Phát huy giá trị kho tàng di sản tư liệu về Phật giáo Việt Nam
Ngày đăng: 23/09/2022
Ngày 22/9, Lễ ra mắt Trung tâm tư liệu Phật giáo Việt Nam thuộc Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã diễn ra tại chùa Đại Từ Ân, huyện Đan Phương, TP. Hà Nội.

Hòa thượng Thích Gia Quang chúc mừng Ban Điều hành Trung tâm tư liệu Phật giáo Việt Nam tại Lễ ra mắt

Tham dự sự kiện có Hòa thượng Thích Gia Quang và Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN); ông Lê Minh Khánh, Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ; GS.TS Lê Mạnh Thát; GS.TS Đinh Khắc Thuân, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, GS.TS Nguyễn Hồng Dương, Viện nghiên cứu Tôn giáo; PGS.TS Trần Thị Kim Oanh, Trưởng bộ môn Tôn giáo học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Thượng tọa Thích Tiến Đạt, Trụ trì chùa Đại Từ Ân, Giám đốc Trung tâm tư liệu Phật giáo Việt Nam, cho biết, “Sau nhiều năm ấp ủ ý tưởng xây dựng một trung tâm tư liệu nhằm mục đích sưu tầm các nguồn tư liệu về Phật giáo Việt Nam ở trong và ngoài nước, tiếp đến là bảo quản, nghiên cứu phát huy giá trị của nguồn tư liệu, phục vụ đào tạo cho các tăng, ni, phật tử, học viên, sinh viên về Phật giáo nói chung và các kiến thức liên ngành liên quan đến Phật giáo nói riêng. Được sự đồng ý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Phân Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội đã quyết định thành lập Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam thuộc Phân Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội.

Trung tâm sẽ sưu tầm, bảo quản, kết nối để sưu tầm được các nguồn tư liệu đang tản mát nhiều nơi trên cả nước và tiến tới là ở nước ngoài. Tiến tới phục vụ khai thác tư liệu nhằm phát huy được giá trị to lớn của tư liệu liên quan đến Phật giáo nước nhà.”

Không gian Trung tâm tư liệu Phật giáo Việt Nam tại chùa Đại Từ Ân

Trong quá trình hình thành và phát triển Phật giáo tại Việt Nam, mỗi một giai đoạn, một triều đại đều để lại những dấu ấn riêng cho sự phát triển của Phật giáo; hình thành nên kho tàng di sản tư liệu liên quan đến Phật giáo qua các thời kỳ. Đó không chỉ là kinh sách mà còn là hệ thống kiến trúc, mỹ thuật biểu tượng, di văn, di vật, pháp khí… Đây là nguồn tài sản tri thức lớn của Việt Nam, chứa đựng nhiều lớp thông tin có giá trị to lớn về văn hóa, tôn giáo, xã hội, tín ngưỡng, văn hiến, lịch sử, kiến trúc…

Trải qua thời gian, các yếu tố lịch sử, thiên tai, khí hậu, thời tiết, nhiều tư liệu đã hư hỏng, mất mát; nhiều chùa cổ, kinh sách, khoa cúng các tổ, bia đá đã không còn. Do đó cần thiết phải có một trung tâm sưu tầm lại các nguồn tư liệu của Phật giáo. Việc thu thập, lưu trữ bảo tồn và khai thác, phát huy giá trị của khối tư liệu Phật giáo sẽ góp phần vào việc hoằng dương Phật pháp, lưu giữ truyền thống văn hiến của dân tộc.

Trên thực tế, tại Việt Nam hiện nay, nếu có thể tập hợp được các nguồn tư liệu liên quan đến Phật giáo để xây dựng một trung tâm quy mô sẽ giúp tạo nên sức mạnh tri thức tổng hợp về Phật giáo Việt Nam. Trung tâm này không chỉ cần thiết cho cộng đồng học giả, các chùa ở trong nước sử dụng thuận tiện mà còn thu hút cộng đồng quốc tế đến khai thác, qua đó góp phần phát triển Phật giáo Việt Nam và ngành tôn giáo học, làm cho thế giới biết nhiều hơn đến Việt Nam.

Trên phương diện khoa học - đào tạo, trung tâm tư liệu tổng hợp nghiên cứu Phật giáo Việt Nam góp phần tạo dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cần thiết cho sự phát triển chung của nhiều ngành khoa học; phục dựng lại một cách khách quan, chân thực về vị thế, vai trò của Phật giáo Việt Nam, tính lịch sử, văn hoá, tín ngưỡng, văn học và văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Trên phương diện chính trị - xã hội, một trung tâm dữ liệu tổng hợp sẽ đóng góp vào công tác hoạch định chính sách và xây dựng chiến lược quốc gia về tôn giáo, tín ngưỡng nói chung và Phật giáo nói riêng.

Phát biểu tại lễ ra mắt Trung tâm tư liệu Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Gia Quang chúc mừng và giao nhiệm vụ cho Giám đốc và các thành viên Ban Điều hành Trung tâm. Theo đó, Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam có trên 120 thành viên, cộng tác viên tham gia thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn về công tác sưu tầm, tái tạo, khảo cổ, bảo quản - lưu trữ, nghiên cứu và khai thác dữ liệu, tư liệu Phật giáo, đặc biệt và trước hết là nguồn tư liệu về Phật giáo các tỉnh miền Bắc./.

Ông Lê Minh Khánh, Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ chúc mừng Trung tâm tư liệu Phật giáo Việt Nam

 

Thu Thủy