Tìm hiểu Tín ngưỡng thờ cá Ông ở xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre
Ngày đăng: 16/10/2018
1.Điều kiện tự nhiên, xã hội và dân cư xã An Thủy An Thủy là một trong 4 xã vùng biển của huyện Ba Tri, có vị trí rất quan trọng về kinh tế và quốc phòng an ninh của tỉnh Bến Tre. Đây là một xã được tách ra từ xã Tân Thủy, nằm ở cuối Cù Lao Bảo, tiếp giáp biển Đông, cách thị trấn Ba Tri 7 km về phía Đông Nam, phía Đông giáp biển Đông, phía Tây giáp xã An Hoà Tây, phía Nam giáp sông Hàm Luông, phía Bắc giáp xã Tân Thủy. Hiện tại xã có 5 ấp gồm: An Lợi, An Thạnh, An Thuận, An Bình, An Thới, diện tích tự nhiên là 3.063 ha (trụ sở Ủy ban nhân dân xã đặt tại ấp An Thuận). An Thủy nằm ở vị trí cửa sông Hàm Luông đổ ra ra biển. Rạch Bà Hiền tiếp giáp sông Hàm Luông chảy vào An Thuỷ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu bằng đường thủy ra biển Đông và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, còn có rạch Bãi Ngao, rạch Khém. Xã có địa hình bằng phẳng xen lẫn cồn cát, bãi bồi. Từ ngoài biển Đông vào đất liền là cồn Tròn, cồn Hố và bãi Ngao, đây là nơi sinh sống của các loài giáp sát, nghêu, sò, ốc, hến…Vào bên trong, nổi lên các cồn cát như: cồn Trâu, cồn Tô, cồn Dĩa. Kế đến là những dãy rừng ngập mặn với các loài cây như cây bần, cây đước, cây mấm… tích tụ phù sa, lấn biển. An Thủy có 3 con giồng gọi là giồng Bà Tang (còn có tên khác là giồng Tang). Diện tích đất tự nhiên là 3.036 ha, đất nhiễm mặn chiếm 2/3 diện tích so với đất nông nghiệp. Diện tích đất nuôi tôm công nghiệp là 161,1 ha; diện tích đất trồng lúa 14 ha ở khu láng Cò (ấp An Bình), năng suất bình quân khoảng 4 tấn/ha. Diện tích đất trồng màu 288 ha, là những bãi cát ven biển. Diện tích đất làm muối 28,7 ha. Diện tích đất rừng theo quy hoạch là 339 ha (rừng phòng hộ 53 ha, rừng xung yếu 57 ha, rừng ít xung yếu 229 ha). Về dân số, An Thủy là xã có dân số đông, toàn xã có 3.515 hộ và 15.435 nhân khẩu, mật độ dân số bình quân 563 người/km2. Trong đó, dân số nông thôn chiếm 94,5% và 5,5% dân số ở chợ; dân số trong độ tuổi lao động chiếm 74,87% dân số của xã. An Thủy hiện tại là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc, trong đó người Kinh chiếm đa số khoảng 90%, còn lại khoảng 10% là người Hoa, Khơ-me. An Thủy là nơi người Việt định cư khá sớm, nguồn gốc là những người dân miền Trung bị cùng cực, điêu đứng vì tai họa chiến tranh phải rời bỏ quê hương cùng gia đình, bạn bè đi về phương Nam tìm vùng đất mới. Những lưu dân nghèo này đã dùng ghe đi theo đường biển vào cập bãi biển An Thủy rồi định cư ở đây. Buổi đầu khai phá đất đai, họ đã phải chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, thú dữ, nước mặn, rừng rậm, đầy muỗi mòng, dã thú như cọp, heo rừng, trăn rắn… rất nguy hiểm. Những cư dân đầu tiên đã đoàn kết giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, thiếu thốn, cùng chống chọi thiên