Thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trong bối cảnh hội nhập hiện nay
Ngày đăng: 22/09/2022
Đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Chiều 20/9, tại Trường Đại học Nội vụ Hà Nội diễn ra Hội thảo khoa học với chủ đề: “Thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trong bối cảnh hội nhập hiện nay”.

PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội và TS. Lê Thị Vân Anh, Trưởng khoa Khoa học chính trị đồng chủ trì Hội thảo.

Tham dự có các nhà quản lý trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo: bà Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; ThS. Trần Thị Minh Nga, Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ; TS. Nguyễn Hồng Sơn, Văn phòng Trung ương Đảng, Hội đồng Lý luận Trung ương; TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh, Ban Tôn giáo thuộc Ủy ban Trung ương MTTQVN.

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo: PGS.TS. Trần Đăng Sinh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; TS. Nguyễn Mạnh Cường, TS. Nguyễn Văn Dũng, TS. Nguyễn Thị Quế Hương, Viện Nghiên cứu tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; TS. La Đức Đại, Học viện Hành chính Quốc gia; TS. Lê Tâm Đắc, Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh...

Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo đã nêu: “Thời đại hiện nay, tôn giáo vừa là ý thức xã hội, vừa là tồn tại xã hội. Ở Việt Nam, các tôn giáo đã đồng hành cùng dân tộc, những giá trị của tôn giáo có ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống xã hội, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Thấy được vai trò to lớn đó, Đảng và nhà nước ta đã và đang ngày càng hoàn thiện và đặc biệt là hiện thực hóa đường lối, chính sách, pháp luật về tôn giáo vào thực tiễn đời sống”. Với mục đích tạo diễn đàn để các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà lãnh đạo quản lý trao đổi những vấn đề lý luận và thực tiễn về chính sách, pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng những kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về chuyên ngành Công tác tôn giáo tại Trường Đại học Nội vụ Hà Nội.

Hội thảo tập trung phân tích những vấn đề cơ bản thuộc lĩnh vực công tác tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, trong đó tập trung khai thác nhiều góc nhìn đa chiều về các vấn đề lý luận đối với chính sách, pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế; thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam; các khuyến nghị, giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam thời gian tới.

Hội thảo cũng tạo cơ sở thúc đẩy Trường Đại học Nội vụ Hà Nội nói riêng, các nhà khoa học, các nhà quản lý nói chung đưa ra những luận cứ khoa học về việc hoạch định, thực thi, đánh giá chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có các vấn đề liên quan đến công tác đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực tôn giáo của Nhà trường hiện nay. Thông qua Hội thảo, đội ngũ giảng viên, sinh viên, học viên Trường Đại học Nội vụ Hà Nội; những người quan tâm đến công tác tín ngưỡng, tôn giáo được tham gia trao đổi, nghiên cứu vấn đề lý luận và thực tiễn trong bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta hiện nay.

ThS. Trần Thị Minh Nga, Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ phát biểu

Ban Tổ chức đã nhận hơn 40 bài viết của các tác giả trong và ngoài trường gửi tham dự Hội thảo; trong đó có 6 tham luận của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà nghiên cứu được trình bày trực tiếp tại Hội thảo, gồm: “Chính sách về phát huy nguồn lực tôn giáo ở Việt Nam hiện nay: kết quả và những vấn đề đặt ra” của TS. Nguyễn Thị Kim Thoa, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội; “Thực hiện chính sách, pháp luật về tôn giáo ở Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay” của TS. Mai Diệu Anh, Học viên An ninh nhân dân; “Những giá trị của văn hóa truyền thống trong đó có tín ngường thờ Thần của người dân vùng đồng bằng Bắc bộ” của PGS.TS. Trần Đăng Sinh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; “Vấn đề ly khai tự trị liên quan đến tôn giáo vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay” TS. Lê Tâm Đắc, Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; “Những chuyển biến trong chính sách, pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam thời gian qua” của TS. Nguyễn Thị Quế Hương, Viện Nghiên cứu Tôn giáo; “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo trong thời kỳ đổi mới” của TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh, Ủy ban TW MTTQVN.

Các nhà nghiên cứu trình bày tham luận và phát biểu tại Hội thảo

 

Thu Thủy