con người, bao gồm tinh thần, tư tưởng, và triết lý sống.

Trong hoạt động lễ hội gắn chặt với hệ thống quan niệm về thời gian, bao gồm thời gian vũ trụ, thời gian sinh học, thời gian lịch sử, và thời gian tâm lý (hay thời gian tâm linh). Lễ hội thường được tổ chức tại những thời điểm mang tính bước ngoặt, đánh dấu sự kiện trọng đại trong tự nhiên, lịch sử, xã hội, hoặc đời sống con người, chẳng hạn như ngày sinh hoặc ngày mất của một vị thánh, anh hùng, vỹ nhân, hay các dịp liên quan đến tái lập mùa màng, nghề nghiệp. Ở Việt Nam, lễ hội tập trung cao độ vào mùa Xuân, đặc biệt là tháng Giêng Âm lịch tại các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, với mật độ lớn vào các ngày mùng Bốn, mùng Sáu, mùng Tám. Tại Tây Nguyên, lễ hội thường diễn ra vào tháng Ba, tạo nên cảm quan đặc biệt về tính thiêng liêng và triết lý trong các dịp này. Tính văn hóa tín ngưỡng của lễ hội thể hiện qua mối quan hệ khăng khít giữa tín ngưỡng và lễ hội, cũng như sự giao thoa giữa văn hóa tâm linh và văn hóa giao tiếp cộng đồng. Hai hình thái văn hóa này không ngừng tương tác, bổ sung và tác động qua lại, làm nổi bật giá trị văn hóa tổng thể của các lễ hội dân gian.

Các yếu tố tín ngưỡng đóng vai trò là hạt nhân tinh thần, tư tưởng và tâm lý, tạo nền tảng cho các hoạt động lễ hội, đồng thời kết hợp với các giá trị văn hóa để cùng nhau phát triển và thăng hoa. Trong lễ hội, mối quan hệ giữa phần lễ và phần hội thực chất chính là sự gắn kết giữa yếu tố tín ngưỡng và yếu tố văn hóa. Phần tín ngưỡng mang đến tính thiêng liêng và sự thanh lọc tâm hồn, giúp mọi người tham gia cảm nhận được sự trang nghiêm và ý nghĩa sâu sắc của lễ hội. Ngược lại, các yếu tố văn hóa và nghệ thuật dân gian lại thổi sức sống đời thường vào hoạt động tín ngưỡng giúp chúng trở nên gần gũi hơn với con người. Chính sự kết hợp này làm giảm đi khoảng cách giữa các tầng lớp xã hội, khơi dậy trong mỗi cá nhân sự tự tin, tinh thần tự nguyện, và làm mềm mại những quy tắc cứng nhắc của giáo lý hay những nghi thức tín ngưỡng phức tạp. Nhờ sự hòa quyện ấy, trong một lễ hội, cả tín ngưỡng và văn hóa không chỉ tồn tại song song mà còn hỗ trợ và nuôi dưỡng lẫn nhau, tạo nên một hình thái lễ hội đặc sắc, vừa giàu ý nghĩa tâm linh vừa sống động, gắn kết cộng đồng.

Mối quan hệ giữa lễ hội và tín ngưỡng phản ánh sự gắn kết chặt chẽ giữa nguyên nhân và hiện tượng, nội dung và hình thức, cũng như giữa các chuẩn mực, giá trị và biểu tượng. Đây đồng thời là mối liên hệ giữa tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Lý “Kèm theo các tín ngưỡng thờ Tổ tiên, thờ Thành hoàng, đạo Mẫu, tín ngưỡng nông nghiệp,... là các lễ hội dân gian. Đó là những sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang đậm tính chất tín ngưỡng của người Việt qua các thời đại”. Các lễ hội cổ truyền với quy mô lớn cho thấy ngày nay đều có cội nguồn từ quan niệm vạn vật hữu linh. Ban đầu, chúng chỉ là những nghi lễ đơn sơ, tập hợp một cộng đồng nhỏ trong phạm vi cư trú hạn chế hoặc chung một mong muốn, thỉnh cầu sự che chở của các lực lượng siêu nhiên với những mục đích cụ thể như cầu mưa thuận gió hòa hay tránh dịch bệnh. Theo thời gian, những nghi lễ này mở rộng về quy mô, thu hút ngày càng đông đảo người tham dự và được bồi đắp thêm nhiều tầng lớp ý nghĩa văn hóa mới. Bên cạnh các yếu tố tín ngưỡng dân gian, lễ hội còn chịu ảnh hưởng từ các tôn giáo ngoại nhập như Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo. Chính vì vậy, lễ hội không chỉ là một nghi thức tín ngưỡng mà còn trở thành hoạt động tín ngưỡng mang tính tổng hợp nhất, phản ánh bản sắc văn hóa đặc trưng của làng xã Việt Nam.