nhiên, thú dữ. Ban đầu dân cư sống theo xóm, dần dần phát triển rộng ra, lập thành thôn (ấp). Bên cạnh đó, cùng sinh sống với người Việt còn có một số ít người Hoa mang kiến họ Huỳnh, họ Quách, vốn làm nghề đóng đáy, đóng xẹp rồi di tản về đây. Cư dân nơi đây đã có một quá trình đoàn kết gắn bó với nhau về dòng họ, tín ngưỡng và hợp quần thành một khối cộng đồng gắn bó trên quê hương mới An Thủy ngày nay. Cộng đồng ngư dân ven biển An Thủy có quá trình thành và phát triển gắn liền với lịch sử vùng đất này, có sự đóng góp lớn của người Hoa trong việc đánh bắt và phát triển kinh tế. Họ được xem là cộng đồng ngư dân bãi dọc, vừa đánh bắt thủy sản vừa tiến hành các hoạt động khai thác nông nghiệp khác. Cộng đồng ngư dân ven biển An Thủy được phát triển từ hình thức đánh bắt trong bờ (đáy rạo, đáy sông cầu, sáo điêu, xiệp, chài…) sang ven bờ (lưới sỉ, lưới gõ, câu kiều…) và ngày nay là xa bờ (câu mực, lưới đèn, cào…). Hoạt động đánh bắt của cộng đồng ngư dân ven biển An Thủy có ý nghĩalớn đối với việc phát triển kinh tế biển và giữ vững chủ quyền lãnh hải Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Là xã ven biển có cửa sông lớn Hàm Luông, An Thủy cũng như các xã ven biển khác của huyện Ba Tri đều có mối quan hệ giao lưu, buôn bán với bên ngoài khá sớm. Đó cũng là điều kiện để con người ở đây có thể tiếp nhận những kinh nghiệm sản xuất, tổ chức đời sống cùng những phong trào chính trị, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng từ những nơi khác. An Thủy có bờ biển dài 7km, là môi trường thích hợp để các loài thủy, hải sản phát triển. Hoạt động mưu sinh của cư dân ở đây chủ yếu là sản xuất nông nghiệp kết hợp với nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản. Với lợi thế sát biển, An Thủy có điều kiện thuận lợi, tiềm năng thế mạnh để phát triển kinh tế biển kết hợp giữa nuôi trồng và khai thác thủy sản, phát triển nghề diêm. Toàn xã có trên 161,1 ha nuôi thủy sản; có 973 tàu đánh bắt thủy sản với tổng công suất 252.579CV (trong đó có 782 tàu khai thác xa bờ); sản lượng thủy sản nuôi, đánh bắt hàng năm khoảng 63.500 tấn chiếm một nửa số diện tích nuôi thủy sản, số lượng tàu đánh bắt cá và sản lượng thủy sản, nuôi đánh bắt hàng năm của huyện Ba Tri. Bên cạnh đó, xã có khoảng 28,7 ha đất sản xuất muối với sản lượng 1.881,26 tấn muối thô. 2. Tín ngưỡng, tôn giáo ở An Thủy Sự hình thành cộng đồng dân cư ở An Thủy chi phối quá trình giao lưu văn hóa, hình thành và phát triển truyền thống văn hóa cũng như bản sắc văn hóa địa phương. Truyền thống, đặc điểm sinh thái vùng cư trú và hoàn cảnh phát triển lịch sử là những yếu tố chi phối sự vận động về đời sống tâm linh của cộng đồng cư dân. Về tín ngưỡng dân gian trên địa bàn tồn tại các hình thức tín ngưỡng như: tín ngưỡng thờ thần hoàng, tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ Cá Ông với 01 ngôi đình làng, 3 miếu bà (An Bình, Bãi