Kết quả 3 năm thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ ở tỉnh Tiền Giang
Ngày đăng: 20/05/2021Tiền Giang có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, 172 đơn vị hành chính cấp xã, diện tích tự nhiên là 2.510km2, dân số trên 1,7 triệu người, có 230.000 người có đạo, chiếm 14% dân số của tỉnh, có 2.649 chức sắc, 2.791 chức việc, gồm 38 tổ chức của 10 tôn giáo: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, Giáo hội Phật đường Nam tông Minh Sư đạo và Bửu Sơn Kỳ Hương.
Toàn tỉnh có 736 cơ sở tín ngưỡng, 621 cơ sở tôn giáo trong đó Phật giáo có 417 cơ sở, Công giáo có 56 cơ sở, Tin Lành có 12 cơ sở, Cao Đài có 109 cơ sở, Minh sư đạo có 08 cơ sở, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam có 09 cơ sở, Hồi giáo Ấn có 01 cơ sở, Tứ Ân Hiếu Nghĩa có 09 cơ sở và Phật giáo Hòa Hảo có 18 Ban Trị sự cấp xã.
Sau 3 năm (2018-2020) thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (Luật) và Nghị định số 162/2017 (Nghị định), tỉnh Tiền Giang đạt được một số kết quả sau:
- Công tác chỉ đạo, điều hành:
Khi Luật và Nghị định được ban hành và có hiệu lực năm 2018, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung của Luật và Nghị định bằng việc ban hành các văn bản như Kế hoạch số 113/KH-UBND ngày 27 tháng 4 năm 2017 về việc triển khai thực hiện Luật trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; Quyết định số 1290/QĐ-UBND ngày 17 tháng 5 năm 2018 về việc công bố danh mục thủ tục hành chính trong lĩnh vực chính quyền địa phương và tín ngưỡng, tôn giáo thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Sở Nội vụ.
Công tác ban hành văn bản điều hành chỉ đạo thực hiện Luật và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tín ngưỡng và tôn giáo phù hợp với thực tế địa phương, đáp ứng được nhu cầu hoạt động tâm linh của tổ chức và cá nhân tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh.
- Công tác truyên truyền, phổ biến:
UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật và Nghị định, trong đó, phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức 02 cuộc Hội nghị phổ biến pháp luật trên 200 chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tổ chức tôn giáo, riêng tỉnh tố chức 01 cuộc hội nghị triển khai Luật cho 200 lượt cán bộ, công chức, viên chức phụ trách công tác pháp chế của các sở, ngành tỉnh và cấp huyện.
Ngoài ra, Sở Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành và địa phương tổ chức được 22 hội nghị phổ biến Luật, Nghị định cho trên 2.100 lượt cán bộ, công chức, viên chức tại các lớp bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng – An ninh đối tượng 4, lớp bồi dưỡng cán bộ đoàn, hội, cán bộ công chức làm công tác tôn giáo cấp xã. Bên cạnh đó, Sở Nội vụ còn lồng ghép tuyên truyền Luật, Nghị định tại ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, các lớp giáo lý hạnh đường của Cao đài, Phật giáo Hòa Hảo, Minh sư và An cư kiết hạ của Phật giáo được 21 cuộc với 2.3000 lượt chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo.
- Công tác đối với hoạt động tín ngưỡng:
Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 1346/UBND-NCPC ngày 30/3/2020 chi đạo các sở ngành, UBND cấp huyện tăng cường công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng trong tình hình mới và Quyết định số 1837/QĐ-UBND ngày 02 tháng 7 năm 2020 ban hành Qui chế phối hợp công tác tín ngưỡng giữa các sở ngành và UBND cấp huyện. Phối hợp các cấp ngành liên quan giải quyết 01 trường hợp đặt tượng thờ, 01 trường hợp xây dựng sửa chữa cơ sở tín ngưỡng. Các văn bản chỉ đạo, điều hành được ban hành đã giúp các cấp ngành mạnh dạn hơn, không đùn đẩy trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng.
- Công tác đối với hoạt động tôn giáo:
Trong 03 năm thực hiện Luật và Nghị định, tỉnh đã giải quyết 291 hồ sơ thủ tục hành chính về lĩnh vực tôn giáo, đảm bảo đúng quy định, trong đó, bổ nhiệm: 896 lượt chức việc; phong phẩm: 167 lượt chức sắc; thuyên chuyển: 37 lượt chức sắc, nhà tu hành; xây dựng lại 39 công trình tôn giáo; thành lập 07 tổ chức tôn giáo trực thuộc; chấp thuận đăng ký 19 điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung.
Có được một số kết quả trên, có thể nói là do:
Nội dung và từ ngữ dùng trong Luật và Nghị định rất cụ thể đã giúp cán bộ, công chức, viên chức, chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo, người theo tín ngưỡng dân gian dễ đọc, dễ hiểu. Nhất là có các biểu mẫu hành chính ban hành cùng với Nghị định đã giúp cơ quan quản lý trả lời tổ chức và cá nhân tín ngưỡng, tôn giáo được thống nhất, đồng thời giúp người dân thuận lợi trong việc đăng ký, đề nghị, thông báo các hoạt động tín ngưỡng và tôn giáo đến cơ quan Nhà nước, góp phần quan trọng trong thực hiện công tác cải cách hành chính và Chính phủ điện tử.
Công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng và tôn giáo được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm. Cán bộ làm công tác tôn giáo các cấp ngành nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, quyền hạn, có cách nhìn đúng hơn về sự tồn tại của tín ngưỡng và tôn giáo trong đời sống xã hội hiện nay nên mạnh dạn giải quyết nhu cầu tín ngưỡng và tôn giáo theo luật định, góp phần quan trọng cùng Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo đời sống tinh thần của người dân.
Chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo và người theo tín ngưỡng ở các cơ sở tín ngưỡng tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, sự chỉ đạo điều hành của Nhà nước về vấn đề tín ngưỡng và tôn giáo nên yên tâm tổ chức các sinh hoạt tôn giáo thuần túy, tuân thủ qui định của pháp luật; tích cực tham gia các phong trào phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, từ thiện nhân đạo, xóa đói giảm nghèo, các phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, tham gia vào các cơ quan dân cử, làm thành viên mặt trận tổ quốc.
Hữu Đức