Đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, cấp đăng ký hoạt động và công nhận tổ chức tôn giáo theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay
Ngày đăng: 23/01/2018Đặt vấn đề Đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, cấp đăng ký và công nhận tổ chức tôn giáo là một trong những nội dung quan trọng trong các văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Bất cứ một tổ chức, nhóm người nào có niềm tin tôn giáo, có giáo lý, giáo luật, lễ nghi, có nhu cầu tập hợp thành một nhóm hoặc một tổ chức để hoạt động,… cũng mong muốn Nhà nước tạo ra khung pháp lý để được thừa nhận hoặc công nhận sự hiện diện của mình. Việc thừa nhận hoặc công nhận đó chính là cơ sở để nhóm người hoặc tổ chức tồn tại và hoạt động hợp pháp; là sợi dây ràng buộc trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ từ phía Nhà nước, cũng như từ các tổ chức. Với tầm quan trọng của vấn đề, trong bài viết này một lần nữa xin được điểm lại các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, cấp đăng ký hoạt động tôn giáo và công nhận tổ chức tôn giáo từ khi ban hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo đến Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
1. Vấn đề đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung
Vấn đề đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung chưa được đề cập tại Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 01/3/2005 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo. Nhưng trong Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg ngày 04/02/2005 của Thủ tướng Chính phủ về một số công tác đối với đạo tin lành (Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg), vấn đề sinh hoạt tôn giáo tập trung đã được đề cập “Đối với các tổ chức hệ phái Tin lành chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để công nhận tư cách pháp nhân, nếu xét thấy thực sự có nhu cầu tín ngưỡng thì hướng dẫn cho họ thực hiện việc đăng ký sinh hoạt đạo với chính quyền xã, phường”. Quy định này tại Chỉ thị 01 đã mở ra cơ hội, giải pháp, tạo hành lang pháp lý cho các hệ phái Tin lành chưa đủ điều kiện để được công nhận là tổ chức tôn giáo được sinh hoạt tôn giáo một cách chính đáng, hợp pháp. Tuy nhiên, quy định này chỉ dành riêng cho các hệ phái Tin lành đang hoạt động tôn giáo tại Việt Nam (cả các hệ phái đã được công nhận là tổ chức tôn giáo và hệ phái chưa được công nhận là tổ chức tôn giáo). Đối với các tổ chức tôn giáo khác vẫn chưa có quy định về sinh hoạt tôn giáo tập trung để thực hiện.
Năm 2012, trên cơ sở Nghị quyết số 54/2010/NQ-CP ngày 10/12/2010 của Chính phủ về phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Nội vụ, nhiều thủ tục hành chính liên quan đến nội dung Nghị định số 22/2005/NĐ-CP cần phải sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ về thành phần hồ sơ và thời hạn trả lời. Đây là một trong những lý do cơ bản dẫn đến Nghị định số 22/2005/NĐ-CP bị thay thế bởi Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 08/11/2012 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo (Nghị định số 92/2012/NĐ-CP).
Một trong những điểm sáng, nội dung đáng lưu ý của Nghị định số 92/2012/NĐ-CP nêu trên đó là đã cho phép công dân Việt Nam (chưa thuộc tổ chức được cấp chứng nhận hoặc được công nhận là tổ chức tôn giáo) có nhu cầu tập trung để thực hành các nghi thức thờ cúng, cầu nguyện, bày tỏ đức tin về tôn giáo mà mình tin theo thì người đại diện gửi hồ sơ đăng ký sinh hoạt tôn giáo đến Ủy ban nhân dân cấp xã.
Như vậy, có thể thấy kể cả Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg và Nghị định số 92/2012/NĐ-CP mặc dù đã có các quy định về sinh hoạt tôn giáo tập trung nhưng quy định đó vẫn chưa bao phủ hết các chủ thể có nhu cầu sinh hoạt tôn giáo tập trung tại Việt Nam như tín đồ của các tổ chức tôn giáo (ngoại trừ Tin lành), người theo tôn giáo thuộc các tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo.
Khắc phục tình trạng này, để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, trên cơ sở kế thừa các quy định về sinh hoạt tôn giáo tập trung tại Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg và Nghị định số 92/2012/NĐ-CP, Luật tín ngưỡng, tôn giáo (Luật) đã có các quy định bao quát, tạo điều kiện và đảm bảo hơn. Điều 16 của Luật quy định:
“1. Tổ chức tôn giáo đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho tín đồ tại những nơi chưa đủ điều kiện thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc; tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho những người thuộc tổ chức khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Có địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo;
b) Nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung có người đại diện là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự;
c) Nội dung sinh hoạt tôn giáo không thuộc trường hợp quy định tại Điều 5 của Luật này.