Ngao, Tiệm Tôm) và 01 lăng ông Nam Hải. Về tôn giáo, có 3 tôn giáo ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của cư dân, đó là đạo Phật, Thiên Chúa và đạo Cao Đài (Ban chỉnh và Tiên thiên). Với 03 chùa (chùa Thánh Quan, chùa Bửu Sơn, chùa Tân Bửu), 01 thánh tịnh Qui Thiện, 01 thánh thất Cao Đài tại Tiệm Tôm và 01 nhà thờ Công giáo tại Bãi Ngao. Trong kháng chiến chùa Tân Bửu từng là cơ sở nuôi giấu, giúp đỡ cán bộ cách mạng. Hiện tại, An Thủy Có 638 phật tử cùng chức sắc, chức việc; 201 tín đồ, linh mục, nữ tu, chức việc...;hơn 175 tín đồ, chức sắc, 20 chức việc Cao đài... Cơ cấu tổ chức ngày càng được hoàn thiện và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của các tôn giáo ngày càng được sửa chữa khang trang với quy mô hoạt động ngày càng lớn. Trên địa bàn xã An Thủy hàng năm có ít nhất 6 lễ hội, các lễ hội gồm: lễ hội dân gian như: lễ kỳ yên, lễ cúng đình, miếu, lễ cầu ngư hay còn gọi lễ hội Nghinh Ông, lễ hội tôn giáo và các lễ hội hiện đại. Mặc dù quy mô và thời điểm diễn ra khác nhau nhưng các lễ hội có điểm tương đồng là mang đậm nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng, góp phần đa dạng hóa đời sống văn hóa tinh thần của cư dân. Nhìn chung, thời gian qua, do điều kiện kinh tế được cải thiện nên nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian trong các lễ hội được phục dựng làm phong phú giá trị văn hóa của lễ hội. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong các lễ hội và cơ sở thờ tự được quan tâm thực hiện, các lễ hội ở địa phương được tổ chức đảm bảo trang nghiêm, vui tươi, lành mạnh, văn minh, không những phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc mà còn góp phần củng cố tinh thần gắn kết cộng đồng, động viên nhân dân tích cực thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương giàu đẹp văn minh. 3.Tín ngưỡng thờ Cá Ông ở xã An Thủy Bến Tre là một trong 13 tỉnh, thành của đồng bằng Sông Cửu Long, nằm về phía hạ lưu sông Tiền, có chiều dài giáp biển đến 65 km. SáchĐịa chí Bến Trecho biết :“Qua khảo sát ở sông và ven biển tỉnh Bến Tre đã phát hiện được 120 loài cá thuộc 43 họ, nằm trong 15 bộ cá. Bộ cá vược chiếm ưu thế cả về họ (21 họ) lẫn về loài (54 loài), bộ cá trích chiếm 2 họ gồm 15 loài, bộ cá bơn có 3 loài. Riêng đối với loài cá sống ven biển thì có: Cá mòi, cá nục, cá đuối, cá gúng, cá trích, cá chim”. Sự đông đúc và đa dạng về chủng loại tôm, cá ở vùng ven biển có ý nghĩa quan trọng cho việc hình thành các nhóm đánh bắt thủy hải sản ở vùng ven biển Bến Tre. Mặt khác, Bến Tre có bờ biển khá dài và 4 con sông lớn (Cổ Chiên, Ba Lai, Hàm Luông, Cửa Đại) hướng ra biển, nên hình thành được hai cộng đồng ngư dân ven biển: An Thủy (huyện Ba Tri), Bình Thắng (huyện Bình Đại). Việc tìm hiểu văn hoá của các cộng đồng ngư dân này có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, góp phần xác định diện mạo của các