Đồng bào Công giáo Phú Thọ tích cực thi đua yêu nước
Ngày đăng: 15/09/2022
Giáo dân xã Hương Lung, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ tham gia làm đường giao thông nông thôn
Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Phú Thọ đã bám sát các cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phong trào của Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, kế hoạch và nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh để cụ thể hóa và đưa phong trào thi đua yêu nước về tận xứ, họ đạo.

Vươn lên làm giàu chính đáng

Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện có 2 tôn giáo chính là Phật giáo và Công giáo. Trong đó, Công giáo có trên 133 ngàn giáo dân, 65 Linh mục thường trú và hoạt động mục vụ trên địa bàn tỉnh; về tổ chức, có 46 giáo xứ với 149 giáo họ, 130 nhà thờ và nhà nguyện, thuộc 2 giáo phận Hưng Hóa và Bắc Ninh.

Trong những năm qua, đồng bào Công giáo tại Phú Thọ tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh” của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Sống tốt đời, đẹp đạo” do Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động. Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Phú Thọ đã phối hợp tuyên truyền, vận động đồng bào Công giáo thực hiện tốt 8 nội dung cụ thể của phong trào thi đua này.

Đến nay, nhiều mô hình phát triển kinh tế của người Công giáo đang đem lại hiệu quả cao, giải quyết việc làm cho nhiều người dân địa phương. Điển hình như: Sản xuất gạch theo công nghệ hiện đại của Công ty cổ phần Xây dựng Nội Thành do giáo dân Phùng Minh Nội (giáo xứ Nỗ Lực) làm Giám đốc; chế biến gỗ, sản xuất gạch không nung và trang trại chăn nuôi của gia đình giáo dân Trần Thị Việt (giáo xứ Mộ Xuân); kinh doanh dịch vụ vận tải của gia đình giáo dân Đỗ Ngọc Sơn (khu 2 xã Ninh Dân, huyện Thanh Ba)…

Theo ông Nguyễn Quyết Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh, đồng bào Công giáo Phú Thọ đã phát huy được tình đoàn kết, giúp nhau vốn, vật tư, kinh nghiệm sản xuất, ngày công lao động để chuyển đổi cơ cấu sản xuất, kinh doanh, mở mang ngành nghề, phát huy thế mạnh của địa phương. Nhiều gia đình tranh thủ được các nguồn vốn vay của Nhà nước, sự giúp đỡ của cộng đồng, năng động, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm đã vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần cùng Nhân dân giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 trên địa bàn tỉnh xuống còn 5,92% (theo chuẩn nghèo mới); ủng hộ 79,8 tỷ đồng vào Quỹ “Vì người nghèo” (năm 2016 - 2020).

Chung tay bảo vệ môi trường, hiến đất xây dựng nông thôn mới

Bên cạnh đó, người Công giáo còn chủ động tham gia giữ gìn an ninh, trật tự xã hội; tham gia chương trình phối hợp “Phát huy vai trò các tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”. Nhiều mô hình đang phát huy hiệu quả như: mô hình "Tổ dân phố an toàn về an ninh trật tự, không có tệ nạn xã hội"; mô hình "Công tác tuần tra nhân dân”; mô hình điểm về khu dân cư bảo vệ môi trường tại Khu 6 xã Sơn Vi (huyện Lâm Thao), Khu 4 phường Vân Phú (thành phố Việt Trì), Khu 13 xã Ngọc Lập (huyện Yên Lập),.. Các giáo xứ, giáo họ thường xuyên tham gia thu gom và phân loại rác thải và xử lý rác thải tại chỗ an toàn; vận động bà con giáo dân tham gia tích cực trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, trong đó giáo dân đã hiến hàng ngàn m2 đất để xây dựng nhà văn hoá và đường giao thông nông thôn, tiêu biểu giáo xứ Ngô Xá (xã Ngô Xá, huyện Cẩm Khê)  rất nhiều hộ giáo dân đã không ngần ngại dỡ tường để hiến đất mở rộng đường giao thông.

Đến nay 13/13 huyện, thành phố, thị xã của Phú Thọ đều xây dựng được mô hình điểm về tự quản bảo vệ môi trường, đem lại cảnh quan khang trang, xanh, sạch đẹp cho quê hương và xứ, họ đạo. Đồng bào Công giáo góp phần không nhỏ cùng Nhân dân đưa 122/196 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 02 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố Việt Trì và thị xã Phú Thọ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Phú Thọ Nguyễn Quyết Tiến cho biết, để phong trào thi đua yêu nước đạt hiệu quả cao và lan tỏa rộng khắp, thời gian qua, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh đã bám sát các cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hướng dẫn của Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, kế hoạch và nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh để cụ thể hóa và đưa phong trào về tận xứ, họ đạo.

Các phong trào, cuộc vận động, nội dung phối hợp đều vì lợi ích cộng đồng, thiết thực với người dân và giáo dân nên đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của giáo dân, góp phần vào những thành quả chung trong sự phát triển của Phú Thọ và lập thành tích mừng Đại hội đại biểu Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tỉnh Phú Thọ lần thứ III sắp diễn ra./

An Luých