Thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch trong sinh hoạt tôn giáo
Ngày đăng: 02/06/2021
Thời gian qua, các tổ chức tôn giáo đã phát huy truyền thống tốt đẹp, đoàn kết cùng nhân dân cả nước dành nhiều nguồn lực đóng góp thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, 43 tổ chức tôn giáo còn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, cam kết với Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) chấp hành tốt các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và thông điệp 5K của Bộ Y tế, nhất là hạn chế tổ chức các hoạt động tôn giáo, không tổ chức lễ hội tập trung đông người, tạm dừng hội nghị thường niên, đại hội nhiệm kỳ… Nhiều tôn giáo còn cải tiến hình thức sinh hoạt trực tiếp có đông tín đồ tham dự sang sinh hoạt trực tuyến, cầu nguyện tại gia đình. Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp ở trong nước, mới đây nhất, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lần thứ hai liên tiếp, tổ chức Ðại lễ Phật đản Phật lịch 2565 - dương lịch 2021 với quy mô nội bộ, chỉ gồm 15 chư vị Hòa thượng, Thượng tọa, chư tôn đức Hội đồng Trị sự. Ðại lễ diễn ra trang nghiêm, được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình

Tuy nhiên, những ngày qua, việc điểm nhóm “Hội thánh truyền giáo phục hưng”, do không tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, khiến dịch Covid-19 lây lan nghiêm trọng, phức tạp tại TP Hồ Chí Minh và địa phương này phải khẩn cấp thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại một số khu vực. Ðây là hồi chuông lớn cảnh báo trong bối cảnh sắp tới, tại Việt Nam sẽ diễn ra nhiều hoạt động tôn giáo lớn, thường tập trung đông tín đồ tham dự, tiềm ẩn nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh ra cộng đồng, như: mùa An cư kiết hạ, Vu lan của Phật giáo; lễ kính dâng hoa Ðức Mẹ của Công giáo; Ðại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung của đạo Cao Ðài, tháng chay Ra-ma-đan của tín đồ Hồi giáo và các hội nghị, đại hội nhiệm kỳ của các tổ chức tôn giáo…

Do vậy, để công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, Bộ Nội vụ giao Ban Tôn giáo Chính phủ cần tăng cường phối hợp các cơ quan hữu quan, chính quyền cơ sở chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, vận động các tổ chức tôn giáo quan tâm thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định và hướng dẫn của chính quyền địa phương. Trong thời điểm hiện tại, cần tạm dừng mọi hoạt động, sinh hoạt tôn giáo tập trung đông người để chuyển sang hình thức sinh hoạt trực tuyến; trong trường hợp thật sự cần thiết, buộc phải tổ chức thì cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, hạn chế tối đa số lượng người tham dự. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ không tiếp tay cho các hoạt động đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, kịp thời thông báo cho chính quyền về các trường hợp nghi nhiễm dịch hoặc đi về từ vùng có dịch; thực hiện nghiêm ngặt quy định y tế cho các đối tượng thuộc diện phải cách ly tại nhà hoặc cách ly tập trung, thông báo và hướng dẫn tín đồ là người Việt Nam ở nước ngoài hạn chế di chuyển, tuân thủ quy định và các biện pháp phòng, chống dịch của nước sở tại, không khuyến khích nhập cảnh về Việt Nam, trường hợp phải về nước thì cần theo con đường hợp pháp và tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch của Việt Nam.

Cùng với đó, cán bộ Ban Tôn giáo các tỉnh, thành phố cần chủ động phối hợp chính quyền cơ sở đến các địa bàn trọng điểm, cơ sở thờ tự, các điểm nhóm đăng ký sinh hoạt tôn giáo cấp cơ sở, hoạt động nhỏ, lẻ, chưa được công nhận tổ chức và các nhóm, phái tôn giáo mới… để thông tin, tuyên truyền, vận động thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch. Chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động tôn giáo, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định hay tổ chức sinh hoạt tôn giáo tập trung đông người.

Đối với các địa phương có dịch, đề nghị treo biển cảnh báo và cấm sinh hoạt tôn giáo tại cơ sở thờ tự. Đối với các địa phương có nguy cơ lây nhiễm nhiễm cao, tạm dừng mọi sinh hoạt tôn giáo… đồng thời, thiết lập kênh liên lạc online với lãnh đạo các tổ chức tôn giáo để trao đổi, hướng dẫn chức sắc, tín đồ trong công tác phòng, chống dịch và tiếp tục triển khai thực hiện Công văn số 1988/BNV-TGCP ngày 07/5/2021 của Bộ Nội vụ. Đối với các tỉnh, thành phố đã xác định có liên quan điểm nhóm “Hội thánh truyền giáo phục hưng”, gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Long An, Bạc Liêu, Lâm Đồng, Tây Ninh: Cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo chủ động vào cuộc vận động tín đồ, chức sắc, chức việc đạo Tin lành thuộc tất cả các tổ chức trên địa bàn nghiêm túc thực hiện khai báo y tế; tham mưu cấp có thẩm quyền thực hiện các biện pháp phong tỏa, khử khuẩn đối với cơ sở có người nhiễm hoặc nghi nhiễm dịch bệnh Covid-19; kịp thời chia sẻ thông tin điều tra dịch tễ đến các tỉnh, thành phố nếu phát hiện có liên quan; tham gia đề xuất các biện pháp và kịp thời khen thưởng, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật phòng chống bệnh truyền nhiễm y tế từ xử phạt vi phạm hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Bộ Nội vụ cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố và các địa phương quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động chức sắc, tín đồ các tôn giáo; kiểm tra giám sát các hoạt động tôn giáo, không để tổ chức sinh hoạt tập trung đông người, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh; không để thế lực xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động tín đồ vi phạm pháp luật, chống đối chính quyền; xuyên tạc công tác phòng, chống dịch.

Dương Huyền (TH)