cộng đồng này qua chiều dài phát triển. Tín ngưỡng thờ Cá Ông ở An Thuỷ là một trong những minh chứng cho điều ấy. Tín ngưỡng thờ Cá Ông là hình thức tín ngưỡng phổ biến của cư dân ven biển Việt Nam, đặc biệt từ miền Trung trở vào, là kết quả của quá trình giao lưu văn hóa Việt - Chăm trong quá trình Nam tiến của người Việt. Tín ngưỡng này thực chất là tín ngưỡng linh vật thể hiện sự sùng bái của con người trước biển cả trong quá trình mưu sinh, đánh bắt lênh đênh trên biển. Các sách như : Đại Nam Nhất Thống Chí của triều Nguyễn, Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, Thoái Thực Ký Văn của Trương Quốc Dụng, Vũ Trung Tùy Bút của Phạm Đình Hổ,… đều có ghi chép về Cá Ông, phần lớn cho rằng đây là loài cá hiền lành, linh thiêng hay cứu người đi buôn bán trên biển; chài lưới, mỡ cá có thể dùng để cứu người. Theo Nguyễn Duy Oanh trong Tỉnh bến Tre trong lịch sử Việt Nam đã viết về tục thờ cá Ông ở ven biển nơi đây: "Ở quận Ba Tri, dân chài lưới có lập một miếu thờ cá ông tại vùng Bãi Ngao (huyện Ba Tri). Mỗi khi ra khơi, họ thường cúng vái. Nhiều lần họ được Cá Ông giúp đỡ trong lúc biển động mạnh, ghe họ sắp chìm.Họ cầu cứu cá Ông, thì ít phút sau đó, cá Ông hiện đến.Cá Ông kề lưng đỡ thuyền họ lướt qua sóng gió hãi hùng". Trong chiều sâu tâm thức, người ngư dân đặt sự tin tưởng vào sinh vật khổng lồ vừa "hiền" vừa "thiêng" là loài cá voi và họ gọi một cách kính trọng là cá Ông, hoặc Ông, dù rằng sự cứu giúp đó mang tính huyền thoại nhiều hơn là hiện thực. Có rất nhiều danh từ để gọi cá voi với sự cung kính: Ông Nam Hải, Ông Lớn hay Ông Cậu để chỉ những cá voi to lớn, Ông Khơi để chỉ cá voi sống ngoài biển khơi, Ông Lộng để chỉ cá voi sống gần bờ. Ngoài ra còn có những cách gọi khác nhau như ông Thông, Ông Chuông, Ông Máng để thể hiện ý nghĩa tôn kính. Tuy nhiên, ở An Thủy, người dân thường gọi là Ông Nam Hải. Như nhiều nơi khác, cá chết thì gọi là Ông "lụy". Khi phát giác có Ông lụy ngoài biển, ngư dân sẽ đưa thuyền ra dìu xác cá vào bờ rồi tổ chức lễ chôn cất rất long trọng. Tín ngưỡng thờ Cá Ông ở An Thủy làtín ngưỡng của cộng đồng ngư dân ven biển, hiện tại trên địa bàn huyện có 2 lăng Ông nhưng chỉ còn tồn tại duy nhất lăng Ông ở An Thủy để tổ chức các hoạt động phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng của ngư dân nơi đây hàng năm. Lăng Ông ở An Thủy là lăng có lịch sử lâu đời nhất tiêu biểu cho tín ngưỡng thờ Cá Ông của cư dân ven biển ở Bến Tre gắn liền với quá trình lịch sử khai hoang, lập ấp và kháng chiến chống Pháp, Mĩ. Do ngư dân nơi đây hoạt động và gắn bó với nghề đánh bắt thuỷ sản xa bờ ngày nay và nghề chài lưới, đóng đáy, đánh bắt ven bờ trong quá khứ, cho nên tín ngưỡng thờ cá ông là hình thức tín ngưỡng trực tiếp liên quan đến nghề nghiệp của họ. Vì vậy, hình thức tín ngưỡng thờ Cá Ông của cộng đồng ngư dân là quan trọng và nổi bật hơn hết so với các nhóm cư dân khác. Nó