Công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong tình hình mới
Ngày đăng: 29/08/2019Biển Đông đóng vai trò quan trọng đặc biệt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, chúng ta đã tích cực triển khai các hoạt động nhằm quản lý và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, bảo vệ các lợi ích quốc gia trên biển.
Vị trí, tầm quan trọng của Biển Đông và những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo
Biển Đông có vị trí chiến lược quan trọng cả về mặt an ninh - quốc phòng lẫn thương mại quốc tế đối với các quốc gia trong khu vực do nằm trên tuyến đường hàng hải nhộn nhịp bậc nhất thế giới với mật độ tàu thuyền trọng tải lớn qua lại trung bình khoảng trên 41.000 chiếc/năm. Theo tài liệu nước ngoài, hơn 90% lượng vận tải thương mại thế giới được thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng Biển Đông với trị giá khoảng 5.000 tỷ USD/năm, hơn 80% lượng dầu nhập khẩu của Nhật Bản, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) được chuyên chở qua đây; lượng khí hóa lỏng được vận chuyển qua Biển Đông chiếm 2/3 tổng số lượng khí hóa lỏng được buôn bán trên thị trường thế giới.
Hơn nữa, Biển Đông còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng đối với đời sống và việc phát triển kinh tế của các quốc gia ven biển, đặc biệt là nguồn tài nguyên sinh vật (thủy sản) và dầu khí. Theo ước tính, 70% dân số các nước Đông Nam Á sinh sống ven biển và lượng thủy hải sản đánh bắt ở khu vực Biển Đông chiếm khoảng 10% tổng trữ lượng đánh bắt trên thế giới, cung cấp 25% nhu cầu protein cho 500 triệu dân. Biển Đông là khu vực rất có tiềm năng về mặt dầu khí. Mặc dù số liệu đánh giá về trữ lượng còn khác nhau, song dầu khí được tìm thấy ở hầu hết các địa điểm trong khu vực Biển Đông và nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của nhiều quốc gia, như In-đô-nê-xi-a, Bru-nây, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Thái Lan... kể từ khi dầu khí được phát hiện và khai thác ở Biển Đông.
Biển Đông có vai trò quan trọng đặc biệt với nước ta cả về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng do nước ta có đường bờ biển dài trên 3.260km với hơn 3.000 hòn đảo, gần tổng số các tỉnh, thành trong cả nước là địa phương ven biển và rất nhiều ngành kinh tế chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của đất nước, như dầu khí, du lịch, xuất khẩu thủy - hải sản, đóng tàu... đều liên quan mật thiết đến Biển Đông. Biển Đông cũng là địa bàn xung yếu về mặt an ninh quốc phòng, hướng phòng thủ quan trọng của đất nước ta.
Xuất phát từ tầm quan trọng đó, Biển Đông trở thành một trong những khu vực tồn tại nhiều tranh chấp phức tạp nhất thế giới, nếu xử lý không thích hợp, dễ dẫn đến nguy cơ xung đột quân sự, thậm chí chiến tranh, tác động tiêu cực đến ổn định, hòa bình, phát triển của khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc trong và ngoài khu vực cũng khiến tranh chấp và tình hình ở khu vực Biển Đông thêm phức tạp, khó lường.
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, quân và dân ta đã tích cực triển khai các hoạt động nhằm quản lý và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, bảo vệ các lợi ích quốc gia trên biển. Thành tựu về quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo đã được Đại hội XII của Đảng khẳng định: “quốc phòng, an ninh được tăng cường; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”(1). Tuy nhiên, tình hình quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp hơn đòi hỏi các giải pháp tổng thể về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế, kinh tế, xã hội.