Trong lễ hội, con người trải nghiệm mối quan hệ gần gũi và sự giao tiếp phóng khoáng, đồng thời, tái hòa nhập vào cộng đồng như một sự tái sinh tinh thần. Những mối quan hệ tưởng chừng đã quen thuộc bỗng được làm mới trong không khí hội hè, giúp xóa tan sự xa cách, lạnh lùng và sự nhàm chán của đời sống thường nhật. Nhờ đó, các cung bậc tình cảm, từ tình làng nghĩa xóm, tình đồng bào, tình thân tộc đến tình bạn bè, đều được tô điểm thêm sắc thái mới. Lễ hội tạo cơ hội để mỗi người cảm nhận sự trở về với bản ngã của mình, trở thành một phần ý nghĩa của cộng đồng. Lễ hội không chỉ là sự kiện, mà còn là biểu hiện sống động của chính đời sống con người. Vì thế, người ta thường nói “đi xem hát” nhưng lại nói “đi dự hội,” bởi khi tham gia lễ hội, mọi người không chỉ chứng kiến mà còn sống trong bầu không khí lễ hội. Tại đây, con người cảm nhận sự đổi mới và tái sinh của thiên nhiên, mùa vụ, cuộc sống, các mối quan hệ xã hội và của chính bản thân mình. Trong không gian ấy, con người được sống theo quy luật tự do, như trong các hội chen, tục bắt trạch trong chum hay tục triệt đăng, nơi những hoạt động phồn thực được diễn ra tự nhiên và không bị ràng buộc. Ý nghĩa sâu sắc của lễ hội không chỉ nằm ở cảm quan về thời gian mà còn ở sự biến đổi của không gian. Không gian lễ hội là sự chuyển hóa từ không gian thường ngày thành không gian văn hóa đặc biệt. Những hình ảnh quen thuộc như mái đình, cây đa, con đường làng hay thửa ruộng, trong ngày hội bỗng trở nên mới lạ, tràn đầy sức sống, thiêng liêng và cao cả. Ngay cả những địa điểm bình dị như gò đất, gốc cây hay bãi cỏ cũng dường như được khoác lên một linh hồn, trở thành một phần của các tích trò, lễ rước và diễn trình văn hóa đặc sắc. Trong không gian ấy, mọi vật như đang kể chuyện, cùng tham gia vào cuộc hành trình tái hiện bản sắc văn hóa và tâm linh của cộng đồng.

Khi làng mở hội, người tham dự được đắm mình trong một không gian văn hóa vừa thân thuộc, vừa mới lạ. Sự kết hợp hài hòa này mang lại cho họ những cảm xúc mới mẻ, giúp tái tạo sự cân bằng về tâm lý và sinh thái, đồng thời góp phần hoàn thiện hơn các phẩm chất tốt đẹp của con người. Đối với những khách hành hương từ nơi xa đến, lễ hội còn là cơ hội để họ khám phá một vùng văn hóa mới, thay đổi không gian văn hóa và trải nghiệm sự giao lưu văn hóa đặc sắc. Lễ hội không chỉ là dịp để con người truyền tải tình cảm, đạo lý và khát vọng, mà còn là cơ hội để kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Qua đó, lễ hội củng cố sức mạnh cộng đồng, khơi dậy niềm tự hào văn hóa, và là cách con người bày tỏ lòng tôn kính đối với tạo hóa cũng như tổ tiên và cội nguồn của mình.

