Triệt để tạm dừng hoạt động tôn giáo tập trung để phòng, chống dịch
Ngày đăng: 04/06/2021
Tạm dừng hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tập trung là yêu cầu cấp bách nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng
Theo số liệu của Bộ Y tế, cho tới nay, liên quan đến điểm nhóm sinh hoạt Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng đã có hơn 250 F0, khoảng 2.500 F1, 61.000 F2 tại 16 quận, huyện trên địa bàn TP.HCM và 11 địa phương trên cả nước. Sự chủ quan của người đứng đầu điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo cùng với việc chưa triệt để tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chức năng về phòng, chống dịch đã dẫn tới việc lây lan dịch bệnh từ điểm nhóm ra cộng đồng.

Nhằm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Thủ tướng và Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh, công văn số 1988/BNV-TGCP ngày 07/5/2021 của Bộ Nội vụ, công văn số 624/TGCP-TL ngày 28/5/2021 của Ban Tôn giáo Chính phủ và chỉ đạo của Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai văn bản đề nghị các tổ chức tôn giáo nâng cao cấp độ áp dụng thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Ngay trong chiều 28/5/2021, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản yêu cầu tạm dừng tổ chức hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung, thời gian thực hiện từ 0h ngày 29/5/2021 cho đến khi có thông báo mới.

Ngày 30/5/2021, Sở Nội vụ tỉnh Ninh Thuận có văn bản đề nghị các tổ chức tôn giáo “tiếp tục nâng cao cấp độ áp dụng thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm, thời gian thực hiện kể từ 0 giờ ngày 31/5/2021”.

Cũng theo văn bản, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, hoạt động khác tập trung trên 20 người trong cùng một thời điểm tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo đều được yêu cầu tạm dừng triệt để. Các trường hợp thật sự cần thiết tổ chức phải được sự đồng ý của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-29 của tỉnh và cam kết tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch.

Cùng ngày, tại Cần Thơ, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ cấp bách cụ thể: không tập trung quá 10 người nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện, thực hiện nghiêm 5K, đặc biệt đeo khẩu trang và giữ khoảng cách 2m khi tiếp xúc. Tạm dừng các hoạt động tôn giáo cho đến khi có thông báo mới.

Tiếp đó, ngày 31/5/2021, Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) các tỉnh Tây Ninh, An Giang, Đồng Nai ban hành văn bản đề nghị các tổ chức, chức sắc tôn giáo tại địa phương phối hợp thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Tinh thần của các văn bản là đề nghị tạm dừng triệt để các hoạt động, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng tập trung và treo biển cảnh báo, thông tin về việc tạm dừng hoạt động trước cơ sở thờ tự, cơ sở tín ngưỡng, điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung; khuyến khích việc tổ chức sinh hoạt tôn giáo theo hình thức trực tuyến.

 

Công văn số 565 của Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) TP. HCM ngày 01/6/2021

Gần đây nhất, ngày 01/6/2021, Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) TP.HCM ban hành công văn số 565, yêu cầu “dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động lễ hội tại các cơ sở tín ngưỡng, thờ tự, nơi sinh hoạt tôn giáo tập trung, theo đúng chỉ đạo của UBND thành phố”.

Cùng ngày, Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) tỉnh Lâm Đồng cũng có văn bản đề nghị các tổ chức tôn giáo trên địa bàn “tạm dừng mọi hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tập trung (trong cơ sở tôn giáo và nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung) cho đến khi có văn bản mới của cấp có thẩm quyền. Vận động chức sắc, tín đồ tạm dừng tổ chức tiệc cưới, hỏi, sinh nhật, thôi nôi…; đối với đám tang, thực hiện nghiêm 5K và không tụ tập quá 30 người tại một thời điểm”.

Trong nội dung văn bản, các địa phương cũng kêu gọi tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ tích cực tham gia ủng hộ “Quỹ vắc xin phòng Covid-19” của Chính phủ và hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch COVID-19” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 được ghi nhận tại nhiều địa phương trên cả nước, chủng virus mới có khả năng lây lan nhanh trong không khí ở những nơi không gian kín, không đảm bảo việc giãn cách, việc triệt để tạm dừng các nghi lễ, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng tập trung đông người là yêu cầu cấp bách để hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19, đảm bảo an toàn sức khỏe cho cộng đồng./.

 

Thúy Hằng