2. Những người theo tôn giáo không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và các điều kiện sau đây:
a) Có giáo lý, giáo luật;
b) Tên của nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung không trùng với tên tổ chức tôn giáo hoặc tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, tên tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hoặc tên danh nhân, anh hùng dân tộc.
Quy định này đã đảm bảo cho rất nhiều chủ thể được thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nếu họ có nhu cầu. Các chủ thể đó như tín đồ thuộc một tổ chức, người theo tôn giáo thuộc tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo và công dân Việt Nam có nhu cầu sinh hoạt tôn giáo tập trung đều được thực hiện.
Ngoài ra, quyền sinh hoạt tôn giáo tập trung được quy định tại Nghị định số 92/2012/NĐ-CP và Luật còn dành cho người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam cũng được thực hiện.
2. Cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo và công nhận tổ chức tôn giáo
Thể chế các quy định tại Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo, ngày 18/6/2004, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo. Tại khoản 3 Điều 3 Pháp lệnh đưa ra cách hiểu về tổ chức tôn giáo “là tập hợp những người cùng tin theo một hệ thống giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức theo một cơ cấu nhất định được Nhà nước công nhận”. Và tại Điều 16 Pháp lệnh quy định tổ chức được công nhận là tổ chức tôn giáo khi có đủ các điều kiện:
- Là tổ chức của những người có cùng tín ngưỡng, có giáo lý, giáo luật, lễ nghi không trái với thuần phong, mỹ tục, lợi ích của dân tộc;
- Có hiến chương, điều lệ thể hiện tôn chỉ, mục đích, đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc và không trái với quy định của pháp luật;
- Có đăng ký hoạt động tôn giáo và hoạt động tôn giáo ổn định;
- Có trụ sở, tổ chức và người đại diện hợp pháp;
- Có tên gọi không trùng với tên gọi của tổ chức tôn giáo đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.
Để cụ thể hóa các quy định của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, Điều 6 Nghị định số 22 đã quy định cụ thể về đăng ký hoạt động tôn giáo, đó là:
- Để được hoạt động tôn giáo, tổ chức có trách nhiệm gửi hồ sơ đăng ký đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 6.
- Hồ sơ gồm: Văn bản đăng ký, trong đó nêu rõ tên tổ chức, nguồn gốc hình thành, quá trình phát triển ở Việt Nam, tôn chỉ, mục đích, phạm vi hoạt động, số lượng tín đồ của tổ chức vào thời điểm đăng ký, dự kiến nơi đặt trụ sở, nơi thờ tự của tổ chức;
…
- Thẩm quyền đăng ký: Ban Tôn giáo Chính phủ cấp đăng ký cho tổ chức có phạm vi hoạt động ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo cấp tỉnh cấp đăng ký cho tổ chức có phạm vi hoạt động ở một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Và tại Điều 8 Nghị định số 22 đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận tổ chức tôn giáo.
Ngày 08/11/2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 92/2012/NĐ-CP thay thế cho Nghị định số 22/2005/NĐ-CP. Nghị định số 92/2012/NĐ-CP đã đưa ra các quy định về cấp đăng ký và công nhận tổ chức tôn giáo. Nếu như Nghị định số 22/2005/NĐ-CP quy định sau khi được cấp đăng ký hoạt động tôn giáo một thời gian nhất định nếu tổ chức đáp ứng các điều kiện theo quy định có thể gửi hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề nghị công nhận là tổ chức tôn giáo thì Nghị định số 92/2012/NĐ-CP quy định một tổ chức để được công nhận là tổ chức tôn giáo phải trải qua các bước từ đăng ký sinh hoạt tôn giáo đến đăng ký hoạt động tôn giáo và cuối cùng mới là bước được công nhận về tổ chức. Tổng số thời gian từ khi được Ủy ban nhân dân cấp xã chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo cho đến khi được cấp chứng nhận, công nhận là một tổ chức tôn giáo theo quy định của Pháp lệnh và Nghị định số 92/2012/NĐ-CP là 23 năm.