Hiện nay, tình hình quản lý, thực thi và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của nước ta khá phức tạp, hàm chứa nhiều nhân tố bất ổn, đó là: tranh chấp ở Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp, tác động và ảnh hưởng đến an ninh, hòa bình và phát triển của đất nước ta; tình hình khu vực và thế giới diễn biến nhanh chóng, khó lường, xuất hiện nhiều nhân tố mới có tác động sâu sắc đến trật tự và cục diện thế giới, tác động trực tiếp đến phát triển tình hình ở khu vực Biển Đông; sự phối hợp, thống nhất về nhận thức và hành động trong nhân dân và một số cán bộ về vấn đề chủ quyền biển, đảo còn chưa cao, dẫn đến khó khăn trong chỉ đạo, điều hành; các thế lực phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước lợi dụng vấn đề biển, đảo để chống phá Đảng và Nhà nước ta; kinh nghiệm quản lý biển, đảo của chúng ta còn hạn chế, năng lực, trang thiết bị của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển cần tiếp tục được củng cố và tăng cường.
Là một bộ phận cấu thành lãnh thổ quốc gia Việt Nam, không gian sinh tồn và là điều kiện vật chất để xây dựng, phát triển đất nước, biển, đảo có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và phát triển của đất nước ta. Do đó, quản lý, thực thi và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam không chỉ có ý nghĩa là bảo vệ không gian lãnh thổ, lợi ích mọi mặt mà còn là bảo vệ chế độ, Nhà nước.
Công tác quản lý, thực thi và bảo vệ chủ quyền biển, đảo
Quản lý, thực thi và bảo vệ chủ quyền biển, đảo chính là quá trình thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước ta trên các đảo, vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, là sự tác động có tổ chức và điều chỉnh bằng pháp luật của Nhà nước với các hoạt động kinh tế - xã hội, các hoạt động trên biển, đảo nhằm duy trì và phát triển các mối quan hệ, các hoạt động đó trong trật tự, theo đúng quy định của Nhà nước. Quản lý và bảo vệ chủ quyền biển, đảo vừa mang yếu tố đối nội, vừa mang yếu tố đối ngoại. Công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo bao gồm những lĩnh vực sau:
1- Xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, thực thi và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Nhận thức rõ tầm quan trọng, vị trí chiến lược của biển, đảo Việt Nam, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn và nhất quán về biển, đảo. Đặc biệt là Nghị quyết số 09-NQ/TW (khóa X), ngày 9-2-2007, “Về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, đây là lần đầu tiên Đảng ta có một Chiến lược biển toàn diện, có tầm nhìn chiến lược rộng, tính bao quát cao trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, hợp tác quốc tế, môi trường...
Cùng với đó, Nhà nước ta ban hành hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng về quản lý và bảo vệ chủ quyền biển, đảo, như Tuyên bố của Chính phủ về các vùng biển và đường cơ sở năm 1977 và 1982; Luật Dầu khí năm 1993, Bộ Luật Hàng hải năm 1991; Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 1991; Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng năm 1997; Pháp lệnh lực lượng cảnh sát biển Việt Nam năm 1998; Luật Biên giới quốc gia năm 2003; Luật Biển Việt Nam năm 2012; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015. Nhà nước ta cũng trở thành thành viên của hàng loạt điều ước quốc tế liên quan đến biển và đại dương, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
2- Tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo. Trong bối cảnh tình hình tranh chấp ở Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp, song với truyền thống bất khuất của dân tộc, ý chí quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã bảo vệ vững chắc chủ quyền. Cụ thể là, bảo vệ tốt danh nghĩa chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa; quản lý và bảo vệ vững chắc 21 đảo, bãi với 33 điểm đóng quân ở quần đảo Trường Sa, bảo vệ tốt vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý.
Cùng với đó là việc ta đã giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán, quyền và lợi ích trên các vùng biển Việt Nam thông qua việc duy trì hệ thống và hoạt động của 15 nhà giàn DK trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.
3- Kiên trì, kiên quyết đấu tranh đối với các vi phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Nhà nước Việt Nam trước sau như một khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lập trường này được thể hiện nhất quán trong các văn bản pháp luật về biển đã được ban hành, như Nghị quyết của Quốc hội năm 1994 phê chuẩn Công ước Luật Biển cũng như trong các phát biểu, tuyên bố chính thức khác của Việt Nam.