Không gian lễ hội mang tính thiêng liêng và cao cả, thường được tổ chức tại những địa điểm có các công trình kiến trúc nghệ thuật như đình, chùa, đền, miếu, phủ, điện, bia, tượng, lăng hay tháp. Những công trình này không chỉ là các di sản văn hóa vật thể trường tồn qua thời gian, mà còn là nơi lưu giữ những huyền thoại, truyền thuyết và cổ tích về các vị tiên, thần thánh, Đức Phật cả thiên thần lẫn nhân thần. Đây là những nhân vật đã có công lao trong việc khai phá đất đai, xây dựng đất nước, chống giặc ngoại xâm, phát triển nghề nghiệp, hay để lại những giá trị đạo đức và trí tuệ lớn lao. Lễ hội chính là dịp làm sống lại những câu chuyện huyền thoại, truyền thuyết và cổ tích ấy, khiến các nhân vật lịch sử và thần thoại dường như bước ra từ quá khứ để bất tử hóa và hòa mình vào cùng lễ hội của hiện tại. Đồng thời, các hoạt động lễ hội luôn hướng về những đối tượng thiêng liêng và cao cả, được nhân dân kính ngưỡng và thờ phụng, nhằm tôn vinh các chuẩn mực, giá trị và biểu tượng văn hóa. Với sự gắn kết chặt chẽ cùng tín ngưỡng dân gian, lễ hội cổ truyền không chỉ là hoạt động văn hóa cộng đồng mà còn mang đậm bản sắc tín ngưỡng, có thể gọi đó là “lễ hội tín ngưỡng dân gian”.

Lễ hội tín ngưỡng dân gian trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng nhằm thỏa mãn một nhu cầu về văn hóa tâm linh của dân ta. Bởi vì nó biểu hiện đậm đặc bản chất và đặc trưng văn hóa tín ngưỡng, tích hợp nhiều hình thức và trình độ tín ngưỡng dân gian, tạo nên sự đa dạng và phong phú về màu sắc của lễ hội. Trong đời sống văn hóa hằng năm, thời gian lễ hội là thời gian quan trọng và có nhiều ý nghĩa nhất. Người tham dự lễ hội, bởi vậy, luôn cảm thấy thanh thản với những điều mong ước tốt lành, giãi bày tâm niệm của mình mong sao cho đất nước bình yên, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình an khang, thịnh vượng. Ứng xử của người đi dự lễ hội chứa đựng trong nó cả bốn hình thức ứng xử vốn có: ứng xử với tự nhiên, ứng xử với cộng đồng, ứng xử với chính mình và ứng xử với đấng thiêng liêng. Có thể nói ứng xử của con người trong lễ hội là ứng xử văn hóa nguyên sinh. Đó cũng chính là triết lý, hàm nghĩa sâu xa nhất của lễ hội. Do vậy, có thể nhận thấy thêm giá trị của lễ hội dân gian không chỉ ở sự phản ánh văn hóa dân tộc mà còn ở sự đóng góp của nó vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị tín ngưỡng và văn hóa dân tộc. Đặc trưng của sự phản ánh đó là tính biểu tượng. Biểu tượng của lễ hội được biểu đạt qua những nghi cụ, nghi lễ, trò diễn, trò chơi, các cuộc rước, các biểu trưng, phong tục, phục trang, giả trang và cả phần nghệ thuật dân gian. Các biểu tượng của lễ hội biểu thị sự kết hợp và tích hợp các hình thái chuẩn mực và giá trị, những thành tố của văn hóa dân tộc. Bởi vậy, trong lễ hội - tín ngưỡng dân gian hàm chứa nhiều lớp hiện tượng văn hóa, bản sắc văn hóa, giá trị nhân văn và dân chủ có thể phát huy trong sự nghiệp xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Lời kết

Tóm lại, từ bao đời nay, tín ngưỡng dân gian trong lễ hội cổ truyền ở Việt Nam giúp các thế hệ người Việt gìn giữ các giá trị truyền thống, tạo sự liên kết. Tín ngưỡng giúp con người giải tỏa những lo lắng trong cuộc sống, mang lại niềm tin vào tương lai; là dịp để mọi người sum họp, chia sẻ và gắn kết tình làng nghĩa xóm. Tín ngưỡng dân gian trong lễ hội cổ truyền Việt Nam không chỉ là sự thể hiện của niềm tin tôn giáo mà còn phản ánh bề dày văn hóa và giá trị tinh thần của dân tộc. Đây là một phần không thể thiếu trong việc gìn giữ bản sắc và truyền thống văn hóa Việt Nam và cũng là một tiềm năng lớn cho sự phát triển văn hóa nói riêng và kinh tế - xã hội của đất nước nói chung.

Minh Châu

 

Tài liệu tham khảo:

1. Ngô Đức Thịnh, Văn hóa và tín ngưỡng dân gian, Viện Văn hóa dân gian xuất bản, H.2001.

2. Đinh Gia Khánh, Trên đường tìm hiểu văn hóa dân gian, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1989.

3. Nguyễn Quang Lê, Nhận diện bản sắc văn hóa qua lễ hội truyền thống người Việt, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2011.