Ngày 18/11/2016, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã được thông qua. Đây là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất từ trước đến nay điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Sự ra đời của Luật trên tinh thần của bản Hiến pháp năm 2013 với nhiều nội dung mới, cởi mở, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.
Một trong những điểm mới nổi bật, đánh dấu sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật điều chỉnh lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam là cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo và công nhận tổ chức tôn giáo. Theo đó, một tổ chức để được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo phải đáp ứng đủ các điều kiện, đó là:
- Có giáo lý, giáo luật, lễ nghi;
- Có tôn chỉ, mục đích, quy chế hoạt động không trái với quy định của pháp luật;
- Tên của tổ chức không trùng với tên tổ chức tôn giáo hoặc tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, tên tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hoặc tên danh nhân, anh hùng dân tộc;
- Người đại diện, người lãnh đạo tổ chức là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự;
- Có địa điểm hợp pháp để đặt trụ sở;
- Nội dung hoạt động tôn giáo không thuộc trường hợp quy định tại Điều 5 của Luật.
Sau một thời gian hoạt động, tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo nếu đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 21 của Luật được công nhận là tổ chức tôn giáo. Các điều kiện đó bao gồm:
- Hoạt động ổn định, liên tục từ đủ 05 năm trở lên kể từ ngày được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo;
- Có hiến chương theo quy định tại Điều 23 của Luật;
- Người đại diện, người lãnh đạo tổ chức là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự;
- Có cơ cấu tổ chức theo hiến chương;
- Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
- Nhân danh tổ chức tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Từ các quy định trên có thể thấy, nếu như Pháp lệnh quy định tổng thời gian kể từ khi được Ủy ban nhân dân cấp xã chấp thuận sinh hoạt tôn giáo đến đăng ký hoạt động tôn giáo, công nhận tổ chức tôn giáo là 23 năm thì theo quy định của Luật, thời gian công nhận tổ chức tôn giáo được tính từ khi tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo ổn định, liên tục từ đủ 05 năm trở lên. Đây là một quy định thuận lợi cho các tổ chức sau khi Luật có hiệu lực đề nghị công nhận là tổ chức tôn giáo.
Về thẩm quyền công nhận tổ chức tôn giáo quy định tại Luật đã thay đổi. Nếu như Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo quy định thẩm quyền công nhận tổ chức tôn giáo thuộc về Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì Luật quy định thẩm quyền công nhận tổ chức tôn giáo thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Qua các quy định của Luật về cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, công nhận tổ chức tôn giáo có thể nhận thấy từ điều kiện cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, điều kiện công nhận tổ chức tôn giáo, thẩm quyền công nhận đã được thay đổi so với các quy định của Pháp lệnh. Đặc biệt Luật đã quy định tổ chức tôn giáo là pháp nhân phi thương mại kể từ khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận tổ chức tôn giáo. Đối với tổ chức tôn giáo đã được công nhận trước ngày Luật có hiệu lực là pháp nhân phi thương mại từ ngày Luật có hiệu lực và trong đại hội gần nhất tổ chức phải sửa đổi hiến chương, đăng ký hiến chương theo quy định của Luật. Đây là một nội dung mới, quan trọng nhằm xác định rõ địa vị pháp lý của tổ chức tôn giáo, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các tổ chức khi tham gia vào các quan hệ pháp luật. Quy định này phù hợp với xu thế quản lý trong nhà nước pháp quyền, pháp luật quốc tế cũng như thực tiễn hoạt động của các tổ chức tôn giáo hiện nay ở nước ta.
Như vậy, vấn đề cấp đăng ký và công nhận tổ chức tôn giáo được quy định cụ thể bắt đầu từ Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo. Trước pháp lệnh chỉ duy nhất có Nghị định số 26/1999/NĐ-CP ngày 19/4/1999 của Chính phủ về các hoạt động tôn giáo quy định tại Điều 8 về công nhận tổ chức tôn giáo một cách khái quát. Pháp lệnh, các văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh, đặc biệt là Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã có các quy định rất cụ thể từ điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thời hạn đối với việc cấp đăng ký, công nhận tổ chức tôn giáo. Bên cạnh đó Luật đã mở rộng chủ thể được thụ hưởng quyền sinh hoạt tôn giáo tập trung. Các quy định này cũng chính là cơ sở để nhiều tổ chức sau khi Luật có hiệu lực được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung; được cấp đăng ký hoạt động tôn giáo và công nhận về tổ chức./.
Ths. Nguyễn Thị Định