Đồng thời, ta đấu tranh kiên quyết, phù hợp trên thực địa và trên mặt trận ngoại giao, dư luận đối với mọi vi phạm của các nước đối với chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Bên cạnh việc kịp thời triển khai các biện pháp đấu tranh kiên quyết với các bên liên quan trước các vụ, việc phức tạp nảy sinh ở Biển Đông, ta cũng có nhiều biện pháp chủ động, ngăn ngừa các vi phạm chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của ta trên biển.
Ta đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, quyền và lợi ích hợp pháp của ta trên biển, cả trên bình diện song phương, khu vực và các diễn đàn đa phương toàn cầu, trên cả kênh chính thức và học giả dưới nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt. Việc đấu tranh đối với các vi phạm chủ quyền biển, đảo ở khu vực Biển Đông thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực, tranh thủ được sự ủng hộ của dư luận quốc tế về sự nghiệp chính nghĩa của ta, lên án các hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam.
Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, như cảnh sát biển, biên phòng, kiểm ngư tích cực, chủ động tiến hành hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật Việt Nam trên vùng biển Việt Nam, qua đó góp phần tích cực vào việc duy trì an ninh trật tự, an toàn trên biển, thể hiện rõ vai trò quản lý và bảo vệ vùng biển của Việt Nam.
4- Phát triển kinh tế biển, đảo, gắn phát triển kinh tế với an ninh, quốc phòng. Thực hiện Chiến lược biển, trong thời gian qua, kinh tế biển, đảo đã có bước phát triển mạnh mẽ.
Thứ nhất, chúng ta đã phát triển được hệ thống 15 khu kinh tế biển với trên 100 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký gần 39 tỷ USD và hàng nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng vạn lao động và là động lực để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng và cả nước.
Thứ hai, kinh tế thủy sản tăng trưởng liên tục ở mức bình quân 5% - 7%/năm, trong đó giá trị xuất khẩu của năm 2006 tăng 250 lần so với năm 1981. Xuất khẩu thủy sản năm 2017 đạt 8,3 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2016.
Thứ ba, trong nhiều năm qua, việc khai thác dầu khí ở các vùng biển Việt Nam đóng góp từ 18% - 26%/năm cho GDP, góp phần tăng trưởng GDP toàn quốc.
Thứ tư, du lịch biển, đảo luôn thu hút một lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước (trên 70% tổng lượng khách quốc tế và trên 50% tổng lượng khách nội địa). Chỉ tính riêng năm 2015, ngành du lịch đóng góp 6,6% GDP quốc gia, trong đó du lịch biển, đảo chiếm tỷ trọng lớn.
5- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được chú trọng và thể hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với thực tiễn, trình độ, nhận thức của đối tượng tuyên truyền. Đồng thời, cung cấp các thông tin khách quan, có định hướng về những vấn đề đang diễn ra, nhất là những vấn đề liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông để mọi tầng lớp nhân dân hiểu đúng, hiểu đủ về bản chất vấn đề; giải đáp một cách kịp thời các thắc mắc, băn khoăn của người dân, cán bộ về những diễn biến tình hình; qua đó tạo niềm tin, nâng cao đồng thuận chung trong xã hội đối với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong vấn đề chủ quyền biển, đảo, bẻ gãy những âm mưu, ý đồ muốn lợi dụng vấn đề chủ quyền biển, đảo để gây chia rẽ nội bộ, chống phá Đảng, Nhà nước ta. Công tác thông tin, tuyên truyền đã khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí kiên cường, bất khuất của nhân dân trong công cuộc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, làm cho mỗi công dân Việt Nam thấy rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với chủ quyền biển, đảo quốc gia, từ đó góp phần phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, chung sức, đồng lòng quyết tâm làm chủ, bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
