Đồng bào Công giáo Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa tích cực phát triển kinh tế, chung tay xây dựng nông thôn mới
Ngày đăng: 09/03/2018Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa là huyện có đông đồng bào Công giáo, với trên 27.000 giáo dân (chiếm 17% dân số toàn huyện). Toàn huyện có 10 xứ đạo, 62 họ giáo, 10 nhà thờ xứ, 9 nhà thờ họ sống xen cư ở 12 xã, trong đó 4 xã có tỷ lệ giáo dân chiếm cao: Nga Liên, Nga Điền, Nga Thái, Nga Phú.
Với tinh thần sống “Tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào Công giáo trong huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa luôn đoàn kết, có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong lao động sản xuất, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới (XDNTM) của địa phương.
Về Nga Thái, một xã có tỷ lệ giáo dân chiếm tới 73% dân số, cuộc sống của bà con đang thực sự khởi sắc. Điều đó được minh chứng qua những ngôi nhà mới khang trang, đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa sạch sẽ, thoáng đãng. Trong những năm qua, đồng bào Công giáo xã Nga Thái luôn thực hiện tốt đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia phong trào XDNTM. Trong phát triển kinh tế, bà con giáo dân đã mạnh dạn đổi mới tư duy, nhạy bén, năng động, vươn lên phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế trang trại, mở mang ngành, nghề kinh doanh, dịch vụ thương mại, từ đó tạo ra những bước đột phá trong xóa đói, giảm nghèo, làm giàu vững chắc ngay trên quê hương. Trong 2 năm 2016, 2017, bà con xã Nga Thái đã đóng góp hơn 800 triệu đồng để nâng cấp, bê tông hóa các tuyến đường liên thôn, tu sửa nhà văn hóa thôn khang trang, sạch đẹp. Từ thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, gắn với phong trào “Xây dựng xứ, họ đạo tiên tiến”, “Xây dựng gia đình Công giáo gương mẫu”, bộ mặt nông thôn của xã đang ngày một “thay da đổi thịt” và là một trong những điểm sáng XDNTM của huyện Nga Sơn. Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 25 triệu đồng/người/năm, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới.
Ở Nga Liên, đồng bào Công giáo ở 3 xứ đạo Tam Tổng, Phúc Lạc, Tích Thiện đã cùng bà con trong xã đóng góp tiền, ngày công làm 2 tuyến đường bê tông nội đồng cấp phối dài gần 1,6 km, sửa chữa, san lấp sân nhà văn hóa thôn, trị giá hơn 3,2 tỷ đồng; chuyển đổi 15 ha đất cói xen canh kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản, cải tạo 120 ha vườn tạp sang trồng bưởi Diễn, trồng đào, quất, hồng xiêm... cho thu nhập cao, góp phần nâng thu nhập của người dân trong xã lên 27,7 triệu đồng/người/năm. Đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên, bà con giáo dân càng vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; thực hiện sống phúc âm giữa lòng dân tộc.
Ông Nguyễn Thành Vân, Chủ tịch MTTQ huyện Nga Sơn, cho biết: Không chỉ có các họ giáo ở Nga Thái, Nga Liên mà nhiều xứ, họ đạo trong toàn huyện đều tích cực vận động giáo dân khai thác tiềm năng lợi thế về đất đai, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng năng suất, nâng cao giá trị thu nhập. Bà con giáo dân các xã vùng cói đã tập trung nguồn lực để cải tạo 345 ha diện tích cói hoang hóa, đầu tư thâm canh cây cói; chuyển hơn 200 ha cói kém hiệu quả sang cấy lúa và 84 ha sang phát triển trang trại tổng hợp, nuôi trồng thủy sản... đưa bình quân thu nhập/ha canh tác năm 2017 đạt 108 triệu đồng (cao gấp 2,5 lần so với năm 2007). Nhiều gia đình giáo dân đã đầu tư vốn mở các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại để thu hút lao động, tạo việc làm, thu nhập cho gia đình và xã hội. Toàn huyện hiện có 132 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp do người Công giáo làm chủ, thu hút khoảng 700 lao động; 651 hộ kinh doanh dịch vụ và gần 2.200 hộ phát triển các ngành, nghề khác, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, thu nhập bình quân từ 3,5-5 triệu đồng/người/tháng.
Thực hiện phong trào “Toàn dân chung tay XDNTM”, bà con giáo dân trên địa bàn huyện đã tự nguyện hiến hơn 5.600 m2 đất thổ cư, 106.000 m2 đất canh tác, tháo dỡ hơn 2.400m tường rào để mở rộng đường giao thông và xây dựng các công trình phúc lợi, đóng góp 19,756 tỷ đồng, hơn 10.000 ngày công để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới. Nhiều khu liên gia, bà con đã tự nguyện phá dỡ hàng trăm mét tường rào, cổng ngõ của gia đình mình để mở rộng đường giao thông thôn, xóm. Điển hình như: Bà con giáo dân ở giáo xứ Chính Nghĩa, giáo xứ Tân Hải (xã Nga Phú) đã tự nguyện hiến hơn 1.000 m2 đất để làm đường giao thông; linh mục Phạm Văn Hộ (quản xứ Chính Nghĩa) đã vận động bà con giáo dân đóng góp và trích quỹ của nhà xứ đầu tư bê tông hóa gần 1km đường giao thông thôn, xóm trị giá gần 200 triệu đồng...
Những nỗ lực trong phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và XDNTM đã góp phần quan trọng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào giáo dân ở Nga Sơn. Toàn huyện hiện có 3.048 hộ người Công giáo thuộc diện hộ giàu, chỉ còn 7,3% hộ nghèo. Tại hội nghị biểu dương “Người tốt, việc tốt” trong đồng bào Công giáo (giai đoạn 2007 – 2017) được tổ chức vừa qua, 57 cá nhân tiêu biểu, có đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện đã được UBND huyện Nga Sơn biểu dương, khen thưởng./.
Nguồn: baothanhhoa.vn