thể hiện khá rõ trên khá nhiều phương diện như: giai thoại dân gian lưu truyền nhiều hơn, lễ hội lớn hơn, kiến trúc thờ tự qui mô hơn…Hiện tại ở Bến Tre, ngoài cộng đồng ngư dân ở An Thủy còn có cộng đồng ngư dân ở Bình Thắng (Bình Đại) là hai cộng đồng cư dân hình thành với tín ngưỡng thờ Cá Ông lâu đời nhất tỉnh, trong đó lăng Ông ở An Thủy (Ba Tri) được hình thành sớm nhất. 4. Đặc trưng của tín ngưỡng thờ Cá Ông ở An Thủy Tín ngưỡng thờ Cá Ông ở xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre nằm trong hệ thống tín ngưỡng dân gian, mang đậm nét đặc sắc văn hóa của Tây Nam Bộ.Tín ngưỡng thờ Cá Ông ở xã An Thủy có một số đặc trưng sau: Một là, tín ngưỡng thờ Cá Ông ở An Thủy là một tín ngưỡng đặc thù chỉ tồn tại trong đời sống ngư dân các vùng ven biển làm nghề đánh bắt hải sản. Tín ngưỡng thờ Cá Ông còn làm nảy sinh và tích hợp một số hình thức lễ hội, văn hóa nghệ thuật dân gian như: lễ hội Nghinh Ông và hát bội (ở một số nơi ở miền Trung là hát bá trạo). Do đó, văn hoá tín ngưỡng của cộng đồng này mang tính đa dạng, chứa đựng các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể, làm giàu thêm cho đời sống văn hoá của cư dân An Thủy. Hai là, tín ngưỡng thờ Cá Ông có đặc điểm cơ bản là lịch sử hóa, dân gian hóa thần bảo hộ. Đây là loại hình tín ngưỡng thờ linh vật với đối tượng thờ cúng là cá Voi hay được gọi là cá Ông. Mỗi khi nhắc đến tín ngưỡng này, trong dân gian vẫn lưu truyền nhiều truyền thuyết có tính lịch sử, thậm chí có yếu tố thần thánh, hầu hết ngư dân đều thể hiện sự tôn kính cá Ông như một vị thần hiển linh, luôn đem đến sự may mắn cho bản thân họ, cho tất cả những ai đi biển và người dân xung quanh. Tín ngưỡng này thể hiện nét văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng ngư dân ven biển An Thủy,đồng thời mang nội dung lịch sử nhất định. Nội dung lịch sử này có ý nghĩa nâng cao vai trò của thần thánh trong đời sống tinh thần của ngư dân nơi đây, phản ánh được lịch sử của vùng đất vốn bị chiến tranh tàn phá, góp phần giúp chúng ta hiểu biết hơn về tổ chức đời sống xã hội trong lịch sử của làng xã An Thủy nói riêng và Bến Tre nói chung. Ở đây, văn hóa chính là tấm gương phản chiếu của lịch sử, xã hội. Ba là, tín ngưỡng thờ Cá Ông là tín ngưỡng phổ biến, có vai trò quan trọng trong đời sống của ngư dân ven biển An Thủy, trước hết thể hiện ở góc độ tâm lý, để bù đắp sự thiếu hụt về tinh thần trong cuộc sống trần tục, cầu mong “ăn nên, làm ra”, cầu mong một mùa đánh bắt thuận lợi, bình an nơi biển cả, giải tỏa tâm lý lo sợ trước những cơn sóng to, gió lớn nơi biển cả đồng thời cũng vừa thể hiện nhu cầu giải trí, giao lưu và cố kết cộng đồng ngư dân với nhau. Bốn là, tín ngưỡng thờ Cá Ông ở An Thủy thể hiện sự dung hòa, giao thoa với những yếu tố của Đạo giáo, Phật giáo và Nho giáo. Trước tiên, sự tích hợp giữa tín ngưỡng thờ Cá Ông với những yếu tố của Đạo giáo thể hiện trong nội dung văn tế Cá Ông với sự có mặt của các thần có chức năng quản trị hằng năm ở dương gian như: hành khiển, hành binh, phán quan, quỉ vương. Theo quan niệm của Đạo giáo, tuỳ vào mỗi năm cụ thể mà có các vị thần quản trị tương ứng, chẳng hạn năm Tý thì có Châu Vương hành khiển, Thiên Ôn hành binh, Lý Tào phán quan, Thiên Tặc quỉ vương. Bên cạnh đó,sự ảnh hưởng của Đạo giáo trong tín ngưỡng này còn thể hiện ở việc Cá Ông được thiên đình phong tặng danh hiệu Nam Hải Đại Tướng quân Ngọc lân Thuỷ tướng Nam thần. Hơn nữa, yếu tố Phật giáo cũng giao hòa với tín ngưỡng thờ Cá Ông, thể hiện trong truyền thuyết câu chuyện Cá Ông là hóa thân từ chiếc áo cà sa của Quan Âm bồ tát của ngư dân miền Trung mà một số người dân đi biển ở đây và ở Nam Bộ vẫn lưu truyền. Hay đó còn là mối quan hệ có qua có lại, mang tính hai chiều, phản ánh sự gắn bó, hài hòa giữa con người với tự nhiên, phản ánh triết lý nhân quả Phật giáo “cứu người thì người cứu ta”… của ngư dân khi Cá Ông gặp nạn. Con người không chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào Cá Ông mà còn cứu giúp cá khi bị mắc cạn, bị ăn trúng sam. Cuối cùng, yếu tố Nho giáo cũng ẩn chứa trong tín ngưỡng thờ Cá Ông, thể hiện ở tục cử người để tang ba năm khi gặp cá Ông lụy. Năm là, đối tượng thờ cúng trong tín ngưỡng thờ Cá Ông ở An Thủy rất đa dạng. Trong tín ngưỡng thờ Cá Ông ở An Thủy, ta tìm thấy sự hỗn dung giữa các vị thần ở điện thờ, thể hiện tư tưởng “vạn vật hữu linh”, “đất có thổ công, sông có hà bá”, Cá Ông không chỉ một mình về chứng lễ của ngư dân mà còn có nhiều vị thần khác cũng về chứng lễ, tiêu biểu như hai vị thần phụ tá Cá Ông là Tả Lý ngư và Hữu Lý lực. Ngoài ra còn một số vị thần khác trong bài văn tế luôn được nhắc đến có liên quan đến biển cả, ngư nghiệp như Ngũ phương Long Vương, Lang Lại tướng quân, Thuỷ Long nương nương, Hà Bá Thuỷ quan,… hay các vị thần có chức năng cai quản đất đai, xứ sở mà ngư dân sinh sống, lập nghiệp như: Thành Hoàng, Thổ Công, Thổ Địa và cả các vị có công lập làng, khai cơ đã quá cố. Ngoài thần Cá Ông là thần chính được thờ cúng ở lăng Ông, người dân còn thờ thần Nông, miếu Thái giám và Bạch mã. Đây là một tập hợp vừa có nhiên thần, vừa có nhân thần, trong nhiên thần thì có cả thuỷ thần lẫn thổ thần, trong đó thuỷ thần giữ vai trò chính. 5. Kết Luận Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội đã cho thấy vị trí quan trọng của An Thủy, một xã nằm án ngữ cửa biển, có dân đông, tài lực dồi dào. Với điều kiện tự nhiên đặc thù, cả hai yếu tố nông nghiệp và ngư nghiệp cùng chi phối đời sống kinh tế, xã hội và cả văn hóa ở cộng đồng ngư dân An Thủy, trong đó ngư nghiệp giữ vai trò chính. Tín ngưỡng thờ Cá Ông giữ vai trò chính và ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống tinh thần của cộng đồng ngư dân ven biển An Thủy. Mặt khác, họ có một diện mạo văn hóa độc đáo, đó là sự thích ứng vớiđiều kiện sinh thái vùng ven biển, sự giao lưu văn hóa để hình thành nên một số dạng thức văn hóa vật thể, phi vật thể tiêu biểu. Trong đó, nổi bật hơn hết là tín ngưỡng thờ cá Ông với những đặc điểm hết sức tiêu biểu cho loại hình tín ngưỡng dân gian này ở Bến Tre. Tín ngưỡng thờ cá Ông đã để lại những giá trị rất đặc sắc. Thông qua sinh hoạt tín ngưỡng này, ngư dân giảm đi nỗi lo sợ, căng thẳng khi phải đối mặt với nhiều yếu tố bất trắc từ biển cả và thể hiện sự tôn kính của mình đối với tự nhiên đối với biển. Đồng thời cũng thông qua những sinh hoạt tín ngưỡng, cộng đồng bày tỏ tấm lòng biết ơn của mình đối với Cá Ông, cầu cho biển lặng, sóng êm; ngư dân và gia đình làng xóm gặp nhiều may mắn, làm ăn phát đạt, an khang, hạnh phúc. Trong xã hội hiện đại ngày nay, tín ngưỡng thờ Cá Ông ở An Thủy vẫn còn tồn tại và phát triển. Với những giá trị văn hóa độc đáo để lại qua các nghi thức, lễ hội, di tích thờ tự... mà tín ngưỡng này đem lại đã góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của Việt Nam. Đặc biệt, lễ hội Nghinh Ông hàng năm ở An Thủy đã tạo nên một nét riêng trong văn hóa làng biển nơi đây. Lễ hội này thu hút hàng ngàn người ở nhiều nơi đến cùng tham gia. Những nghi lễ truyền thống được tái hiện qua phần lễ và những nét sinh hoạt văn hóa dân gian được thể hiện qua phần hội trong lễ hội Nghinh Ông ở An Thủy rất cần được giữ gìn và phát triển. Tín ngưỡng thờ Cá Ông là một tín ngưỡng dân gian tồn tại không chỉ ở vùng đất An Thủy mà còn xuất hiện ở những vùng biển trải dài từ miền Trung đến Kiên Giang, Cà Mau. Những năm gần đây, tín ngưỡng này có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với người dân bản địa nói riêng và những ngư dân đi biển nói chung. Tín ngưỡng Cá Ông đã tác động giúp ngư dân củng cố thêm vốn văn hóa tinh thần, vững tâm hơn trong mỗi lúc ra khơi, tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực, tín ngưỡng này còn có những ảnh hưởng tiêu cực đối với cộng đồng cư dân nơi đây. Do đó, tìm hiểu về tín ngưỡng thờ Cá Ông ở An Thủy để có định hướng giúp ngư dân điều chỉnh thái độ ứng xử phù hợp, đảm bảo việc giữ gìn và phát huy những yếu tố tâm linh mang giá trị văn hóa truyền thống nhưng không quá sa đà vào việc sùng bái một cách mù quáng quá mức, dẫn đến hiện tượng mê tín dị đoan là việc làm có ý nghĩa quan trọng. Tài liệu tham khảo: 1. Sách Tục thờ cúng của ngư phủ Khánh Hòa - Lê Quang Nghiêm viết (1970), Một số tín ngưỡng tục lệ của cư dân ven biển từ Bình Trị Thiên đến Mỹ Long - Tôn Thất Bình đăng trên Tạp chí Dân tộc học (số 3/1982). 2. Công trình Văn hóa dân gian của người Việt ở Nam Bộ của nhóm tác giả Thạch Phương, Hồ Lê, Huỳnh Lứa, Nguyễn Quang Vinh (1992) 3. Một số hiện tượng văn hóa dân gian Bến Tre của Nguyễn Chí Bền (1997) đã dành hẳn một chương viết về tục thờ Cá Ông ở vùng ven biển tỉnh này, Quyển Địa chí Bến Tre. Đoàn Công Việt - Nguyễn Thanh Hiền