6- Củng cố, tăng cường, tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi, hỗ trợ cho công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Kết hợp nhuần nhuyễn giữa hợp tác và đấu tranh, giữa giải quyết hòa bình các tranh chấp với tìm kiếm các biện pháp hợp tác xây dựng lòng tin nhằm tạo cơ hội cho việc giải quyết tranh chấp; giữa tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau và tuân thủ luật pháp quốc tế... là những trọng tâm của việc tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Trong quá trình này, chúng ta đã đạt nhiều thành tích đáng kể, thể hiện ở những nét cơ bản: Một là, môi trường hòa bình thuận lợi cho phát triển, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; Hai là, nhiều tranh chấp liên quan đến chủ quyền biển, đảo được giải quyết, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác với các nước có liên quan(2); Ba là, tích cực định hình tiếng nói chung về hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực Biển Đông trong các cơ chế khu vực, đa phương và toàn cầu; Bốn là, tích cực tham gia xây dựng các luật lệ quốc tế liên quan đến biển và đại dương ở quy mô khu vực và toàn cầu; Năm là, duy trì và thúc đẩy nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế; Sáu là, thúc đẩy quan hệ song phương và đa phương; tích cực, chủ động tạo dựng các khuôn khổ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và đan xen lợi ích góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
7- Hoàn thiện thiết chế quản lý biển, đảo. Từng bước xây dựng và hoàn thiện thiết chế quản lý biển, đảo thông qua việc hình thành một số lực lượng thực thi pháp luật trên biển đồng thời với việc nâng cao vai trò và trách nhiệm của lực lượng biên phòng, hải quân. Về tổ chức, từng bước hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về biển, đảo cùng với sự phân công trách nhiệm cụ thể về các lĩnh vực quản lý nhà nước về biển, đảo giữa các bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... Kết hợp giữa quản lý nhà nước theo ngành và lãnh thổ về biển, đảo.
8- Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu quản lý và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Công tác đào tạo, hình thành nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới được chú trọng và quan tâm. Bên cạnh việc đào tạo chính khóa cho các lực lượng làm nhiệm vụ quản lý và bảo vệ biển, đảo, nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước tổng hợp về biển, đảo, kiến thức pháp luật đã được tổ chức ở các bộ, ngành, địa phương. Việc hợp tác quốc tế nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực biển, đảo cũng được mở rộng với nhiều đối tác khác nhau.
Các bài học kinh nghiệm
Trên cơ sở đánh giá các thành tựu cũng như những vấn đề còn tồn tại trong công tác quản lý, thực thi và bảo vệ chủ quyền biển, đảo, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm.
Một là, chủ quyền biển, đảo là vấn đề thiêng liêng đối với Đảng, Nhà nước và dân tộc ta. Do đó, bảo vệ chủ quyền biển, đảo cần phải phát huy sức mạnh của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, chỉ đạo của Nhà nước, trong đó có sự phân công nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể của từng ngành, từng cấp.
Hai là, quản lý và bảo vệ chủ quyền phải dựa trên nền tảng bất biến là chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là thiêng liêng, không thể để bị xâm phạm, song cũng cần linh hoạt trong biện pháp triển khai theo từng thời điểm, từng hoàn cảnh với mục tiêu cao nhất là bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc.
Ba là, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, nêu cao chính nghĩa của ta nhằm tranh thủ tối đa sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế; tạo dựng sự đan xen về lợi ích mọi mặt để hình thành môi trường thuận lợi cho công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Bốn là, tạo sự đồng thuận và nhất trí cao giữa các cơ quan nhà nước, giữa các bộ và nhân dân về chủ trương, đường lối quản lý và bảo vệ chủ quyền biển, đảo để phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Năm là, tích cực, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm chủ quyền của Việt Nam thông qua hợp tác chính trị, quốc phòng - an ninh; răn đe về mặt quân sự; đề cao ý chí bất khuất, kiên cường, anh dũng của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước./.
-------------------------------------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 58 - 59
(2) Chúng ta đã giải quyết dứt điểm vấn đề phân định biển với Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ; với Thái Lan trong Vịnh Thái Lan; giải quyết vấn đề phân định thềm lục địa với In-đô-nê-xi-a; tiến hành khai thác chung dầu khí với Ma-lai-xi-a; hợp tác nghề cá với Trung Quốc; thiết lập đường dây nóng giữa Hải quân Việt Nam với Hải quân Trung Quốc; Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Cam-pu-chia... Đồng thời, ta tiến hành tuần tra chung với Thái Lan, Cam-pu-chia và Trung Quốc; hợp tác nghiên cứu khoa học biển với Phi-líp-pin
Trịnh Đức Hải
TS, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Ô-xtrây-li-a, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao